(Dân trí) - Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngôi nhà số 8 phố Đại La, vợ chồng ông Sơn bà Nguyệt dù chưa có nhà tái định cư đã phải rời đi tìm nơi ở mới để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai II.
ĐÔI VỢ CHỒNG GIÀ TRONG CĂN NHÀ CUỐI CÙNG BỊ GIẢI TỎA TRÊN PHỐ ĐẠI LA
Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngôi nhà số 8 phố Đại La, vợ chồng ông Sơn bà Nguyệt dù chưa có nhà tái định cư đã phải rời đi tìm nơi ở mới để thực hiện giải phóng mặt bằng cho việc mở rộng đường Vành đai II.
Cuối tháng 9/2020, đường vành đai II đoạn Vĩnh Tuy - ngã tư Vọng được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2012 đã giải tỏa xong hơn 2.000 ngôi nhà mặt phố Đại La và đường Minh Khai. Chỉ còn lại duy nhất căn nhà số 8 phố Đại La vẫn đứng đó chờ đợi.
Đã từng có 8 gia đình cùng sinh sống trong căn nhà số 8 Đại La ấy. 7 gia đình đã rời đi, chỉ còn duy nhất gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn, người đã dọn đến đây ở từ năm 12 tuổi (năm 1955).
Một phòng trên gác hai của ngôi nhà từng là nơi đại gia đình ông sinh sống suốt bao năm qua. Ông Sơn và vợ là bà Nguyệt có 4 người con, 2 trai 2 gái. Tuy nhiên cả 4 người con đều đã chuyển ra ở riêng, người con cả hiện đã vào Nam sinh sống.
Gia đình của ông Sơn đã từng có giai đoạn 11 người sống trong căn phòng nhỏ chỉ khoảng 20m vuông. Sau đó khi các thành viên khác trong gia đình cũng như những người con của ông bà thoát ly chuyển ra ngoài thì từ năm 2005 chỉ còn ông và bà vợ ở lại cho đến nay.
Hiện 7 gia đình tại số 8 Đại La đều đã chuyển đến nơi ở mới trừ gia đình của ông Sơn do có những trục trặc về giấy tờ, có nhiều người trong hộ khẩu và chưa đủ chữ ký của các thành viên nên hiện ông vẫn chưa nhận được nhà tái định cư.
Mặc dù đã gắn bó với ngôi nhà cả đời người, nhiều thế hệ trong gia đình đã sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà này, quyến luyến lắm, tuy nhiên ông Sơn luôn thấp thỏm lo âu chờ ngày chuyển đi để ổn định cuộc sống nơi ở mới.
Xung quanh 2 bên căn nhà là hai khoảng đất trống mênh mông sau khi đã được san ủi bằng phẳng. Trong quãng thời gian chờ đợi hoàn tất thủ tục giấy tờ và nhà ở mới, bà Nguyệt xếp bàn ghế bán trà nước ngay trước cửa nhà để có người qua lại cho đỡ buồn.
Ông Sơn là một cựu chiến binh. Năm 1965 ông đi bộ đội đến năm 1976 trở về và công tác tại Cục đường sông, về hưu năm 1989. Trong những ngày chỉ có 2 vợ chồng cô quạnh trong căn nhà duy nhất còn lại trên phố Đại La, bạn bè ông và các đồng đội cũ thường lui tới chơi, thăm hỏi, trò chuyện.
Bà Nguyệt cũng chẳng muốn phải "mắc cạn" ở căn nhà này thêm lâu nữa. Căn nhà đã xuống cấp từ lâu, bà Nguyệt ngày nào cũng phải xách xô xuống nhà lấy vài lượt nước lên gác để dùng trong sinh hoạt.
Hàng đêm ông bà vẫn phải mắc màn đi ngủ vì môi trường xung quanh nhiều vật liệu xây dựng, rác thải nên ruồi muỗi cũng nhiều hơn.
Căn nhà nằm tại khu vực ngã tư nên hai ông bà bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bụi bẩn, tiếng ồn tại công trường. Căn nhà đã trở nên vô cùng xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt, sàn nhà rung liên tục trong đêm khi các xe tải đi qua.
Do các nhà xung quanh đều đã bị phá, khu vực xung quanh trở nên thiếu vệ sinh khi rất nhiều người qua xả rác cũng như phóng uế bừa bãi, đồng thời tình hình an ninh cũng bị ảnh hưởng. Bà Nguyệt chia sẻ đã từng phát hiện một người nghiện chích ma túy trong chính nhà vệ sinh ở phía ngoài tầng 1 nhà mình. Cảm giác bất an xen lẫn thấp thỏm đợi chờ khiến bà Nguyệt luôn ưu tư suy nghĩ.
Và rồi ông bà cũng đưa ra quyết định dứt khoát, không chờ đợi nhà ở từ đền bù của dự án nữa. Con gái đã thuê cho ông bà một căn phòng chung cư gần đó để ông bà tạm tá túc. Bà Nguyệt nghẹn ngào chắp tay trước tổ tiên, xin được mời các cụ chuyển về nhà mới để ở tạm.
Trước đó nhiều ngày, đôi vợ chồng già cũng đã đóng gói chuẩn bị hết mọi thứ trong nhà, xếp sang phòng trống hộ gia đình bên cạnh (đã rời đi) làm kho tạm.
Thời gian cứ như kéo dài mãi, chầm chậm khi đôi vợ chồng xếp quần áo, những kỷ vật gia đình vào va li. Họ sẽ không bao giờ còn được trở lại, được cảm nhận không gian ấm cúng trong căn phòng gác 2 ngôi nhà số 8 Đại La nữa.
Vào ngày chuyển đi, bạn bè, hàng xóm cũ cũng như vợ chồng của người con út qua giúp ông bà đóng gói quần áo, các đồ đạc trong nhà cũng như những món đồ mang nhiều kỷ niệm.
Ông bà sẽ chuyển sang ở tạm ở một căn chung cư tại Lĩnh Nam do con gái út thuê cho. Nhà tái định cư của ông bà vẫn chưa biết khi nào sẽ được nhận.
Ngày cuối cùng ấy, những người thợ "rã xác nhà" vào tiếp nhận việc phá dỡ. Ông Nguyễn Thanh Sơn cẩn thận cuốn gọn lá cờ Tổ quốc trước hiên nhà vào để mang sang nơi ở mới.
Những gì còn lại trên căn gác hai ngôi nhà số 8 Đại La. Đôi vợ chồng già đã để lại chiếc đồng hồ, một lọ hoa và vài vật dụng nhỏ ý như muốn nói cuộc sống tươi đẹp từng có trong bao năm qua tại đây sẽ tồn tại mãi, không bao giờ mất đi.
Khuôn mặt buồn rầu, đôi mắt đầy ưu tư suy nghĩ của bà Nguyệt khi cùng con cháu rời đi trên chiếc xe tải chuyển đồ. Chuyến đi sẽ không còn có ngày trở lại.
Chiều hôm đó, căn nhà số 8 - căn nhà tồn tại cuối cùng trong kế hoạch giải tỏa giải phóng mặt bằng phố Đại La đã trở thành đống gạch vụn. Chỉ một thời gian ngắn nữa, đường Vành đai II mở rộng sẽ hình thành, mang lại một diện mạo mới nơi đây.