Độc đáo cây cầu vòm sắt nằm lọt thỏm dưới gầm đường Vành đai 3 ở Hà Nội
(Dân trí) - Sau gần một năm thi công, cầu vòm sắt bắc qua hồ Linh Đàm (Hà Nội) đang gấp rút hoàn thành để kịp thông xe vào cuối năm. Đây là cầu vượt nằm dưới gầm cầu cạn Vành đai 3, có thiết kế khá đặc biệt.
Theo đó, nhằm tăng năng lực cho dự án cầu cạn Vành đai 3 đi thấp vượt hồ Linh Đàm đã được thông xe, UBND TP Hà Nội có điều chỉnh bổ sung thêm hạng mục cầu vòm sắt dành cho xe máy.
Cầu vòm sắt dành riêng cho xe máy đi dưới gầm đường vành đai 3 trên cao có mặt cắt ngang cầu rộng 7,5 m, bề rộng phần xe chạy 6 m. Kết cấu nhịp dầm vòm dạng ống thép, tổng chiều dài cầu 297,2 m.
Ông Trần Đức Dũng, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng cầu vòm sắt Linh Đàm cho biết, cầu có dầm, lan can làm bằng sắt hai bên. Hệ thống chịu lực chính của cầu là 2 dàn thép được thiết kế cách điệu dạng hình vòm, vừa đảm bảo an toàn vừa mang lại thẩm mỹ cho cầu.
Trên công trường, một ngày chia làm 3 ca, mỗi ca khoảng 30 công nhân làm việc liên tục không ngừng nghỉ, cố gắng hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Ông Hoàng Đình Hiếu, đại diện nhà thầu Xuân Quang chia sẻ, đây là cây cầu được xây dựng trong điều kiện không gian rất chật hẹp. Khó khăn lớn nhất trong khi xây dựng cầu vòm sắt là do địa thế cầu nằm dưới cầu vành đai 3, hai bên vướng trụ cầu vành đai 3 và cầu đi thấp, cầu nhánh lên. Bên cạnh đó, tĩnh không từ mặt đất tự nhiên đến đáy dầm cầu Vành đai 3 chỉ từ 6-9 m. Cọc khoan nhồi mới nằm cạnh trụ cầu Vành đai 3 sẽ gây ra rung chấn.
Do đó, công tác thi công kết cấu phần dưới như : Cọc khoan nhồi d800, bệ trụ, thân trụ rất vất vả. Đơn vị thi công phải sử dụng máy móc, thiết bị đặc chủng, không có sẵn trên thị trường.
"Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, gây khó khăn trong công tác huy động nhân sự thi công, nhiều trường hợp bị cách ly y tế, nguyên vật liệu nhập khẩu khó khăn, biến động tăng giá vật liệu, thép... cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án", ông Hoàng Đình Hiếu chia sẻ thêm.
Dự án cầu vòm sắt qua hồ Linh Đàm có tổng mức đầu tư là 65 tỷ đồng. Dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng công việc và đang chạy nước rút để kịp về đích trước Tết dương lịch 2022.
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cầu vòm sắt được kỳ vọng sẽ giảm tải lưu lượng giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, khu vực bán đảo Linh Đàm.