DNews

Điều gì khiến TP Thủ Đức chưa có sự đột phá sau gần 4 năm thành lập?

Q.Huy

(Dân trí) - Dù có đủ "thiên thời, địa lợi", TP Thủ Đức vẫn chưa tạo đột phá, đặc biệt là về hạ tầng kể từ khi thành lập. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc xem xét về chiếc áo cơ chế rộng hơn nữa cho mô hình này.

Điều gì khiến TP Thủ Đức chưa có sự đột phá sau gần 4 năm thành lập?

Nửa cuối năm 2020 đến khoảng đầu năm 2021, giá đất khu vực Trường Thọ (quận Thủ Đức trước đây) tăng dựng đứng. Thông tin TP Thủ Đức được thành lập cùng việc Trường Thọ sẽ trở thành một trong 8 khu vực động lực của thành phố mới khiến cơn sốt giá đất bùng lên ở nơi xa trung tâm TPHCM.

Anh Kim Hưng (28 tuổi, ngụ tại phường Trường Thọ) nhớ lại, một căn nhà rộng 60m2 trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Bá được rao bán khoảng 2 tỷ đồng đầu năm 2020 và nhanh chóng đổi chủ. Thời điểm thông tin thành lập TP Thủ Đức được công bố, chủ mới của căn nhà đã bán ngay với giá 2,6 tỷ đồng sau khoảng thời gian ngắn rao bán.

"Nhưng đến nay, cơn sốt giá đất là điều duy nhất tôi cảm nhận rõ được của việc Thủ Đức lên thành phố. Hiện tại, giá đất đã nguội, tôi chưa thấy được những khác biệt rõ ràng về đường sá hay điều kiện sống khác tại nơi gia đình đã sinh sống nhiều thế hệ", anh Hưng chia sẻ.

Điều gì khiến TP Thủ Đức chưa có sự đột phá sau gần 4 năm thành lập? - 1

Trường Thọ được xác định là khu đô thị trung tâm của TP Thủ Đức trong tương lai gần với cụm cảng hiện hữu (Ảnh: Hải Long).

Ngoài khu vực Trường Thọ, 7 nơi còn lại được định hình là trung tâm mới của TP Thủ Đức sau khi thành lập cũng chưa có sự dịch chuyển rõ nét sau gần 4 năm. Tại trung tâm tài chính - công nghệ Thủ Thiêm, những con đường vẫn chờ ngày được kết nối hoàn thiện; trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc vẫn là khu đất trống với những công trình phải tạm ngừng thi công sau hàng chục năm quy hoạch.

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên hồi cuối tháng 10 vừa qua, lãnh đạo TP Thủ Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận, qua gần 4 năm, địa phương chưa đầu tư được nhiều dự án, công trình hạ tầng nổi bật. Đa phần những sản phẩm công trình thời gian qua là kết quả được khởi công, triển khai từ nhiệm kỳ trước.

Người dân chưa thể cảm nhận rõ

"Tôi có nhiều người nhà ở TP Thủ Đức, họ chia sẻ khi lên thành phố thì đời sống, sinh hoạt không có gì thay đổi rõ rệt. Thời gian đầu, họ còn mệt mỏi bởi thay đổi giấy tờ, làm thủ tục hành chính. Vẫn mưa ngập, vẫn kẹt xe, chưa có sự khác biệt", TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mở đầu cuộc trao đổi.

Ông cũng điểm lại, qua các số liệu được cung cấp, các tăng trưởng về năng suất lao động, chỉ số kinh tế của TP Thủ Đức đã tăng lên kể từ khi thành lập. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, sự tăng trưởng đó vẫn có thể đến khi 3 quận trước đây chưa được sáp nhập.

Điều gì khiến TP Thủ Đức chưa có sự đột phá sau gần 4 năm thành lập? - 2

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Q.Huy).

Năm 2020, khi TPHCM rốt ráo hoàn tất thủ tục thành lập TP Thủ Đức, một nguyên lãnh đạo thành phố khi ấy chia sẻ, đó là thời điểm "vàng" để hình thành một thành phố trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước. Nếu lỡ mất thời cơ, đề án thành lập TP Thủ Đức phải chờ ít nhất 5 năm tiếp theo.

TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, bây giờ là lúc nên nhìn lại việc thành lập TP Thủ Đức có được chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, kịch bản phát triển chi tiết hay chưa. Thực tế đến nay, TP Thủ Đức chỉ đang phát triển giống như một mô hình liên huyện.

"Chúng ta cần tự hỏi lại, thời điểm thành lập TP Thủ Đức có phải là thời điểm không thể trì hoãn được không? Vì sao không tính toán mọi việc xong xuôi, mọi thứ chín muồi rồi mới sáp nhập? Giống như một bàn tiệc, cần kê bàn ghế ngay ngắn thì mới mời khách vào dự", vị chuyên gia nêu quan điểm.

TS Nguyễn Hữu Nguyên nhìn nhận, chính sự chuẩn bị chưa kỹ lưỡng này đã dẫn đến thực trạng ùn ứ, tồn đọng công việc, vừa chạy vừa xếp hàng thời điểm TP Thủ Đức mới đi vào hoạt động. Đây cũng là vấn đề được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ ra tại buổi làm việc gần đây với Thành ủy TP Thủ Đức, nguyên nhân thành phố trực thuộc TPHCM tốn nhiều thời gian cho việc ổn định, sắp xếp bộ máy. Hệ quả tiếp đến là việc thực hiện các công trình, dự án lớn bị đình trệ.

Điều gì khiến TP Thủ Đức chưa có sự đột phá sau gần 4 năm thành lập? - 3

Khu vực chợ Thủ Đức vẫn xảy ra cảnh ngập khi mưa lớn (Ảnh: Hải Long).

TS Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá, kết quả đáng ghi nhận nhất của TP Thủ Đức sau gần 4 năm thành lập là lĩnh vực hành chính công. Việc xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính có thể thực hiện trực tuyến với gần 90%, gần 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn.

"Cũng cần nói thêm, điểm tốt ấy thực chất xuất phát từ hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, không cần tốn nhiều công sức, đào tạo quá chuyên sâu hay đòi hỏi quá cao về năng lực nhân sự. Điểm tương phản là việc thực hiện công trình, dự án lớn, cần nhiều khâu, nhiều bước, nhiều thủ tục thì lại chậm trễ", TS Nguyễn Hữu Nguyên chỉ ra vấn đề.

Với góc nhìn tổng quan, chuyên gia của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sau gần 4 năm, sự bứt phá, hiệu quả của mô hình thành phố trong lòng thành phố là chưa rõ ràng. Người dân chưa thể cảm nhận được thành quả của sự thay đổi khi địa phương lên thành phố.

Chưa mang dáng dấp của đô thị sáng tạo

"Thiên thời, địa lợi" là điều PGS TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, đánh giá khi nói về điều kiện của TP Thủ Đức hiện tại. Điểm đáng tiếc, những thế mạnh vốn có của cả 3 quận trước đây chưa được tận dụng để tạo ra những đột phá suốt 4 năm qua.

"TP Thủ Đức là điểm mở đầu của một chuỗi đô thị kéo dài đến khu vực phát triển rất mạnh là Bình Dương, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Long Thành. Vắt ngang qua đó là chuỗi đô thị từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới điểm kết là Hồ Tràm. Đây là những điều kiện cần để TP Thủ Đức đủ sức tăng tốc, nhưng điều kiện đủ phải đi kèm là sự tự do sáng tạo, tự do đột phá", ông Nguyễn Minh Hòa chia sẻ.

Điều gì khiến TP Thủ Đức chưa có sự đột phá sau gần 4 năm thành lập? - 4

PGS TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Trong số những trụ cột phát triển được định hướng ban đầu, khu Đại học Quốc gia, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức được định hình là trung tâm đào tạo, nghiên cứu. Nơi đây sẽ gắn bó mật thiết và liên thông với Khu Công nghệ cao thành phố.

"Tôi chưa thấy được sự hợp tác, liên thông tại TP Thủ Đức như các khu đô thị sáng tạo trên thế giới. Điển hình như thung lũng Silicon (Mỹ), một trung tâm sẽ đảm trách việc nghiên cứu khoa học, đào tạo và sản xuất thử nghiệm. Khi thành công, các thành tựu khoa học sẽ chuyển giao sang khu công nghệ cao để bước vào khâu sản xuất", TS Nguyễn Minh Hòa phân tích.

Về hạ tầng của TP Thủ Đức hiện nay, vị chuyên gia nhận định, các công trình giao thông thực hiện dang dở còn nhiều, vấn đề ùn tắc, kẹt xe chưa có sự chuyển biến. Điển hình là các tuyến vành đai 2, vành đai 3, dự án cải tạo đường Lương Định Của vẫn chưa thể hoàn thiện.

Điều gì khiến TP Thủ Đức chưa có sự đột phá sau gần 4 năm thành lập? - 5

Một đoạn vành đai 2 đi qua TP Thủ Đức đang chờ ngày khởi công (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bên cạnh đó, người dân sinh sống tại thành phố trong lòng TPHCM vẫn phải chịu cảnh ngập nước nghiêm trọng. Chất lượng sống, cảnh quan môi trường, diện mạo đô thị gần như chưa có sự chuyển biến đáng kể so với trước khi sáp nhập 3 quận.

"Gần 4 năm không phải quãng thời gian ngắn nhưng sự thay đổi của TP Thủ Đức kể từ khi thành lập là không nhiều, không đủ rõ nét để người dân cảm nhận. Trong quãng thời gian đó, sự phát triển là có, nhưng chưa đột phá, và cũng chưa thể hiện rõ kết quả ấy đến việc thành lập thành phố hay sự tăng trưởng của một xã hội bình thường", PGS TS Nguyễn Minh Hòa băn khoăn.

Theo vị chuyên gia, việc "bước chậm" của TP Thủ Đức không hoàn toàn đến từ nội tại địa phương này. Ông cũng đưa ra góc nhìn, khi đã hội đủ điều kiện để bứt phá với nội lực bên trong lẫn thuận lợi bên ngoài mà mô hình vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ ràng, Trung ương và TPHCM có nên suy nghĩ việc một lần nữa nới rộng chiếc áo cho TP Thủ Đức?

Cần tự do sáng tạo

TS Nguyễn Minh Hòa điểm lại, sau khi sáp nhập 3 quận, TP Thủ Đức có khoảng 1,2 triệu dân chính thức cùng gần 500.000 người làm ăn, sinh sống không cố định tại địa bàn. Với việc bộ máy, thẩm quyền, cơ chế không thay đổi đột phá, người dân có ít địa điểm thực hiện thủ tục hành chính hơn và các cơ quan chính quyền cũng chịu quá tải về công việc, hạn chế sự sáng tạo hơn.

Với cơ chế, thẩm quyền không khác biệt so với đơn vị hành chính cấp huyện như hiện tại, vị chuyên gia cho rằng TP Thủ Đức sẽ khó đạt được kỳ vọng lớn được đề ra. Mặc dù Nghị quyết 98 đã phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực cho TP Thủ Đức, nhưng những nội dung này trong thực tế chưa đủ mạnh để tạo sự thay đổi lớn.

Điều gì khiến TP Thủ Đức chưa có sự đột phá sau gần 4 năm thành lập? - 6

TP Thủ Đức có điều kiện thuận lợi để phát triển khi là điểm đầu của một chuỗi đô thị năng động trong vùng (Ảnh: Hải Long).

"Có thể đã đến lúc, chúng ta cần nghĩ đến việc trao cho Thủ Đức những cơ chế, thẩm quyền của một thành phố trực thuộc Trung ương. Khi được tự do sáng tạo, tự do phát triển, Thủ Đức phát triển mạnh mẽ với những lợi thế sẵn có", ông Nguyễn Minh Hòa góp ý.

Trong trường hợp kiên định với việc phát triển mô hình thành phố trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương, TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng giải pháp đầu tiên phải là Thủ Đức phải được trao quyền mạnh mẽ, được tự quyết về các lĩnh vực trên địa bàn.

"Hiện tại, Thủ Đức được phân cấp, phân quyền, nhưng chỉ là trao quyền theo ngành dọc. Giải pháp tôi đưa ra là nên trao quyền trên địa giới hành chính, Thủ Đức được quyết định mọi việc mà không cần xin ý kiến bất kỳ cơ quan nào. Đương nhiên đi kèm với việc trao quyền này là người đứng đầu các cấp tại TP Thủ Đức phải thật sự mạnh về năng lực, dám suy nghĩ đột phá", vị chuyên gia nói.

Sau bài toán về cơ chế, mô hình, Thủ Đức mới có thể tính toán các giải pháp tiếp theo về quy hoạch, hạ tầng. Trong đó, vấn đề tiên quyết cần khắc phục là chống ngập để người dân sinh sống ổn định, thực hiện dứt điểm những công trình, dự án giao thông đang dang dở.

Với việc quỹ đất trống không còn nhiều, chuyên gia góp ý địa phương cần phát triển các công trình, dự án, phát triển kinh tế theo chiều sâu, tránh việc phát triển theo chiều rộng. Các trung tâm phát triển được định hình trước đây cần có sự liên kết và có nhạc trưởng để dẫn dắt, tránh sự rời rạc như hiện tại.

"Thủ Đức cần đầu tư nhiều cho các ngành, nghề công nghệ cao, kỹ thuật cao, thâm canh trên một miếng đất nhỏ, tránh các lĩnh vực gia công cho tập đoàn nước ngoài. Về giao thông, phát triển đường trên cao, giao thông ngầm là điều cần đặc biệt lưu ý", ông Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh.

Điều gì khiến TP Thủ Đức chưa có sự đột phá sau gần 4 năm thành lập? - 7

Với việc quỹ đất không còn nhiều, TP Thủ Đức cần quan tâm phát triển đường trên cao, giao thông ngầm (Ảnh: Hải Long).

Còn theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, TP Thủ Đức đang gặp nhiều cái khó và hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Những điều này chỉ TPHCM và TP Thủ Đức mới có thể hiểu rõ nhất và đưa ra lời giải.

"Đầu tiên là Thủ Đức nếu "vừa chạy, vừa xếp hàng" thì phải xác định là đã xếp hàng xong chưa. Nếu đã xong thì cần tăng tốc chạy nhanh, còn chưa xong thì phải có cách xử lý thật khoa học để khơi thông các điểm nghẽn, tạo dòng chảy cho sự phát triển", chuyên gia nêu ý kiến.

Dưới góc nhìn của một người dân, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, TPHCM và TP Thủ Đức cần ngồi lại, đặt lên bàn cân các công trình, dự án lớn nhỏ và xác định đâu là danh mục ưu tiên thực hiện, đâu là điều cấp thiết nhất, người dân chờ đợi nhất để tránh đầu tư dàn trải. Việc này thuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền và họ là những người hiểu rõ nhất, đủ cơ sở nhất để đưa ra quyết định.