(Dân trí) - "Ranh giới cực kỳ mong manh vì quy tắc đấu thầu của chúng ta. Không phải chỉ riêng trong ngành y, ngành nào cũng thế, vẫn có quân xanh quân đỏ, vẫn có thông thầu…" - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
ĐẤU THẦU THIẾT BỊ Y TẾ: RANH GIỚI "VƯỢT RÀO" CỰC KỲ MONG MANH
(Dân trí) - "Ranh giới cực kỳ mong manh vì quy tắc đấu thầu của chúng ta. Không phải chỉ riêng trong ngành y, ngành nào cũng thế, vẫn có quân xanh quân đỏ, vẫn có thông thầu…" - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 13/6, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ về những bất cập pháp lý và phân tích nhiều vướng mắc trong đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị y tế hiện nay.
Cần tạo lập hành lang pháp lý cho ngành y
Dự án Luật Khám chữa bệnh trình Quốc hội trong bối cảnh ngành y tế đang trải qua khủng hoảng đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là hành lang pháp lý và những quy định trong đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Chúng tôi chờ đợi Luật Khám chữa bệnh để tạo hành lang pháp lý, tạo một môi trường thuận lợi hơn cho y tế nước nhà phát triển. Tuy nhiên, tôi chưa tìm thấy được điều đó trong bản dự thảo sửa đổi lần này.
Tôi đã từng có những góp ý về y tế cơ sở, y tế dự phòng chúng ta còn nhiều hạn chế, nhưng điều đó không có nghĩa là không có những vấn đề tại cung ứng và điều trị; trong khi đó cung ứng, dự phòng và điều trị là ba chân kiềng tạo nên một hệ thống y tế hoàn chỉnh.
Hiện nay, hệ thống điều trị của chúng ta đang phải đối diện với những thử thách rất lớn. Liệu môi trường đã tạo điều kiện cho các y bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế phát huy được hết chất xám hay chưa, cởi trói được hay chưa? Bởi nếu cởi trói được những vướng mắc thì điều trị sẽ tốt và người dân sẽ được hưởng thụ.
Xương sống của điều trị chính là hệ thống bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, cơ chế tự chủ nhưng tự chủ này chỉ là Nhà nước cung cấp lương hoặc càng lúc càng giảm nguồn ngân sách cho lương của bác sĩ, cho nhân viên y tế còn bệnh viện phải tự chủ về mặt thu - chi.
Tự chủ này chỉ là tự chủ để kiếm nguồn thu nhưng cũng rất khó, tất cả đều phải theo tất cả những quy định. Về tổ chức, anh cũng không tự quyết được ai sẽ là giám đốc của bệnh viện, do đó tự chủ nhưng để người ta có thể phát huy được tính chủ động, suy nghĩ, chất xám của mình để cho chất lượng bệnh viện tăng lên thì chưa có.
Bây giờ rất nhiều y bác sĩ sẽ lựa chọn cách an toàn là không làm gì cả, không mua sắm, không đấu thầu… và cuối cùng thiệt thòi là người bệnh.
Nhiều ý kiến cho rằng giá dịch vụ, chi phí khám chữa bệnh và cơ chế tài chính, đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế có nhiều bất cập, dễ dẫn tới những sai phạm. Theo bà, cần những giải pháp gì để thay đổi tình hình này?
- Phải làm sao để chấm dứt tình trạng trong một bệnh viện công lập có hai loại giá cùng tồn tại là giá dịch vụ và giá bảo hiểm y tế. Chuyện này rất vô lý, không có quốc gia nào như thế. Bây giờ chúng ta phải tính toán làm sao để cho bảo hiểm bảo đảm nguồn thu cũng như đa dạng hóa nguồn thu.
Các nước khác họ cũng làm như vậy, tại sao chúng ta lại làm không được? Chỉ nên thống nhất một giá trong bệnh viện công lập mà thôi và nếu như có thể thì Nhà nước hãy tiến hành một cách công khai, minh bạch, trợ giá cho bảo hiểm như thế nào để cho người dân vẫn được khám, chữa bệnh đúng với chất lượng nhưng bệnh viện vẫn được chi trả đúng theo giá trị chất lượng của các dịch vụ đó.
Liên quan tới cơ chế tài chính của bệnh viện, về cơ sở vật chất chúng tôi cực kỳ khổ sở với cơ chế đấu thầu về thuốc và trang thiết bị y tế. Đấu thầu về thuốc bao nhiêu năm nói mãi rồi, chúng ta vẫn theo cơ chế càng rẻ càng tốt và năm sau phải rẻ hơn năm trước, thậm chí có những trường hợp đấu thầu rồi trúng thầu và chọn giá rẻ nhất rồi nhưng sau đó vài tháng một địa phương khác trúng thầu với giá thấp hơn lại phải áp theo cái giá đó.
Chúng tôi hỏi một câu ngược lại: Nếu thị trường thuốc biến động giống như giá xăng tăng, giá thuốc tăng thì liệu bảo hiểm có thanh toán theo cái tăng hay không? Đây là một cơ chế bất cập và chúng ta nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Trong khi đó, đấu thầu phải thấy mục tiêu cao nhất là để cho người bệnh có thuốc, trang thiết bị với giá hợp lý nhất nhưng phải bảo đảm chất lượng.
Tôi kiến nghị, luật này phải tương thích với những luật khác nữa như Luật Đấu thầu, Luật Bảo hiểm y tế… Tuy nhiên, nhà nước phải có cơ chế riêng để làm sao có được thuốc và trang thiết bị cho bệnh viện.
Chúng ta hãy nhìn xung quanh, các bệnh viện tư nhân có vấn đề gì về thuốc, họ có phải đấu thầu hoặc đấu thầu trang thiết bị không? Đó là tiền của họ, chuyện rất đơn giản. Chúng ta hãy nhìn các nước trong khu vực và trên thế giới, có nước nào đấu thầu như vậy hay không?
"Thiệt hại lớn nhất chính là nhân lực"
Nhiều sai phạm xảy ra trong thời gian qua liên quan đến các vụ đấu thầu thuốc và mua sắm thiết bị y tế. Rõ ràng, thiệt hại ở đây không chỉ là ngân sách mà còn là vấn đề con người, nhân lực ngành y?
- Thực hiện cơ chế đấu thầu như hiện nay, theo tôi thiệt hại lớn nhất chính là nhân lực, không chỉ là nhân lực để tập trung cho công tác đấu thầu đối với từng bệnh viện. Khi các bác sĩ, nhân viên y tế không phải là những người được đào tạo về đấu thầu bận rộn với đủ thứ chi tiết đấu thầu thì không thể tập trung phát triển về mặt chuyên môn, kỹ thuật. Đó là thiệt hại đầu tiên là về nhân lực. Chưa kể sau đó làm sai thì sẽ bị hình sự hóa, như thế sẽ bị mất nguồn nhân lực.
Một vấn đề nữa là nếu thuốc quá rẻ thì sẽ dẫn đến chất lượng không bảo đảm. Cho tới giờ vẫn chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng những việc này có ảnh hưởng đến thời gian điều trị và chất lượng điều trị của các bác sĩ hay không, nhưng làm mất lòng tin của người dân và mất lòng tin của cán bộ y tế.
Tôi thấy hiện có một tình trạng là những công ty dược có thương hiệu và có những sản phẩm uy tín thì dần dần mất thị trường trong các bệnh viện, chủ yếu đẩy mạnh xuất khẩu; còn những thuốc giá rẻ, thậm chí có khi viên thuốc rẻ hơn viên kẹo lại chiếm thị trường trong bệnh viện.
Cái gì không quản được thì cấm là không được. Về mặt cơ chế tài chính, chúng ta phải khẩn trương thay đổi chứ nếu không chúng ta sẽ tiếp tục còn phải trả giá và trả giá đầu tiên là mất cán bộ y tế ở tất cả các cấp.
Tôi không ủng hộ chuyện tiêu cực. Ai tiêu cực, nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng phải xem xét xem chúng ta đã tạo môi trường để cho người ta phát huy y đức được hay chưa?
Về vấn đề nhân lực của bệnh viện hiện nay tại TPHCM đang xảy ra tình trạng các nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt không chỉ là trong hệ thống y tế cơ sở mà còn ở các hệ thống điều trị. Nguyên nhân đơn giản nhất là do đãi ngộ. Học y từ thi đầu vào, cả quá trình học, làm việc đều vất vả, căng thẳng, áp lực hơn rất nhiều so với các ngành khác, nhưng đồng lương thì không có gì phân biệt, không có gì khác cả. Ngoài ra, cơ hội để phát triển nghề nghiệp cũng không nhiều. Do đó, phải quy định trong luật có cơ chế như thế nào để có thể là thu hút nhân tài.
Chúng tôi rất mong những chỉ đạo phải được thể hiện bằng tấm lòng, thực sự muốn gì hay không. Chúng ta càng chậm ngày nào thì hệ thống y tế càng bị bào mòn đi, điều đó sẽ rất đáng tiếc.
Ai dám làm, dám chịu?
Đảng, Nhà nước rất khuyến khích những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, loạt sai phạm trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế vừa qua cho thấy ranh giới giữa "vượt rào" để làm sai rất mong manh?
- Ranh giới cực kỳ mong manh vì quy tắc đấu thầu của chúng ta. Không phải chỉ riêng trong ngành y, ngành nào cũng thế, vẫn có quân xanh quân đỏ, vẫn có thông thầu…
Tốt nhất là chúng ta không nên máy móc áp dụng chuyện đấu thầu đó, chúng ta phải xem mục tiêu cuối cùng là gì và so sánh giữa các giải pháp, cái nào tiết kiệm nhất, cái nào tốt nhất cho dân thì làm. Vấn đề là phải làm sao để cho người ta muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được, chứ còn đấu thầu còn rất nhiều vấn đề.
Theo tôi, gốc cơ bản là phải tính về nhân lực làm sao để cho các cán bộ y tế yên tâm công tác, bớt những phiền hà và mập mờ, túi này túi kia. Bởi một khi người ta đã có ý vi phạm thì sẽ có trăm phương nghìn kế để người ta "bắt tay" với nhau.
Đơn cử như chúng ta phải tính toán lại với các loại thuốc giá cả không chênh lệch nhiều, chúng ta có thể theo định suất mỗi bệnh viện chữa cho bao nhiêu bệnh nhân, phân tích các số liệu của năm trước thì bây giờ tôi giao tiền cho anh, anh làm sao trên thị trường mua bán hóa đơn giá cả đàng hoàng và giá này là Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã duyệt, đừng ngồi xem tiết kiệm bao nhiêu…
Nhiều người đang chọn cách an toàn nhất là không làm gì, trong khi người bệnh đang cần thuốc chữa trị, còn các luật và các quy định hiện chưa được sửa. Theo bà, cần những biện pháp mang tính đột phá nào để cán bộ ngành y không sợ làm sai và người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?
- Với ngành y, hãy nhìn vào sức khỏe người dân.
Theo tôi, phải đột phá từ Trung ương xuống địa phương, phải có sự thay đổi về chính sách, nếu không những sự việc đang xảy ra trong ngành y vẫn sẽ tiếp tục.
Các bác sĩ, nhân viên y tế đủ trình độ để mua, để điều hành các hoạt động của bệnh viện cho đàng hoàng. Nhưng bây giờ người ta sợ, khi luật chưa rõ ràng thì không tránh khỏi những oan uổng. Tuy nhiên, để làm rõ có oan hay không oan thì trước mắt chúng ta mất đi cán bộ y tế và việc đào tạo lại rất mất thời gian, công sức, tiền bạc. Chúng ta nên đơn giản hóa vấn đề.
Ngành y tế cũng là một ngành kỹ thuật trước khi mang yếu tố chính trị, y đức… Bệnh viện muốn có thương hiệu thì bác sĩ phải giỏi, nhưng bác sĩ giỏi thì cũng phải dựa trên trang thiết bị hiện đại và dựa trên đơn thuốc đàng hoàng thì mới làm được.
Tất cả những cái đó không mua được bằng khẩu hiệu, không mua được bằng những mệnh lệnh hành chính mà chúng ta phải tạo ra môi trường pháp lý.
Xin cảm ơn bà!
Như Quỳnh - Quang Phong