Từ "quả bom Việt Á" tới sóng gió ngành y
(Dân trí) - "Tôi nghĩ rằng phải chọn được người đứng đầu ngành y tế có đức, có tài, có trách nhiệm để có thể đồng cảm, chia sẻ với người lao động vượt qua sóng gió hiện nay" - đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.
Sau vụ việc cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt, chiều 8/6, trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đã có những chia sẻ về bối cảnh khó khăn của ngành y và việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo.
Sóng gió ngành y
"Quả bom Việt Á phát nổ" khiến cho ngành y tế chao đảo, các hoạt động khám chữa bệnh và tâm tư của đội ngũ y bác sĩ, người lao động bị ảnh hưởng. Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình hiện nay của ngành y tế?
- Tôi nghĩ ngành y tế chao đảo, công việc của đội ngũ y bác sĩ, người lao động bị ảnh hưởng thì việc chăm sóc cho bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Để đảm bảo cho hoạt động khám chữa bệnh trở lại bình thường, tôi cho rằng cần có sự động viên kịp thời cả về tinh thần và vật chất đối với đội ngũ y bác sĩ, người lao động; tạo mọi điều kiện cho ngành y tế hoạt động. Lãnh đạo ngành y cũng không nên vì những sự cố trong thời gian qua mà chùn bước.
Ngành y tế cần phải duy trì sự hoạt động bình thường, căn cứ vào các quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện công tác đấu thầu thuốc, nhập khẩu trang thiết bị y tế, tổ chức công tác khám chữa bệnh… Thực hiện đúng các quy định như trước khi xảy ra vụ Việt Á thì tình hình hiện nay sẽ dần ổn định, mọi việc sẽ trở lại bình thường.
Bộ trưởng và loạt lãnh đạo từ trung ương tới địa phương rơi vào vòng lao lý vì liên quan tới vụ Việt Á, việc này khiến cho ngành y bất ổn hơn bao giờ hết. Trong khi đó, y tế là một trong những trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Theo ông cần một người như thế nào để ngồi vào "ghế nóng" Bộ Y tế sau loạt bê bối này?
- Tôi nghĩ rằng anh Long bị cách chức, bị bắt là việc của cá nhân anh Long. Những người liên quan tới vụ Việt Á mà bị bắt giam hoặc đang trong quá trình điều tra cũng là việc riêng của họ.
Đối với việc phân công người phụ trách một ngành rất quan trọng, trước mắt Bộ Chính trị, Chính phủ đã phân công một Thứ trưởng tạm thời phụ trách, điều hành hoạt động của Bộ Y tế. Công tác nhân sự của Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện theo quy trình và do cấp có thẩm quyền quyết định.
Tôi nghĩ rằng, phải chọn được người đứng đầu ngành y tế có đức, có tài, có trách nhiệm để có thể đồng cảm, chia sẻ với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động vượt qua sóng gió hiện nay và phát triển ngành y tế trong thời gian tới.
Đã có những bài học nhãn tiền của ngành y tế là người làm chuyên môn rất giỏi khi chuyển sang công tác quản lý lại dính sai phạm rất lớn. Nhiều người cho rằng phải chăng có vấn đề trong công tác bổ nhiệm và phân công vị trí? Nếu như cứ để họ là bác sĩ giỏi, là người làm chuyên môn giỏi thì biết đâu đã không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như hiện nay?
- Tôi cho rằng đó chỉ là một khía cạnh.
Tôi đã từng phát biểu ở nghị trường Quốc hội là hãy để cho các bác sĩ làm công việc chuyên môn, còn trong lĩnh vực quản lý và xây dựng cơ bản cần có những người quản trị tốt mà không phải là bác sĩ hay dược sĩ.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, nếu bác sĩ, dược sĩ ngoài công việc chuyên môn mà có khả năng quản trị tốt, có kinh nghiệm trong công tác quản trị thì cũng nên được phân công làm công tác quản trị.
Quản lý Nhà nước cấp Bộ, ngành, các Sở Y tế… nếu có chuyên môn thì sẽ rất tốt. Bởi khi làm quản lý Nhà nước ở một lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù mà người quản lý không biết về chuyên môn thì rất khó để điều hành công việc.
Đơn cử là giám đốc bệnh viện phải là người có chuyên môn để điều hành hoạt động bệnh viện. Mỗi sáng bệnh viện đều họp giao ban chuyên môn, nếu người giám đốc không có chuyên môn thì làm sao điều hành được đội ngũ y bác sĩ? Nếu cấp thẩm quyền nhận xét đánh giá anh A, chị B có chuyên môn giỏi và năng lực quản trị tốt thì đó là điều có lợi cho cơ quan đơn vị, có lợi cho người dân, người bệnh.
Tôi tán đồng việc bố trí nhân sự quản lý ngành y là phải có chuyên môn, tuy nhiên tùy điều kiện và lĩnh vực, cá nhân để bố trí cho phù hợp, không nhất thiết 100% nhân sự phải là người làm ngành y.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Bài học chọn người của Bác Hồ
Cả ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đều là Ủy viên Trung ương Đảng, có học hàm giáo sư, tiến sĩ nhưng vẫn sai phạm. Theo ông, việc chọn người cần những tiêu chí gì?
- Giỏi ở đây không có nghĩa là chỉ giỏi một lĩnh vực, chỉ giỏi chuyên môn, mà càng lên cao thì hiểu biết càng phải rộng. Đặt vào vị trí nào thì học thức, hiểu biết về lĩnh vực đó, tầm đó phải đầy đủ. Là giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành nhưng khi ở cương vị Bộ trưởng thì yêu cầu quản lý lại khác. Là một chính trị gia thì phải biết khởi xướng chính sách và vận hành chính sách.
Tôi muốn nhắc lại câu chuyện lịch sử và cách chọn người của Bác Hồ theo 3 tiêu chí. Một là tìm hiểu qua bạn bè, bạn bè thừa nhận giỏi thì ắt người đó giỏi; hai là xem hành vi ứng xử của họ trong gia đình, hàng xóm có tử tế hay không, nếu tử tế thì ắt có đạo đức; ba là chất vấn, đặt họ vào những tình huống khác nhau để xem họ xử lý như thế nào thì sẽ biết họ có tài hay không.
Theo tôi, vấn đề hiện nay là việc lựa chọn còn bó hẹp, chưa rộng rãi, chưa công khai. Nếu giải quyết được nhu cầu lựa chọn người rộng rãi hơn, công khai minh bạch hơn thì chắc chắn người tài sẽ xuất hiện.
Xin cảm ơn ông!