Sóng gió ngành y: Đau lòng vì người bệnh thiếu thuốc, không được điều trị
(Dân trí) - "Nhìn những người bệnh bị thiếu thuốc, không được điều trị; thiếu hóa chất, sinh phẩm; không được làm xét nghiệm... mà tôi thấy buồn vô cùng, đau lòng vô cùng!", bác sĩ Nguyễn Anh Trí nói.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí (đại biểu đoàn Hà Nội) mong cộng đồng, nhân dân thông cảm, chia sẻ với ngành y lúc này để cho đội ngũ y bác sĩ vững vàng trở lại.
Bệnh viện công trên toàn quốc đang thiếu vật tư, thiếu thuốc
Chất vấn trước Quốc hội, nhiều đại biểu ngành y cho biết, hệ thống y tế công đang thiếu trang thiết bị, vật tư nghiêm trọng, khiến người bệnh phải ra ngoài mua sắm, chữa trị với giá cao. Từng là cán bộ quản lý trong bệnh viện, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Các bệnh viện công trên toàn quốc hiện nay đang thiếu vật tư, thiết bị y tế, thiếu thuốc men, sinh phẩm. Nguyên nhân là do các giám đốc bệnh viện không mặn mà lắm, thậm chí người ta ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế.
Đó là thực tế xảy ra rất phổ biến ở các bệnh viện công, đã được báo chí, xã hội lên tiếng. Cá nhân tôi cũng thấy điều đó. Đây là điều đáng quan ngại vì nó ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc ở bên ngoài với giá cao nhưng không kiểm soát được chất lượng.
Liệu có phải do nhiều cán bộ quản lý của ngành y từ Trung ương đến địa phương vướng vào vòng lao lý, đặc biệt là trong vụ Việt Á, hay do những vướng mắc của cơ chế nên dẫn đến thực trạng trên, thưa ông?
- Nhìn bề ngoài, nhiều người cho rằng, hiện có nhiều cán bộ y tế sai phạm (từ cấp nhỏ như trưởng khoa đến cấp giám đốc bệnh viện, thậm chí lên đến cả Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế) dẫn đến cán bộ y tế đương chức sợ không dám làm.
Dư luận chung thường hay nói như vậy. Từng là người làm công tác quản lý trong ngành y và cũng là đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng trên là trong hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều chỗ còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp so với thực tế.
Tất nhiên cũng có chuyện này, chuyện kia mà nhiều cán bộ vấp phải khi làm, đặc biệt trong quá trình chống dịch. Nhưng đến nay, những người làm quản lý trong ngành y khi nhìn nhận lại, họ thấy rằng một phần là do cơ chế đang bị thiếu nên nếu làm thì sẽ vi phạm, chứ không phải là họ sợ.
Cho nên vấn đề đội ngũ quản lý trong ngành đang mong chờ là sự thay đổi, bổ sung, cập nhật hành lang pháp lý để yên tâm khi làm việc.
Trong thời gian chờ sửa đổi các quy định, theo ông có biện pháp nào cần giải quyết ngay để các y bác sĩ yên tâm làm việc mà không sợ sai?
- Theo tôi, các cơ quan quản lý từ cấp Bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các quy định bảo đảm sự yên tâm cho cán bộ ngành y triển khai các biện pháp để có thuốc men, vật tư y tế để phục vụ người bệnh.
Còn về lâu dài thì phải rà soát tất cả hệ thống pháp luật, như Luật Khám chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Y học dự phòng… nếu thấy chỗ nào chưa phù hợp với thực tiễn, thậm chí còn kẽ hở thì phải sửa.
Việc sửa luật như vậy để cho đội ngũ cán bộ trong ngành y yên tâm khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, nó còn làm cho những người làm công tác quản lý nếu có lòng tham, người có ý định tư túi cũng không có cơ hội. Và cũng để họ biết sợ không dám vi phạm, bởi nếu thực hiện hành vi sai trái thì phải trả giá rất đắt.
"Thiếu hành lang pháp lý chuẩn mực nên khi làm dễ bị vướng, bị sai"
Nhiều người cũng cho rằng, số cán bộ ngành y vướng vòng lao lý vừa qua cũng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, còn thực tế vẫn có rất nhiều cán bộ "lương y như từ mẫu", luôn ngày đêm cống hiến hết mình vì người bệnh?
- Nhân đây tôi cũng muốn nói, cán bộ y tế được cử làm quản lý, không phải họ xấu cả. Nhưng vì lâu nay chúng ta thiếu một hành lang pháp lý chuẩn mực, đầy đủ, nên có những việc khi làm bị vướng, khi làm bị sai. Nhất là những việc như "chống dịch như chống giặc, cứu người như cứu hỏa" - rất gấp, nên dễ bị sai.
Tôi cũng không loại trừ có những người khi được bổ nhiệm rất tốt, nhưng trong quá trình làm việc, họ thấy được kẽ hở của pháp luật nên tính xấu nổi lên dẫn đến những việc làm sai trái. Tôi không bào chữa cho cái đó vì họ đã bị xử lý thích đáng.
Do vậy, tôi mong việc sửa luật thật chặt chẽ để không còn những kẽ hở cho những cán bộ quản lý trong ngành y tế thực hiện những việc sai trái.
Để cán bộ ngành y vững tâm vượt qua sóng gió, phục vụ người bệnh được tốt hơn, theo ông, ngoài việc sửa đổi chính sách thì xã hội cần chia sẻ những gì?
- Theo tôi đây là vấn đề rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đối với ngành y trong giai đoạn này. Theo đó, Chính phủ và các Bộ ngành phải vào cuộc ngay để cho những cán bộ trong ngành y cảm thấy sự động viên, chia sẻ với những khó khăn trong công việc.
Đối với nhân dân, xã hội, cộng đồng cũng phải hết sức chia sẻ với ngành y lúc này. Bởi nếu thấy sai trái mà chỉ đả kích thì rất dễ, nghe cũng thấy sướng tai. Nhưng tôi muốn nói rất thật là sự chia sẻ với ngành y lúc này là vô cùng cần thiết, để những cán bộ quản lý trong ngành bình tâm trở lại, yên tâm làm việc. Suy cho cùng lợi ích cho người bệnh vẫn là trên hết. Nếu để cán bộ quản lý ngành y còn lo lắng, ngần ngại như hiện nay thì tác hại, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là đến người bệnh.
Từng là một cán bộ quản lý trong ngành y, đến giờ nhìn những người bệnh cũ bị thiếu thuốc không được điều trị, bị thiếu hóa chất, sinh phẩm không được làm xét nghiệm mà tôi thấy buồn vô cùng, đau lòng vô cùng. Cho nên tôi rất mong cộng đồng, nhân dân hết sức thông cảm, hết sức chia sẻ để giúp cho ngành y tế vững vàng trở lại.
Xin cảm ơn ông!