DMagazine

Cựu chuyên gia 4 lần thoát chết và nỗi ám ảnh về chế độ diệt chủng Pol Pot

(Dân trí) - Hơn 43 năm trôi qua, nhưng nỗi ám ảnh về sự tàn ác của chế độ diệt chủng Pol Pot còn nguyên trong ký ức cựu chuyên gia Lê Đăng Cúc. 4 lần thoát chết nhưng ông tự hào vì được giúp đất nước bạn.

Hơn 43 năm trôi qua, nhưng nỗi ám ảnh về sự tàn ác của chế độ Pol Pot vẫn còn nguyên trong ký ức cựu chuyên gia Lê Đăng Cúc. Bốn lần thoát chết, nhưng ông tự hào vì được nhận nhiệm vụ giúp đất nước bạn.

Cựu chuyên gia 4 lần thoát chết và nỗi ám ảnh về chế độ diệt chủng Pol Pot - 1

Ông Lê Đăng Cúc sinh năm 1942, tại một làng quê nghèo của xã Thạch Long, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 24 tuổi. Trưởng thành từ phong trào Đoàn, ông từng là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện đoàn Thạch Hà (1967-1970). Năm 1971-1972, ông được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp, ông Cúc được bầu giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà.

Tháng 4/1979, khi chế độ Khmer Đỏ vừa bị lật đổ, chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia mới được thành lập nên còn non trẻ, cả hệ thống chính trị buộc phải gây dựng lại từ đầu. Trước sự khó khăn ấy, Đảng ta đã cử các đoàn chuyên gia, cố vấn sang để giúp nước bạn xây dựng lại chính quyền. Ông Cúc vinh dự là một trong số các cán bộ được Trung ương cử làm Trưởng đoàn chuyên gia cấp huyện sang tỉnh Kompong Thom (Campuchia) để làm nhiệm vụ cao cả ấy.

"Lúc đó, theo chủ trương của Đảng, chúng tôi được cử sang cố vấn để tái thiết lại hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương", ông Cúc cho biết.

Cựu chuyên gia 4 lần thoát chết và nỗi ám ảnh về chế độ diệt chủng Pol Pot - 3

Ngày ông Cúc sang đất nước Campuchia, con gái thứ 4 của ông chưa tròn một tuổi. Nỗi lo lắng bao trùm trong tâm trí ông. Nhưng được sự động viên của người vợ, ông đã yên tâm lên đường để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

"Lúc ấy tôi cũng là một đảng viên, nên ý thức được trách nhiệm của mình. Tôi động viên ông ấy cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để sớm trở về. Ở nhà tôi có thể chăm sóc được cho bố mẹ và các con", bà Nguyễn Thị Anh (vợ ông Cúc), chia sẻ.

Mặc dù đã nghe, đọc thông tin trước đó về sự độc ác, dã man của chính quyền Khmer Đỏ, nhưng những gì chứng kiến lúc vừa sang nước bạn ngoài sức tưởng tượng của ông. Cả đất nước Campuchia, từ Thủ đô Phnom Penh đến các vùng quê như tỉnh Kompong Thom đều trong tình trạng hoang tàn, đổ nát sau những cuộc tàn phá và thảm sát của quân Pol Pot. Những khu mộ tập thể, nhà chứa hài cốt có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thi thể; người dân sống trong cảnh đói khát...

"Khi chạm chân đến đất nước Campuchia, chúng tôi thực sự bị "sốc", mặc dù trước đó đã nắm được sự độc ác, tàn khốc của quân Khmer Đỏ, nhưng đến tận nơi thì quá sức tưởng tượng. Hầu như ngày nào cũng có người dân bị chết vì đói", ông Cúc nhớ lại.

Cựu chuyên gia 4 lần thoát chết và nỗi ám ảnh về chế độ diệt chủng Pol Pot - 5
Cựu chuyên gia 4 lần thoát chết và nỗi ám ảnh về chế độ diệt chủng Pol Pot - 7

Là Trưởng đoàn chuyên gia giúp tỉnh Kompong Thom xây dựng lại chính quyền cấp huyện, ông Lê Đăng Cúc cùng 9 thành viên trong đoàn bắt đầu thực hiện nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia. Đồng thời đào tạo, đưa họ vào những vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền còn non trẻ lúc bấy giờ.

"Quan điểm của Đảng ta lúc ấy cứu bạn là cứu mình, giúp bạn là giúp mình. Không được kể công với bạn. Phương châm của ta là giúp bạn làm chứ không làm thay bạn. Vì giúp bạn làm có thể mất nhiều thời gian nhưng sẽ vững chắc hơn", ông Cúc cho biết.

Năm 1981, sau khi hệ thống chính quyền của nước bạn cơ bản đi vào ổn định, Đảng ta chủ trương rút các đoàn chuyên gia cấp huyện về nước. Ông Lê Đăng Cúc là một trong hơn 30 người được giữ lại tiếp tục làm chuyên gia cấp tỉnh, phụ trách tại tỉnh Kompong Thom.

Ông Lê Đăng Cúc kể: "Với chính sách ngu để trị, Khmer Đỏ đã tìm giết những người thuộc tầng lớp trí thức. Vì vậy, lúc sang cố vấn giúp nước bạn xây dựng lại chính quyền, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để tìm những người ưu tú ra làm việc".

Một trong những trí thức tiêu biểu được phát hiện để lại cho ông Cúc nhiều ấn tượng đó là ông Xanh Phon. Vì quá sợ hãi về sự tàn ác của chế độ diệt chủng, ông Xanh Phon đã hóa trang thành một người chăn bò cho chính quyền Pol Pot trong rừng sâu. Nhiều năm liền, ông không tiếp xúc với ai, nên râu tóc để dài như người rừng…

Ban đầu, mục đích của đoàn chuyên gia là tuyên truyền để người dân Campuchia cũng như ông Xanh Phon hiểu được chính quyền cách mạng, tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng bất ngờ là sau khi cảm hóa được, đoàn chuyên gia mới biết ông là một trí thức giỏi và mời ra làm việc.

"Thời điểm đó, ông Xanh Phon đã gần 50 tuổi, có bằng tiến sĩ văn hóa, được đào tạo ở Pháp trước đó. Tuy nhiên, dưới chế độ Khmer Đỏ, ông quá sợ hãi nên buộc phải giấu xuất thân của mình, giả làm một người bình thường. Sau khi được tuyên truyền, ông mới tin vào quân tình nguyện, các chuyên gia Việt Nam", ông Cúc nhớ lại.

Cựu chuyên gia 4 lần thoát chết và nỗi ám ảnh về chế độ diệt chủng Pol Pot - 9

Sau đó, khi biết được trình độ của ông, chính quyền cách mạng Campuchia đã tín nhiệm bầu ông làm trưởng phòng văn hóa cấp huyện, rồi lên Trưởng ty Thông tin - Văn hóa tỉnh Kompong Thom và sau này là Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa Campuchia.

"Đó là một trí thức để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Tháng 10/1983, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi về nước và cũng không còn liên lạc với ông Xanh Phon nữa", ông Cúc cho biết.

Cựu chuyên gia 4 lần thoát chết và nỗi ám ảnh về chế độ diệt chủng Pol Pot - 11

Trong khoảng thời gian 4 năm 8 tháng làm nhiệm vụ tại nước bạn, ông đã 4 lần "chết hụt" trước âm mưu triệt hạ của kẻ thù. Trong 4 lần "chết hụt" ấy, có lần ông gặp may, nhưng cũng có lần nhờ những người dân Campuchia báo tin.

Ông vẫn nhớ như in vào tối 18/12/1980, sau khi làm việc xong, ông Cúc ngủ ngay trên gác của lán trại. Đến đêm khuya bảo vệ báo có 2 mẹ con muốn gặp ông. Lúc ấy mặc dù rất mệt và cũng lo ngại nhưng cuối cùng ông vẫn đồng ý gặp.

"2 mẹ con đội một mâm hoa quả như kiểu đi chùa về. Gặp tôi, người mẹ giọng run run bảo là vào đêm 23 tháng chạp này quân địch sẽ tập kích vào lán trại để tiêu diệt tôi và đoàn chuyên gia. Nhờ được 2 mẹ con báo tin kịp thời nên tôi không những thoát chết mà còn chủ động lên phương án để bắt được tên chủ mưu", ông Cúc nhớ lại.

Hay lần "chết hụt" vào năm 1982. Hôm đó là ngày 12/2/1982, đoàn chuyên gia của ông sẽ có chuyến công tác xuống một xã vùng sâu của tỉnh Kompong Thom. Lịch di chuyển đã được ấn định là vào lúc 7h sáng ngày 12/2. Tuy nhiên, do sáng hôm ấy, ông Cúc còn bận xử lý chút công việc nên lịch di chuyển bị muộn hơn dự kiến 30 phút, nhưng chính sự chậm trễ này lại cứu cho ông một mạng.

Cựu chuyên gia 4 lần thoát chết và nỗi ám ảnh về chế độ diệt chủng Pol Pot - 13

"Vào thời điểm đó, có một chiếc xe ô tô khác cũng di chuyển lúc 7h trên cung đường đến xã mà chúng tôi dự kiến xuống. Quân địch tưởng đó là xe của chúng tôi nên đã xả một "trận mưa B40". Đoàn người trên xe đã chết hết", ông Cúc vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại.

Ngoài những lần "chết hụt" trước sự tấn công của tàn quân Pol Pot, câu chuyện của bà Kao Cheng Hua - nguyên Trưởng ty Trung tâm Văn hóa tỉnh Kompong Thom, cũng làm ông nhớ mãi. Bà Cheng Hua từng là một giáo viên, lúc quân Pol Pot về làng, chúng đã bắt và giết chồng cùng 2 con trai của bà, thả cho cá sấu ăn.

Nỗi đau đớn khiến bà Cheng Hua như "hóa điên". Nhưng khi chứng kiến những việc làm của ông Cúc cùng đoàn chuyên gia giúp quê hương hồi sinh, bà bắt đầu thức tỉnh, rồi tham gia tổ chức Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia. Bà được đào tạo và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền…

Cựu chuyên gia 4 lần thoát chết và nỗi ám ảnh về chế độ diệt chủng Pol Pot - 15

Trước ngày ông Cúc về nước, bà Cheng Hua đã viết cho ông những dòng lưu bút bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến ông và đoàn chuyên gia Việt Nam. Những dòng lưu bút ấy, ông Cúc luôn giữ bên mình và xem đó như là "báu vật" của đời ông.

Sau thời gian làm chuyên gia giúp Campuchia gây dựng lại chính quyền, trở về địa phương, ông Lê Đăng Cúc tiếp tục đảm nhận nhiều vai trò tại huyện Thạch Hà. Đến năm 2001, dù nghỉ hưu nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội với nhiều vai trò ở địa phương, thôn xóm.

"Giờ đây nhìn những thành tựu của nước bạn, tôi càng thấy những việc làm của mình và đoàn chuyên gia Việt Nam lúc bấy giờ thật ý nghĩa. Càng thêm tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước Việt Nam - Campuchia", ông Lê Đăng Cúc bày tỏ.

Nội dung: Xuân Sinh

Thiết kế: Thủy Tiên