PhotoStory

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành

Thực hiện: Nam Anh - Ngà Trịnh - Tâm Linh

(Dân trí) - Chuyển về khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn gần hai năm, vì thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội, người dân vẫn phải lội ngược về gần nơi ở cũ để đi chợ, đi học.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 1

Nằm trong công tác xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cách khu công trường đang mù mịt bụi đỏ rầm rập thi công khoảng vài cây số, là khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (xã Lộc An, huyện Long Thành) - nơi sinh sống mới của người dân di dời từ dự án.

Quy hoạch diện tích hơn 280ha, nơi đây được mong đợi trở thành khu đô thị hiện đại nhất địa phương với đầy đủ hệ thống đường giao thông, điện, nước, viễn thông, phòng cháy chữa cháy, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải...

Cuộc sống người dân ở khu tái định cư dự án sân bay Long Thành (Video: Ngà Trịnh).

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 2

Dự án khu tái định cư khởi công năm 2019 và đưa vào sử dụng cuối năm 2021, dự tính quy mô 28.000 người khi lấp đầy. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay có 3.433 hộ dân được phê duyệt tái định cư, khoảng 1.300 nhà đã xây xong, hơn 800 hộ đang xây nhà.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 3

Bộ mặt hiện tại của khu tái định cư có diện tích rộng rãi, thông thoáng. Trục đường chính trong khu rộng đến 8 làn xe. Các lô đất đã mọc lên nhà cửa khang trang, nhiều căn cao tầng.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 4

Anh Vũ Hậu (33 tuổi) tận dụng khoảng trống trước nhà để trồng rau củ. Anh cũng như phần lớn người dân ấp Suối Trầu cũ đã gắn bó với hoạt động nông nghiệp từ lâu, nay tranh thủ mượn các khu đất trống ở khu tái định cư để trồng trọt, có rau ăn hàng ngày hoặc để bán kiếm thêm thu nhập.

"Từ ngày chuyển về khu tái định cư này sinh sống, tôi đi làm nhanh hơn do đường đẹp, có nhà cửa khang trang, chất lượng sống cũng được thay đổi rõ rệt, mọi thứ với tôi đang dần tốt lên", anh Hậu chia sẻ.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 5

Tuy nhiên, không phải ai cũng như anh Hậu có việc làm ở công ty. Những người dân trước đây sống nhờ nương rẫy, đều có thời gian "thất nghiệp" khi đến khu tái định cư, buộc phải tìm kế sinh nhai khác.

"Nhà may mắn bốc được lô đất mặt tiền ngã tư thì mở cửa hàng tạp hóa, quán ăn uống, chứ đất ở trong góc thì chẳng mấy ai thấy mà đến mua. Bà con mong được bố trí nhiều việc làm tại chỗ, chứ ở nhà cao cửa rộng mà không có tiền sống thì vẫn khổ", ông Đặng Văn Dư (cư dân ấp Suối Trầu cũ) bày tỏ ý kiến.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 6

Thậm chí, dù được đền bù mảnh đất cả trăm mét vuông, nhiều người dân tái định cư lại không có tiền làm sổ đỏ và xây nhà, đã chấp nhận bán "non" với giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ để đủ tiền mua mảnh đất nhỏ, giá thấp hơn mới vừa tiền xây tạm căn nhà.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 7

Không chỉ bị ảnh hưởng kế sinh nhai, người dân khu tái định cư cũng chưa được sử dụng đầy đủ dịch vụ, tiện ích, do các công trình này chưa được xây dựng, đặc biệt là thiếu trường lớp.

Cụ thể, những dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn gồm 11 công trình: 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở, chợ, trung tâm văn hóa và trụ sở UBND xã, với tổng giá trị gần 228 tỷ đồng. 

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 8

Trong đó, trụ sở UBND địa phương đã xây xong, nhưng chưa đưa vào hoạt động, để cỏ dại mọc um tùm xung quanh. 

Hơn hai năm qua, đến nay mới có 2 công trình là trường mầm non Suối Trầu và trụ sở UBND xã xây xong. 3 công trình đạt 70-91% giá trị hợp đồng và đang được thi công hoàn thiện. Còn 6 gói thầu bị chậm tiến độ, mới chỉ hoàn thành khoảng 18-20%.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 9

Trong số 8 trường học, duy nhất trường mầm non Suối Trầu đã đi vào hoạt động, hiện có 145 trẻ là con của người dân trong khu tái định cư theo học.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã chỉ đạo các cấp ban ngành sớm xây dựng các trường học trước tháng 8/2023 để kịp năm học mới cho học sinh đến trường ngay trong khu tái định cư.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 10

Tại cụm đất quy hoạch trường học, các công trình bê tông vẫn dang dở. Hiện giáo viên và học sinh các trường ở ấp Suối Trầu cũ (nay là nơi thi công sân bay) phải đi học nhờ cơ sở vật chất trường tiểu học Bình Sơn cách đó 3-4km và đang là "tâm bụi".

Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Hữu Chiểu, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Suối Trầu cho biết, việc dạy và học nhờ xảy ra một số sự chồng chéo về giờ học và phòng ốc, chẳng hạn học sinh hai trường vào học lệch giờ gây ồn ào ảnh hưởng đến thầy trò đã lên lớp. Vì thế, giáo viên trường rất mong chờ điểm trường mới ở khu tái định cư xây xong.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 11

"Điện, đường, trường, trạm là cơ sở hạ tầng cần thiết trong khu dân cư. Thế mà ở đây đến chợ để mua đồ ăn hàng ngày còn chưa có, người dân phải về gần chợ cũ hoặc xa hơn để mua đồ, thì làm sao đảm bảo an sinh", ông chủ quán ăn mới mở nửa năm ở khu tái định cư vừa nói, vừa chỉ tay về phía khu đất trống được quy hoạch làm chợ trước quán.

Theo lời chủ quán, khoảng một năm ông chuyển về đây đã thấy vài đoàn nhà thầu đến xem mặt bằng, đo đạc, nhưng không hiểu sao chưa ai xây cất gì.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 12

Để vận động và thu hút người dân về tái định cư ở khu Lộc An - Bình Sơn, dựa trên cơ sở kiến nghị của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đề nghị các ban, ngành địa phương và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) sớm tháo gỡ các vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về giáo dục đặc biệt đối là tiến độ xây dựng 8 trường học trong khu tái định cư... 

Cuộc sống thiếu thốn của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành - 13

Vị trí quy hoạch thuộc dự án xây dựng sân bay Long Thành (Ảnh: Google Maps - Đồ họa: Ngà Trịnh).

Đối với các công trình dang dở, chậm trễ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đã nhắc nhở, lập biên bản nhưng các đơn vị vẫn không thi công nên ban đã chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu này.

Ngày 3/4, UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu này để triển khai thi công, đảm bảo hoàn thành và đưa vào sử dụng trước tháng 9/2023.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, về công tác bàn giao mặt bằng dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, đến nay đã bàn giao được hơn 2.454ha/2.532ha, đạt gần 97% diện tích bàn giao.

Tuy nhiên, UBND huyện Long Thành cho biết hiện vẫn còn vướng 7 hộ dân với diện tích gần 4ha và công trình miếu nằm lọt thỏm trong vùng san nền khu vực 722ha.