Công trình thủy lợi hơn 5.500 tỷ đồng chưa tích nước, thủy điện "chịu chết"
(Dân trí) - Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) giai đoạn 1 chưa tích nước khiến hợp phần công trình thủy điện không thể phát điện.
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An (giai đoạn 1) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phê duyệt năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư phần vốn trái phiếu Chính phủ 3.744 tỷ đồng, bao gồm cả các hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khi quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư và bố trí thêm vốn cho dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT rà soát tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 đã được giao, cân đối bố trí đủ số vốn hơn 234 tỷ đồng để hoàn thành dự án hồ chứa nước Bản Mồng theo tiến độ vào năm 2025.
Dự án được xây dựng trên dòng sông Hiếu, lòng hồ rộng 25km2, chủ yếu nằm tại địa bàn huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa).
Năm 2010, dự án được khởi công, do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 làm chủ đầu tư cụm công trình đầu mối và Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ NN&PTNT), cho biết các bộ, ngành liên quan đã cân đối vốn để dự án hoàn thành đảm bảo tiến độ.
Theo ông Thịnh, tổng mức đầu tư ban đầu là 3.744 tỷ đồng, được điều chỉnh tăng thêm 1.808 tỷ đồng. Như vậy, vốn đầu tư cho dự án này là 5.552 tỷ đồng (không bao gồm nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư hợp phần thủy điện).
Nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 được bố trí 2.056 tỷ đồng, đã được bố trí 1.822 tỷ đồng, còn thiếu 234 tỷ đồng. Phần vốn này Thủ tướng giao cho Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm rà soát, cân đối, bố trí đủ để hoàn thành dự án theo tiến độ và đang chờ phân bổ để tiếp tục thực hiện dự án cho những hạng mục còn lại.
"Số tiền 234 tỷ đồng được bố trí thêm để tiếp tục thực hiện những hạng mục còn lại vẫn chưa về. Hiện phải điều chỉnh dự án đầu tư thì tiền mới về được...", ông Hoàng Xuân Thịnh cho biết thêm.
Cũng theo ông Thịnh, địa bàn Nghệ An phải điều chỉnh tổng diện tích thu hồi đất từ hơn 2.300ha thành hơn 3.000ha (bao gồm, đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác, đất chưa sử dụng.
Còn địa bàn Thanh Hóa phải điều chỉnh tổng diện tích thu hồi đất từ 0ha thành hơn 1.000ha đất thủy lợi thuộc khu vực lòng hồ (xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân) và khu tái định cư ở xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân).
Theo ông Hoàng Xuân Thịnh, hiện nay số hộ phải di dời để tái định cư lên 474 hộ (trong đó, địa bàn Nghệ An 355 hộ, địa bàn Thanh Hóa 119 hộ).
"Nguyên nhân số hộ tại Nghệ An tăng là do thời điểm rà soát trước đây chưa đủ tài liệu chính xác về trích đo và đường viền, đến nay các tài liệu đã cơ bản đáp ứng, đã rà soát lại; một số hộ dự kiến trước đây không di dời, nhưng sau khi rà soát lại đường viền lòng hồ thì bị cô lập, dẫn đến phải di dời; nhiều hộ cưới vợ, gả chồng cho con đã tiến hành tách hộ.
Còn với địa bàn Thanh Hóa, do phương án phê duyệt làm cầu vào vùng cô lập cho 111 hộ không khả thi, phải điều chỉnh thành phương án di chuyển cả 119 hộ dân trong lòng hồ vào khu tái định cư", ông Hoàng Xuân Thịnh cho biết thêm.
Đây là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An, sức chứa 225 triệu m3 nước. Khi đi vào hoạt động, công trình sẽ phục vụ tưới tiêu cho gần 20.000ha đất nông nghiệp ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa và 3 xã của huyện Anh Sơn; cấp nước về sông Cả vào mùa hạn với lưu lượng 23m3/s; cắt giảm lũ vào mùa mưa.
Song song với đại công trình hồ chứa nước thủy lợi Bản Mồng, còn có công trình thủy điện ngay trong hợp phần này. Đó là dự án thủy điện Bản Mồng (thuộc Tổng Công ty Cơ điện xây dựng - CTCP).
Ông Đỗ Minh Tiến, Giám đốc Ban quản lý dự án thủy điện Bản Mồng (thuộc Tổng công ty Cơ điện xây dựng - CTCP), cho biết, đây là công trình thủy điện nằm trong hợp phần thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng. Dự án thủy điện Bản Mông có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
''Công trình đã được hoàn thành phần xây dựng và lắp máy, đường dây 110, đang chờ tích nước để phát điện thương mại. Theo tiến độ, nhà máy sẽ phát điện quý I năm 2021. Tuy nhiên, do hồ thủy lợi chưa tích nước nên chưa phát được điện. Kéo theo đó, mỗi năm chủ đầu tư chúng tôi phải trả tiền lãi ngân hàng và chi phí quản lý, chi phí khác… hơn 110 tỷ đồng'', ông Đỗ Minh Tiến cho biết.
Một số kính tại nhà van côn để điều tiết nước của công trình thủy lợi Bản Mồng bị kẻ gian làm hư hỏng. Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án, sự việc xảy ra đã được báo cáo với công an địa phương để điều tra làm rõ.
Bên cạnh đó, hiện nay do công trình thủy lợi chưa tích nước nên một số người dân địa phương đã tận dụng đất trống để sản xuất hoa màu.
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020, theo đó, diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hơn 1.130ha (địa bàn Nghệ An hơn 500ha, địa bàn Thanh Hóa hơn 580ha).