(Dân trí) - Bắt đầu từ những năm 1990, ông Trần Vũ Bình đã bắt đầu tìm kiếm và phục dựng những di tích, di vật liên quan đến biệt động Sài Gòn, 1 lực lượng đặc biệt mà cha ông - Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai, từng tham gia.
Tự thân tìm hiểu công việc của ba mình, ông Bình dần hiểu ra những điều tưởng chừng không bình thường của ba trong sinh hoạt hàng ngày và vai trò của gia đình đối với công việc của một người biệt động.
Sau giải phóng 10 năm, ông Trần Vũ Bình mới được gọi ông Trần Văn Lai tiếng “ba”. Trước đó, khoảng 2 năm sau giải phóng, ông còn phải nhận là cháu của ba mình. Những người hàng xóm cũng hoài nghi về mối quan hệ của ông Lai và các con. Ông Bình nói một câu với ánh mắt long lên, ửng đỏ: “Năm 1977, tôi mới được nhận cha, nhưng nhận cha mà chỉ kêu là bác”.
Một cảm giác vừa hận, vừa uất và vừa buồn. Hận vì sao máu mủ ruột rà mà người mình gọi là ba xem mình như người dưng, buồn vì sao mình cũng có mẹ có cha mà như đứa trẻ mồ côi. Từ đó, những câu hỏi cứ thôi thúc đứa con người biệt động Sài Gòn đi tìm sự thật. Đây cũng chính là sự khởi đầu cho những di tích và hơn 10.000 hiện vật được phục hồi như hôm nay.
Sau này, ông Bình mới hiểu ra, ba ông làm như thế là bảo vệ sự an toàn cho vợ con và cũng là nguyên tắc làm việc cho tổ chức. Cao hơn nữa chính là sự hy sinh. Khi ông Bình trên bước đường dò tìm sự thật về cha mình, cái cảm giác uất hận và buồn tủi dần biến thành sự thương yêu và kính phục.
“Con cái đi trước ổng đi cửa sau, đi chơi không bao giờ đi chung, ba tui luôn đi sau vợ và con, ghét nuôi chó mà vẫn nuôi vì để bảo vệ chiếc xe chứa nhiều tài liệu mật, đèn trắng 1m2 luôn mở vì ban ngày không ai thấy, ban đêm cứ nghĩ là có người để có thể bỏ cơ sở đi công tác dài ngày, bỏ hết võ trang vào ruột xe để phòng khi hầm ngập nước thì sẽ tự nổi và không rỉ sét…”, ông Bình kể về cách thức ba mình tồn tại và hoạt động trong lòng địch. Ông cũng dí dỏm gọi ba là “kẻ lắm trò”.
Ông Lai bị bệnh và qua đời vào năm 2002. Nói về cha, ông Bình đầy tự hào vì ông Lai là một người sống hết lòng vì tổ chức, vì đất nước. Sau giải phóng gia đình khốn khó, lương không bao nhiêu nhưng bạn bè đồng đội đến than khổ là có bao nhiêu cũng đưa. “Sáu đứa con nheo nhóc thèm ăn phở, tiền dư hàng tháng ông mua tô phở về đổ vào nồi lớn, chế thêm nước sôi, nêm thêm mắm muối. Con nít mà, tức lắm, đổ vậy sao ăn? Ba tôi đứng ngoài nói tụi con ăn đi, ba ăn rồi”, nói đến đây ông Bình chợt nước mắt lưng tròng.
Những năm đầu thập niên 90, khi ông Bình bắt đầu phục hồi lại các di tích thì vấp phải những hoài nghi về ý định của ông vì không ai tin người trẻ như ông đi làm cái chuyện này. “Thời điểm đó không làm thì làm gì còn nhà, hiện vật và con người cho đến hôm nay”, ông Bình nói.
“Địa điểm di tích đầu tiên mà tôi tìm ra và giữ luôn cho đến bây giờ là căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Lúc đó, ba tôi để cho cộng sự là ông Dương Văn Châm ở, trong khi con cái thì không có chỗ ở. Tôi xin ba đến ở chung căn nhà này với ông Châm và phát hiện có hầm bí mật bên dưới nền nhà. Khui lên thì tôi thấy bên trong căn hầm chả còn gì, trống huơ trống hoác”, ông Bình kể.
Trước khi mất, biệt động thành Trần Văn Lai nói khéo với các con: “Nhà này có ở thì ở, nhưng không được sửa chữa”. Mãi đến sau này ông Bình mới hiểu ý nghĩa trong câu nói của ba mình vì thấy có hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất và hệ thống hầm nổi trên trần nhà rất bí mật, cấu trúc căn nhà cũng rất khác lạ nhằm phục vụ công việc, vết tích của giao tranh như vết đạn bắn...
Ông Trần Vũ Bình kể về quá trình phục chế di tích căn cứ biệt động Sài Gòn
Và cho đến bây giờ, ông Bình vẫn còn nhớ như in hiện vật đầu tiên mà ông phục chế lại được chính là chiếc ô tô hiện đậu trong căn nhà ở hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu.
Chiếc ô tô là kỷ vật đầu tiên ông Trần Vũ Bình phục chế. Chiếc xe này đến nay vẫn hoạt động bình thường
“Quá trình phục hồi lại di tích và hiện vật cũng lắm nhiêu khê. Công việc này tuy nó kết thúc chỗ này nhưng lại là khởi đầu mới ở chỗ khác. Sự kiện này tiếp nối sự kiện kia, đi tìm sự kiện kia thì truy ra manh mối của một sự kiện khác. Kết thúc luôn là khởi đầu”, ông Bình hào hứng.
Các công ty du lịch TPHCM từng đặt vấn đề là có nên bán vé với các điểm di tích, nhưng quan điểm cá nhân của ông Bình cho rằng không nên. Bởi một lý do, phục hồi các di tích cũng là làm cách mạng, thời này không chiến tranh, không bom đạn mà không phục vụ người dân miễn phí được thì mình thua các cụ ngày xưa. Các quán cà phê Biệt động Sài Gòn hiện nay của ông Bình không bán vé, chỉ thu tiền thức ăn và nước uống để duy trì hoạt động.
“Ở góc độ phục vụ khách du lịch quốc tế, nếu du khách quá cảnh Việt Nam có thể vào di tích, cho ăn cho uống những đặc sản, cho nghỉ ngơi và được thấy câu chuyện lịch sử với cả một kho hiện vật. Mặc khác, di tích Biệt động Sài Gòn nằm trong thành phố, không phải đi xa”, ông Bình phân tích.
Hiện nhiều thanh niên cũng rất tò mò với những di tích ông Bình đã phục dựng. Giới trẻ đến với quán cà phê Biệt động Sài Gòn thường tự phục vụ, tự trải nghiệm, tìm tòi về một quá khứ hào hùng đội quân đặc biệt. Sắp tới, khách đến với không gian cà phê còn được trải nghiệm thông tin lịch sử trên ứng dụng điện thoại. Thông tin sẽ đầy đủ hơn và chi tiết hơn với những hình ảnh sinh động bằng công nghệ 3D.
“Sắp tới, khi du khách đến với quán cà phê Biệt động Sài Gòn thì sẽ trải nghiệm hình ảnh 3D với những buổi trao đổi mật khẩu với các chiến sĩ biệt động, miệng vẫn nói như tán gẫu, thông tin công việc thì viết giấy chuyền nhau, cầm điện thoại tra vào hiện vật thì thông tin về hiện vật sẽ hiện lên. Còn căn cứ bí mật ở Củ Chi thì du khách sẽ được trải nghiệm môi trường biệt động như thật, đi "lớ ngớ" là có diễn viên áp sát, hỏi đi đâu, làm gì… Đặc biệt hơn khách có thể ngủ lại dưới hầm vũ khí”, ông Trần Vũ Bình chia sẻ về định hướng phát triển du lịch của những di tích Biệt động Sài Gòn.
Tầm tháng 8/2018, ông Trần Vũ Bình, con trai của chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Ở đầu máy bên kia là giọng nói trầm ấm của một người phụ nữ. Cuộc điện thoại đã mở ra ngày hạnh ngộ sau 43 năm giữa ông Trần Vũ Bình và bà Trần Thị Triệu, con gái chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Hãng (Ba Hãng).
43 năm trước, ông Trần Vũ Bình và bà Trần Thị Triệu đã từng gặp nhau khi hai người cha của họ hội ngộ sau ngày đất nước thống nhất. “Khi gặp lại cha tôi, chú Năm Lai thường nhắc cái tên Trần Vũ Bình. Bởi chú luôn hoài niệm về ngôi làng Vũ Thư, Thái Bình, nơi chú được sinh ra. Chú đặt tên con cũng là để nhắc nhớ ngày chú rời làng quê”, bà Triệu kể lại.
Chính vì vậy, khi nghe nhắc đến tên Trần Vũ Bình, một linh cảm nào đó thôi thúc bà phải đi tìm vì bà tin rằng đó là người em bà đã gặp 43 năm về trước. Dù đi đâu, về đâu, câu chuyện lịch sử được người cha kể lại luôn trong tâm trí bà Triệu. Thế nên, bà luôn canh cánh một nỗi niềm là tìm lại bất cứ điều gì có liên quan đến cha, để không bao giờ lãng quên suốt chặng đường mà ông đã sống, đã cống hiến.
Nhiều thế hệ con cháu các biệt động Sài Gòn năm xưa đã tìm đến quán cà phê di tích Biệt động Sài Gòn của ông Bình để tìm lại những kỷ vật mang dấu ấn thời gian, để kể lại cho nhau nghe những câu chuyện cũ của cha ông họ. Và cũng không ít những cuộc hội ngộ chìm trong nước mắt.
Tư liệu bài viết do ông Trần Vũ Bình cung cấp.