DMagazine

Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số

(Dân trí) - Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng không đơn thuần là bước tiến về công nghệ, mà là cuộc chuyển mình chiến lược, mang tính cách mạng về tư duy lãnh đạo, phương thức quản trị và tổ chức bộ máy chính trị.

Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 1
Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 3

Trong vai trò hạt nhân của hệ thống chính trị, Đảng đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ: xóa bỏ tư duy cũ, làm chủ không gian số để phục vụ nhân dân hiệu quả hơn, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức chưa từng có đối với các quốc gia đang phát triển: hoặc nhanh chóng chuyển mình để bắt nhịp xu thế, hoặc tụt lại phía sau. Với Việt Nam, Đảng ta xác định rõ: chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện thể chế và đổi mới phương thức quản trị quốc gia.

Những năm qua, chuyển đổi số trong công tác Đảng đã được đông đảo các tổ chức đảng và đảng viên nhanh chóng đón nhận và đồng lòng ủng hộ, nhất trí. Chuyển đổi số trong công tác Đảng không chỉ áp dụng các công nghệ mới, mà còn là sự đổi mới về tư duy, phương thức hoạt động và cách thức tổ chức công tác của Đảng. 

Trong hàng loạt chủ trương, đáng chú ý có Quyết định 204-QĐ/TW ban hành ngày 29/11/2024 về phê duyệt đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng. Quyết định này không chỉ nhắm đến việc ứng dụng công nghệ đơn lẻ, mà hướng tới xây dựng nền tảng số toàn diện, thống nhất, liên thông trong toàn hệ thống Đảng - từ Trung ương đến cơ sở.

Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 5

Tâm thế "bứt phá tư duy cũ" đã được thể chế trong Quyết định 204-QĐ/TW, nhấn mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng là "nhiệm vụ tất yếu và cấp bách". Theo đó, chuyển đổi số không chỉ dừng ở việc số hóa văn bản hay áp dụng phần mềm, mà hướng đến việc thiết lập một nền tảng số toàn diện, thống nhất và liên thông trong toàn hệ thống Đảng.

Nghị quyết số 57-NQ/TW do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành tháng 12/2024 là dấu mốc quan trọng. Văn kiện này xác định chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột dẫn dắt phát triển. Trong đó, công tác Đảng phải đi đầu, không chỉ ứng dụng công nghệ mà phải thay đổi tận gốc cách tư duy, cách lãnh đạo.

Đáng chú ý, trong Nghị quyết 57, Bộ Chính trị yêu cầu triển khai sâu rộng phong trào "học tập số", nâng cao kỹ năng công nghệ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là bước đi chiến lược, vừa củng cố năng lực tổ chức Đảng, vừa lan tỏa tinh thần đổi mới trong toàn dân.

Tiếp đó, Thông báo số 03-TB/BCĐ (ngày 6/3) của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về hạ tầng số, dữ liệu, thể chế, kỹ năng số, an toàn thông tin…

Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 7

Đây là một chủ trương quan trọng, phản ánh sự đổi mới mạnh mẽ của Đảng trong việc lãnh đạo và quản lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Đảng phát triển và hội nhập với xu thế chung của thời đại. Là những "cuộc chạy đua tất yếu" cần phải bứt phá trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để thực hiện đồng bộ cuộc cách mạng 4.0 từ Trung ương đến địa phương.

Song song, Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư và định danh điện tử cũng là cơ sở dữ liệu cốt lõi, giúp các tổ chức Đảng kết nối và chia sẻ thông tin đồng bộ, từ đó nâng cao hiệu quả phục vụ dân sinh, bảo vệ an ninh và tạo ra nền hành chính- Đảng vận hành trên nền tảng số.

Công cuộc chuyển đổi số trong công tác Đảng đang được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, quyết tâm xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Việc chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là nhiệm vụ cấp bách để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đảng.

Chuyển đổi số trong Đảng có mối liên hệ trực tiếp với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đây không chỉ là bài toán về đổi mới công nghệ, mà là vấn đề đổi mới từ trong tư duy đến cách thức tổ chức bộ máy. Khi Đảng thay đổi, toàn bộ hệ thống chính trị sẽ thay đổi theo.

Trong bối cảnh thế giới chuyển đổi nhanh chóng sang nền kinh tế số, việc Đảng Cộng sản Việt Nam đi trước, dẫn đầu trong chuyển đổi số chính là bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của Quốc gia.

Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 9
Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 11

Ghi nhận thực tế tại nhiều cấp ủy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng.

Tại thị xã Kinh Môn (Hải Dương), câu chuyện chuyển đổi số trong công tác Đảng không bắt đầu từ những khẩu hiệu lớn lao, mà từ những thay đổi cụ thể, từng văn bản, từng thiết bị, từng thao tác trong quy trình lãnh đạo, chỉ đạo.

Ông Nguyễn Vỹ, Bí thư Thị ủy cho biết, việc chuyển đổi số trong công tác Đảng đã giúp các cấp ủy, cán bộ, đảng viên trực thuộc các đảng bộ, chi bộ dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, giấy mực, chi phí di chuyển của cán bộ cấp ủy, đảng viên, nhất là trong giai đoạn sáp nhập các tỉnh thành như hiện nay.

"Chuyển đổi số trong công tác đảng giúp cho lãnh đạo cấp ủy kịp thời đưa các quyết sách, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, của Thị ủy, đến đảng bộ, chi bộ và đảng viên được nhanh chóng, kịp thời. Nhờ thực hiện số hóa các cơ sở dữ liệu trong công tác Đảng được triển khai kịp thời đã góp phần thúc đẩy tuyên truyền quảng bá các di tích lịch sử, quần thể di tích tại địa phương phát triển theo chiều hướng tích cực", ông Vỹ nói.

Thay vì in ấn, gửi phát tay, toàn bộ các văn bản không mật giờ đây được ký số, truyền nhận tức thời qua hệ thống mạng diện rộng của Đảng. Phần mềm Notes 8.5 cùng chữ ký số đã được triển khai từ năm 2011 và hiện đã phổ cập đến 22 xã, phường trên toàn thị xã. Việc xử lý công việc giờ đây có thể thực hiện ngay trên thiết bị di động, mọi lúc, mọi nơi. 

Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 13

"Chúng tôi không bàn lùi. Nếu có vướng mắc thì cùng tháo gỡ, chứ không thể bàn lùi", ông Vỹ nhấn mạnh.

Sự số hóa trong công tác Đảng không chỉ dừng lại ở khâu điều hành, mà còn lan tỏa sang công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương. Nhờ cơ sở dữ liệu được số hóa đồng bộ, các di tích lịch sử, điểm đến văn hóa của Kinh Môn được giới thiệu một cách sinh động hơn trên môi trường mạng, góp phần thay đổi diện mạo thông tin của địa phương.

Đến nay, toàn thị xã đã có 100% xã, phường sở hữu trang thông tin điện tử riêng, đồng thời tích cực triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Hệ thống "một cửa điện tử" đang từng bước thay thế mô hình hành chính truyền thống.

Ở Quận ủy Hoàng Mai, Hà Nội, từ cuối năm 2022, Quận ủy đã ban hành kế hoạch và tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" và phần mềm "Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên". Đây là những công cụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, giúp tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp ủy.

Trên tinh thần quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đảng, Đảng ủy phường Định Công, quận Hoàng Mai đã vận động 100% đảng viên sử dụng điện thoại thông minh và ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử".

Đến nay đã có 97% đảng viên toàn Đảng bộ (2.520/2.592 đồng chí) sử dụng thành thạo ứng dụng.

Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 15
Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 17

Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải là con đường thẳng tắp. Đảng bộ Kinh Môn hiện có hơn 3.200 đảng viên nhận Huy hiệu từ 40 năm trở lên và 1.320 đảng viên cao tuổi miễn sinh hoạt, khiến việc tiếp cận công nghệ gặp nhiều khó khăn.

Phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" chưa thể triển khai đồng bộ cũng vì lý do trên. "Việc cập nhật thông tin hay hướng dẫn sử dụng phần mềm cho người lớn tuổi là một bài toán không dễ giải", ông Vỹ thừa nhận.

"Phải đầu tư bài bản cho con người, chứ không chỉ phần mềm, máy móc. Chuyển đổi số trong công tác Đảng là cuộc đổi mới về tư duy và phương thức tổ chức", ông Vỹ khẳng định.

Không chỉ riêng Kinh Môn, tại Chi bộ 5678 (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Bí thư chi bộ Phạm Mai Khôi cho biết: "80% đảng viên là người lớn tuổi, mắt kém, không quen dùng điện thoại thông minh. Việc ghi nhớ tài khoản, mật khẩu khiến họ e ngại tiếp cận".

Bà Trương Thị Nguyệt- Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 39- chia sẻ, dù đã được Đoàn Thanh niên hỗ trợ tận tình, nhiều đảng viên vẫn còn bỡ ngỡ với ứng dụng công nghệ. Việc "số hóa tận cơ sở" là chặng đường dài, đòi hỏi kiên trì và đồng hành.

Tại Văn phòng Đảng ủy phường Định Công, việc nhập dữ liệu đảng viên lên phần mềm "Điều hành tác nghiệp" vẫn chủ yếu làm thủ công. Dù vậy, bà Lại Quý Linh- cán bộ văn phòng- cho biết: "Chúng tôi đã số hóa toàn bộ hơn 2.500 hồ sơ đảng viên. Dù mất thời gian nhưng tập thể không nản chí. Quan trọng là giữ vững tinh thần: Khó khăn nào cũng vượt qua, như lời Bác Hồ từng dạy".

Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo trong kỷ nguyên số - 19

Thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật ở nhiều nơi còn yếu; hệ thống thông tin phân tán, chưa kết nối xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, mạng thông tin diện rộng của Đảng hiện mới kết nối đến cấp xã, chưa đến được các chi bộ trong doanh nghiệp, trường học, cơ quan...

Mặt khác, nguồn nhân lực am hiểu công nghệ còn thiếu. Cán bộ cấp ủy ở nhiều nơi chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa đủ kỹ năng để vận hành công nghệ hiện đại.

Không phủ nhận những khó khăn khi đưa công nghệ vào một tổ chức vốn quen với hệ thống truyền thống như Đảng. Nhưng chính trong thử thách, quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, loại bỏ tư duy "không làm được thì bỏ" mới là điều đáng quý.

Từ những chuyển động ở Kinh Môn hay Định Công, có thể thấy rằng chuyển đổi số trong công tác Đảng không chỉ là nhiệm vụ công nghệ, mà là bước tiến về tổ chức, về niềm tin, và hơn hết là về tư duy lãnh đạo trong thời đại mới.

Vậy, làm sao để vượt qua rào cản công nghệ trong hàng vạn chi bộ cơ sở? Tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" được cụ thể hóa như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài tiếp theo của tuyến bài này.

Nội dung: Bảo Trung, Nguyễn Nhàng

Ảnh: Thành Đông

Thiết kế: Thủy Tiên