(Dân trí) - Chủ tịch TPHCM cho biết, cán bộ, công chức còn e dè, sợ sệt là có, nhưng không phải toàn bộ đội ngũ trong hệ thống chính trị. Đây là điều mà TPHCM đã nhận diện, tìm giải pháp, và có nhiều cải thiện.
Chủ tịch TPHCM: Chấm dứt ngay tình trạng cán bộ sợ sai là điều không thể
(Dân trí) - Chủ tịch TPHCM cho biết, cán bộ, công chức còn e dè, sợ sệt là có, nhưng không phải toàn bộ đội ngũ trong hệ thống chính trị. Đây là điều mà TPHCM đã nhận diện, tìm giải pháp, và có nhiều cải thiện.
Vấn đề cán bộ, công chức tại TPHCM e dè, sợ trách nhiệm được các cấp lãnh đạo thành phố và Trung ương đề cập tới suốt thời gian qua. Đây được coi là một trong những điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự phát triển của đô thị đầu tàu cả nước.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, truyền tải thông điệp, việc cán bộ, công chức còn e dè, sợ sệt là có, nhưng không phải toàn bộ đội ngũ trong hệ thống chính trị của địa phương. Đây là điều mà TPHCM đã nhận diện, tìm giải pháp và tình hình đã có nhiều cải thiện.
"Nếu không cải thiện, chắc chắn, thành phố sẽ không tải được lượng công việc khổng lồ thời gian qua. Chúng ta cần đo lường bằng những kết quả cụ thể, chứ không thể nói chung chung", ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Khó chuyển biến ngay mà chuyển biến từ từ
Trong các cuộc hội nghị, sự kiện vừa qua, vấn đề cán bộ e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm được những lãnh đạo cao nhất thành phố đề cập tới. Sau các nỗ lực của địa phương, theo ông, tình trạng này đã được chấm dứt hay cải thiện?
- Chấm dứt là điều không thể trong hiện tại. Ngay cả các nước phát triển khác, tình trạng này vẫn tồn tại ở một tỷ lệ, mức độ nhất định. Đất nước chúng ta đang phát triển, khi mọi chuyện đang trong quá trình hoàn thiện thì việc chấm dứt chỉ là ước mơ.
Từ đầu năm đến giờ, hay nói cách khác, từ lúc dư luận rộ lên câu chuyện TPHCM không làm gì, sợ sai thì đã có những sự cải thiện nhất định. Nếu không cải thiện, chắc chắn thành phố không thể tải được khối lượng khổng lồ, vừa đối diện với thách thức, vừa nỗ lực vượt qua những khó khăn về kinh tế - xã hội và gồng gánh khối lượng công việc rất lớn để cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Mình cần đo lường bằng những kết quả cụ thể, không thể nói chung chung.
Thật ra, không có chủ trương, biện pháp nào làm một cái mà thay đổi ngay. Ngay cả chúng ta, ai cũng muốn ngày mai tốt đẹp lên nhưng ngủ một giấc dậy cũng khó chuyển biến ngay mà chuyển biến từ từ.
Ông đã nhiều lần truyền tải thông điệp, không phải toàn bộ đội ngũ của thành phố e dè, sợ sệt mà chỉ một bộ phận. Thực tế, TPHCM còn rất nhiều tấm gương năng động, sáng tạo trong thực thi công vụ, giải pháp nào được thành phố đưa ra để khơi gợi, lan tỏa tinh thần đó?
- Công việc đó TPHCM vẫn làm thường xuyên, định kỳ thông qua đánh giá hàng quý. Những đánh giá này nhằm xếp hạng, xem xét thu nhập tăng thêm, đó là một hình thức để lan tỏa tinh thần này.
Bên cạnh đó, địa phương cũng có khen thưởng đột xuất, khen thưởng hàng năm cho cá nhân xuất sắc.
Qua buổi gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng vừa qua, một đề nghị nữa được đưa ra là lãnh đạo TPHCM sẽ gặp gỡ thường xuyên, theo hướng thường niên và có động viên, khen thưởng. Thành phố sẽ nghiên cứu, tính toán lâu dài, bài bản về vấn đề này.
Hiện tại, chúng tôi cũng nghĩ đến việc tổ chức một giải thưởng cho công chức, hoặc các hình thức tôn vinh tương xứng.
Họ là những người làm việc, cống hiến rất nhiều nhưng bây giờ, mọi người vẫn nhìn họ qua lăng kính tiêu cực, đi liền với tham nhũng, nhũng nhiễu. Tôi cho rằng cách nhìn đó rất sai lệch.
Cán bộ, công chức thành phố còn e ngại gì?
Tại sự kiện gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng vừa diễn ra, ông từng đề cập tới việc lấy lại hình ảnh cán bộ thật sự năng động, dám nghĩ, dám làm. Qua sự kiện này, lãnh đạo thành phố đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng từ phía cán bộ, công chức địa phương để tìm hướng đạt được mục tiêu trên?
- Tôi muốn nói lại, không phải đội ngũ cán bộ của thành phố không làm gì nên UBND TPHCM tổ chức cuộc gặp gỡ đó. Do trong quá trình làm việc còn những vướng mắc phát sinh, lãnh đạo thành phố muốn lắng nghe để thống nhất các vấn đề.
Có 3 nhóm tâm tư chính từ phía đội ngũ cán bộ là nhóm thực hiện chức năng nhiệm vụ. Nhóm này chủ yếu liên quan đến sự chồng chéo giữa các luật với nhau hay những điều chưa có trong quy định pháp luật. Đây là điều nhận được nhiều băn khoăn nhất.
Ví dụ hiện tại luật chưa quy định mà chúng tôi làm thì sau này sẽ ra sao, nếu luật này quy định khác, luật khác quy định khác thì làm thế nào.
Do đó, đội ngũ cán bộ mong muốn sự hoàn thiện về pháp lý, thể chế, sự thống nhất giữa người làm và người kiểm tra. Nếu người làm hiểu cách khác, người kiểm tra hiểu khác thì sẽ rất khó.
Nhóm tâm tư thứ 2 liên quan đến quy trình, quy định phân công, giao việc, hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp giữa các phòng, các sở với nhau. Những việc này cần sự thống nhất và thông suốt.
Nhóm tâm tư tiếp theo liên quan đến chính sách, nổi lên nhiều nhất là thu nhập và nhà ở.
Trước những tâm tư này, thành phố sẽ có hướng giải quyết ra sao?
- Qua sự kiện, chúng tôi đã thống nhất vấn đề cơ bản là nếu có quy định, các cấp cứ tham mưu và triển khai nhanh. Những việc còn chồng chéo thì nghiên cứu để tập trung giải quyết, vận dụng các phương án để giải quyết công việc vì lợi ích chung.
Như vậy, các cấp lãnh đạo xem xét quyết định thì phải chịu trách nhiệm. Như vậy, lãnh đạo cấp phòng thấy vấn đề thì lãnh đạo sở phải xem xét quyết định, lãnh đạo sở còn thấy vướng thì trình UBND TPHCM.Thường trực UBND TPHCM phải quyết định và chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Nếu các Phó Chủ tịch phụ trách chưa thấy an tâm thì trình lên Chủ tịch UBND thành phố.
Tôi sẽ là người quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng. Đó là điều lớn nhất được thống nhất qua cuộc gặp mặt vừa rồi.
Dự tính lớn của TPHCM về công tác cán bộ
- Qua những vấn đề liên quan tới cán bộ của thành phố sợ sai, e dè được dư luận nhắc tới suốt thời gian qua và sau khi nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của những người đang thực thi công vụ, TPHCM có những dự tính lớn nào trong tương lai để nền công vụ của địa phương thật sự tương xứng với đô thị đầu tàu của cả nước?
Điều đầu tiên là chế độ đãi ngộ, trong đó có thu nhập, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức cần đủ để họ an tâm làm việc. TPHCM đang thực hiện các chính sách về thu nhập tăng thêm và các chính sách khác.
Vấn đề lớn hơn, TPHCM đang triển khai xây dựng đề án về nền công vụ phục vụ - kiến tạo. Đề án này sẽ chuẩn hóa lại quy trình công vụ thông suốt, rõ ràng để giám sát hiệu quả. Từ đó, tổ chức bộ máy của thành phố sẽ chuyển dịch theo hướng một công việc - một cơ quan - một người phụ trách, không có sự chồng chéo.
Việc chuẩn hóa của TPHCM cũng đi kèm với quy chế phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị, xác định trách nhiệm rõ ràng của từng cá nhân. Ngoài ra, sự thông suốt đó cũng tạo điều kiện để số hóa, ứng dụng công nghệ trong giải quyết công việc.
Tiếp theo là về đội ngũ, ngoài các quy định chung, thành phố sẽ có cơ chế tuyển dụng người có năng lực thông qua thi tuyển chức danh chuyên môn, chức danh lãnh đạo. Đây là việc mà TPHCM đã thực hiện thời gian qua thông qua thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng, các chức danh lãnh đạo khác.
Sau thi tuyển sẽ đào tạo. Ngoài điều kiện đương nhiên là tốt nghiệp đại học, TPHCM sẽ tập trung đào tạo bài bản, chuyên sâu, bồi dưỡng kiến thức theo chức danh. Thành phố sẽ phát huy thế mạnh của Học viện cán bộ, liên kết các cơ sở đào tạo.
Thông qua đó, công chức xã, phường cần biết mình phải làm gì, các chủ tịch, phó chủ tịch xã phường sẽ biết chức trách, nhiệm vụ của mình là gì. Tương tự với các chuyên viên, lãnh đạo cấp quận, huyện, sở, ngành, thành phố.
Mặt khác, TPHCM cũng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển bằng công việc, thông qua công tác luân chuyển cán bộ. Những trường hợp làm việc tích cực, có thành tích tốt sẽ được xem xét, bố trí các chức vụ tương xứng.
Tiếp đến là các chính sách nâng cao trình độ, ví dụ như được đi học, dự các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.
Đề án này đang trong quá trình hoàn thiện. Những điểm trụ cột trên sẽ góp phần tạo dựng một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ưu tú của TPHCM.