DMagazine

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động

(Dân trí) - Trong lần đầu tiên tới TPHCM trên cương vị đại biểu Quốc hội thành phố, Chủ tịch nước đã gợi mở để địa phương phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động

Đối với huyện Củ Chi và Hóc Môn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng 2 địa phương này sẽ trở thành những đô thị sôi động ở phía tây TPHCM. Trên bình diện thành phố, Chủ tịch nước mong muốn đô thị đông dân nhất cả nước sẽ hướng tới mô hình kinh tế sáng tạo trong thời gian tới.

Trong 2 ngày 11 và 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến làm việc với TPHCM, trong bối cảnh địa phương này từng bước tiến tới trạng thái bình thường mới sau quãng thời gian dài chiến đấu với đại dịch Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên, Chủ tịch nước tới TPHCM để thực hiện nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội thành phố.

"Giữ chân người lao động, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, không để người dân gặp khó khăn sau dịch" là thông điệp xuyên suốt được vị đại biểu đặc biệt của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, gửi gắm đến người dân và chính quyền thành phố qua 4 buổi làm việc. Chủ tịch nước cũng đã trực tiếp nắm bắt, trả lời băn khoăn của cử tri về những vấn đề đã ảnh hưởng tới đời sống trong thời gian dài.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động - 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi sáng 11/10

Những đô thị sôi động

"Huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn cần trở thành những đô thị sôi động ở phía tây TPHCM" là thông điệp được Chủ tịch nước nhấn mạnh tại cả 2 buổi tiếp xúc cử tri ngày 11/10. Để làm được điều đó, cả 2 huyện ngoại thành của TPHCM cần tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng mà người dân phản ánh từ lâu.

Từ những buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử hồi đầu tháng 5, người dân huyện Củ Chi đã phản ánh tới Chủ tịch nước, cùng các đại biểu vấn đề quy hoạch treo trên địa bàn. Trong đó, có những quy hoạch kéo dài xấp xỉ 10 năm chưa thực hiện, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, đời sống bà con.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động - 2

Chủ tịch nước mong muốn, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn cần trở thành những đô thị sôi động phía tây TPHCM.

Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước và là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng người dân, Chủ tịch nước đề nghị UBND TPHCM và huyện Củ Chi quan tâm hơn nữa đến các phản ánh liên quan đến dự án, quy hoạch treo lâu năm. Ngoài ra, những dự án có vấn đề về vệ sinh môi trường cũng cần giải quyết dứt điểm.

Song song với khắc phục tồn tại, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn phải là nơi đi đầu trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Những điểm nghẽn, khó khăn của người dân, doanh nghiệp cần được giải quyết, đặc biệt những vấn đề liên quan đến chính sách, thủ tục.

Chủ tịch nước đề nghị, sau khi từng bước khống chế được dịch bệnh, cả 2 địa phương ngoại thành cần "đi trước một bước" trong việc phục hồi kinh tế. Trong đó, những vướng mắc ảnh hưởng đến môi trường đầu tư thuộc thẩm quyền của huyện thì huyện cần nhanh chóng tháo gỡ, những vấn đề của thành phố cần sớm phối hợp giải quyết.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động - 3

Chủ tịch nước nhấn mạnh, các huyện "vùng xanh" không được để lỡ cơ hội phát triển.

"Đã là vùng xanh thì không được để lỡ cơ hội phát triển. Chúng ta cần cải thiện, làm tốt hơn việc cắt giảm thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng và chú trọng đến công tác đào tạo nguồn lao động", Chủ tịch nước nhấn mạnh tại các buổi làm việc.

Người đứng đầu Nhà nước cũng đưa ra định hướng, 2 huyện ngoại thành của TPHCM có thể tìm hướng phát triển mới dựa trên chính thế mạnh vốn có của mình. Trong tình hình mới, Củ Chi, Hóc Môn cần hoàn thành trách nhiệm là tạo ra trung tâm giống cây, giống con dựa trên những thành tựu khoa học, công nghệ, tránh việc chỉ phát triển nông nghiệp theo hướng thông thường như những nơi khác. 

100 người về quê sẽ có 60-70 người trở lại thành phố

Người đứng đầu Nhà nước chia sẻ, TPHCM trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với gần 16.000 người tử vong tính đến hiện tại. Nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ, nhiều gia đình neo đơn, hàng ngàn nhà máy đóng cửa, hàng vạn người lao động tại thành phố mất việc, phải di chuyển về quê.

Với việc dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, huyện Củ Chi, Hóc Môn và toàn TPHCM cần quan tâm hơn đến vấn đề an sinh xã hội, không để người dân đứt bữa, thiếu cơm, nhạt muối, thiếu lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, các địa bàn cần bắt tay ngay vào khôi phục, thúc đẩy kinh tế, xã hội, không để TPHCM rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống người dân.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động - 4

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cử tri cao tuổi trong chuyến công tác tới TPHCM.

Chủ tịch nước quán triệt với các huyện, việc giữ chân người lao động là nhiệm vụ quan trọng hiện tại nhằm tránh xáo trộn nguồn lao động, đứt gãy thị trường, không hồi phục được sản xuất. Với đặc điểm lượng người nhập cư lớn, số lao động ở lại sẽ là nguồn lực để các địa bàn củng cố ngành kinh tế sau dịch, tạo đà phát triển.

"Chính quyền các cấp cần có chính sách động viên, hỗ trợ bà con phòng, chống dịch. Đồng thời, khuyến khích người dân tránh nguy cơ lây nhiễm và tiếp tục bắt tay vào sản xuất", Chủ tịch nước yêu cầu.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động - 5

TPHCM cần những chính sách phù hợp để thuyết phục người lao động quay về.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền địa phương cần đi sát dân hơn nữa. Việc hỗ trợ cho người dân, đặc biệt gia đình neo đơn, người già, gia đình chính sách, người lao động có hoàn cảnh khó khăn cần phải được triển khai kịp thời.

"Chúng ta đã thấy hình ảnh hàng ngàn người lao động mang trẻ nhỏ rời thành phố để về quê bằng xe máy. Trên cương vị là đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng cảm thấy có trách nhiệm đối với những vấn đề này", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Chủ tịch nước nêu quan điểm, trong số 100 người về quê thì có tới 60-70 người sẽ quay trở lại thành phố. TPHCM cần những chính sách phù hợp để thuyết phục người lao động quay về như tiêm vaccine Covid-19 mũi 2, cải thiện điều kiện nhà ở hay hỗ trợ các gói an sinh.

Tiếp tục đóng cửa, TPHCM sẽ không chịu nổi

Tại Hội nghị giám sát công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách TPHCM chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự đồng tình với việc chuyển đổi chiến lược từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế.

Khi mở cửa các hoạt động rồi đóng lại, người dân, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, TPHCM cần có những tiêu chí để quản lý, giám sát an toàn, chặt chẽ khi từng bước nới lỏng giãn cách xã hội.

"Nếu tiếp tục đóng cửa, TPHCM sẽ không chịu nổi. Không chỉ mang tới hậu quả là kinh tế tăng trưởng âm 5% mà còn dẫn đến những điều tồi tệ hơn. Hậu quả ngắn hạn là phá sản hàng loạt doanh nghiệp, hàng triệu người mất việc làm, nghèo đói, sang chấn tâm lý nặng nề do đại dịch", Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động - 6

Chủ tịch nước lưu ý, khi mở cửa các hoạt động rồi đóng lại, người dân, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giao TPHCM tập trung 5 nhiệm vụ thiết yếu trong việc khôi phục kinh tế. Trong đó, thành phố cần đảm bảo huyết mạch kinh tế, lưu thông hàng hóa, hoạt động tài chính, tín dụng, cung ứng, nguồn lao động được thông suốt.

Chủ tịch nước nhắc lại yêu cầu, việc đề ra khái niệm pháo đài phòng, chống Covid-19 không đồng nghĩa với ngăn sông, cấm chợ, cản trở lưu thông hàng hóa, lao động. Nếu không hiểu đúng và làm tốt khái niệm này, mỗi nơi làm một kiểu, nền kinh tế sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đối với các khó khăn của doanh nghiệp, địa phương cần sớm đối thoại, nắm bắt để triển khai nhanh, hiệu quả việc hỗ trợ vốn, thuế. Công tác đầu tư công cần được đẩy mạnh, tạo độ lan tỏa cao với những lĩnh vực trọng tâm.

Chủ tịch nước cũng nhìn nhận, vấn đề việc làm, lao động là một trong những điểm mấu chốt của thành phố thời gian tới. Thành phố cần phối hợp với các tỉnh, thành trong việc đưa người lao động trở lại, đào tạo, kết nối người lao động với doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thành phố cần tiếp tục đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân trên địa bàn. Trong đó, nhóm đối tượng tổn thương bởi dịch bệnh, người ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần cần tiếp tục được tạo điều kiện hỗ trợ bằng các nguồn lực. 

Định hình một nền kinh tế sáng tạo

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới việc sáng tạo trong thể chế đã được TPHCM vận dụng suốt quá trình phòng, chống dịch vừa qua. Không chỉ áp dụng cứng nhắc các biện pháp theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16, thành phố đã vận dụng linh hoạt các phương án, chỉ thị mới phù hợp với tình hình.

"TPHCM đã có cách làm đa dạng, không cứng nhắc, máy móc", Chủ tịch nước đánh giá.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động - 7

TPHCM trong những ngày đầu "bình thường mới" sau giãn cách kéo dài (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Trong việc phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới, mô hình kinh tế sáng tạo là điều thành phố cần tiếp tục hướng tới. Trong mô hình đó, sự sáng tạo sẽ trở thành động lực để thành phố phát triển.

"Kinh tế sáng tạo là mô hình nhiều nước trên thế giới đã và đang hướng đến. Thành phố cần lấy kinh tế sáng tạo là một cực phát triển, nếu không sẽ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế vốn có", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về trung hạn, thành phố cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2022-2025. Mục đích của kế hoạch là giúp thành phố lấy lại đà tăng trưởng và tạo sức bật cho quãng thời gian tiếp theo. 

Trong đó, TPHCM cần tập trung nghiên cứu, tìm ra những động lực tăng trưởng mới nhằm tháo gỡ những vấn đề trước mắt. Bên cạnh các chính sách về đào tạo nhân lực, đầu tư, xuất nhập khẩu, thành phố cần tìm cách khắc phục những vướng mắc về thể chế đang cản trở việc phát triển kinh tế.

Chủ tịch nước quán triệt, vấn đề tái cấu trúc, tái kiến thiết ngành kinh tế là nhiệm vụ trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Trong đó, việc phát triển hạ tầng, triển khai nhanh các tuyến đường vành đai kết nối là biện pháp cần gấp rút thực hiện.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động - 8

Phát triển kinh tế TPHCM cần tính toán đến việc phối hợp và sự tác động đối với cả vùng.

"Các giải pháp khác cần được tính đến là đấu giá đất sạch, cổ phần hóa doanh nghiệp mạnh mẽ để có kinh phí phát triển. Thành phố cần phát triển thêm một số đô thị vệ tinh bên cạnh thành phố Thủ Đức, xây dựng hạ tầng liên vùng", Chủ tịch nước gợi ý cho TPHCM.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý, TPHCM cần sớm chuẩn bị báo cáo để tiếp tục đề xuất Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 23% ngay trong năm 2022. Điều này không chỉ giúp TPHCM có thêm nguồn lực phát triển mà còn tạo tiền đề để kinh tế cả nước phục hồi.

"Việc sớm tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM là rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh và thành phố đã báo cáo, một phần ngân sách để lại sẽ tăng thêm 5 phần cho ngân sách Trung ương", Chủ tịch nước lưu ý.

Trên quy mô rộng hơn, việc phát triển kinh tế TPHCM cần tính toán đến việc phối hợp và sự tác động đối với cả vùng. Chủ tịch nước đặt vấn đề, thành phố cần chủ động phối hợp với các địa phương trong việc phân bổ lao động, cung cấp việc làm đối với người lao động từ các tỉnh, thành khác.

"Với vai trò "anh hai Nam bộ", TPHCM cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để cùng các địa phương trong vùng phân bổ sản xuất hợp lý, tránh việc tập trung lao động tại một địa bàn", Chủ tịch nước định hướng.

Trong buổi làm việc cuối cùng của chuyến công tác, Chủ tịch nước bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những mất mát, đau thương mà TPHCM phải gánh chịu trong đợt dịch lần này. Với số ca tử vong do Covid-19 chiếm phần lớn so với cả nước, TPHCM nên có hình thức tưởng niệm tương xứng, phù hợp.

Chủ tịch nước: Nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là níu chân người lao động - 9

Nội dung: Quang Huy.

                                                                                                            Ảnh: Phạm Nguyễn.