Doanh nhân tâm tư với Chủ tịch nước: Doanh nghiệp phải ngồi dự bị quá nhiều

Việt Đức

(Dân trí) - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM Phạm Phú Trường chia sẻ nguồn lực doanh nghiệp, doanh nhân chưa được xem là một phần giải pháp trong việc phát triển chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Các doanh nghiệp phải "ngồi dự bị" quá nhiều trong phục hồi kinh tế

Phát biểu mở đầu buổi gặp gỡ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nhân trẻ tại TPHCM, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cho biết các doanh nghiệp trong hội bị ảnh hưởng nặng nề vì phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Hồng Anh nêu nhiều đề xuất để sớm phục hồi, sản xuất phát triển kinh doanh. 

Thứ nhất, việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Ông Hồng Anh đề xuất Bộ Giao thông Vận tải trước khi ban hành chính sách, để các địa phương góp ý nhưng phải đưa ra thời hạn. Hết thời hạn, địa phương nào không trả lời xem như đồng ý. Như vậy, chính sách lưu thông hàng hóa sẽ áp dụng đồng bộ, tránh các địa phương triển khai theo quan điểm riêng của mình.

Vấn đề quan trọng thứ hai để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh là vốn, được ví như oxy với doanh nghiệp. Ông kiến nghị xem xét điều chuyển nguồn vốn của các dự án đầu tư công chưa thể triển khai sớm hay dùng một phần dự trữ ngoại hối để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, đánh giá một trong những khó khăn với các doanh nghiệp là tư duy xin cho, ngăn cấm, sợ trách nhiệm còn xuất hiện ở một số địa phương. Theo ông, các cơ quan quản lý ở những nơi như vậy chưa nhận thấy rằng tổn thất của doanh nghiệp cũng chính là tổn thất của địa phương.

Doanh nhân tâm tư với Chủ tịch nước: Doanh nghiệp phải ngồi dự bị quá nhiều - 1

Toàn cảnh buổi gặp mặt của Chủ tịch nước với các doanh nhân trẻ tại TPHCM (Ảnh: Kiều Hoa).

"Doanh nghiệp chưa được xem là một phần giải pháp, được tận dụng như một nguồn lực chính cho các chính sách chống dịch và khôi phục kinh tế. Nói theo ngôn ngữ bóng đá thì chúng tôi phải ngồi dự bị khá nhiều và thậm chí còn làm khán giả trong các trận bóng quan trọng dù giải đấu là khôi phục và phát triển kinh tế", ông Trường bộc bạch.

Ông mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân được tham gia nhiều hơn nữa trong quá trình đóng góp ý kiến phát triển chính sách phục hồi kinh tế. Ông Trường cho rằng cần có chủ trương nhất quán, luật không cấm thì được làm, doanh nghiệp an toàn phải được sản xuất.

Cuộc khủng hoảng chưa từng có hơn 40 năm trong thương trường

Với tư cách một doanh nhân kỳ cựu, Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành khẳng định suốt hơn 40 năm trong thương trường, ông chưa từng thấy cuộc khủng hoảng nào như đại dịch lần này. Tuy nhiên, ông tâm niệm đã là doanh nhân, luôn phải trong tư thế sẵn sàng đối diện thử thách.

Ông Thành kiến nghị thí điểm doanh nhân nào cảm thấy đủ khả năng tự xoay xở, cân đối có thể đăng ký không cần nhận hỗ trợ. Như vậy, chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho những doanh nghiệp còn lại. Theo ông, nguồn lực ngân sách khiêm tốn nên cần phải tập trung nhưng không hỗ trợ thì không được, nhất là tỷ lệ chi của gói hỗ trợ trên GDP của Việt Nam mới hơn 2%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Ông Thành cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc giữ chân lực lượng công nhân vì họ là những người trực tiếp tạo ra của cải sản phẩm. Theo ông, để thu hút công nhân trở lại, trước mắt TPHCM và các doanh nghiệp có thể phối hợp làm việc với các chủ nhà trọ để miễn, giảm 50-100% tiền nhà trọ trong 3 tháng để khuyến khích người lao động quay lại.

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - đề xuất cần có một chiến lược với tầm nhìn dài hạn trong phòng chống dịch cùng các kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ khác nhau, thống nhất trên bình diện quốc gia để tránh tình trạng lúng túng hay các địa phương cát cứ. 

Bà Dung cũng lưu ý đến vấn đề khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ vì đây là nhóm chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp. Theo bà, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thời gian qua phát triển tự do, thiếu định hướng tầm vĩ mô nên trải qua khủng hoảng đã nhanh chóng đứt gãy, đổ vỡ. Do đó, Chính phủ cần thành lập một cơ quan để vực dậy các doanh nghiệp thuộc nhóm này. Bản thân họ vì hoạt động tự do nên cũng thiếu điều kiện tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Nguyễn Đình Trung lại cho rằng vấn đề lớn đang cản trở doanh nghiệp là sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật. Ông Trung khẳng định chỉ cần thể chế cởi mở, luật pháp công bằng, doanh nghiệp sẽ đóng góp rất nhanh.

Kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, ông Trung chia sẻ rất vui khi biết TPHCM có kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo ông, quy trình phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc nên cần những quyết sách lớn tầm quốc gia để giúp người lao động có thể an cư.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cũng khẳng định các doanh nghiệp thuộc hội không xin Nhà nước hỗ trợ tiền mà chỉ cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách, vướng mắc pháp lý. Ông Châu mong muốn các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở được hoàn thiện đồng bộ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm