DMagazine

Chủ tịch Đồng Tháp nói về tinh thần khởi nghiệp, "đi làm thuê, về làm chủ"

(Dân trí) - "Các doanh nghiệp lớn chưa về Đồng Tháp đầu tư, vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Khi "đại bàng" chưa về, địa phương sẽ cố gắng xây dựng thật nhiều các "đàn chim sẻ", ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

(Dân trí) - "Các doanh nghiệp lớn chưa về Đồng Tháp đầu tư, vừa là thách thức, vừa là cơ hội với chúng tôi. Khi "đại bàng" chưa về, địa phương sẽ cố gắng xây dựng thật nhiều các "đàn chim sẻ" - ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.

***

Trong hơn một giờ trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân trí bên chiếc bàn dài ngoài sân trụ sở, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhắc nhiều tới sự trăn trở của lãnh đạo địa phương, khi chỉ số năng lực cạnh tranh của Đồng Tháp luôn trong nhóm đầu cả nước, nhưng thu hút đầu tư chưa được như kỳ vọng.

Nhấn mạnh tới việc thay đổi tư duy, vượt khó, không đổ thừa cho "ông trời", ông Nghĩa kỳ vọng vào tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa ở địa phương. Tinh thần "ra đi làm thuê, trở về làm chủ" của người dân "đất sen hồng".

Chủ tịch Đồng Tháp nói về tinh thần khởi nghiệp, đi làm thuê, về làm chủ - 1

15 năm liên tiếp Đồng Tháp trong nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh, trong 5 tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Những chỉ số thật ấn tượng với vùng đất được biết tới là nơi "khuất nẻo, vùng sâu, vùng xa", thưa ông?

- Chuyện này có thật, ngày xưa một số người không dám tự hào "tôi là người Đồng Tháp". Vì thế, địa phương lâu nay luôn chú trọng phát triển giáo dục để nâng cao dân trí. Chúng tôi chọn thay đổi tư duy người dân là mục tiêu quan trọng.

Từ vùng đất có nhiều người thất học, nhiều người xuất thân đói nghèo, được biết đến là nơi khuất nẻo, vùng sâu vùng xa - một bộ phận người dân tự ti về điều đó.

Chủ tịch Đồng Tháp nói về tinh thần khởi nghiệp, đi làm thuê, về làm chủ - 3

Vì vậy, muốn vươn lên, phát triển, đầu tiên phải nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo dục tốt sẽ thay đổi được được tư duy, nâng cao tự tin của người dân và dần dần họ sẽ không nghĩ mình là người khuất nẻo, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, thua kém với thành phố. 

Ngày xưa, cũng có một bộ phận bà con còn đổ thừa cho "ông trời". Nhưng sáng mở mắt đã nhậu, sao đổ lỗi cho "ông trời", cho số mạng, cho cha mẹ không để lại của cải được?

Vậy nên, qua tuyên truyền, bà con cũng dần hiểu nghèo là do mình, bớt đi tư tưởng trông chờ, ỉ lại. Khi thay đổi tư duy, suy nghĩ như vậy, mọi người sẽ có trách nhiệm hơn, vì cộng đồng, vì mọi người mà vươn lên.

Điểm mừng nhất ở Đồng Tháp giai đoạn này là người dân luôn lạc quan. Thứ nữa là người dân đặt niềm tin vào hệ thống chính quyền. Chỉ số năng lực cạnh tranh ở Đồng Tháp luôn đứng cao là vậy. 

Chủ tịch Đồng Tháp nói về tinh thần khởi nghiệp, đi làm thuê, về làm chủ - 5

Chúng tôi không lợi thế hơn các tỉnh khác. Chúng tôi tự hào từ một tỉnh nghèo khó nhưng đến nay đã đứng đầu về xây dựng nông thôn mới, dù số xã, số dân lớn, dù địa bàn gần biên giới. 

Chỉ số năng lực cạnh tranh liên tục cao, ông lý giải thế nào việc Đồng Tháp chưa thu hút đầu tư tốt?

- Đây là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh. Qua làm việc với các nhà đầu tư, chúng tôi nhận diện ra 3 vấn đề khó khăn.

Thứ nhất là hạn chế về giao thông. Địa phương có giao thông thủy, có sông Tiền, sông Hậu nhưng chưa đầu tư, khai thác được. Đặc biệt nhất là giao thông đường bộ. Từ Đồng Tháp lên TPHCM, đi Cần Thơ, hay qua Phnom Penh (Campuchia) đâu có xa. Đồng Tháp - TPHCM quãng đường 160km đi mất 4 tiếng, nhà đầu tư đến xong bị "dội" lắm. 

Thứ hai là về nguồn nhân lực. Thời gian qua chúng tôi tập trung dạy học để mọi người người dân đều biết chữ, nhưng phải thừa nhận chưa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Giáo dục mới đi chiều ngang, ưu tiên số lượng, chưa chuyên sâu. 

Thứ ba là tỉnh cũng chưa thu hút đầu tư một cách tốt nhất. Có thể nhìn nhận từ vấn đề về mặt bằng, chính sách, hay không có doanh nghiệp đầu đàn.

Nhìn nhận ra 3 vấn đề đó, tỉnh đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Chủ tịch Đồng Tháp nói về tinh thần khởi nghiệp, đi làm thuê, về làm chủ - 7

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc các doanh nghiệp lớn chưa chọn Đồng Tháp đầu tư - vừa là thách thức, vừa là một cơ hội với chúng tôi. Khi "đại bàng" chưa về, địa phương sẽ cố gắng xây dựng những "đàn chim sẻ". 

Ông kỳ vọng gì vào những "đàn chim sẻ"?

- Ngày xưa khát vọng của cha ông làm sao được độc lập, người dân có cơm no, áo ấm, được học hành. Giai đoạn này, lãnh đạo Đồng Tháp trăn trở để địa phương ngày càng phát triển và hội nhập. Phát triển dựa vào nguồn lực, hội nhập để tận dụng ngoại lực. Hai yếu tố đó rất quan trọng để chúng tôi vươn lên.

Từ vùng đất từng được mệnh danh là "túi phèn", là "rốn lũ" của Đồng bằng sông Cửu Long, mảnh đất từng làm nản lòng nhiều nhà khoa học khi muốn chinh phục để phục vụ sản xuất nông nghiệp, giờ đây Đồng Tháp đã trở thành vựa lúa lớn của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giúp Việt Nam thành một cường quốc xuất khẩu lúa gạo trên thế giới.

Đến hôm nay, phải khẳng định nông dân Đồng Tháp không cố gắng thoát khỏi nông nghiệp mà cố gắng để nông nghiệp đi đầu, tạo giá trị hơn, mang lại thu nhập tốt cho người dân.

Chúng tôi đang chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nỗ lực xây dựng nông thôn ngày một hiện đại hơn, nông dân văn minh hơn. Nông dân sống được nhờ nông nghiệp, làm giàu nhờ nông nghiệp.

Địa phương đang xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản, cá tra, sen, hoa Sa Đéc… kết hợp với phong trào khởi nghiệp, gắn kết với cảc sản phẩm OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị - PV).

Vì sao số lượng sản phẩm OCOP ở Đồng Tháp đứng thứ 3 cả nước? Vì mỗi sản phẩm chúng tôi đều gắn với phong trào khởi nghiệp, tạo ra một phong trào khởi nghiệp rất mạnh. Chúng tôi sẽ xây dựng những "đàn chim sẻ" khởi nghiệp như thế để cùng bay.

Chủ tịch Đồng Tháp nói về tinh thần khởi nghiệp, đi làm thuê, về làm chủ - 9

Như chuyện đưa người đi lao động ở nước ngoài chẳng hạn. Chúng tôi luôn lựa chọn kỹ lao động đi tu nghiệp, tiếp thu kỹ thuật, tác phong làm việc để khi trở về lập nghiệp, khởi nghiệp chứ không chỉ là kiếm tiền để xóa đói giảm nghèo. 

Người dân ra đi với tinh thần, "đi làm thuê để về làm chủ". Khởi nghiệp giúp thay đổi tư tưởng của người dân, phải đi làm để về làm chủ, dù làm chủ nhỏ. 

Chủ tịch Đồng Tháp nói về tinh thần khởi nghiệp, đi làm thuê, về làm chủ - 11

Tôi nghe và đọc chuyện Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp thường có lịch cà phê với doanh nhân để lắng nghe, bàn cách gỡ khó khăn cho họ. Ông cũng hay rời phòng lạnh xuống địa bàn thăm gặp người dân. Điều gì khiến ông quyết định cách làm như vậy?

- Chúng tôi xác định, trong kháng chiến dựa vào dân để thành công, trong phát triển lại càng phải dựa vào dân. Từ chủ trương đó, hoạt động điều hành của chính quyền cố gắng hướng đến phục vụ người dân, không áp dụng những mệnh lệnh hành chính. Trong thời đại mở cửa, chúng tôi nâng cao và hướng tới một chính quyền phục vụ doanh nghiệp.

Thời gian qua, mô hình cà phê doanh nghiệp, doanh nhân đã kết nối hiệu quả doanh nghiệp doanh nhân với địa phương. Chúng tôi đã mở rộng mô hình này ra các điểm, khu công nghiệp, để lắng nghe họ. Chúng tôi đi với quan điểm: Đi để học hỏi chứ không phải đi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chúng tôi đi để tháo gỡ khó khăn cho chính mình. Vì thực tế doanh nghiệp và nhân dân đâu có ban hành quy định đâu?

Với góc nhìn đó, chúng tôi đã tổ chức thường xuyên cho các ngành, đơn vị tiếp xúc, gặp gỡ người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi quy định hàng tuần phải có lịch tiếp xúc với người dân, mở nhiều buổi tiếp xúc cử tri, nhiều kênh tiếp cận trên mạng xã hội… Chủ tịch tỉnh cũng thường xuyên làm như vậy.

Ông nói đi cơ sở là tháo gỡ khó khăn cho bản thân. Khó khăn nào được ông nhìn ra sau những lần đi đó?

- Có một câu chuyện hay về ngành thủy sản, về con cá tra! 

Trong buổi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp mới đây, tôi nhận thấy doanh nghiệp hiểu bản chất thị trường thật sự, trong khi chính quyền chưa hiểu hết. 

Chủ tịch Đồng Tháp nói về tinh thần khởi nghiệp, đi làm thuê, về làm chủ - 13

Bạn biết cá tra ở Đồng Tháp và ĐBSCL lâu nay không xuất khẩu được, tồn nhiều. Chúng ta hay nói với nhau về nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này trên thế giới giảm, do lạm phát, do chiến tranh… Tuy nhiên, không hẳn như vậy. 

Doanh nghiệp dẫn chứng, ở vùng biển Alaska, biển Mỹ và Nga có nhiều cá tuyết, giá rẻ hơn cá tra Việt Nam. Mãi lực thị trường giảm, các nước họ tìm những loại cá tương tự giá rẻ, là cá tự nhiên để nhập. Đó là lý do cá tra ở Đồng Tháp và ĐBSCL không vào được các thị trường Mỹ, Nga, Châu Âu… 

Chúng tôi nghe và nhận thấy, nếu không tái cơ cấu ngành thủy sản để cạnh tranh, giảm giá thành, rất khó để Đồng Tháp xây dựng được chiến lược phát triển ngành này thời gian tới. 

Rõ ràng, đi và tiếp xúc giúp chúng tôi học hỏi. Lắng nghe tâm tư, ý tưởng của người dân rất quan trọng.

Tôi tình cờ gặp ông đi chiếc Future đến cơ quan. Đến với người dân, ông có đi xe 2 bánh?

- Ở đây không đi xe máy thì đi phương tiện gì (cười).

Đến với người dân, anh đừng tạo ra khoảng cách. Tụi tôi gặp bà con vẫn dùng xe 2 bánh, trong khi nhiều người dân lái ô tô tới đó.

Cách tôi đi xe gắn máy sẽ gần gũi  hơn, tạo thân thiện với mọi người. Có khi mình đi xe số xanh bà con lại ngại. Xuống cơ sở tiếp xúc với bà con, trang phục và phương tiện tôi luôn đơn giản nhất. 

Chủ tịch Đồng Tháp nói về tinh thần khởi nghiệp, đi làm thuê, về làm chủ - 15

Tâm lý nông dân thường ngại gặp lãnh đạo. Họ ngại vì ăn nói không quen. Mình đến với bà con bằng cái tâm, thật lòng, nói chuyện không hình thức thì bà con sẽ nói thật lòng với mình. 

Nhưng đi xe gì thì đi, giữ niềm tin với bà con là quan trọng nhất. Xuống với dân, bà con kiến nghị, đề nghị, mình đã hứa thì dứt khoát phải làm. Cái nào dân chưa hiểu thì giải thích, nói ngôn từ người nông dân, hướng dẫn bà con họ sẽ hiểu dần dần.

Bà con đã có niềm tin với chính quyền, họ sẽ làm bất cứ việc gì để vươn lên. Chúng tôi đã thành công với mô hình hội quán, hợp tác xã, xuất khẩu lao động, xây dựng xã hội học tập, hiến đất xây dựng công trình… nhờ niềm tin của người dân. 

Ông truyền cảm hứng đến cán bộ cấp dưới của mình qua những cách làm này thế nào? 

- Để mọi người có một nhận thức chung thì sự đồng thuận, đồng hành, hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân là quan trọng nhất. 

Đồng Tháp là một trong những địa phương triển khai mô hình chính quyền thân thiện cách đây 10 năm. Chúng tôi lấy người dân để phục vụ là lấy đó làm cốt lõi. Chúng tôi ý thức rằng "muốn đi nhanh thì đi một mình", "muốn đi xa thì phải đi cùng nhau". 

Chúng tôi luôn tìm giải pháp để đo sự hài lòng của người dân. Lãnh đạo địa phương, sở ngành sẽ trực tiếp cùng người dân đi làm thủ tục hành chính hàng tuần để đo sự hài lòng. Địa phương trực tiếp mở các kênh mạng xã hội để tiếp nhận phản ánh của người dân về thái độ phục vụ của cán bộ công chức viên chức để điều chỉnh. 

Như tổng đài 1022 của chúng tôi chẳng hạn, người dân bức xúc có thể điện, chúng tôi tiếp nhận, kiểm tra đúng ở lĩnh vực nào sẽ tập trung tháo gỡ, tạo sự đồng thuận.

Trong công tác cán bộ, địa phương đề cao việc tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức nghiệp vụ. Chúng tôi cùng lắng nghe ý kiến của cán bộ và người dân. 

Xin cảm ơn ông!

Ảnh: Bá Cường, Hoàng Vũ, CTV

Thiết kế: Thủy Tiên

Nội dung: Quang Anh, Phạm Tâm