Chiều cuối năm trên tháp không lưu sân bay Tân Sơn Nhất
(Dân trí) - Ngày cuối năm, sân bay Tân Sơn Nhất cuộn mình trong nhịp điệu hối hả, máy bay nối đuôi cất hạ cánh, còn bên trong tháp không lưu, kiểm soát viên dồn lực giữ an toàn cho những chuyến bay "đón Tết".
Khi dòng người vội vã đổ về quê sum vầy, mang theo những niềm háo hức đón mùa xuân mới, thì ở một góc cao nhất của sân bay Tân Sơn Nhất, không khí lại hoàn toàn khác biệt vào những ngày giáp Tết.
Đài kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất cao khoảng 70m, có 2 tầng cabin kiểm soát không lưu, cấu trúc bằng thép cường độ cao, cùng các tấm kính chuyên dụng nhiều lớp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tầm quan sát trực quan tối ưu cho các kiểm soát viên, góp phần vận hành an toàn cho sân bay nhộn nhịp nhất cả nước.
Bên trong bức tường kính của đài không lưu sân bay Tân Sơn Nhất buổi chiều cuối năm, âm thanh của bộ đàm, tiếng tín hiệu radar rè rè vang lên đều đặn.
Còn với những kiểm soát viên không lưu, họ dồn toàn bộ sự tập trung vào màn hình và các thông số, tỉ mẩn ghi lại thông số và phản hồi các phi công một cách chính xác để đảm bảo hành trình của hàng nghìn hành khách luôn an toàn.
Dịp cao điểm trước và sau Tết, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có những ngày đưa đón đến 1.000 chuyến bay.
Số lượng chuyến bay tăng, tần suất cất hạ cánh cũng tăng 50% so với ngày thường. Mật độ này trở thành áp lực lớn của những kiểm soát viên không lưu - người có nhiệm vụ kiểm soát an toàn những chuyến bay cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Trần Nam Thắng, Kíp trưởng điều hành Đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất, trong toàn quá trình diễn ra chuyến bay, giai đoạn hạ cánh là quan trọng nhất, cần sự tập trung cao độ giữa cả phi công và kiểm soát viên không lưu.
"Khả năng gây tai nạn ở giai đoạn hạ cánh là rất cao, tôi từng được biết có những người học rất giỏi nhưng lại không hạ cánh được, điều này đồng nghĩa không thể trở thành phi công", ông Thắng chia sẻ.
Mỗi chuyến bay đều trải qua ba giai đoạn dưới sự giám sát chặt chẽ của kiểm soát không lưu, và ở mỗi giai đoạn, máy bay sẽ được quản lý trên một tần số radar riêng biệt. Khi tàu bay cất cánh và rời khỏi mặt đất, bộ phận kiểm soát tại sân sẽ chuyển tiếp tần số liên lạc cho bộ phận kiểm soát tiếp cận.
Lúc này, phi công sẽ chuyển sang sóng tiếp cận để tiếp tục nhận hướng dẫn. Quy trình này không chỉ đảm bảo an toàn và trật tự mà còn là tiêu chuẩn chung trong điều hành hàng không trên toàn thế giới.
Trong suốt ca làm việc, kiểm soát viên không lưu phải duy trì sự tập trung tuyệt đối, tránh mọi yếu tố xao nhãng, đặc biệt là việc sử dụng điện thoại. Mỗi quyết định và hành động đều đòi hỏi sự chính xác cao và sự tập trung tối đa, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của chuyến bay.
Với tính chất công việc đặc thù, những kiểm soát viên không lưu thường sẽ đón khoảnh khắc đặc biệt giao thừa tại chính nơi làm việc của mình, mặt khác luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khi các chuyến bay cất hạ cánh.
Trong một số trường hợp, họ chỉ có thể sum vầy cùng gia đình muộn hơn vài ngày, sau khi đã hoàn thành ca trực.
25 năm gắn bó công việc tại tháp kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất, Kíp trưởng Trần Nam Thắng cho biết cũng từng đó thời gian ông đón Tết xa nhà.
Vào những dịp Tết, các kiểm soát viên không lưu thường ưu tiên nhận ca trực, nhường thời gian cho các đồng nghiệp từ miền Trung, miền Bắc, những người phải di chuyển xa xôi về quê đón Tết. Còn với những người ở miền Nam, sau một ca đêm, họ sẽ được nghỉ ngơi 2 ngày để có thể tranh thủ về sum vầy cùng gia đình. Thời gian nghỉ này có thể vào mùng 1, mùng 2, mùng 3, thậm chí là mùng 4, tùy thuộc vào lịch trực.
25 năm gắn bó với công việc kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất, bà Nguyễn Thị Quỳnh Như chia sẻ rằng năm 2025 đánh dấu một sự khác biệt rõ rệt khi nhu cầu chuyến bay tăng vọt so với các giai đoạn cao điểm trước đây.
Đối với bà Như, việc đón Tết tại đài không lưu không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là những khoảnh khắc đáng nhớ và nhiều kỷ niệm trong hành trình dài làm việc tại đây.