PhotoStory

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố "mở cửa"

(Dân trí) - Sau 4 tháng tạm ngưng do dịch Covid-19, một số tuyến buýt đã hoạt động trở lại phục vụ người dân. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, lượng hành khách đi xe thưa thớt, vắng vẻ chưa từng có.

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 1

Trước đó, từ ngày 25/10, 8 tuyến xe buýt có trợ giá ở TPHCM chính thức hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm ngưng để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều tài xế và nhân viên phục vụ trên xe buýt còn gặp rất nhiều khó khăn do mất thu nhập.

Để bắt đầu cho chuyến xuất bến đầu tiên trong ngày, anh Nguyễn Phong Nhã (tài xế) và chị Trần Thị Phí (tiếp viên) lót dạ bằng ổ bánh mì không để tiết kiệm tiền ăn sáng.

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 2

Đúng 5h30, tuyến xe buýt số 65 (Bến Thành - Cách Mạng Tháng Tám - Bến xe An Sương) bắt đầu lăn bánh. 

Các tuyến xe buýt này chủ yếu chạy trên các trục đường chính, lộ trình qua các bến xe, bệnh viện... tại TPHCM, hoạt động từ 5h - 18h mỗi ngày. Riêng tuyến xe buýt số 74, thời gian hoạt động tại bến xe Củ Chi từ 4h30 - 17h30 và Bến xe An Sương từ 5h30 - 18h30 hàng ngày.

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 3

Để bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch, nhân viên xe buýt thường xuyên phun khử khuẩn vào xấp vé và tiền.

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 4

Chiếc xe buýt lăn bánh được gần nửa khoảng cách đoạn đường về bến thì đón được hai hành khách.

Chị Thị Vân (33 tuổi, quê ở Thanh Hóa) cùng mẹ là bà Hoàng Thị Hoản (62 tuổi) bán hàng lưu niệm rong cho biết: "Trước dịch lên xe giờ này đông lắm, nay vắng tanh. Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhưng do cuộc sống mưu sinh nên cũng phải đi làm, kiếm sống. Lúc nào tôi cũng mang khẩu trang để giữ an toàn. Tôi thích đi xe buýt, vì giá rẻ, lại sạch sẽ, nhân viên tận tình giúp đỡ dù mang nhiều đồ lỉnh khỉnh lên xe".

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 5

Mặc dù là ngày đầu tuần nhưng tại khu vực nhà chờ xe buýt Công viên 23/9 thưa thớt hành khách đi xe. 

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 6
Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 7

Hành khách đi xe buýt chủ động trình giấy tiêm vaccine mũi thứ 2 và thực hiện quét mã QR khi lên xe buýt.

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 8

Anh Nguyễn Thanh Phong Nhã (32 tuổi, quê An Giang) với hơn 20 năm làm tài xế cho biết: "4 tháng giãn cách, tôi đăng ký tham gia đưa đón F0 đến các bệnh viện dã chiến. Có những hôm chở F0 đang hấp hối, tôi phải chạy đua với thời gian và tử thần. Nay dịch bệnh đang giảm, ngoài đường bắt đầu đông xe cộ lưu thông, tôi rất vui khi được quay lại công việc của mình nhưng cũng buồn vì hành khách đi xe buýt giảm nhiều quá".

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 9

"Dù giao thông đã tấp nập trở lại, nhưng lượng hành khách đi xe buýt vẫn còn rất ít. Trung bình một ngày chỉ có khoảng 120-130 khách, trước dịch có từ 400-500 hành khách/ngày", chị Trần Thị Phí (52 tuổi, nhân viên phục vụ tuyến xe buýt số 65) nói.

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 10

Chị Phí tranh thủ chợp mắt khi trên xe không có khách nào trên một quãng đường dài.

"Chồng tôi bị tai biến, 4 tháng nghỉ dịch ở nhà chăm sóc chồng. Các con đi làm xa ở Bình Dương, không về. Mấy tháng xe buýt tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh tôi được công ty hỗ trợ cho 15kg gạo, và 500.000 đồng. Hi vọng dịch bệnh qua nhanh để người dân sử dụng xe buýt trong việc đi lại nhiều hơn".

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 11

Theo chị Phí và nhiều tài xế thì nguyên nhân khiến những chuyến xe buýt ít khách là vì tâm lý sợ dịch, người dân lo lắng khi đi xe, nhiều lao động và sinh viên chưa trở lại thành phố...

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 12

Chị Nguyễn Thị Liền (56 tuổi, ngụ tại Hóc Môn) trang bị khẩu trang và kính chống giọt bắn khi đi xe buýt cho biết, để đi từ nhà đến chỗ làm phải bắt hai chuyến xe. Đi xe máy trong giờ cao điểm, giao thông rất đông, xe buýt có chỗ ngồi thoải mái, và quan trọng nhất là an toàn.

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 13

Theo nhiều người dân, xe buýt vẫn là lựa chọn tốt, cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật. 

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 14

Cảnh vắng vẻ tại khu vực bãi đậu xe buýt bên trong bến xe An Sương trong ngày giữa tuần.

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 15

Mỗi lần tới trạm cuối của tuyến, nhân viên phục vụ xe buýt tiến hành phun thuốc khử khuẩn và vệ sinh các ghế ngồi, tay nắm trên xe.

Cảnh ảm đạm của xe buýt Sài Gòn sau khi thành phố mở cửa - 16

Tranh thủ thời gian mật độ hoạt động tại bến xe An Sương đang thấp, các nhân viên tiến hành trải nhựa đường, cải tạo bến xe.

Việc khôi phục lại các tuyến xe buýt có trợ giá của TPHCM chia thành 4 giai đoạn. Đến ngày 15-11, dự kiến 90 tuyến xe buýt đều hoạt động lại. Tất cả 90 tuyến xe buýt có trợ giá hoạt động lại đều vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 30 hành khách/chuyến (kể cả lái xe, nhân viên). Hành khách lên xe phải tuân thủ quy tắc 5K, đã tiêm phòng vaccine ít nhất 1 mũi đối với loại 2 mũi.

Riêng các tuyến xe buýt không trợ giá, Trung tâm sẽ lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải để khôi phục dần.