1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM

Phương Nhi

(Dân trí) - "Trưa nào cũng nóng như lò lửa, tối đến hơn 10 giờ đêm mới dám vào ngủ. Khi còn tiền thì mua cá, thịt nấu ăn trên xe, hết tiền thì rau luộc qua ngày", phụ xe Trần Phú Quý kể lại.

Những ngày tháng... nhớ đời

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 1

Các tài xế, phụ xe đang lau dọn xe để mong sớm được hoạt động trở lại.

Tại bến xe buýt Đại học Quốc gia TPHCM, phụ xe Trần Phú Quý (41 tuổi, quê Đồng Tháp) đang lau dọn lại chiếc xe số 56 để chuẩn bị hoạt động trở lại. 4 tháng ăn, ngủ trên xe khiến anh Quý già đi nhiều và nỗi buồn hiện rõ trên mặt.

"Trưa nào cũng nóng như lò lửa, tối đến cũng phải hơn 10 giờ đêm chúng tôi mới dám vào ngủ, vất vả lắm...", anh Quý kể lại.

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 2

Anh Quý cho biết chưa khi nào trải qua quãng thời gian khó khăn như vậy.

Anh kể, khi dịch mới bùng phát, anh đã đã dự tính về quê nhưng rồi cố ở lại để tiêm vaccine. Nào ngờ, vừa tiêm xong mũi đầu tiên, thành phố siết chặt giãn cách, anh cùng nhiều tài xế kẹt lại luôn trên xe.

Vốn đã quen với cuộc sống "xe đâu người đó" gần 5 năm, nhưng anh Quý không ngờ cuộc sống 4 tháng qua ở ngay trên chiếc xe mình làm việc lại khó khăn đến thế. 

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 3

Không gian sống trên xe buýt của anh Quý và nhiều tài xế trong thời gian giãn cách.

"Còn tiền thì mua thịt, mua cá về đây nấu nướng ngay trên xe. Hết tiền thì hái rau cải và bí tự gieo trồng để ăn tạm. Tôi đi làm kiếm tiền gửi về quê mà lại rơi vào cảnh thất nghiệp, kẹt lại luôn trên chiếc xe này. Nhớ nhà, mệt mỏi cũng chẳng biết than thở với ai...", anh Quý trải lòng.

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 4

Giàn bí do anh Quý và các tài xế trồng để ăn tạm khi hết tiền mua thức ăn.

4 tháng qua, anh Quý dùng các thùng nhựa cũ, mốc meo để hứng nước mưa sử dụng. Hơn 40 năm sinh sống, chưa khi nào anh Quý trải qua quãng thời gian hãi hùng và đáng quên đến như vậy.

Trước dịch, với mức thu nhập 7 triệu/tháng, người đàn ông này cố tiết kiệm để gửi 4, 5 triệu về quê nuôi vợ và 2 con nhỏ. Thế nhưng sau 4 tháng thất nghiệp, anh Quý nhanh chóng lâm cảnh nợ nần vì không có tiền dành dụm và nhiều chi phí phát sinh.

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 5

Những xô nước mưa được anh sử dụng cho việc tắm giặt, nấu ăn.

"Tôi mượn anh em, họ hàng đã hơn 20 triệu đồng...", anh Quý chua xót nói. 

Những ngày kẹt trên xe, thỉnh thoảng vợ con anh lại gọi điện hỏi han, lo lắng khiến bản thân tôi không ít lần tủi thân đến bật khóc.

"Thấy nhau qua màn hình điện thoại nhưng vẫn nhớ rất nhiều. Chỉ mong tình hình ổn định để tôi về quê thăm nhà rồi lên đi làm trả nợ", anh Quý chia sẻ.

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 6

Anh Quý mong hết dịch để đi làm kiếm tiền trả nợ.

Đi phụ hồ chờ ngày xe lăn bánh 

Tại một góc khuất tối trong bến xe buýt Đại học Quốc gia TPHCM, ông Lâm Hoàng Phi (60 tuổi, quê Kiên Giang) vừa đong đưa trên chiếc võng rách, vừa đập muỗi.

"Muỗi to bằng con ruồi do xung quanh chỉ toàn cây cối. Những ngày qua tụi nó cắn nát cái chân tôi rồi...", ông Phi than thở.

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 7

Xung quanh khu vực bến xe nhiều cây cối nên có khá nhiều muỗi, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sức khỏe của các tài xế.

Chỉ mới sống trên xe 2 tháng, ông Phi cho biết đã nếm đủ mọi khó khăn, vất vả của đời tài xế. Có hôm trời nắng nóng đến nỗi kính xe tự động vỡ, ông Phi phải vật vạ tìm bóng mát ngồi đến tận khuya, chờ xe hạ nhiệt.

Ông chưa bao giờ nghĩ cuộc đời sẽ phải trải qua những tháng ngày như vậy. Không chỉ khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt, tiền tiết kiệm cũng cạn kiệt khiến nhiều ông và nhiều tài xế bữa đói bữa no.

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 8

Nắng nóng khiến 1 tấm kính xe buýt bị vỡ. 

"Thấy mọi người hết tiền, tôi đi mượn người quen sau đó chia lại vài trăm ngàn cho anh em mượn đỡ sống qua ngày", ông Phi kể.

Ông Phi cho biết đã làm phụ xe được 2 năm và đều "tả tơi" vì dịch. Con gái ông cũng ở trọ gần bến xe nhưng phòng chật chội nên ông không thể qua ở cùng. Ông chọn ở lại trên xe buýt để tiết kiệm chi phí.

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 9

Dù trên xe có mền, gối nhưng đến tận khuya các tài xế, phụ xe mới dám vô ngủ vì nắng nóng và muỗi.

"Hai tháng qua không có điện thoại để nghe cải lương thì chắc buồn lắm. Nghe tin tháng sau đi làm lại là tôi mừng muốn chết. Sống thế này ai cũng gò bó, mệt mỏi lắm", ông Phi bày tỏ.

Ông Nguyễn Vĩnh Tùng (50 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), quản lý bến xe buýt Đại học Quốc gia TPHCM cho hay, trong 4 tháng thành phố giãn cách xã hội, có 50 tài xế, phụ xe mắc kẹt lại bến. 

Tài xế, phụ xe hãi hùng kể lại 4 tháng sống trên xe buýt ở TPHCM - 10

Theo ông Nguyễn Vĩnh Tùng, quản lý Bến xe buýt Đại học Quốc gia TPHCM có 50 tài xế, phụ xe mắc kẹt lại bến, nhiều người đã xin đi làm phụ hồ, phục vụ để mưu sinh.

Trong đó, ai còn chút tiền dành dụm thì thuê phòng trọ bên trong bến xe hoặc thuê nhà vệ sinh, nhà bếp để dùng tạm. Nhiều trường hợp tài xế, phụ xe đã cạn kiệt kinh tế thì xin tá túc ngay trên xe, tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày bằng nước giếng, nước mưa dự trữ.

Vị quản lý này cũng cho biết, từ khi TPHCM nới lỏng giãn cách, nhiều tài xế và phụ xe vì quá khó khăn nên chủ động xin làm phụ hồ hay bưng bê ở các khu vực gần bến để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Mọi người đều sẵn sàng quay trở lại công việc, chỉ chờ ngày xe buýt lăn bánh.