Cận cảnh rừng phòng hộ Cần Giờ được đề cử thành khu Ramsar thế giới
(Dân trí) - Rừng sác Cần Giờ đang được đề xuất trở thành khu Ramsar của thế giới vì có tổng diện tích mặt nước hơn 20.000ha và 34.813ha rừng phòng hộ và là vùng ngập, bán ngập có hệ sinh thái đa dạng.
Hồ sơ đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar của UBND TPHCM, hiện có bốn tiêu chí đã đáp ứng bộ tiêu chí chung. Trong các tiêu chí đã đạt được cho thấy rừng phòng hộ Cần Giờ có mức độ đa dạng sinh học cao, khu vực có nhiều loài động - thực vật quý hiếm được thế giới công nhận.
Cách đây 50 năm, khu vực này bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Đến năm 1979, UBND TPHCM phát động chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ, thành lập Lâm trường Duyên Hải với nhiệm vụ khôi phục lại hệ sinh thái ngập mặn.
Khu dự trữ Sinh quyển Cần Giờ là nơi sinh sống của hệ động thực vật đa dạng, bao gồm gần 200 loài chim, 40 loài bò sát, 20 loài động vật có vú và hơn 300 loài thực vật bậc cao.
Khu dự trữ Sinh quyển Cần Giờ có 3 khu bảo tồn các loài động vật, bao gồm: Khu bảo tồn chim (Sân Chim Vàm Sát), Khu bảo tồn dơi (Đầm Dơi), Khu bảo tồn khỉ (Khu Đảo Khỉ).
Bên cạnh đó, nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển khỏi xói lở và cung cấp môi trường sống cho nhiều loài động, thực vật, đặc biệt nhiều loài hiện đang nằm trong Sách Đỏ.
Việt Nam đã được UNESCO công nhận tổng cộng 11 khu dự trữ Sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ Sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Vùng lõi với diện tích hơn 6.000ha có chức năng bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn cả rừng trồng và rừng tự nhiên và các môi trường sống của động vật hoang dã, đặc biệt là chim nước.
Vùng đệm có diện tích hơn 29.000ha đất rừng và 12.763ha diện tích mặt nước, có chức năng phục hồi các hệ sinh thái dựa trên các quần xã chiếm ưu thế và bảo vệ vùng lõi, tạo không gian lớn hơn cho thú hoang dã ngoài vùng lõi.
Vùng chuyển tiếp có diện tích hơn 13.000ha đất rừng và 7.267ha mặt nước. Vùng này có chức năng khuyến khích các mô hình phát triển kinh tế, hợp tác với sự tham gia của cán bộ quản lý, các cơ sở kinh tế, các tổ chức đoàn thể, nhà khoa học, các tổ chức giáo dục… nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn.
Hằng năm, Ban quản lý Rừng phòng hộ triển khai thực hiện các chương trình nghiên cứu, quan trắc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng nhằm định hướng công tác quản lý tài nguyên rừng hướng đến phát triển bền vững, gia tăng diện tích rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngoài ra, đây cũng là một địa điểm để đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, mang lại sinh kế cho nhiều gia đình trong cộng đồng dân cư địa phương.
Khu dự trữ Sinh quyển Cần Giờ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, mà còn mang lại lợi ích về kinh tế, du lịch của địa phương. Những hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững tại đây góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của thiên nhiên.
Khu dự trữ Sinh quyển Cần Giờ không chỉ đẹp mà còn là biểu tượng cho nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững ở Việt Nam. Hiện nay, TPHCM hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và các chuyên gia để tiếp tục nghiên cứu hệ sinh thái và phát triển các chiến lược bảo tồn hiệu quả.