Cận cảnh 8 ao, hồ không được san lấp ở TPHCM
(Dân trí) - TPHCM vừa phê duyệt danh sách 8 ao, hồ là "lá phổi xanh thu nhỏ" của thành phố, không được phép san lấp, xâm lấn, nhằm phục vụ du lịch, giải trí, điều tiết nước và chỉnh trang đô thị.
UBND TPHCM vừa phê duyệt danh mục 8 hồ, ao, đầm, phá trên địa bàn thành phố không được phép san lấp, xâm phạm nhằm phục vụ du lịch, giải trí, điều tiết nước và chỉnh trang đô thị.
8 ao, hồ, đầm, phá trong danh sách "bất khả xâm phạm" gồm: Ao cá Hương Tràm, hồ cá Công ty Thủy sản, ao Song Tân (quận 7); hồ chứa nước trong công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11); hồ Kỳ Hòa, công viên văn hóa Lê Thị Riêng (quận 10), hồ điều tiết nước công viên Thanh Đa, hồ chứa nước (quận Bình Thạnh).
Trong đó, hồ chứa nước trong công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11) là một trong những hồ chứa có diện tích lớn ở TPHCM.
Công viên Văn hóa Đầm Sen là công viên giải trí nằm trên đường Hòa Bình (quận 11) với diện tích rộng khoảng 50 ha, trong đó hồ chứa nước chiếm tới 20% diện tích.
Hiện ở đây đang là khu vui chơi được yêu thích và là địa điểm quen thuộc của nhiều người dân tại TPHCM.
Một địa điểm khác cũng khá quen thuộc với người dân TPHCM là hồ chứa nước công viên Văn hóa Lê Thị Riêng (quận 10).
Công viên Lê Thị Riêng được bao bọc bởi các con đường là Cách Mạng Tháng Tám, Bắc Hải và Trường Sơn, có diện tích khoảng 8 ha, trong đó khoảng 30% diện tích là mặt hồ.
Trước đây, công viên này từng là một nghĩa trang lớn, sau đó một phần của con rạch nối với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thông qua kênh Vành Đai được ngăn tách để tạo thành hồ nước chứa trong công viên. Hiện nay khu vực hồ là địa điểm câu cá thu hút nhiều người dân.
Anh Vũ Anh Thắng (ngụ quận 10) cho biết, dịp cuối tuần là anh lại tới đây câu cá giải trí. "Cả công viên chỉ có khu vực hồ nước là đẹp, mát mẻ, còn có khu câu cá giải trí, chỗ này mà bị san lấp thì còn ai tới công viên nữa", anh Thắng nói.
Sau khi phê duyệt danh mục 8 hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn thành phố, UBND TPHCM cũng phân công Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thống kê, cập nhật và tham mưu UBND TP điều chỉnh, bổ sung thêm vào danh sách trước đó.
Nằm về phía Đông - Nam của thành phố, ao Song Tân (quận 7) cũng là một trong 8 ao, hồ được phê duyệt vào danh sách không được san lấp.
Ao Song Tân có diện tích 94.206m2, được bao bọc bởi gần 400 hộ dân thuộc phường Tân Kiểng.
Trước đây, chính quyền quận 7 đã từng triển khai ghi hình hiện trạng nhà ở ven ao hồ, sông rạch trên địa bàn quận. Ao Song Tân là khu vực được lựa chọn để ghi hình, với mục đích ghi lại hiện trạng nhà ở ven ao hồ, sông rạch nhằm phục vụ công tác quản lý hành chính nhà nước về sử dụng đất, xây dựng ven ao Song Tân.
Qua đó ngăn chặn kịp thời và làm cơ sở pháp lý xử lý các trường hợp lấn chiếm ao hồ, sông rạch; phục vụ công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy khu vực ao Song Tân.
Theo ghi nhận của PV, rác thải xuất hiện tràn lan ở ven ao, đủ các loại rác sinh hoạt được xả ra từ khu vực phía sau nhà dân, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị.
Cách đó khoảng 500m là ao cá Hương Tràm, với diện tích 45.000m2, nằm sát bên đại lộ Nguyễn Văn Linh, xung quanh là khu dân cư thuộc phường Bình Thuận (quận 7).
Ao cá Hương Tràm được bao phủ chủ yếu với 3/4 là dừa nước và cây cỏ, sát bên là khu dân cư và các tòa chung cư cao tầng. Đây được ví như "lá phổi xanh" để điều tiết không khí cho khu vực.
Nằm giữa trung tâm khu vực quận 3 là hồ Kỳ Hòa. Với diện tích 17 ha, được bao phủ bởi nhiều cây xanh.
Hồ nước được trồng hoa súng, sát bờ hồ hiện tại có hai điểm kinh doanh nhà hàng ẩm thực và quán cà phê, với không gian khá thoáng mát.
Nằm về phía Đông của thành phố có hồ điều tiết nước công viên Thanh Đa (quận Bình Thạnh), đây cũng là một không gian xanh quen thuộc của người dân khu vực.
Hồ có dung tích chứa khoảng 80.000m3 nước. Hồ và trạm bơm Thanh Đa phục vụ mục đích thoát nước cho toàn phường 27, đặc biệt là cư xá Thanh Đa - một khu vực thường xuyên ngập nặng do triều cường.
Bà Nguyễn Thị Hoài (quận Bình Thạnh) cho hay, hàng ngày bà đều ra đây tập thể dục vì không gian thoáng mát, rộng rãi.
"Cả khu vực có mỗi công viên này là có hồ lớn, cây xanh nhiều nên hàng ngày tôi đều ra đây. Người dân tập thể dục, buôn bán ở đây cũng ý thức lắm, rác thải ít khi xuất hiện dưới hồ, chỉ có mùa khô nước hơi thấp nên lộ bùn sình thôi", bà Hoài cho hay.
Hồ điều tiết Thanh Đa nằm giữa 7 lô chung cư, nhiều cư dân ở đây chia sẻ, nếu lấp hồ điều tiết này, phường 27 nói riêng và quận Bình Thạnh nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì ngập úng diện rộng khi triều cường hoặc mưa lớn xuất hiện.
Sau khi UBND TPHCM phê duyệt danh mục 8 hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn thành phố, nhằm phục vụ du lịch, giải trí, điều tiết nước và chỉnh trang đô thị.
UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức được giao chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT trong công tác quản lý, bảo vệ hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; thường xuyên rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.
Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ không để xảy ra hoạt động san lấp hồ, ao, đầm, phá trái phép. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.