(Dân trí) - Việt Á chi hàng chục tỷ đồng hoa hồng khiến nhiều cán bộ không cưỡng lại được lòng tham. Thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn "đi đêm" như vậy, nhưng liệu quan chức có đủ bản lĩnh để từ chối hay không!
Việt Á chi hàng chục tỷ đồng hoa hồng khiến nhiều cán bộ không cưỡng lại được lòng tham. Thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn "đi đêm" như vậy, nhưng điều quan trọng là quan chức có đủ bản lĩnh để từ chối hay không!
Liên quan đến vụ Việt Á, trao đổi với phóng viên Dân trí, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Trung tướng Trần Văn Độ đều chung quan điểm, nhiều cán bộ CDC các tỉnh, Học viện Quân y yếu kém về đạo đức, thiếu bản lĩnh nên đã sa ngã…
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương:
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, vụ Việt Á có biểu hiện rất tinh vi, phức tạp. "Bằng các thủ đoạn, Công ty Việt Á đã câu kết, thao túng được cả khu vực nhà nước, dẫn đến hiện tượng rất lo ngại đó là cán bộ thoái hóa, bị vật chất và đồng tiền mua chuộc", ông Hoàng Chí Bảo nói.
Vì vậy, theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, phải thực hiện cho được những điều Đảng đã đặt ra là kiên quyết ngăn chặn, xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi theo ông, quan chức phải nêu gương, phải liêm chính mới dẹp được những hành vi tiêu cực.
"Đó là sức mạnh tự bảo vệ từ bên trong mỗi cán bộ đảng viên để vượt qua những cám dỗ của tiền bạc, vật chất trước mắt, nhất thời", nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Nhìn vào những cán bộ, đảng viên bị khởi tố, bắt giam vừa qua, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhận thấy họ đã mất tất cả, mất cả danh giá và quyền lợi vật chất. Ông cho rằng, cần phải thức tỉnh mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ về điều này để họ tự bảo vệ lấy họ và tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong vụ Việt Á, Giám đốc CDC Hải Dương được chia "hoa hồng" 30 tỷ đồng, Giám đốc CDC Bắc Giang và một số đồng phạm cũng được chia 44 tỷ đồng. "Tất cả là do cán bộ đó yếu kém về đạo đức và thiếu bản lĩnh. Đạo đức trong sáng thì không vật chất, tiền bạc nào chi phối nổi. Anh thiếu bản lĩnh thì sẽ bị mua chuộc, thành tù binh, nô lệ bởi vật chất trước mắt đó nhưng anh phải trả giá lâu dài là mất hết mọi thứ", ông Hoàng Chí Bảo nêu quan điểm.
Để không bị mất cán bộ do các hành vi tham nhũng, theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, phải có sự cảnh báo, phải có sự thức tỉnh để mỗi người luôn chú trọng danh dự, phẩm giá và lương tâm.
"Qua các vụ việc về kit test Covid-19, càng phải nghiêm trị các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật, bất kể đó là ai", Giáo sư Hoàng Chí Báo nhấn mạnh.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng:
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông rất ngạc nhiên về việc Công ty Việt Á cho "ra lò" thần tốc đến như vậy bộ kit test Covid-19. Về mặt khoa học, ông Nguyễn Lân Dũng cảm thấy rất vô lý. Bởi theo ông, từ nghiên cứu đến sản xuất bộ kit test Covid-19 rất khó, không thể nhanh được.
Sau khi hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị kỷ luật, khởi tố liên quan đến kit test Việt Á, ông Nguyễn Lân Dũng mới vỡ lẽ: "Thành công của Việt Á nhanh đến vậy do có sự móc ngoặc với một số cơ quan, có sự buông lỏng trong quản lý. Qua sự việc tôi thấy rất buồn vì đụng đến hai Bộ trưởng, rồi cả các vị cấp tướng, tá trong Học viện Quân y".
Theo Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, qua việc hàng chục cán bộ các đơn vị từ Trung ương đến địa phương liên quan đến vụ Việt Á bị khởi tố, ông nhận thấy, nhiều cán bộ, đảng viên vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua danh dự và bị tiền bạc, bị vật chất mua chuộc, đánh mất lòng tự trọng.
"Vụ Việt Á là bài học rất lớn trong công tác cán bộ. Qua đó cũng cho thấy cán bộ ở bất kỳ vị trí nào, cấp nào từ Trung ương đến địa phương mà không giữ được mình thì rất dễ bị tiền bạc, bị vật chất mua chuộc", Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói và cho rằng, nếu mỗi người đều giữ danh dự, lòng tự trọng thì không ai phải "vào lò".
"Lò có to đến mấy, đốt nhiều củi đến mấy mà mỗi cán bộ, đảng viên không tự giác thì vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện những người hám lợi, sa ngã. Mà đã sa ngã thì sẽ không còn gì, tương lai mất, của cải cũng không còn. Vì vậy, theo tôi, biện pháp gì cũng chịu thua nếu mỗi cán bộ, đảng viên không tự giác", ông Nguyễn Lân Dũng nói.
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương:
Qua vụ Việt Á, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng có sự cấu kết giữa doanh nghiệp tư nhân với cán bộ công chức nhà nước.
Theo ông Độ, nếu không có sự hỗ trợ, quảng bá, thậm chí là gợi ý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế thì kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á không thể lọt vào trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế các tỉnh thành trên cả nước nhanh đến như vậy.
Khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố vụ án "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và các đơn vị liên quan, Công ty Việt Á đã kịp cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Riêng tiền Việt Á "đi đêm" với quan chức, cán bộ các tỉnh thành lên tới 800 tỷ đồng.
Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng, việc Việt Á chi hàng chục tỷ đồng tiền hoa hồng khiến nhiều cán bộ, công chức không thể cưỡng lại được lòng tham. "Trong thời buổi kinh tế thị trường, doanh nghiệp chi hoa hồng là điều tất yếu, nhưng điều quan trọng là quan chức có đủ bản lĩnh để từ chối hay không", ông Độ nói.
Theo Trung tướng Trần Văn Độ, để cán bộ không dám, không muốn và không thể "đi đêm" với doanh nghiệp, bòn rút tiền của nhà nước như vụ Việt Á, thì việc truy tố, xét xử chỉ là biện pháp cuối cùng.
"Cành sâu, cành mọt mà bẻ đi là giải pháp cuối cùng thôi. Vấn đề là làm sao để cành không bị sâu, không bị mọt thì cái gốc phải thật tốt. Cái gốc ở đây là công tác cán bộ, là công tác quản lý và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên", Trung tướng Trần Văn Độ tâm tư.