DNews

Bộ GTVT cần sớm kết luận vụ "thất thủ" ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Phước Tuần

(Dân trí) - Với những bất cập trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây, TS Phạm Viết Thuận nói Bộ Giao thông Vận tải cần sớm kết luận vụ "thất thủ" để chuyên gia đưa ra giải pháp căn cơ.

Bộ GTVT cần sớm kết luận vụ "thất thủ" ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Người tham gia giao thông rất quan tâm và kỳ vọng vào các tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây bởi nó hiện đại, rút ngắn thời gian đi so với tuyến quốc lộ 1A. Nhưng sự kỳ vọng đó bao giờ mới được đáp ứng khi nơi đây vẫn còn hàng loạt bất cập đang tồn tại. 

Chưa có trạm dừng nghỉ là rất nguy hiểm cho lái xe

Làm giảm những bất cập trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây, nhiều chuyên gia, lực lượng CSGT đã đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người dân.

Thiếu tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho biết, thời gian qua các phương tiện dừng, đổ ở làn khẩn cấp trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết rất nhiều nhưng phần lớn không đúng luật.

Thiếu tá Ân giải thích, trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cứ 4-5km là có đoạn làn dừng khẩn cấp. Đây là làn để tài xế dừng trong trường hợp khẩn cấp hỏng xe, sức khỏe.

Thực tế, hiện có nhiều ô tô, xe tải dừng nghỉ, đi vệ sinh, ăn uống rất nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn trên cao tốc. Minh chứng là vụ tai nạn sáng 24/7 giữa xe khách và xe 16 chỗ tại làn dừng khẩn cấp.

"Hiện cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây hơn 200km vẫn chưa có trạm dừng nghỉ. Chúng tôi khuyến cáo các phương tiện trước khi vào cao tốc nên kiểm tra đầy đủ nhiên liệu, kỹ thuật xe, ăn uống đầy đủ.

Trong quá trình di chuyển trên cao tốc, muốn dừng nghỉ, đi vệ sinh, ăn uống, nghỉ ngơi tài xế lái xe ra khỏi cao tốc ở các nút giao để ghé trạm xăng, trạm dừng chân trên các tuyến quốc lộ 1A, 55, 28, 28B… Dù mất thời gian nhưng đây là giải pháp an toàn nhất hiện nay khi cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ", Thiếu tá Ân chia sẻ.

Bộ GTVT cần sớm kết luận vụ thất thủ ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - 1

Thiếu tá Hoàng Xuân Ân khuyến cáo các phương tiện nên rời cao tốc ở các nút giao để kiếm điểm dừng chân nhằm đảm bảo an toàn (Ảnh: Phước Tuần).

Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thời gian qua đã xử lý rất nhiều trường hợp xe máy đi vào cao tốc, các tài xế chạy ngược chiều và lùi xe trên cao tốc.

Hiện trên 3 tuyến cao tốc mới đưa vào vận hành ở phía Nam đều chưa gắn camera giám sát tốc độ nhưng đội đã tổ chức tuần tra, giám sát tốc độ ở một số đoạn trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây.

Chia sẻ về nguyên nhân nhiều vụ tai nạn xảy ra gần đây trên các tuyến cao tốc, Thiếu tá Ân nói phần lớn là lỗi chủ quan của tài xế vì họ cho rằng đường mới, vắng xe nên lái xe không làm chủ tốc độ. Hầu hết các vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc 2 tháng qua xảy ra ban đêm, tài xế không giữ khoảng cách an toàn. 

Bộ GTVT cần sớm kết luận vụ thất thủ ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - 2

Trạm dừng chân trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây luôn quá tải vào cuối tuần do tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chưa có trạm dừng nghỉ (Ảnh: Phước Tuần).

Theo Thiếu tá Ân, để chạy xe an toàn trên cao tốc, tài xế cần lái xe đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, tập trung, không nên lái xe trên chặng đường dài. Đặc biệt các tài xế lái xe ban đêm cần tỉnh táo khi lái xe, chuẩn bị kỹ nhiên liệu, kiểm tra kỹ thuật xe trước khi vào đường cao tốc. 

Vị Thiếu tá cũng cho biết việc cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ là rất nguy hiểm cho lái xe. Tài xế lái xe trên đường dài thường mỏi mắt, mệt mỏi cần nghỉ ngơi. Hiện đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có 2 làn chạy nên có sự cố là nguy hiểm vô cùng.

 Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) mong các trạm dừng nghỉ sẽ sớm được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Cần sớm triển khai trạm dừng nghỉ

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, việc Bộ Giao thông Vận tải sớm đưa vào vận hành tạm thời tuyến chính cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây là quyết định đúng và hợp lý.

Việc cao tốc đưa vào khai thác tạm, đúng tiến độ, giúp cho người dân, doanh nghiệp rất phấn khởi. Không những các ngành lĩnh vực du lịch mà đời sống xã hội, kinh tế của người dân có tác động tích cực rất lớn.

Tuyến cao tốc này cũng rút ngắn khoảng cách từ TPHCM đi Phan Thiết, Phan Rang và cả Nha Trang. Tuy nhiên, việc vận hành, quản lý cao tốc phải đảm bảo an toàn trong bối cảnh còn nhiều hạng mục đang thi công ngổn ngang. 

"Bộ Giao thông Vận tải cần sớm tập trung, đẩy nhanh quy trình chọn lựa chủ đầu tư để sớm xây dựng trạm dừng nghỉ. Đây là nhu cầu cấp thiết của tài xế, du khách. Ngoài ra, ban quản lý dự án cao tốc cần theo sát, chỉ đạo các nhà thầu đảm bảo đúng quy trình cảnh báo khi thi công các hạng mục trên cao tốc", ông Thuận nói.

Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM đặc biệt lưu ý Cục CSGT cần thường xuyên giám sát, xử phạt các trường hợp lái xe quá tốc độ nhằm đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc mới vận hành.

Bộ GTVT cần sớm kết luận vụ thất thủ ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - 3

Các xe lưu thông tốc độ cao khi các công trình phụ trở vẫn đang thi công (Ảnh: Phước Tuần).

Còn chuyên gia giao thông Lâm Thiếu Quân, chia sẻ: "Trong khi chưa hoàn thành các hạ tầng phụ trợ như dải phân cách, làn dừng khẩn cấp, hệ thống theo dõi hướng dẫn giao thông, camera phạt nguội... Ban quản lý dự án chỉ nên giới hạn các phương tiện chạy tốc độ tối đa 80km/h. Khi nào có hệ thống phạt nguội lắp đặt cho phép nâng lên 100km/h. Và cao tốc hoàn thành các công trình phụ trở đầy đủ mới nâng lên 120km/h".

Cũng theo ông Quân, nhà thầu phải giám sát và chịu trách nhiệm đảm bảo quy định an toàn thi công khi cao tốc đang vận hành. Cần kiểm tra chặt quy trình đặt bảng cảnh báo an toàn đúng khoảng cách, công nhân phải mặc đồ bảo hộ, phản quan; các phương tiện máy móc, xe máy không được dừng đỗ ở làn dừng khẩn cấp.

Cạnh đó, Ban quản lý cần lắp thêm biển báo giới hạn tốc độ ở những đoạn đường thi công.

Trao đổi về tiến độ xây dựng trạm dừng nghỉ, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cho biết, đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, khai thác trạm dừng nghỉ. Dự kiến đến quý I/2024 mới khởi công xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Trạm dừng nghỉ sẽ có các hạng mục chính như: bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, trạm xăng và khu nghỉ ngơi…

Bộ GTVT cần sớm kết luận vụ thất thủ ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - 4

Vị trí trạm dừng chân trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chờ nhà đầu tư xây dựng (Ảnh: Phước Tuần).

Ông Thái chia sẻ, theo quy hoạch, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư trạm dừng nghỉ cả 2 chiều, mỗi bên có diện tích khoảng 2ha. Trạm được đặt tại km47+500, thuộc địa phận xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (Bình Thuận), giáp ranh với Đồng Nai. 

Tương tự ông Phạm Quốc Huy, giám đốc quản lý dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho biết, đơn vị đang lập hồ sơ thiết kế và hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ. Dự kiến đến tháng 10 sẽ hoàn tất hồ sơ để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến đầu năm 2024 sẽ triển khai xây dựng.

Trên đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 2 điểm triển khai trạm dừng nghỉ tại km144+560 xã Phong Phú, huyện Tuy Phong và km205+602 xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc.

Khơi thông dòng chảy chỉ tạm thời, nâng cốt nền mới dứt điểm ngập

Nhiều chuyên gia hạ tầng giao thông cho rằng phương án hiện hữu khắc phục điểm ngập cao tốc là khơi thông dòng chảy, giúp nước thoát nhanh ra khu vực hạ lưu sông Phan. Tuy nhiên về căn cơ lâu dài, việc chống ngập ở khu vực này phải nâng cao trình cốt nền hoặc làm cầu cạn.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nhấn mạnh, lúc này dư luận đang mong muốn Bộ Giao thông Vận tải cần sớm đưa ra kết luận về vụ ngập. Từ kết luận nguyên nhân ngập chính xác của Bộ Giao thông Vận tải các chuyên gia mới đưa ra được giải pháp căn cơ về sự việc. 

Bộ GTVT cần sớm kết luận vụ thất thủ ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - 5

Mương gom nước tại vị trí ngập km25+300 - km25+400 trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Phước Tuần).

Đã đến khảo sát vị trí ngập, TS Phạm Viết Thuận cho rằng nguyên nhân chính là lúc khảo sát, tư vấn thiết kế có thể không nắm rõ địa hình, thủy văn, lưu lượng nước lưu thông của lưu vực hạ lưu sông Phan, hoặc các thông số đỉnh lũ cao nhất của khu vực km25+300 - km25+400 chưa chính xác, từ đó tính toán thiết kế chưa phù hợp. Tuy nhiên báo cáo từ đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị này khẳng định hồ sơ thiết kế cao tốc qua đoạn này không sai. Nên bây giờ cần phải đợi kết luận của Bộ Giao thông Vận tải.

Về hướng khắc phục vấn đề này, theo TS Phạm Viết Thuận một là nâng cốt nền cao trình cao tốc đoạn ngập hoặc làm cầu cạn; hai là khơi thông dòng chảy, đặc biệt khu hạ lưu sông Phan để tiêu thoát nước tại điểm ngập nhanh hơn. Nếu khơi thông vẫn ngập thì giải pháp lâu dài chắc chắn là nâng cao trình cốt nền tuyến cao tốc qua vị trí ngập. 

Thêm một giải pháp là đặt thêm hai cống hộp bổ sung. Hiện nay một cống có lưu lượng thoát nước chỉ 180m3/giây, khi có ba cống lưu lượng nước thoát tăng lên 540m3/giây sẽ đảm bảo thoát nước ở lưu vực này. Sau đó tổ chức nắn dòng hai bên hệ thống taluy dẫn nước sang vị trí khác để đảm bảo tiêu thoát.

Giải pháp trên thi công nhanh, đảm bảo về mặt kỹ thuật, kinh phí, thoát nước và đặc biệt hạn chế chuyện gián đoạn lưu thông trên cao tốc. 

Đồng quan điểm với TS Phạm Viết Thuận, các chuyên gia về hạ tầng giao thông cũng đánh giá việc nâng cao trình cốt nền khó khả thi. TS Nguyễn Phước Minh, Giảng viên bộ môn Đường bộ, ĐH Giao thông vận tải, phân hiệu TPHCM, cho biết, trường hợp ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có ba hướng khắc phục gồm nâng cao trình cốt nền đường, tăng tiết diện cống và xẻ chia dòng nước về cống.

Bộ GTVT cần sớm kết luận vụ thất thủ ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - 6

Sự cố ngập sáng 29/7 tại km25+300 - km25+400 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: P.V).

Tuy nhiên thời điểm cao tốc đang vận hành, phương án nâng cao trình cốt nền sẽ rất khó, ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện. TS Nguyễn Phước Minh chia sẻ: "Tôi nghĩ phương án chia dòng nước đổ về cống đoạn km25+300 - km25+400 ra hai hướng sẽ giảm, giúp cống thoát nước nhanh hơn.

TS Ngô Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và Quản lý TPHCM: Chỉ thông xe khi dự án hoàn thành 

Quá trình lập dự án, duyệt dự án cao tốc tới đây phải yêu cầu có làn khẩn cấp để tránh mất an toàn giao thông khi đưa vào khai thác. Với các dự án đường cao tốc đang triển khai phải yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện toàn bộ dự án, công trình phụ trợ, chỉ thông xe khi mọi việc đã hoàn tất.

Để đảm bảo có nguồn lực xây dựng thêm nhiều tuyến cao tốc, cần phải sớm thông qua cơ chế thu phí hợp lý các dự án do Nhà nước đầu tư. Các tuyến cao tốc nối liền mạch để đảm bảo kết nối đồng bộ cần được ưu tiên khi lập và duyệt các dự án hệ thống giao thông thông minh.

Ngoài ra, cần khảo sát hệ thống thoát nước ở hạ lưu, giúp nước ở điểm gom thoát nước nhanh hơn. Ban quản lý cao tốc nên sớm cải tạo hệ thống mương thoát nước ở phần hạ lưu cống để khu vực này tiêu thoát nước nhanh, giảm nước ứ lại gây ngập trên mặt đường cao tốc khi vũ lượng mưa lớn trong thời gian ngắn.

Giải pháp khơi thông dòng chảy cũng được Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đơn vị tư vấn thiết kế chọn để khắc phục điểm ngập. Cả hai đơn vị đều cho biết sớm khơi thông mương nước, dòng chảy và nạo vét lưu vực hạ lưu sông Phan để nước thoát nhanh hơn.

Một chuyên gia hạ tầng đô thị khác khẳng định việc Ban quản lý dự án Thăng Long mời thêm chuyên gia hàng đầu về thủy văn vào khảo sát mới thấy khu vực điểm ngập có các thông số thủy văn khá phức tạp. 

"Tôi nghĩ vụ cao tốc ngập do mưa lớn trong thời gian ngắn, nước không thoát kịp nên ngập cục bộ. Muốn khắc phục chỉ cần giảm dòng nước đổ về điểm ngập bằng cách chia đôi dòng nước. Khu vực thoát nước cần cải tạo, khơi thông dòng chảy để nước tiêu thoát nhanh hơn.

Bộ GTVT cần sớm kết luận vụ thất thủ ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - 7

Điểm gom nước tại vị trí ngập km25+300 - km25+400 trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Phước Tuần).

Vị chuyên gia nhấn mạnh đó chỉ là biện pháp trước mắt. Lâu dài có thể sẽ gặp mưa lớn hơn, lũ sông Phan lên cao hơn, thời gian sau các mương thoát nước sẽ bồi đắp… nên giải pháp lâu dài là phải nâng cao trình cốt nền, lắp thêm cống thoát nước. 

"Để làm được việc đó cần phân làn để thi công như các tuyến quốc lộ 1A, có ảnh hưởng việc lưu thông nhưng phải chấp nhận để giải quyết căn cơ", chuyên gia nêu quan điểm.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8 km đi qua địa phận các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình Thuận với vận tốc thiết kế là 100-120 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 10.850 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 9/2020 và đưa vào vận hành ngày 19/5. 

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng vừa khai thác từ 29/4. Tuyến cao tốc có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Vận tốc thiết kế của cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.