Bên trong đại công trường dự án sân bay lớn nhất Việt Nam
(Dân trí) - Năm 2023, những hạng mục quan trọng của dự án sân bay quốc tế Long Thành tiếp tục được triển khai thực hiện trên công trường đỏ rực màu đất bazan.
Theo kế hoạch của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - dự kiến từ quý I năm 2023 đơn vị sẽ triển khai thi công đồng loạt nhiều hạng mục quan trọng như nhà ga, đường băng, sân đỗ.
Khởi công ngày 5/1/2021, dự án bắt đầu bằng công đoạn san lấp mặt bằng. Gần như toàn bộ mặt bằng dự án đã được rà phá bom mìn làm phẳng. Đến nay, nơi đây vẫn còn là "hoang mạc" đất bazan rộng lớn.
Công trường đã hoạt động xuyên Tết Quý Mão. Theo báo cáo của lãnh đạo ACV, từ ngày 20-26/1 (ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng), các công nhân đã thi công đạt khối lượng 1,898 triệu m3. Trước và sau Tết, hơn 600 phương tiện, máy móc cùng hơn 1.000 kỹ sư, công nhân được huy động tiếp tục hối hả thi công.
Đại diện ACV cho biết, năm 2023 là thời gian cao điểm thi công giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Một số gói thầu cơ bản như san nền thoát nước, làm cọc móng nhà ga hành khách đã và đang được thi công. Đây là các công đoạn quan trọng để phục vụ triển khai thi công các hạng mục tiếp theo của dự án.
Nền công trường chủ yếu là đất đỏ bazan, khiến việc đào lấp, vận chuyển mịt mù bụi cuốn theo những chiếc xe phục vụ thi công. Toàn bộ nhân lực đang làm hết công suất để kịp tiến độ hoàn thành đề ra là 15 tháng, rút ngắn nửa thời gian như dự kiến ban đầu của chủ đầu tư.
Giai đoạn 1 của dự án sử dụng 1.810ha diện tích mặt bằng ở tỉnh Đồng Nai, với vốn đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD), dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025.
ACV cũng báo cáo hầu hết khu vực thi công chính đã cơ bản được UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao. Tính đến đầu năm 2023, tỉnh đã bàn giao cho chủ đầu tư ACV khoảng 98% diện tích đất. Phần diện tích còn lại dự kiến sẽ hoàn thành thu hồi trong quý I năm 2023. Đối với khu vực 722ha đất dự trữ, địa phương đã bàn giao cho ACV khoảng 92% diện tích.
Trong địa phận xã Bình Sơn, huyện Long Thành không chỉ có mỗi đại công trường dự án sân bay. Tại ranh giới dự án vẫn là những con đường dân sinh. Giữa không gian toàn đất đỏ không rõ đường đi, ban quản lý dự án đã đặt nhiều biển chỉ dẫn.
Cũng trong khu vực đang thi công, vẫn còn nhiều hộ dân chưa di dời.
Trao đổi với Dân trí, cán bộ UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho biết, khu vực này còn 31 hộ dân chưa được phê duyệt bồi thường. Những hộ này nằm trong 10ha đất quy hoạch GPMB, trong đó chỉ có 3ha nằm trong ranh khu vực đang xây dựng giai đoạn 1.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga (ngụ tổ 3, ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn) là một trong những người dân chưa di dời khỏi dự án. Mỗi ngày bà vẫn đi qua lại đống đổ nát của phần ngôi nhà mình.
"Bà cháu tôi có miếng đất này để ở. Với thu nhập của người bán vé số như tôi, việc chuyển đến khu tái định cư rất khó", bà Nga giải thích lý do vẫn bám trụ nơi đây.
Còn chị Hoàng Thị Thúy có 300m2 đất thổ cư tại đây. Lý do chị còn ở lại là có nguyện vọng được đền bù mảnh đất tương ứng ở vị trí khác, chứ không cần đền bù bằng tiền.
Những hộ dân còn bám lại khiến dự án chậm tiến độ. Theo ACV, dù đã được tỉnh Đồng Nai bàn giao diện tích lớn mặt bằng, nhưng phạm vi thi công khu vực đường cất - hạ cánh không thể triển khai thi công đồng thời vì chưa giải quyết được chuyện GPMB.
Phía UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, vấn đề chậm giải phóng mặt bằng là do vướng mắc trong cơ chế chính sách đền bù nên việc kiểm duyệt, giải quyết hồ sơ chậm. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân dùng hình thức chuyển nhượng viết tay và đất vô chủ dẫn tới khó khăn trong việc xác minh, giải quyết đền bù. Huyện Long Thành sẽ cố gắng hoàn thành phê duyệt hồ sơ cho các hộ dân còn lại, chậm nhất đến tháng 6/2023 bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư.
Hiện Hương Lộ 10 là con đường duy nhất cho người dân và toàn bộ xe công trình ra vào công trường. Ban quản lý dự án cho biết sẽ chặn tuyến đường này vào ngày 15/3 để phục vụ thi công, song vẫn nới lỏng thêm một tháng cho người dân còn ở trong khu vực dự án chưa di dời tiếp tục đi lại, sau đó đóng hoàn toàn.
Toàn bộ khuôn viên công trường cơ bản được rào chắn trong phạm vi hơn 1.810ha phục vụ dự án.
Bên ngoài đại công trường dự án sân bay Long Thành, tuyến đường thuộc cao tốc Bắc - Nam đã kết nối giao thông trong khu vực.
Tỉnh Đồng Nai cũng sẵn sàng chuẩn bị phương án hình thành 4 phương thức giao thông gồm đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa để kết nối với sân bay. Trong đó, việc mở rộng các tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành với TPHCM rất quan trọng, vì dự kiến có đến 80% lượng hành khách quốc tế đến sân bay này sẽ về TPHCM (cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 40km).
Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm.
Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 (2021-2025); giai đoạn 2 (2025-2030); giai đoạn 3 (2035-2040).
Chính phủ đặt mục tiêu chuyến bay đầu tiên cất cánh từ sân bay Long Thành vào ngày 2/9/2025.