DNews

Bàn thờ các nhà báo liệt sĩ và bài thơ đau đáu "đừng gọi anh là vô danh"

Nguyễn Phê Nguyễn Tùng

(Dân trí) - Trước khi trở thành nhà báo, ông Trần Văn Hiền là một người lính từng vào sinh ra tử chiến đấu vì Tổ quốc. Suốt nhiều năm ông đã dày công đi tìm tư liệu viết bài, viết sách về các nhà báo liệt sĩ.

Bàn thờ các nhà báo liệt sĩ và bài thơ đau đáu "đừng gọi anh là vô danh"

Mới đây ông Trần Văn Hiền đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Nghệ An làm lễ cầu siêu, rước 511 nhà báo liệt sĩ về thờ tự tại chùa Âu Lạc (TP Vinh, Nghệ An).

"Dáng đứng dưới tầm bom"

Trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng triệu người từ giã quê hương, gia đình, người thân lên đường ra trận. Ngày đất nước hòa bình thống nhất, có người trở về mang trong mình nhiều vết thương, có người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Biết bao gia đình ròng rã hàng chục năm trời tìm kiếm người thân đã hy sinh nhưng cũng chỉ nhận lại sự vô vọng.

Trong số hàng triệu liệt sĩ qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, có hơn 500 nhà báo liệt sĩ.

Bàn thờ các nhà báo liệt sĩ và bài thơ đau đáu đừng gọi anh là vô danh - 1

Nhà báo Văn Hiền ngày ngày đến chùa thắp hương thờ phụng các nhà báo liệt sĩ (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Từng là một phóng viên chiến trường có mặt ở khắp các mặt trận, nhà báo Văn Hiền (SN 1949, quê gốc Làng Vòng, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) thấu hiểu sự hy sinh, thương đau, mất mát của đồng đội, đồng chí mình.

Từ nỗi niềm ấy, nhà báo Văn Hiền quyết tâm đi tìm và viết về chân dung các nhà báo liệt sĩ. Ông đã hoàn thành cuốn sách "Dáng đứng dưới tầm bom" viết về 33 nhà báo liệt sĩ.

Bàn thờ các nhà báo liệt sĩ và bài thơ đau đáu đừng gọi anh là vô danh - 2

Nhà báo Trần Văn Hiền và cuốn sách ông tâm huyết "Dáng đứng dưới tầm bom" (Ảnh: Nguyễn Phê).

Nhà báo Trần Văn Hiền sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông là liệt sỹ chống Mỹ - Thiếu tá Trần Văn Ngoạn; từng học tại trường Quốc học Vinh, từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia chống Mỹ rồi hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1967.

Ông Hiền là con trai trưởng trong gia đình. Nối tiếp truyền thống cha ông, năm 1966, khi mới 17 tuổi, Trần Văn Hiền viết đơn xin nhập ngũ và trở thành lính công binh ở Đại đội công binh 15, khu V. Từ đây, ông cùng các đồng đội tham gia kháng chiến ở rất nhiều chiến trường.

Năm 1968 ông được điều đi bồi dưỡng viết báo, sau đó được điều về công tác tại báo Nghệ An.

Năm 1973, ông theo đoàn dân công hỏa tuyến Nghệ An sang chiến đấu ở nước bạn Lào, phụ trách viết bài, đưa tin chiến trường.

Sau đó ông quay về công tác tại báo Nghệ An cho đến khi nghỉ hưu.

Day dứt vì những liệt sĩ chưa xác định được tên

Tháng 7/1993, ông đi giảng chính trị cho cán bộ, đảng viên tại Huyện ủy Anh Sơn (Nghệ An). Một buổi trưa trời nóng như đổ lửa, nhà báo Trần Văn Hiền đi dạo trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào, nhìn hàng nghìn ngôi mộ chưa xác định tên, ông không kìm nén được nỗi niềm xúc động, viết bài thơ "Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh": "Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/Anh có tên như bao khuôn mặt khác/Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng/Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa/Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái/Vệt mòn dưới nắng, dưới mưa".

Bàn thờ các nhà báo liệt sĩ và bài thơ đau đáu đừng gọi anh là vô danh - 3

Nhà báo Trần Văn Hiền bên bia đá khắc bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh", tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt-Lào (Ảnh: Nguyễn Phê).

"Lúc đó trời nắng, đứng trước nghĩa trang hàng nghìn ngôi mộ trắng lóa cả một vùng trời. Nhưng hầu hết đều ghi liệt sĩ vô danh. Đau đớn quá, tôi tự thốt lên một mình, sao lại gọi anh là liệt sĩ vô danh!", ông Hiền tâm sự.

Chiều hôm đó, viết xong bài thơ, nhà báo Trần Văn Hiền đã đọc cho các học viên nghe. Nhiều người rất xúc động chép lại bài thơ.

Bài thơ sau đó được đăng trên nhiều tờ báo như báo Nhân dân, báo Dân trí, báo Nghệ An, tạp chí Người làm báo, nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của báo Quân Đội Nhân dân,... làm lay động hàng triệu trái tim độc giả trên cả nước.

Đặc biệt, Đài truyền hình Việt Nam dựng bộ phim tài liệu "Không ai là vô danh" phát sóng ngày 27/7/1995 với nền nhạc bài thơ "Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ Vô danh" đã làm xúc động hàng triệu trái tim người xem.

Sau đó hơn 400.000 ngôi mộ liệt sĩ vô danh tại các nghĩa trang trong cả nước được đổi tên gọi thành mộ chưa tìm thấy tên và quê quán.

Thời gian này, nhà báo Trần Văn Hiền nhớ da diết hai người bạn học của mình tại khóa II đại học báo chí là nhà báo Lang Viết Mậu, công tác tại báo Lạng Sơn, hy sinh năm 1979 và nhà báo Vũ Hiến, báo Quân chủng Hải quân, hy sinh ở chiến trường Campuchia năm 1979.

Từ đây ông quyết tâm đi tìm tư liệu, viết bài về các nhà báo liệt sĩ trên cả nước.

Trong 15 năm kiên trì, rong ruổi khắp các nẻo đường, nhà báo Trần Văn Hiền đã chứng kiến biết bao nỗi đau thương, xót xa của các thân nhân liệt sĩ nhà báo.

Bàn thờ các nhà báo liệt sĩ và bài thơ đau đáu đừng gọi anh là vô danh - 4

Máy ảnh, bút,... - kỷ vật của các nhà báo liệt sĩ được nhà báo Trần Văn Hiền sưu tầm về thờ tại chùa (Ảnh: Nguyễn Phê).

"Năm 1995, vào Đông Hà, Quảng Trị tìm thăm thân nhân nhà báo Dương Phước An, phóng viên điện ảnh quân giải phóng, hy sinh năm 1970 tại Hậu Giang, tôi chứng kiến hình ảnh hết sức đau đớn là trên bàn thờ anh An còn có hai di ảnh của hai con trai anh. Hỏi ra mới biết hai con anh chết do bom Mỹ sót lại sau chiến tranh. Đau đớn quá, chị Muội vợ anh, từng học Đại học Vinh với anh, phát điên. Bàn thờ nguội lạnh không ai hương khói. Tôi không cầm được nước mắt…", nhà báo Hiền ngậm ngùi chia sẻ.

"Tôi về thăm thân nhân nhà báo Lê Văn Luyện ở Nghi Lộc, Nghệ An - làm ở Thông tấn xã khu V,  hy sinh năm 1970 tại Quảng Nam. Nhìn thấy bàn thờ nguội lạnh, tôi hỏi ra mới biết anh có 3 người con, 2 trai một gái. Con trai đầu tốt nghiệp đại học, xin vào Quảng Nam dạy học để tìm hài cốt cha, chưa tìm được thì chất độc màu da cam phát tác mà qua đời. Con gái thứ 2 đi lấy chồng, con trai út cũng nhiễm chất độc màu da cam mù mắt. Vợ anh thì chết lâu rồi, không có ai thờ phụng", nhà báo Trần Văn Hiền kể tiếp.

Bàn thờ các nhà báo liệt sĩ và bài thơ đau đáu đừng gọi anh là vô danh - 5

Nhiều di ảnh của các nhà báo liệt sỹ, được nhà báo Văn Hiền sưu tầm về thờ tại chùa (Ảnh: Nguyễn Phê).

Chứng kiến quá nhiều trường hợp đau đớn, từ năm 1995 cho đến mãi sau này, khi nghỉ hưu ở báo Nghệ An chuyển qua làm tại tạp chí Người làm báo, trong phòng làm việc của ông Hiền luôn có một bàn thờ nhỏ để tưởng nhớ các liệt sĩ nhà báo.

Năm 2020, khi chùa Âu Lạc tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An được phục dựng, ông Hiền đặt vấn đề với các cơ quan liên quan và phối hợp với Giáo hội Phật giáo Nghệ An rước 511 liệt sĩ nhà báo về chùa thờ phụng.

Ông Trần Văn Hiền nay đã hơn 70 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng ngày ngày vẫn đi xe máy đến chùa để thắp hương cho các liệt sĩ nhà báo.

"Được như thế này, nỗi day dứt, đau đớn cũng phần nào được an ủi. Mong các cơ quan nói chung và cơ quan báo chí quan tâm hơn tới các thân nhân liệt sĩ nhà báo là tôi thỏa lòng", nhà báo Hiền đau đáu nỗi niềm.

"Bình yên sau cuộc chiến tranh

Anh trở về không tên không tuổi

Trắng hàng bia

Những ngôi sao không nói

Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác

Tổ quốc không mất tên Anh

Chỉ lặng thầm nhận về mình

nỗi đau xanh cùng năm tháng".

Những vần thơ như một nén tâm hương nhà báo Trần Văn Hiền dâng lên các anh hùng liệt sĩ nói chung và các nhà báo liệt sĩ nói riêng.