DMagazine

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực

(Dân trí) - Theo Nhà báo, Thượng tá Đào Trung Hiếu, dù có ứng dụng công nghệ gì trong làm báo, thì phẩm chất quan trọng số 1 của người làm nghề báo, đó là sự trung thực.

"Ký ức về những thời khắc hiểm nguy khi đối mặt với tội phạm, cùng hành trình khám phá, giải mã những bí mật phía sau tội ác, luôn là thứ hành trang đặc biệt nhất mà mỗi người lính điều tra hình sự luôn mang theo bên mình trong suốt cuộc đời.

Dẫu có bao năm tháng trôi qua, những trang hồ sơ đã ố vàng cùng nét mực nhạt màu bởi bụi thời gian, nhưng với lính, mọi chuyện chỉ như mới hôm qua", Lời tựa "Hành trình giải mã tội ác" - Nhà báo, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Tiến sĩ Tội phạm học).

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà báo, Thượng tá Đào Trung Hiếu về những trải lòng, suy tư của ông về nghề báo và nghề điều tra.

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực - 1

Được biết, "Hành trình giải mã tội ác" không phải là cuốn sách đầu tiên mà ông chắp bút. Điều gì thúc đẩy ông "thai nghén" ra 54 câu chuyện đánh án của ông và đồng đội trong 444 trang sách, thưa Thượng tá Đào Trung Hiếu?

- Tôi viết khá "tạp", tức là ở khá nhiều thể loại khác nhau, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, ghi chép, bút ký, kịch bản phim, ca khúc đến các sách chuyên khảo trong nghiên cứu khoa học và sách kiến thức an ninh thường thức.

Cuốn sách "Hành trình giải mã tội ác" - đứa con tinh thần thứ 8 của tôi - là tập hợp của 54 câu chuyện đánh án, được kể lại từ hồi ức của lính trận, mà bản thân tôi từng là, trong những năm tháng trước đây.

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực - 3

Tôi nguyên là một sĩ quan Cảnh sát hình sự, có nhiều năm chiến đấu trong lực lượng Cảnh sát hình sự ở nhiều địa phương. Lĩnh vực công tác mà tôi đã trải qua như phòng chống ma túy, điều tra trọng án, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao…

Hành trình gần 20 năm làm nghề đã để lại trong ký ức tôi rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về những thời khắc hiểm nguy khi đối mặt với tội phạm, cùng các cuộc điều tra, giải mã những bí mật phía sau tội ác.

Như tôi đã viết trong lời tựa của cuốn sách, đó là là thứ hành trang đặc biệt nhất mà người lính điều tra hình sự như chúng tôi luôn mang theo bên mình trong suốt cuộc đời.

Hiếm có một tình tiết nào trong các trận đánh khốc liệt có thể bị lãng quên, bởi, chúng tôi đã được sống ở tận cùng các cung bậc cảm xúc, từ lo âu, bồn chồn, quyết liệt, đến vỡ òa hạnh phúc khi nhiệm vụ hoàn thành. Để rồi khi gặp lại nhau, những người bạn cùng trận đánh ấy, thời gian lại đảo chiều, kéo quá khứ hiện hình đầy ắp trong tâm khảm mỗi người.

Trận đánh ngày nào lại diễn ra như thước phim quay chậm, ở nhiều góc độ, trong miền suy tưởng của những người trong cuộc.

Vậy, ông muốn gửi gắm những gì tới người đọc?

- Lĩnh vực an ninh, trật tự rất đỗi khác biệt, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận. Nhưng qua lời kể của người lính chúng tôi, cuộc sống ở địa hạt này lại hiện lên sống động, với đầy đủ sự trần trụi và khốc liệt. Để rồi mỗi câu chuyện như những lát cắt phản chiếu hiện thực, khiến người nghe có thể phần nào cảm nhận được những góc khuất bên lề mỗi vụ án, cùng những cuộc điều tra. Rồi cũng qua chuyện kể của lính, để hiểu về mưu lược và cách dụng binh.

Hơn cả, đó là sự cống hiến, hy sinh thầm lặng, cùng những phẩm chất anh hùng của những người lính bình dị.

Với lớp người sau trong nghề điều tra tội phạm, đó còn là những bài học kinh nghiệm quý từ thế hệ đi trước, có ý nghĩa tham khảo sâu sắc để rút ra điều gì đó cho bản thân khi gặp các tình huống điều tra tương tự. Với ý nghĩa này, câu chuyện đánh án của người lính còn là những ví dụ trực quan, sống động về cách sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn các biện pháp điều tra, giải mã tội phạm.

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực - 5

Nghề nghiệp đã cho tôi những năm tháng thời hoa lửa được trải nghiệm qua nhiều gian khó, được đối diện với chính mình trong các tình huống ngặt nghèo, đầy thử thách, hiểm nguy.

Bằng nhiệt huyết nghề nghiệp, tình yêu công lý, bản lĩnh và mưu lược của người chiến sĩ CAND, chúng tôi đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, cùng nhau đóng góp vào "vườn hoa chiến công" của lực lượng Cảnh sát hình sự những bông hoa đẹp.

Trở thành người viết chuyên nghiệp, tôi lại có điều kiện để đi, để gặp và viết về đồng đội ngày nào vẫn đang chắc tay súng bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân, để nghe họ kể lại những ký ức đáng nhớ trong các cuộc điều tra khám phá tội phạm.

Cuốn sách này ghi lại những câu chuyện đánh án của chúng tôi, mong muốn đem đến cho độc giả một góc nhìn đa chiều và chân thực hơn về một nghề rất đặc thù: Điều tra tội phạm.

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực - 7

Cơ duyên nào để Thượng tá Đào Trung Hiếu trở thành một nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp? Và tại sao ông lại chọn viết về chính cái nghề "Điều tra tội phạm" của mình?

- Trong những năm tháng làm cảnh sát hình sự, trong tôi vẫn luôn cháy bỏng niềm đam mê với từng con chữ. Vì truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ của gia đình tôi là nghề văn chương, dạy học. Bản thân tôi cũng từng là học sinh chuyên văn thời phổ thông.

Ngày còn là cảnh sát hình sự, tôi ban ngày đánh án, đêm về lại thức ghi ra giấy những cảm xúc trận mạc còn nóng hổi, thấm đẫm hơi thở của cuộc chiến trên thực địa với tội phạm. Tôi viết để tự cân bằng lại mình, sau bao gian truân, vất vả của đời lính.

Những thứ viết được khi đó, tôi ghép chúng thành 2 cuốn sách "Chuyện ngoài hồ sơ" và "Tiếng súng lạc bầy", xuất bản năm 2012, 2013.

Khi viết và in sách, tôi đâu biết đó chính là cơ duyên để tôi có bước chuyển đổi nghề nghiệp từ cầm súng sang cầm bút một cách đột ngột, khi mà các cuốn sách "lọt" vào tay những lãnh đạo của tôi ở Bộ Công an.

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực - 9

Thời điểm ấy, họ đang cần một cây viết có hiểu biết sâu sắc về lực lượng trực tiếp chiến đấu với tội phạm, mà tôi lại thỏa mãn các yêu cầu này. Vậy là tôi được mời về đầu quân cho cơ quan ngôn luận của Bộ Công an là Báo Công an nhân dân.

Có sẵn tình yêu chữ nghĩa, lại may mắn được sở hữu một kho chất liệu "vàng ròng" là ký ức được tích lũy qua các trận đánh, tôi gật đầu "ngay tắp lự". Chuyện ấy cách đây đã hơn 10 năm.

Trở thành một nhà báo trong lực lượng CAND, tôi đã "gác" (phụ trách - PV) trong nhiều năm ở chuyên mục "Hành trình phá án" trên ấn phẩm An ninh thế giới của Báo CAND, với nội dung kể lại các chiến công của lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc trong đấu tranh chuyên án, giải mã tội ác, chặt đứt, đánh sập các đường dây, tổ chức tội phạm.

Lý do tôi chọn mảng đề tài này là vì tôi có sẵn tình yêu với công tác điều tra tội phạm, có những hiểu biết sâu sắc về nó, cùng những mối quan hệ bầu bạn, huynh đệ trong lực lượng trực tiếp chiến đấu.

Khi lấy tin về kết quả phá án, tôi biết cách hỏi họ về những "lẫy chốt" giúp làm nên thành công của mỗi chuyên án, cùng những chuyện bên lề mà nếu không trải nghiệm trong lực lượng này, sẽ không biết để hỏi.

Bên cạnh đề tài này, tôi cũng viết nhiều cho mục đời sống văn học, nghệ thuật, truyện ngắn… vì bản thân cũng là một nhà văn và niềm đam mê văn chương chưa từng nguội lạnh trong tôi.

Sau 10 năm làm nghề báo, tôi trưởng thành lên nhiều. Cơ quan tôi, báo CAND, là nơi hội tụ của rất nhiều anh tài trong làng văn, làng báo, có thể kể đến những tên tuổi như: Hữu Ước, Như Phong, Hồng Thanh Quang, Phạm Khải, Như Bình, Đăng Trường, Thế Hùng, Phan Đăng… Họ đều là những nhà văn, nhà báo gạo cội hoặc đã thành danh trong nghề chữ nghĩa.

Được làm việc cùng họ, tôi học được nhiều thứ. Nếu như trước đây, hiểu biết của tôi chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh trật tự, thì khi làm việc ở báo CAND, được tiếp xúc với những "bộ óc" ấy đã giúp tôi từng bước nâng tầm mình lên.

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực - 11

Tôi đã học ở họ cách tư duy, sáng tạo, cách làm việc. Hơn cả, họ là những người truyền cảm hứng để tôi cố gắng vượt qua giới hạn của bản thân, phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo.

Nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ với họ lòng tri ân, biết ơn chân thành vì sự chỉ dạy, dìu dắt quý báu thời gian qua, để tôi có thể từ một "tay súng" trở thành "dân viết" theo đúng nghĩa.

10 năm làm báo, ông có cảm xúc, suy nghĩ như thế nào về cái nghề "phu chữ"?, nhất là khi "bão công nghệ" đã và đang ập tới, vai trò của người làm báo có còn quan trọng, thưa ông?

- Nghề báo nghèo nhưng sang trọng. Tôi nghĩ vậy.

Thiên chức của một nhà báo, phóng viên là truyền đạt đến xã hội những thông tin mà dư luận quan tâm, dũng cảm đấu tranh, vạch mặt cái xấu, cái tiêu cực để lành mạnh hóa đời sống xã hội, cũng như phát hiện biểu dương những tấm gương sáng nhằm lan tỏa cách sống nhân văn, tạo cảm hứng thiện lương, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, an toàn cho tất cả mọi người.

Trên thực tế, đời sống của phóng viên khá chật vật, vất vả nếu chỉ trông vào đồng nhuận bút "còm cõi". Đồng nghiệp chúng tôi hay nói vui rằng làm báo "đủ ăn" đã là may. Cũng đúng thôi, vì giá cả sinh hoạt càng lúc càng tỷ lệ nghịch với thu nhập của phóng viên, không có thêm những nghề tay trái thì rất khó duy trì cuộc sống và lửa nghề.

Từ lúc mạng xã hội lên ngôi, nghề báo bước vào cuộc cạnh tranh thông tin quyết liệt, nhiều ấn phẩm báo giấy đã phải "khai tử" vì in ra không ai đọc. Nghề bán báo dạo đã biến mất từ lâu. Một số ấn phẩm "đình đám" một thời, giờ vắng bóng trên sạp, mà việc mua nó khó hơn "mua ma túy".

Bên cạnh đó, nhiều tòa soạn không nuôi được quân bởi thu không đủ chi. Báo giấy không bán được, báo điện tử lượng view thấp, hợp đồng truyền thông quảng cáo càng lúc càng khó kiếm, do kinh tế suy thoái sau đại dịch, doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hàng loạt do mất đơn hàng, sức mua giảm… nên không có ngân sách dành cho quảng cáo, mà báo chí lại trông chờ vào đó để tồn tại.

Khó khăn là vậy, nhưng có thể thấy ở nhiều tòa soạn, vẫn có rất nhiều anh chị em phóng viên vượt lên khó khăn trong đời sống để tận tụy với nghề. Họ vẫn "cháy" hết mình cho tác phẩm báo chí của mình, không sợ nguy hiểm khi đấu tranh trực diện với tiêu cực, dũng cảm đưa ra công luận những khuất tất, nhũng nhiễu, hoặc bảo vệ kẻ yếu trước bạo lực, cường quyền…

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực - 13

Những đề tài mà họ phản ánh, thường gây được hiệu ứng xã hội sâu sắc, mang lại cho cuộc sống những giá trị nhân văn cao cả. Họ được xã hội nể trọng vì đã sống đúng lương tâm, đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian qua, cũng không ít nhà báo, phóng viên đã bị điều tra, bắt, khởi tố... Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Chúng ta đã biết cũng có không ít phóng viên do hoàn cảnh, tâm mong cầu, hám lợi mà liều lĩnh "xé rào", lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi.

Họ được gọi với cái tên đội quân "đếm tầng" hay "IS", chuyên đi "đánh hội đồng" các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, với thủ đoạn phổ biến là móc máy sai phạm, quấy rối, rung dọa để buộc các đơn vị này phải "xuống tiền" mới không viết bài đăng báo, hay gỡ bài đã đăng.

Về bản chất, đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trong mắt cộng đồng, họ là những kẻ quấy rối, làm xấu đi hình ảnh cao đẹp của những nhà báo chân chính. Tất nhiên, số phóng viên này không nhiều và sớm muộn gì thì họ cũng phải trả giá theo luật nhân - quả. 

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực - 15

Làm báo thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, theo Thượng tá, mỗi phóng viên cần trau dồi những phẩm chất gì về năng lực và đạo đức? Sự thay đổi trong tác nghiệp của phóng viên nên thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, trong tình hình hiện nay, báo chí không thể đứng ngoài cuộc sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ. Nhiều tờ báo đã có cách thức làm tin, bài rất độc đáo, hấp dẫn. Điển hình như hôm nay tôi rất thích thú khi được tiếp cận nội dung tin bài trên báo Dân trí thông qua kênh lời, được đọc bằng công nghệ AI.

Như vậy, cùng lúc độc giả có thể tiếp cận sản phẩm thông tin của quý báo thông qua nhiều cách khác nhau. Việc này giúp tối ưu hóa sự lựa chọn của độc giả mà kết quả là giữ được lượng bạn đọc thân thiết.

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Phẩm chất số 1 của nghề báo là sự trung thực - 17

Tôi cho rằng, hiện nay, mỗi phóng viên không có cách nào khác ngoài việc phải tự nâng tầm mình lên bằng cách tự học, tự tìm hiểu sự phát triển của công nghệ và xu thế báo chí trên thế giới, để có thể sử dụng thành thạo các thành tựu khoa học trong nghề viết.

Nhưng dù có ứng dụng công nghệ gì trong làm báo, thì phẩm chất quan trọng số 1 của người làm nghề báo, theo tôi, đó là sự trung thực. Trung thực trong lấy tin, trong làm tin và trung thực trong phản ánh.

Nếu thiếu yếu tố cốt lõi này, tác phẩm báo chí có thể gây nguy hại cho cộng đồng, vì khi sự gian dối được lan truyền thì hậu quả thường không có giới hạn.

Nội dung: Hải Nam, Nguyễn Hải

Thiết kế: Patrick Nguyễn