Bản lĩnh của đầu tàu kinh tế TPHCM trước "cơn gió ngược" năm 2023
(Dân trí) - Chủ tịch TPHCM cho biết, khi đạt tốc độ tăng trưởng thấp (0,7%) trong Quý I/2023, địa phương đã nhận nhiều phê phán. Thành phố đã bình tĩnh, phân tích, tìm giải pháp để vượt qua giai đoạn đó.
Năm 2024 sắp tới là năm bản lề của TPHCM trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo thông lệ, trong năm thứ tư của nhiệm kỳ, đô thị đầu tàu của cả nước chỉ cần tăng tốc để về đích.
Tuy nhiên, trước những biến động cả bên trong lẫn bên ngoài, TPHCM cần chuẩn bị tâm thế khác với thông lệ để bước vào năm 2024.
"Thành phố cần có tâm thế để sẵn sàng vừa tăng tốc, vừa vượt chướng ngại vật để về đích. Còn rất nhiều chướng ngại vật, có những hòn đá nặng nề nhưng không có con đường nào tránh", ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, bày tỏ tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM chiều 2/12.
Sự bình tĩnh của một đầu tàu
Lùi lại thời điểm đầu năm, TPHCM kết thúc quý I với những chỉ số gây bất ngờ khi chỉ tăng trưởng 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Thời điểm đó, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra về việc "điều gì đang xảy ra tại TPHCM?", "TPHCM đang gặp vấn đề gì?".
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhắc lại, khi ấy, thành phố từng hứng chịu sự phê phán, nhận định. Sau gần một năm tổng kết lại, người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, địa phương cần bình tĩnh trước những vấn đề như vậy, cùng phân tích, tìm giải pháp để vượt qua.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, TPHCM đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, có chất lượng, hiệu quả. Điều này được thể hiện bằng những kết quả, con số thực tế về kinh tế - xã hội.
"Tôi chưa đo lường được, nhưng tôi cảm nhận được sự hiệu quả ấy ít nhất bằng 1,5 lần thường lệ. Chúng ta thấy được qua sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhiều mặt khác", Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.
Cụ thể, trong năm qua, thành phố đã tham mưu để Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và triển khai ngay bản nghị quyết này. Địa phương cũng tập trung tháo gỡ hàng loạt khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời tập trung giải quyết những tồn đọng rất lớn.
Trong năm 2023, TPHCM cũng khởi động lại, khởi công nhiều dự án, công trình quan trọng như dự án đường Vành đai 3 TPHCM, kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên...
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, năm 2023, thành phố được Trung ương giao 68.000 tỷ đồng giải ngân đầu tư công, gấp đôi so với năm ngoái. Đến nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TPHCM là khoảng 45,2%. Dự kiến đến ngày 5/12, TPHCM có thể giải ngân đạt 50,3% tổng vốn được giao cho năm 2023.
"Mặc dù chưa đạt được mục tiêu 95% đặt ra nhưng con số tuyệt đối đạt trên 31.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong công tác tổng kết giải ngân đầu tư công toàn quốc đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã báo cáo, con số tuyệt đối của TPHCM đứng thứ 3 sau các bộ ngành, địa phương", bà Mai phân tích.
Sau một năm chịu nhiều tác động từ bên trong lẫn bên ngoài, TPHCM dự kiến có mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 5,8%.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, dù chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng đây là kết quả đáng trân trọng. Sau mức tăng trưởng thấp của quý I/2023, toàn địa phương đã nỗ lực để quý sau tăng cao hơn quý trước, chất lượng tăng trưởng cũng không ngừng cải thiện.
"Chúng ta đã vượt qua "cơn gió ngược", vừa khắc phục những khuyết nhược, vừa duy trì phục hồi, phát triển kinh tế. Sự chuyển biến tích cực từng tháng, từng quý đã diễn ra, nổi bật là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân", ông Nguyễn Văn nên chia sẻ.
Những tảng đá TPHCM cần vượt qua
"Có những hòn đá nặng nề nhưng không có con đường nào tránh. Nếu sớm bỏ cục đá xuống, chúng ta sẽ tăng tốc nhanh thôi", Bí thư Nguyễn Văn nên bày tỏ.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM phân tích, địa phương đã và đang tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn đọng. Từ cuối năm 2022, một vụ việc tồn đọng từ trước đó đã xảy ra, trở thành vụ việc lớn. Đó là vụ Vạn Thịnh Phát.
Về phía chính quyền, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, phân tích, toàn hệ thống chính trị của địa phương đã có nỗ lực rất nhiều để giải quyết tốt một khối lượng lớn công việc trong suốt thời gian qua. Trong đó, phần nhiều công sức được dành để giải quyết những tồn đọng này.
Có những hòn đá nặng nề nhưng không có con đường nào tránh. Nếu sớm bỏ cục đá xuống, chúng ta sẽ tăng tốc nhanh thôi
"Thành phố đã dành thời gian, công sức, lực lượng rất lớn để giải quyết các vụ án này. Nếu chúng ta giải quyết được, chắc chắn thành phố cũng gỡ thêm một khối nặng để đi tới", ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, cũng nói thêm, hệ thống chính trị của địa phương đang thừa hưởng những gì mà thế hệ trước để lại. Trong đó, những điều dở dang cần làm tiếp, nhưng vấn đề chưa tốt cần uốn nắn, những sai trái, vi phạm cần xử lý. Đó là những việc cần làm với động cơ trong sáng nhất và trách nhiệm cao nhất.
Vụ án liên quan đến Vạn Thịnh Phát là một trong những tồn đọng lớn mà TPHCM phải giải quyết (Ảnh: Hải Long).
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng nhìn nhận, trong năm tới, kinh tế toàn cầu chưa có nhiều lạc quan, kinh tế trong nước còn chịu nhiều tác động từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế bên trong. Trước thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, thành phố cần tận dụng thời cơ tối đa, phát huy cơ hội, thích ứng linh hoạt với những biến động bất thường.
"Chúng ta đã từng chịu đựng và vượt qua rồi thì bây giờ tiếp tục phát huy tinh thần ấy. Không có cách khác", ông Nguyễn Văn Nên quán triệt.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương cần có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8%/năm trong giai đoạn này. Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho rằng, dù gặp nhiều thách thức, nhưng địa phương có cơ sở để đạt được mục tiêu tăng trưởng này.
"Thành phố vẫn đang tăng trưởng, còn được thực hiện nhiều chủ trương mới để huy động nguồn lực xã hội. Chúng ta cố gắng đạt được mục tiêu này để có thể báo cáo trước Đại hội rằng đã hoàn thành nhiệm vụ", Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.