(Dân trí) - Nhiều hoài nghi được đặt ra cho HLV Philippe Troussier sau 8 tháng dẫn dắt tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, chiến lược gia người Pháp vẫn có lý do để kiên định với triết lý và khát vọng đổi mới đội tuyển.
Nhiều câu hỏi, đúng hơn là hoài nghi được đặt ra cho HLV Philippe Troussier sau 8 tháng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Từ lối chơi, con người cho đến kết quả thi đấu, vị chiến lược gia người Pháp đều chưa đem đến sự an tâm cho người hâm mộ.
Dù vậy, mọi sự đánh giá đều chưa thật xác đáng vì đội tuyển Việt Nam chưa bước vào bất cứ giải đấu chính thức nào và HLV Troussier vẫn kiên định với triết lý, khát vọng đổi mới đội tuyển Việt Nam.
Thước đo chuẩn chỉnh nhất dành cho ông Troussier, như nhà cầm quân này đã phát biểu trong buổi lễ công bố HLV trưởng đội tuyển Việt Nam ngày 27/2: "Thể thức mở rộng của FIFA World Cup 2026 với 48 đội tuyển tham dự giúp Việt Nam có thêm cơ sở tin tưởng vào cơ hội giành vé tham dự vòng chung kết. Đây là mục tiêu sau cùng mà tất cả chúng ta đều đang hướng tới".
Chiến dịch vòng loại World Cup 2026 của đội tuyển Việt Nam sẽ bắt đầu vào ngày 16/11, bằng chuyến làm khách của Philippines. Sau giai đoạn thử nghiệm, với 6 trận giao hữu, thắng 3, thua 3, ghi 4 bàn thắng, nhận 10 bàn thua, đây chính là lúc thầy trò Troussier chứng minh thực lực.
Trước giờ G, hãy cùng nhìn lại dấu ấn của nhà cầm quân người Pháp cũng như sự thay đổi của đội tuyển Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Tranh cãi đầu tiên và dai dẳng lâu nay về đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier là lối chơi. Vị chiến lược gia người Pháp tuyên bố chọn lựa lối chơi kiểm soát, tức hướng tới sự chủ động, cầm bóng và tấn công nhiều hơn.
Triết lý này trái ngược hoàn toàn phong cách phòng ngự chặt chẽ người tiền nhiệm Park Hang Seo đã áp dụng và cực kỳ thành công. Nhiều ý kiến cho rằng thay đổi công thức đang đem đến thành công cho bóng đá Việt Nam là lựa chọn sai lầm và sớm muộn cũng thất bại.
Nhưng, thực tế chứng minh công thức của ông Park không hẳn còn thành công. Không ai có thể phủ nhận công lao to lớn của vị chiến lược gia người Hàn Quốc, song không phải lối chơi của HLV Park không gặp vấn đề.
Quay ngược trở lại giai đoạn cuối HLV Park Hang Seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, chính nhà cầm quân khả kính này thừa nhận sự nghiệp của ông "chưa bao giờ khó khăn như bây giờ" vì những thất bại liên tiếp ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Ngoài ra, thầy trò Park Hang Seo còn liên tiếp để thua Thái Lan tại AFF Cup 2020 và 2022.
Những kết quả này chỉ ra "điểm tới hạn" của lối chơi phòng ngự ở đội tuyển Việt Nam. Sau khoảng 3 năm thăng hoa cùng HLV Park, "Những chiến binh sao vàng" đã vươn tới tầm cao mới nhưng cũng đồng nghĩa việc bị đối thủ chú ý nhiều hơn.
Đấu pháp của nhà cầm quân người Hàn Quốc không còn tạo ra bất ngờ vì bị nghiên cứu kỹ. Hơn nữa với tâm thế mới, bài toán đặt ra cho đội tuyển Việt Nam là phải biết cầm bóng và chủ động tấn công trước đối thủ sẵn sàng chơi phòng ngự thay vì lùi sâu đội hình rình rập cơ hội.
Mở rộng vấn đề, lối chơi kiểm soát là xu thế trên toàn thế giới, không cứ gì các đội hướng tới lối chơi tấn công, các đội chọn triết lý chặt chẽ cũng học hỏi để biết cách cầm bóng chủ động hơn. Minh chứng rõ ràng nhất đến từ nền bóng đá Anh, nơi tư duy bóng dài, chiến thuật chạy và sút tưởng như là thâm căn cố đế.
Tất nhiên kỷ nguyên thành công rực rỡ và lâu dài của Pep Guardiola tại Man City tạo ra tác động lớn lao, nhưng sự thay đổi của bóng đá Anh xuất hiện từ trước và ảnh hưởng tới cả những giải đấu hạng dưới.
Theo nghiên cứu từ tờ The Times, các đội bóng Anh, không chỉ Premier League mà cả Championship, League One và League Two đều thay đổi lối chơi theo chiều hướng cầm bóng nhẫn nại hơn, phát triển bóng từ sân nhà bằng các đường chuyền ngắn có chủ đích và số lượng các tình huống "5 ăn 5 thua" kiểu tranh chấp tay đôi, đặc biệt là không chiến giảm rõ rệt.
Đơn cử như vị trí thủ môn, khoảng giữa thập niên 2000, 90% các đường chuyền của những người gác đền là các pha phất bóng lên thật xa. Đến nay, tỷ lệ này chưa đến 50%.
Một thống kê khác thể hiện xu thế của lối chơi kiểm soát là tỷ lệ chuyền bóng chính xác. Năm 2006, tỷ lệ này trên toàn giải Ngoại hạng Anh chỉ có 70%, nôm na cứ 4 đường chuyền là hỏng một lần, đến nay đã tăng lên mức 84%.
Ở cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG), sau chu kỳ thống trị của đội tuyển Tây Ban Nha với phong cách tiqui-taca (đập nhả cự ly ngắn, di chuyển liên tục) trứ danh, nhiều cường quốc bóng đá đã tiếp thu lối chơi kiểm soát và đạt thành công rực rỡ.
Ví dụ như tuyển Đức vô địch World Cup 2014 hay tuyển Itay vô địch Euro 2020. Nên nhớ, lối chơi đặc trưng của hai đội bóng giàu truyền thống này trong quá khứ càng đối nghịch, thậm chí bài bác cách chơi bóng ngắn nhiều chạm.
Vì vậy, chưa nói đến năng lực và kinh nghiệm đã được khẳng định tại châu Á suốt nhiều năm, tầm nhìn của HLV Philippe Troussier khi chọn lựa triết lý kiểm soát cho đội tuyển Việt Nam không hề sai.
Khi đã sử dụng triết lý khác, lẽ đương nhiên cách chọn người của HLV Troussier cũng có phần khác so với người tiền nhiệm. Không chỉ vậy, thực trạng nhân sự của đội tuyển Việt Nam là sự chững lại của lứa cầu thủ từng là trụ cột dưới thời HLV Park Hang Seo và khoảng trống trong thế hệ kế cận.
Thế nên 8 tháng qua, qua 4 đợt tập trung, vị chiến lược gia người Pháp và các cộng sự đã thực hiện công cuộc "đãi cát tìm vàng" trên diện rộng bằng nhiều phương thức.
Gần 80 cầu thủ đã được HLV Troussier triệu tập và có thời điểm ông còn trộn lẫn các tuyển thủ quốc gia và tuyển thủ U23 để tập luyện chung. Chính công cuộc này đã tạo ra nhiều xáo trộn trong đội hình ĐTQG. Nhiều cầu thủ mới, đặc biệt là cầu thủ trẻ được trao cơ hội, nhưng cũng có những cựu binh bị bỏ rơi.
Điều này cũng gây nên các tranh cãi, song công tâm mà nói, việc chọn ai, dùng ai là quyền của HLV. Mỗi nhà cầm quân đều có quan điểm riêng và cần được tôn trọng. Hơn nữa, bên cạnh vai trò, năng lực và kinh nghiệm, HLV Troussier là người sâu sát và có dữ liệu toàn diện nhất về các tuyển thủ sau 8 tháng "đãi cát tìm vàng".
Ngoài ra, sự vắng mặt vì chấn thương của một số cầu thủ quan trọng, chẳng hạn Quang Hải, Văn Hậu hay chấn thương bất ngờ của Duy Mạnh, cũng là bài toán khó dành cho vị chiến lược gia người Pháp.
Nếu như Quang Hải là "hàng hiếm" của bóng đá Việt Nam, với kỹ thuật và khả năng tạo đột biến rất đặc biệt thì việc thiếu vắng Duy Mạnh hay Văn Hậu gây ra vấn đề lớn cho hàng phòng ngự.
Tương tự HLV Park Hang Seo, HLV Troussier vẫn sử dụng sơ đồ 3 trung vệ ở đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, lối chơi kiểm soát đặt ra những yêu cầu kỹ chiến thuật khác với lối chơi phòng ngự, chẳng hạn như khả năng phân phối bóng của các trung vệ.
Đó là lý do trung vệ duy nhất đá chính cả 6 trận đã qua dưới thời vị chiến lược gia người Pháp là trung vệ lệch phải Duy Mạnh, vốn xuất thân là tiền vệ.
Thật đáng tiếc khi cầu thủ của CLB Hà Nội lại gặp chấn thương ngay trước giờ G. Bùi Tiến Dũng là cái tên được triệu tập thay thế nhưng có lẽ HLV Troussier phải tính toán lại phương án nhân sự cho cả hàng phòng ngự chứ không đơn giản là sự thay thế 1-1.
Tin vui cho đội tuyển Việt Nam là Quế Ngọc Hải đã kịp bình phục chấn thương để sẵn sàng dẫn dắt hàng thủ ở vị trí trung vệ giữa.
Vấn đề tiếp theo nằm ở trục trái, nơi Văn Hậu có thể đảm trách được cả hai vai trò trung vệ lệch trái và hậu vệ bám biên trái (left wing-back), HLV Troussier chưa tìm được những gương mặt đem đến sự an tâm cho cả hai vị trí.
Trong 6 trận giao hữu, Tuấn Tài và Thanh Bình là hai cái tên được chọn cho vị trí trung vệ lệch trái, và Tuấn Tài là cái tên thường xuyên được chọn (đá chính 4 trận).
Tuy nhiên, cầu thủ đang khoác áo CLB Viettel và vốn xuất thân từ vị trí hậu vệ cánh trái này tương đối nhỏ con, do đó chưa có tư duy của một trung vệ và đặc biệt thường bị lấn lướt trong các tình huống tranh chấp với cầu thủ đối phương.
Có lẽ HLV Troussier muốn sử dụng Tuấn Tài để tăng khả năng kiểm soát bóng nhưng đối với hàng thủ, nhiệm vụ đầu tiên luôn phải đảm bảo sự chắc chắn. Cần nói thêm, Bùi Tiến Dũng vừa được triệu tập bổ sung chính là lựa chọn số một ở vị trí trung vệ lệch trái dưới thời HLV Park Hang Seo.
Nan giải hơn là vị trí hậu vệ bám biên trái, sau khi Văn Hậu dính chấn thương, HLV Troussier đã sử dụng Triệu Việt Hưng (trận đấu với Palestine), Hồng Duy (Trung Quốc), Minh Trọng (Uzbekistan và Hàn Quốc) ở vị trí này.
Việt Hưng vốn là tiền vệ, Hồng Duy không được tin dùng còn Minh Trọng vẫn còn non kinh nghiệm. Tất nhiên, đấy chỉ là kết quả phản ánh từ các trận đấu như HLV Troussier nói là "thử nghiệm". Thực tế trục trái thể hiện ra sao phải chờ tài điều binh khiển tướng của vị chiến lược gia lão luyện người Pháp.
So với hàng hậu vệ, hàng tiền vệ và tiền đạo của đội tuyển Việt Nam vẫn đảm bảo được sự ổn định tương đối về mặt nhân sự. Tất nhiên vẫn có những tổn thất như sự vắng mặt của Quang Hải hoặc tranh cãi như trường hợp vắng mặt của Công Phượng.
Dù vậy, HLV Troussier còn có nhiều sự lựa chọn chất lượng và ông từng nêu rõ quan điểm tuyển chọn cầu thủ cho ĐTQG. Đó là "dựa trên phong độ và thể trạng hiện tại".
Phân tích sâu hơn, từ khi dẫn dắt tuyển Việt Nam, vị chiến lược gia người Pháp luôn kiên trì áp dụng sơ đồ chiến thuật 3-4-3, hệ thống lý tưởng nhất để triển khai lối chơi kiểm soát. Lý do là các vị trí của sơ đồ này tạo ra tối đa "tam giác nhỏ", cấu trúc căn bản của những tình huống phối hợp bóng ngắn.
Ở vị trí đá cặp tiền vệ trung tâm, HLV Troussier đã có một vài thử nghiệm nhưng nhìn chung phương án xoay quanh Đỗ Hùng Dũng, Tuấn Anh, Thái Sơn và Hoàng Đức. Hoàng Đức và trước đó là Quang Hải cũng được thử nghiệm ở vị trí "trung phong ảo" nhưng không thành công.
Việc đẩy tiền vệ của CLB Viettel lên quá cao làm hạn chế khả năng cầm bóng và đột phá vốn là sở trường của cầu thủ này. Song, cũng cần nói thêm rằng Hoàng Đức phần nào "mất hút" vì đối thủ là Hàn Quốc ở đẳng cấp vượt trội.
Trên hàng công, bộ ba tiền đạo là những vị trí được HLV Troussier thử nghiệm nhiều nhất, với 8 cầu thủ được sử dụng trong đội hình xuất phát, chưa tính đến các cầu thủ vào sân từ băng ghế dự bị.
Điểm sáng và có lẽ là hy vọng lớn nhất trên hàng công hiện tại là Phạm Tuấn Hải. Màn trình diễn chói sáng của tiền đạo này trong trận CLB Hà Nội ngược dòng đánh bại Wuhan Three Towns ở AFC Champions League ngày 8/11 để lại nhiều dư âm hứng khởi.
Thứ nhất, Tuấn Hải đã sắm vai cứu tinh cho CLB Hà Nội vốn chịu rất nhiều áp lực từ khởi đầu tệ hại với 5 thất bại liên tiếp trên mọi đấu trường. Thứ hai, cú đúp đẳng cấp của Tuấn Hải chứng minh sự tiến bộ vượt bậc của chân sút sinh năm 1998 này.
Nếu như pha chạy chỗ và đánh đầu ngoạn mục từ ngoài vòng 16m50 thể hiện sự nhạy bén trước khung gỗ thì pha làm bàn ấn định tỷ số cho thấy kỹ năng xử lý bóng điệu nghệ.
Cả hai phẩm chất này, Tuấn Hải từng không được đánh giá cao. Dấu ấn tiền đạo này thể hiện thường là hình ảnh chiến binh xông pha hết mình khi được trao cơ hội. Tất nhiên, sự bền bỉ và ý chí mạnh mẽ luôn là yếu tố tiên quyết để thành công.
Sự nhiệt huyết đã giúp Tuấn Hải thăng tiến vượt bậc trong vòng 2 năm trở lại đây, và sự khổ luyện giúp anh ngày càng hoàn thiện mọi kỹ năng để trở thành trụ cột tại CLB lẫn ĐTQG.
Hình ảnh Tuấn Hải cũng phần nào phản ánh hình ảnh của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier. So với người tiền nhiệm, rõ ràng nhà cầm quân người Pháp không may mắn có được lứa cầu thủ đồng đều đảm bảo cả chất lẫn lượng.
Lứa cầu thủ xuất sắc ấy sau 5 năm, có người đã qua giai đoạn đỉnh cao, có người chững lại, cũng có người bị ảnh hưởng bởi chấn thương. Không những vậy, thế hệ kế cận chưa thể có sự tiếp nối cần thiết. Thế nên, cần ghi nhận HLV Troussier là người dũng cảm khi sẵn sàng tiếp quản đội bóng phủ bóng người tiền nhiệm và đang có xu hướng thoái trào.
Vị chiến lược gia người Pháp càng bền gan khi sẵn sàng đương đầu chỉ trích để kiên trì áp dụng lối chơi mới đầy mạo hiểm. Và trong các lần xuất hiện trước truyền thông, ông cũng đưa ra những phát ngôn đầy chất lửa và đủ lý lẽ.
"Trong 8 tháng qua, tôi đã cố gắng để các bạn hiểu được mong muốn, lối chơi của tôi… Tất nhiên, tập luyện rất khác với thi đấu chính thức. Vừa qua, đội tuyển Việt Nam có 6 trận đấu giao hữu, qua đó giúp các cầu thủ hiểu được thi đấu khác tập luyện thế nào.
Nếu như chỉ muốn thỏa niềm vui chiến thắng ở các trận đấu trong quá trình chuẩn bị thì chúng ta có thể gặp các đội yếu hơn, nhưng tôi quyết định chọn các đội mạnh hơn hoặc ngang bằng để cầu thủ làm quen với các thử thách mới, nhận ra những thiếu sót nhanh hơn, đồng thời giúp bản thân tôi nhìn nhận những phương án của mình rõ hơn.
Các cầu thủ có mặt tại đây đều đã nỗ lực, cố gắng tập luyện trong thời gian qua. Có thể không phải ai cũng sẵn sàng thích nghi giữa việc thay đổi lối chơi của HLV mới, nhưng tôi luôn kiên trì và giúp đỡ các bạn, bởi đó là những gì mà tôi và các bạn sẵn sàng làm.
Không thể làm việc nếu không sẵn sàng đương đầu thử thách. Đó là lý do vì sao chúng ta cùng có mặt ở đây. Tất cả chúng ta hãy đồng lòng cùng nhau chiến đấu", HLV Troussier chia sẻ đầy tâm huyết.
Thành hay bại còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng trước nhất phải có khát vọng. Và khát vọng đã và đang được thầy trò Troussier thể hiện để thắp lên hy vọng!
Thiết kế: Đức Bình