DMagazine

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá

(Dân trí) - Thật khó để tin rằng quê hương Rosario của Messi lại đang trở thành phiên bản thế kỷ 21 của Medellin, quê hương của cầu thủ xấu số Andres Escobar, đồng thời là sào huyệt của trùm ma túy Pablo Escobar.

Thật khó để tin rằng, Rosario, quê hương của Lionel Messi, lại đang trở thành phiên bản thế kỷ 21 của Medellin, quê hương của cầu thủ xấu số Andres Escobar, đồng thời là sào huyệt của trùm ma túy Pablo Escobar.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 2

Đêm muộn ngày 2/7/1994, bên ngoài một quán bar ở El Poblado, Medellín, Colombia:

"Goool, goool, goool, goool, goool, goool…"

Kèm theo mỗi tiếng hô "Vàooo!", nhại theo cách gọi đặc trưng của các bình luận viên Nam Mỹ mỗi khi bóng đi vào lưới, là tiếng súng chát chúa vang lên. 6 phát đạn găm vào lưng Andres Escobar, trung vệ thủ quân đội tuyển Colombia.

3 kẻ thủ ác leo lên xe rời đi, bỏ lại anh đổ gục xuống đường và chảy máu cho đến chết. Escobar ra đi ở tuổi 27, độ tuổi đẹp nhất sự nghiệp cùng lời đề nghị từ gã khổng lồ AC Milan.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 4

Chỉ ít ngày trước, sau thất bại ê chề của đội tuyển Colombia tại vòng chung kết World Cup 1994, Escobar tâm sự trên tờ El Tiempe: "Cuộc sống không kết thúc sau thất bại này. Chúng ta phải tiếp tục tiến lên. Dù khó khăn đến đâu, chúng ta phải đứng dậy. Chúng ta chỉ có hai lựa chọn, hoặc để cơn giận giữ xâm chiếm và làm tê liệt cơ thể cũng như chứng kiến bạo lực tiếp diễn, hoặc vượt qua và cố gắng giúp đỡ mọi người. Đó là lựa chọn của chúng ta. Hãy luôn tôn trọng! Tôi xin gửi đến người hâm mộ lời chào trân trọng nhất. Đó vẫn là trải nghiệm tuyệt vời và hiếm có. Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau thôi vì cuộc sống không kết thúc sau thất bại này".

Vòng chung kết World Cup 1994 diễn ra trên nước Mỹ là giải đấu đội tuyển Colombia được đánh giá rất cao. Trong vai trò thủ quân, Escobar và các đồng đội chỉ thua 1 trong 26 trận trước thềm giải vô địch bóng đá thế giới. Dưới sự dẫn dắt của HLV Francisco Maturana, Los Cafeteros (biệt danh của đội tuyển Colombia) quy tụ nhiều tài năng xuất sắc đang đến độ chín muồi như Carlos Valderrama, Freddy Rincón, Alexis García hay Faustino Asprilla.

Đội bóng này hùng mạnh tới mức từng "hủy diệt" Argentina tới 5 bàn không gỡ ngay tại Buenos Aires. Bởi vậy, Vua bóng đá Pele không phải không có cơ sở khi đưa ra dự đoán Colombia sẽ vào đến ít nhất bán kết.

Nhưng, thực tế Escobar và các đồng đội bị loại ngay từ vòng bảng. Colombia để thua Romania với tỷ số 1-3 ngay lượt trận mở màn. Đến lượt trận thứ hai, hy vọng chấm dứt bởi thất bại 1-2 trước chủ nhà Mỹ.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 5

Bi kịch hơn nữa cho Escobar khi anh chính là tác giả bàn mở tỷ số cho đối thủ. Một bàn phản lưới nhà. Nỗ lực lao về ngăn chặn quả tạt, trung vệ này lại vô tình đưa trái bóng vào lưới. Đó trở thành một trong những khoảnh khắc ám ảnh nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 7

Rạng sáng ngày 2/3/2023, tại siêu thị Unico ở phía tây thành phố Rosario, Argentina, không có những tiếng hô "Vàooo" nhại theo bình luận viên bóng đá, chỉ có tiếng súng vang lên.

Không có thiệt hại về người nhưng 14 viên đạn găm lỗ chỗ trên các tấm kính siêu thị kèm theo mảnh giấy ghi thông điệp sởn tóc gáy: "Messi, bọn tao đang đợi mày. Javkin (ông Pablo Javkin - thị trưởng Rosario) cũng là kẻ buôn ma túy, lão ta không bảo vệ được mày đâu".

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 9

Rosario là quê hương Messi. Sau chức vô địch World Cup đáp đền tổ quốc, ước muốn lớn nhất của La Pulga là trở về nơi "chôn nhau cắt rốn" và kết thúc sự nghiệp trong màu áo đội bóng gắn bó thuở thiếu thời, Newell's Old Boy, một trong hai đội bóng nổi tiếng nhất Rosario.

Lionel Messi đã xa quê hơn 20 năm. Từ năm 13 tuổi, anh đã sang châu Âu đầu quân cho lò La Masia danh tiếng của Barcelona để theo đuổi sự nghiệp bóng đá. Đừng vội trách Messi tham phú phụ bần, chính các đội bóng tại quê nhà đã khước từ anh chứ không phải ngược lại. Ngày ấy, cậu bé Messi mắc bệnh còi xương và không đội bóng nào, kể cả River Plate danh tiếng, chấp nhận đài thọ chi phí chữa trị cho cậu. Gia nhập Barcelona là lựa chọn không thể khác.

Tuy ra đi nhưng La Pulga luôn mang trong tim quê hương. Trong khoảng thời gian theo học tại La Masia, tài năng xuất chúng của Messi dĩ nhiên nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các tuyển trạch viên. Không ít lần cậu nhận được đề nghị khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha.

Đích thân ông Amador Bernabéu, ông nội trung vệ Gerard Pique, một người có tiếng nói trọng lượng ở Barcelona, đã nhiều lần khuyên Messi khoác áo đội bóng xứ sở bò tót. Câu trả lời của cậu chỉ có một: "Không! Giấc mơ của cháu là khoác áo đội tuyển Argentina".

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 11

Người Argentina nhập cư tại Tây Ban Nha cũng được chia làm hai dạng. Như cây bút Hernan Casciari từng viết: "Thứ nhất là những người cất ngay vali vào tủ sau khi chuyển đến Tây Ban Nha. Bọn họ phát âm "vale" (voucher), "tío" (ông chú) và "hostias" (chủ nhà) ngọt xớt như người bản địa. Và dạng thứ hai, là chúng tôi, những người không chịu cất vali đã gói ghém cả quê hương. Chúng tôi vẫn duy trì phong tục quê nhà, chẳng hạn như uống trà matea và sử dụng phương ngữ yeísmo. Chúng tôi gọi mưa là yuvia thay vì lluvia, gọi caye (rơi) thay vì cayo.

Trong các buổi phỏng vấn, Messi chỉ trả lời tất cả câu hỏi bằng "có", "không" hoặc "cảm ơn", rồi cụp mắt lẩn tránh mọi ánh nhìn. Những người Argentina di cư chúng tôi khoái kiểu giảo hoạt lang băm hơn, nhưng có điều rất hay, khi nói một câu dài, nối từ xâu chuỗi của Messi là chữ S (phát âm: eses), và nói ful thay vì falta (phạm lỗi). Chúng tôi nhẹ nhõm phát hiện ra rằng thằng nhóc ấy giống chúng tôi, những người không chịu cất vali".

Không ít người Argentina tại quê nhà không quan tâm tới chi tiết ấy. Họ phản đối, chỉ trích và dè bỉu Messi vì không chấp nhận một ai sánh ngang vai Maradona, vị thánh túc cầu giáo trong lòng họ. Chỉ đến khi Messi dẫn dắt Albiceleste đến chức vô địch thế giới một cách đầy cảm xúc tại Qatar, tất cả mới mở lòng đón chào đứa con xa xứ nhưng không bao giờ quên đi quê hương. Bây giờ, Messi là thần tượng quốc dân, là người hùng dân tộc trong lòng người Argentina.

Vậy ai đã bắn những phát đạn vào siêu thị vốn thuộc sở hữu nhà bố vợ Messi để cảnh cáo người hùng đất nước? Câu trả lời cũng tương tự như câu hỏi ai đã bắn chết Andres Escobar: Ma túy.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 13

Medellin, quê hương Andres Escobar, và Rosario, quê hương Messi, có một điểm chung: Những thành phố đã hoặc đang bị ma túy đọa đày.

Ngoài Andres Escobar, những năm cuối thập niên 1980 và đầu 1990, tại Colombia còn một Escobar nổi tiếng khác. Đó là Pablo Escobar, tên trùm ma túy giàu có và quyền lực bậc nhất lịch sử. Hắn giàu có tới nỗi có những giai thoại như mua 2.500 USD dây chun để buộc tiền hay đốt đô-la để sưởi ấm cho con gái. Quyền lực của hắn lớn tới nỗi từng xây riêng nhà tù để tự giam mình trong một thỏa thuận với chính phủ.

Medellin, cũng là quê hương của Pablo Escobar, bị hắn biến thành đại sào huyệt để buôn bán ma túy. Hai Escobar không có mối liên hệ huyết thống nhưng cùng đam mê bóng đá. Đội bóng Atletico Nacional mà Escobar cầu thủ khoác áo là do Escobar trùm ma túy đầu tư. Nhờ tiền của Pablo, Andres và các đồng đội đã vô địch Copa Libertadores vào năm 1989. Dĩ nhiên ngoài thỏa mãn đam mê, hắn còn xem Atletico Nacional là công cụ để rửa tiền.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 15

Càng giàu có, càng quyền lực, Pablo Escobar càng phải đương đầu với nhiều thế lực. Ngoài cảnh sát là lực lượng cảnh vệ Los Pepes (Los Perseguidos por Pablo Escobar - Những người bị Pablo Escobar bức hại), các băng đảng đối thủ tại thành phố Cali và đặc biệt là lực lượng bán quân sự cánh hữu do Carlos Castano lãnh đạo, được cả Chính phủ Colombia và Mỹ hậu thuẫn. Đế chế băng đảng Medellin của Pablo dần suy yếu vì vô số thành viên trong băng đảng bị sát hại hoặc bức ép chống lại ông trùm. Ngày 2/12/1993, vẫn là một ngày mồng 2, tên trùm ma túy lừng danh này bị truy kích và sát hại đúng một ngày sau sinh nhật thứ 44.

Tuy nhiên, cái chết của Pablo Escobar không đem lại sự bình yên cho Medellin. Như Jaime Gavira, anh họ của hắn miêu tả trong chương trình The Two Escobars: "Khi Pablo chết, thành phố trở nên hỗn loạn. Ông trùm không còn, vậy nên bất cứ kẻ nào cũng có thể trở thành ông trùm. Pablo đã điều hành thế giới ngầm với đầy đủ trật tự. Bất cứ thứ gì bất hợp pháp phải xin phép Pablo. Nhưng khi Escobar ra đi, không còn phải xin phép ai nữa".

Ngay cả HLV Maturana cũng thừa nhận: "Luật của ông trùm là luật của thành phố. Khi Pablo Escobar chết đi, vùng đất này như rung chuyển. Từ khoảnh khắc đó, bạn phải luôn cảnh giác. Bạn không thể tin tưởng ai cả. Ngay cả một cảnh sát cũng có thể tốt hay xấu". Chính trong bối cảnh loạn lạc ấy, cộng hưởng với nỗi thất vọng về thất bại tại World Cup 1994, Andres Escobar đã bị bắn chết.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 17

Rosario chính là một phiên bản của Medellin ở thế kỷ 21. Thành phố lớn thứ ba Argentina và đứng đầu về mức độ bạo lực. Bến cảng của thành phố là nơi tập kết hoa màu của cả vùng đồng cỏ rộng lớn và màu mỡ Pampa Humeda, trước khi được chuyên chở xuôi dòng Parana ra đại dương. Nhưng ngoài xuất khẩu ngũ cốc, ngành kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất của đất nước, các con tàu còn chở cả ma túy.

Cocaine được trồng ở Bolivia, đóng gói tại Paraguay và vận chuyển đến Argentina bằng đường hàng không. Những chiếc máy bay lậu thả kiện hàng xuống cánh đồng ngô ở ngoại ô Rosario rồi được thu thập và cất giấu trong thành phố trước khi xuất cảng. Để thuận tiện cho việc buôn bán, nhiều băng đảng ma túy biến các khu phố nghèo ở Rosario thành sào huyệt. Chúng mua chuộc quan chức địa phương, thao túng cảnh sát và bức hiếp dân nghèo.

Bất kỳ ai chống đối đều có thể bị bọn tội phạm truy sát. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 65 vụ giết hại người dân vô tội. Mới tháng trước, Lorenzo Altamirano, một nghệ sỹ đường phố đã bị bắt cóc và giết chết. Mặc dù không can hệ gì đến những băng nhóm nhưng Altamirano bị quẳng xác bên ngoài sân Marcelo Bielsa, sân bóng của Newell's Old Boy để khủng bố tinh thần dân chúng.

2 ngày sau khi đe dọa Messi, cậu bé Maximo Lopez, 12 tuổi, bị bắn chết trong vụ xung đột giữa dân thường và băng Los Saltenos tại Los Putimas, một trong những khu phố nghèo nàn và tệ nạn nhất Rosario. Theo nguồn tin từ báo giới Argentina, người dân đã chỉ điểm chỗ cất giấu ma túy của bọn tội phạm này cho cảnh sát và kết quả xảy ra nổ súng. "Chúng tôi đã tố cáo nơi cất giấu ma túy này suốt 20 năm rồi, chúng tôi đã quá mệt mỏi", một người dân địa phương chia sẻ trong uất ức. Trong khi đó, ông Aníbal Fernández, Bộ trưởng An ninh Argentina phải cay đắng thốt lên: "Bọn buôn ma túy đã chiến thắng".

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 19

Tuy có mối liên hệ trong thế giới bóng đá nhưng Escobar cầu thủ chưa bao giờ ủng hộ Escobar trùm ma túy. "Maria, anh không muốn đi nhưng không còn lựa chọn nào khác", Andres Escobar từng thốt lên đầy bất lực với cô em gái Maria Ester vì phải xuất hiện trong bữa tiệc của Pablo Escobar.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 21

Khi Pablo bị sát hại, Andres chia sẻ: "Thật khó để tập trung cho công việc, nhưng tôi nhìn thấy động lực trong những điều tốt đẹp sắp đến. Tôi cố gắng đọc Kinh thánh mỗi ngày. Dấu trang của tôi là hai bức ảnh, một của người mẹ quá cố và một của vị hôn thê". Có lẽ Andres Escobar quá ngây thơ với niềm tin bóng đá có thể giúp ngăn chặn bạo lực và ma túy đang hành hạ trên quê hương.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 23

Cây bút César Mauricio Velásquez đã viết: "Anh ấy xem bóng đá như trường học trong đời sống để rao giảng về các giá trị và lòng khoan dung. Anh ấy học cách thắng, thua và coi thể thao như một nơi tôn nghiêm của tình đoàn kết. Andres luôn trung thành với niềm tin ấy".

Messi không rơi vào bi kịch của Andres Escobar nhưng siêu sao người Argentina có nỗi đau của riêng anh. Tâm nguyện cuối cùng trước khi kết thúc sự nghiệp đã quá đỗi vĩ đại của Messi là được trở về Rosario để khoác áo Newell's Old Boy. Đó là cái kết nên thơ và viên mãn. Tuy nhiên, những phát súng bắn vào siêu thị Unico, vốn thuộc sở hữu ông José Roccuzzo, bố vợ Messi, khiến tất cả phải kinh hoàng và tỉnh giấc. Sự hiện diện của một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá có thể khiến việc làm ăn buôn bán của bọn tội phạm ma túy gặp khó khăn.

Từ Escobar đến Messi: Nỗi kinh hoàng ma túy chưa kết thúc với bóng đá - 25

Lionel Messi, với tư cách là ông bố của ba đứa con, không thể mạo hiểm gia đình chỉ vì mộng tưởng bản thân. Cho dù yêu quê hương đến đâu thì La Pulga vẫn phải đặt tính mạng gia đình lên trên hết. Căn biệt thự xa hoa nhìn ra biển Địa Trung Hải trên ngọn đồi Castelldefels, ngoại ô Barcelona hay vẻ hào nhoáng của kinh đô ánh sáng Paris đối nghịch hoàn toàn sự điêu tàn vì ma túy ở Rosario, nơi những cậu bé trạc tuổi Thiago, cậu con cả của Messi, có thể chết gục bên vệ đường lúc nào chẳng ai hay.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Đỗ Diệp