(Dân trí) - Lionel Messi vừa đoạt danh hiệu The Best, chạm mốc 700 bàn thắng rồi 1.000 bàn thắng và kiến tạo ở cấp CLB, những thành tích mang tính tăng thêm cho sự vĩ đại của siêu sao người Argentina.
Lionel Messi vừa đoạt danh hiệu The Best, chạm mốc 700 bàn thắng rồi 1.000 bàn thắng và kiến tạo ở cấp CLB, những thành tích mang tính tăng thêm cho sự vĩ đại của siêu sao người Argentina. Tuy nhiên, danh hiệu hay số liệu không còn quá giá trị ở tầm vóc của La Pulga.
Phút 12 trận đấu giữa Paris Saint Germain (PSG) và Nantes trong khuôn khổ vòng 26 Ligue 1, ý đồ tử thủ tại sân Công viên các hoàng tử của đội khách bị đập tan. Nhận bóng từ giữa sân, Messi mở bóng sang trái rồi lao vào vòng cấm địa dứt điểm một chạm tung lưới thủ thành Alban Lafont. Đó là trận đấu thứ ba liên tiếp La Pulga ghi bàn, nâng tổng số bàn thắng của anh ở mùa giải này lên con số 18.
Ngoài ra, Messi còn đóng góp thêm 16 pha kiến tạo thành bàn. Tổng cộng anh in dấu giày trực tiếp (cách gọi tổng số bàn thắng và kiến tạo) vào 34 bàn thắng cho PSG chỉ sau 29 lần ra sân. Nếu tính cả thành tích trong màu áo đội tuyển quốc gia (ĐTQG), La Pulga đã chạm mốc 30 bàn thắng và 20 kiến tạo ở mùa giải 2022/23. Tại đội tuyển Argentina, Messi sở hữu 12 bàn thắng và 4 kiến tạo ở các trận giao hữu và kỳ World Cup 2022 đầy thăng hoa.
Những số liệu vừa nêu chứng minh một điều: Messi chưa hết thời dù đã 35 tuổi (sinh năm 1987) và phải rời xa tổ ấm Barcelona. Sở dĩ phải nhấn mạnh như vậy là bởi sau khi chia tay Barca, mùa giải đầu tiên của La Pulga tại PSG diễn ra không thật suôn sẻ và những số liệu biểu hiện siêu sao người Argentina có dấu hiệu sa sút. Tuy sa sút nhưng Messi vẫn đóng góp cho PSG tới 11 bàn thắng và 15 pha kiến tạo sau 34 trận, hiệu suất mọi cầu thủ tấn công đều phải mơ ước.
Mùa giải này, như đã đề cập, Messi trở lại với tiêu chuẩn cao chót vót do chính anh đặt ra trong suốt gần 20 năm sự nghiệp.
Ngoại trừ 3 mùa giải đầu tiên chập chững bước vào nghề và mùa đầu tiên bỡ ngỡ tại PSG, siêu sao người Argentina luôn duy trì hiệu suất trên dưới một bàn thắng và kiến tạo/trận. Thành tích tốt nhất là mùa giải 2011/12, với 73 bàn thắng và 29 kiến tạo sau 60 trận, tức trung bình mỗi trận in dấu giày trực tiếp vào 1,7 bàn thắng cho Barca.
Tổng quát hơn, bàn thắng vào lưới Nantes là bàn thắng thứ 701 và là tình huống góp dấu giày trực tiếp vào bàn thắng thứ 1.000 của Messi ở cấp CLB (299 kiến tạo). Một nghìn lần đưa trái bóng vào lưới hoặc dọn cỗ cho đồng đội đưa trái bóng vào lưới trong các trận đấu chính thức là con số nằm ngoài sức tưởng tượng. Đó là trong màu áo đội tuyển Argentina, La Pulga còn 98 bàn thắng và 55 pha kiến tạo khác.
Khi Messi khóc nghẹn rời Barcelona, đã có những hoài nghi về khả năng thành công của La Pulga ở môi trường khác. Lập luận này dựa trên cơ sở cả sự nghiệp siêu sao người Argentina chỉ quẩn quanh trong màu áo Los Blaugrana.
Ngay cả tại đội tuyển Argentina, Messi còn khó hòa nhập suốt thời gian rất dài chứ đừng nói đến môi trường khác, nhất là môi trường phức tạp vì quy tụ nhiều ngôi sao, đồng nghĩa nhiều cá tính mạnh như PSG. Nói cách khác, tại Công viên các Hoàng tử, Messi đừng hòng được "cung phụng" hay buộc tất cả phải phục vụ như Nou Camp.
Rốt cuộc, mọi hoài nghi về Messi bị đích thân siêu sao người Argentina xua tan không chỉ bởi hiệu suất vốn có trong mùa giải thứ hai khoác áo PSG và đặc biệt là màn trình diễn chói sáng tại World Cup 2022. Dẫn dắt Albiceleste đến chức vô địch thế giới, đóng góp hơn một bàn thắng và kiến tạo mỗi trận trong màu áo PSG mùa này, Messi chứng minh anh chưa hết thời, anh vẫn chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất.
Và cần nhấn mạnh thêm, đẳng cấp ấy chỉ dành cho cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng đá. Bởi lẽ, "bàn thắng" của Messi không đơn thuần là "bàn thắng".
Đơn cử như bàn thắng vào lưới Nantes cuối tuần qua, Messi phát động đợt lên bóng rồi đích thân kết thúc pha tấn công. Trong cả sự nghiệp, La Pulga thực hiện những "bàn thắng" kiểu như vậy nhiều tới mức tại Barca còn thành cả công thức tấn công: Messi mở bóng - Alba tăng tốc - Messi ghi bàn.
Để dễ hình dung, "bàn thắng" là chu trình chứ không đơn thuần động tác đưa trái bóng vào lưới. Tại Man City, Pep Guardiola hoàn thiện chu trình bằng bản hợp đồng với tay săn bàn Erling Haaland, sau khi đã có Gundogan hay Bernardo Silva tổ chức, Riyad Mahrez hay Jack Grealish đột phá và Kevin De Bruyne kiến tạo.
Messi toàn năng tới nỗi có thể thực hiện xuất sắc mọi công đoạn, từ phát động tấn công như tiến về trung tâm, rê dắt như tiền đạo biên, dọn cỗ như tiền vệ tấn công và ghi bàn như trung phong. La Pulga vĩ đại nhất là ở điểm này chứ không phải những con số "vĩ đại" kia.
Tương tự, dù Messi có giành Quả bóng vàng thứ 8 thì sự vĩ đại thực sự của anh là ảnh hưởng và những gì anh đem lại cùng trái bóng tròn. Người ta lo lắng Messi không thể hòa nhập được với môi trường mới, hóa ra chính Barca lao đao, chật vật tột cùng vì không còn thủ lĩnh số 10.
Nhìn lại kho tàng danh hiệu tại NouCamp , hóa ra 10 trên tổng số 26 danh hiệu La Liga, 4 trên 5 chức vô địch C1/Champions League và hàng tá chiếc cúp khác được đưa về trong kỷ nguyên Messi. Tương tự, người ta cũng dè bỉu Messi là người Catalonia ở đội tuyển Argentina, để rồi một ngày tất cả phải thừa nhận La Pulga luôn hướng về quê hương.
Thực tế, cột mốc 1.000 bàn thắng và kiến tạo hay thậm chí kể cả chức vô địch World Cup cũng chỉ làm đẹp thêm dữ liệu hồ sơ để phe ủng hộ chứng minh cho phe phản biện về sự vĩ đại của Messi.
Kể cả La Pulga đã một mình dẫn dắt Argentina vô địch World Cup đi chăng nữa thì cho đến nhiều triệu năm sau, khi trái đất diệt vong và con người sống trên con tàu vũ trụ lưu lạc giữa không gian thì tranh cãi mãi không thể chấm dứt.
Câu chuyện không hồi kết này đã tồn tại từ trước kỷ nguyên Messi, với hai nhân vật Pele và Maradona. Đơn cử vào tháng 12 năm 2000, Pele và Maradona đã chia sẻ giải thưởng Cầu thủ của thế kỷ do FIFA trao tặng. Ban đầu, giải thưởng dự kiến sẽ dựa trên phiếu bầu trực tuyến từ công chúng, nhưng cách bình chọn này giúp Diego Maradona chiếm ưu thế lớn.
Vì vậy, FIFA đã quyết định bổ sung phương án "Gia đình Bóng đá" gồm các thành viên của FIFA để quyết định người chiến thắng cùng với phiếu bầu của các độc giả trên tạp chí FIFA. Sau khi xem xét các ứng cử viên, ủy ban này đã quyết định trao giải cho Pele.
Tuy nhiên, vì Maradona đang dẫn đầu trong cuộc bình chọn trực tuyến, nên quyết định cuối cùng là chia sẻ giải thưởng giữa hai ngôi sao này. Vì vậy, Pele và Maradona đã được trao tặng giải thưởng Cầu thủ của thế kỷ cùng nhau.
Maradona không phức tạp như FIFA, "cậu bé vàng" ngổ ngáo này luôn có những phát ngôn khôn khéo khiến những chính trị gia gạo cội cũng phải ngả mũ thán phục. Khi được hỏi về tranh cãi ai vĩ đại hơn, Maradona nói: "Mẹ tôi nói là tôi, còn mẹ Pele nói là ông ta". Maradona không chỉ vĩ đại vì kỹ năng mà còn bởi vô vàn phút giây truyền cảm hứng bất tận từ trong ra ngoài sân cỏ như thế. Bởi vậy, chỉ có ông khiến người hâm mộ cuồng si tới mức tôn thờ như một vị thánh.
Pele lại khác. Huyền thoại bóng đá Brazil mang dáng dấp khả kính, đạo mạo của một ông vua, đúng như biệt danh Vua bóng đá. Hãy bỏ qua số liệu hơn 1.000 bàn thắng hay tranh cãi về 3 chức vô địch World Cup, sự vĩ đại của Pele là cái cách ông nâng tầm bóng đá.
Trọng tài truất quyền thi đấu Pele rốt cuộc trọng tài bị truất quyền chỉ đạo. Quốc hội Brazil từng tuyên bố Pele là "báu vật quốc gia". Sự xuất hiện của Pele khiến chiến tranh phải tạm ngưng.
Khi Pele diện kiến Giáo hoàng, Giáo hoàng nói rằng "con đừng quá hồi hộp, vì ta còn hồi hộp hơn" vì được gặp Pele. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thì giới thiệu: "Tên tôi là Ronald Reagan, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhưng cậu không cần phải giới thiệu về mình, bởi vì mọi người đều biết Pele là ai"…
Sự vĩ đại của Pele, Maradona hay Messi còn nằm ở vai trò "nhà truyền giáo". Chính tài năng và tầm ảnh hưởng của họ khiến tín đồ túc cầu giáo ngày càng đông đảo. Về tầm ảnh hưởng, Pele vẫn nổi bật hơn bởi những chi tiết nêu trên.
Nói cách khác, nhờ Vua bóng đá, bóng đá trở thành môn thể thao vua trên khắp thế giới, trở thành ngành kinh tế hàng tỷ đô và lương, phí chuyển nhượng thì cứ tăng phi mã như ngày nay.
Không chỉ vậy, Pele còn đưa bóng đá trở nên phổ biến tại Mỹ, đất nước gọi football là soccer. Thời điểm chia tay Santos vào năm 35 tuổi, Vua bóng đá quyết định chinh phục xứ sở cờ hoa, nơi chẳng khác nào "vùng hoang vu bóng đá". Những môn thể thao phổ biến tại đây là bóng rổ, bóng chày hay bóng bầu dục. Bóng đá ở Mỹ hoàn toàn nghiệp dư, không ngôi sao và cũng chẳng có tiền.
Nhưng chỉ sau 27 tháng Pele tung hoành trên các sân cỏ chủ yếu cải tạo từ sân bóng bầu dục ở đất nước này, Vua bóng đá tạo ra cú hích cực lớn. Số lương cầu thủ đăng ký thi đấu chuyên nghiệp tăng 4 lần, từ 100.000 lên 400.000. Lượng khán giả cũng tăng gần gấp đôi, từ 7.500 lên 13.500.
Cũng vì sự hiện diện của Pele, những huyền thoại khác cũng lục tục kéo đến chinh phục tân lục địa lần thứ hai. Đó là Franz Beckenbauer, Gerd Muller, Johan Cruyff, Johan Neesken, Eusebio, Carlos Alberto hay George Best v.v.
Messi đang đứng trước ngưỡng cửa như Pele. Thời gian gắn bó với PSG cũng sắp hết, Messi có thể ở lại bằng bản hợp đồng mới, hoặc trở lại Barca, hoặc đầu quân cho một đội bóng giàu tham vọng khác.
Tuy nhiên, dù phương án nào thì Messi cũng đã đủ đầy danh hiệu và sự vĩ đại. Nếu Messi sang Mỹ theo lời mời gọi của Inter Miami lại là câu chuyện khác. Nước Mỹ cho dù đã có nền bóng đá chuyên nghiệp nhưng tiềm năng phát triển còn rất nhiều.
Ngược lại, bóng đá tại châu Âu đang có dấu hiệu bão hòa. Bằng chứng là sự xung đột giữa các CLB và các cấp cơ quan quản lý. Đôi bên đều cố tìm tòi cải tiến luật và thể thức thi đấu để bóng đá trở nên hấp dẫn hơn nhưng kết quả đem đến nhiều sự tranh cãi hơn.
Những bước đột phá như luật việt vị, thẻ phạt, cấm thủ môn bắt bóng khi đồng đội chuyền về hay phiên bản Premier League, Champions League không phải lúc nào cũng có thể nghĩ ra.
Kỳ thực, những người làm bóng đá châu Âu đang phải nghiên cứu cách thức làm kinh tế thể thao tại Mỹ, thế nên Florentino Perez, Chủ tịch Real Madrid mới lĩnh xướng kế hoạch thành lập European Super League và nhiều giải vô địch quốc gia tham khảo kịch bản tổ chức siêu cúp như một sự kiện thể thao tương tự Super Bowl (Siêu Cúp Bóng bầu dục Mỹ).
Trở lại với Messi, nếu anh sang Mỹ thi đấu, bằng tài năng và tên tuổi, La Pulga hoàn toàn đủ khả năng tạo thêm cú hích cho nền bóng đá xứ cờ hoa, giống như Pele đã tạo ra 50 năm về trước. Và nếu thành công, sự vĩ đại ấy vượt ra khỏi mọi thang đo!
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên