DMagazine

Vì sao căn hầm đặc biệt ở Na Uy được gọi là hầm "chống tận thế"?

(Dân trí) - Một căn hầm đặc biệt đã được xây dựng ở khu vực Bắc Cực để bảo quản hạt giống, chứ không phải các yếu nhân, trước những nguy cơ như chiến tranh hạt nhân, thiên thạch đi lạc...

Vì sao căn hầm đặc biệt ở Na Uy được gọi là hầm chống tận thế? - 1

Bản đồ mô phỏng địa điểm của hầm chống tận thế SGSV (Ảnh: Time).

Vì sao căn hầm đặc biệt ở Na Uy được gọi là hầm chống tận thế? - 2

Theo trang tin trực tuyến Croptrust (CTC) của chính phủ Đức, nằm sâu trong một ngọn núi cao ở Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard vùng Bắc Cực xa xôi giữa lục địa Na Uy - Bắc Cực là căn hầm có tên Svalbard Global Seed Vault (SGSV). Gần đây SGSV đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm chính thức mở cửa vào ngày 26/10/2008. Nó được xây dựng bởi chính phủ Na Uy, lưu trữ bộ sưu tập hạt giống lớn nhất hành tinh, bao gồm các loại cây trồng chính yếu như ngô, gạo, lúa mì, lúa mạch, v.v.

Theo CTC, trên toàn thế giới có hơn 1.700 ngân hàng gen bảo quản các bộ sưu tập cây trồng tương tự nhưng dễ bị tổn thương, trước cả thảm họa có thể "tránh được". Ví dụ, một chiếc tủ đông hoạt động kém hiệu quả có thể làm hỏng cả một bộ sưu tập, dẫn đến sự mất mát của một giống cây trồng quý hiếm giống và dẫn đến tuyệt chủng như loài khủng long từng được lịch sử nói đến.

Vì sao căn hầm đặc biệt ở Na Uy được gọi là hầm chống tận thế? - 4

Nhận thức được tầm quan trọng này, chính phủ Na Uy đã quyết định xây dựng kho hạt giống toàn cầu nói trên để dự phòng. Mục đích của SGSV là lưu trữ bản sao của những mẫu hạt giống từ các bộ sưu tập hay ngân hàng gen cây trồng trên toàn thế giới gửi đến. SGSV được xây dựng ngầm sâu trong một ngọn núi trên một hòn đảo xa xôi thuộc quần đảo Svalbard, giữa lục địa Na Uy và Bắc Cực.

SGSV cũng là nơi không có người sinh sống cho đến tận những năm 20 ở thế kỷ trước, khi Na Uy tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này.Khu vực Bắc Cực lạnh giá, với sự ổn định về khí hậu và điều kiện địa chính trị, được đánh giá là phù hợp nhất trên thế giới để bảo tồn văn hóa con người và các dạng sống trên Trái Đất, trong trường hợp chiến tranh hạt nhân hoặc thảm họa tự nhiên xảy ra.

Lợi thế nơi xây dựng SGSV là lớp băng và đá dày nên mẫu hạt giống sẽ vẫn được bảo tồn ngay cả khi không có điện. Vì thế GSSV được xem là "chính sách bảo hiểm" cuối cùng cho nguồn cung cấp lương thực của nhân loại, dự phòng lựa chọn cho các thế hệ tương lai để vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu và gia tăng dân số cũng như thảm họa do thiên và nhân tai gây ra.

Vì sao căn hầm đặc biệt ở Na Uy được gọi là hầm chống tận thế? - 6

SGSV là một phần của Kho lưu trữ Bắc cực để bảo quản di sản của nhân loại. Nó là một trong những công trình kiên cố và an toàn nhất hành tinh chúng ta. Do nằm sâu 150 m dưới lòng băng nên có khả năng chịu được các thảm họa tận thế diễn ra. Cổng ra vào hầm được xây bằng bê tông, phía cuối hầm là một cách cửa kim loại trọng lượng lớn.

Như đề cập, hầm được chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu, luôn ở trạng thái đóng băng trong ít nhất 200 năm tới. SGSV cao 120 m dài khoảng 120 m. Đảo Spitsbergen được coi là lý tưởng vì nó không có hoạt động kiến tạo và có lớp băng vĩnh cửu, hỗ trợ cho việc bảo tồn. Hầm nằm trên độ cao 130 m so với mực nước biển sẽ giữ cho địa điểm luôn khô ráo ngay cả khi băng tan chảy. Than được khai thác tại chỗ cung cấp năng lượng cho các công đoạn làm lạnh giúp làm mát hạt giống theo tiêu chuẩn quốc tế quy định là âm 18⁰C.

Vì sao căn hầm đặc biệt ở Na Uy được gọi là hầm chống tận thế? - 8

Nghiên cứu khả thi trước khi xây dựng đã xác định, hầm có thể bảo quản hầu hết các loại hạt giống cây lương thực chính trong hàng trăm năm. Chạy dọc theo mái hầm đến lối vào được chiếu sáng nhờ kiến trúc nghệ thuật có tên Perpetual Repercussion của nghệ sĩ người Na Uy Dyveke Sanne, vào ban đêm nó phát sáng trông huyền ảo và ấn tượng. Vì vậy, SGSV được ví như kiến trúc nghệ thuật đương đại. Kiến trúc được tuyển chọn từ nhiều bản thiết kế gửi đến và cuối cùng KORO (cơ quan Nhà nước Na Uy giám sát nghệ thuật trong không gian công cộng) đã chọn thiết kế của Dyveke Sanne. Mái hầm và lối vào được làm bằng thép không gỉ, và kính phản chiếu ánh sáng cao. Hệ thống chiếu sáng còn được trang bị một mạng lưới 200 sợi cáp quang, tạo ra những tia sáng huyền như trắng xanh lục và xanh ngọc bích.

SGSV có khả năng lưu trữ 4,5 triệu loại cây trồng. Mỗi loại sẽ chứa trung bình 500 hạt, như vậy có tối đa 2,5 tỷ hạt có thể được lưu trữ trong hầm này. Hiện tại, Vault đang lưu giữ hơn 1.000.000 mẫu, xuất xứ từ hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đa dạng từ các loại lương thực chính của châu Phi và châu Á như ngô, gạo, lúa mì, đậu đũa và lúa miến đến các giống cà tím, rau diếp, lúa mạch và khoai tây của châu Âu và Nam Mỹ. Các hộp được gắn thẻ và đánh mã số để xác định ngân hàng gen nơi hạt giống gửi đến. Nhiều quốc gia trên thế giới như Nigeria, Ấn Độ, Mỹ, Peru, Triều Tiên… đã gửi hạt giống đến bảo quản trong hầm SGSV nói trên.

Vì sao căn hầm đặc biệt ở Na Uy được gọi là hầm chống tận thế? - 10


SGSV có chức năng giống một hộp ký gửi an toàn trong ngân hàng. Ngân hàng sở hữu tòa nhà và người gửi tiền sở hữu nội dung trong hộp của mình. Chính phủ Na Uy sở hữu cơ sở còn các ngân hàng gen ký gửi sở hữu hạt giống mà họ gửi. Việc gửi mẫu đến SGSV không cấu thành việc chuyển giao hợp pháp các nguồn gen. Trong thuật ngữ ngân hàng gen, quá trình thu xếp này được gọi "hộp đen".

Mỗi người gửi mẫu đến phải ký Thỏa thuận tiền gửi với NordGen, thay mặt cho chính phủ Na Uy. Thỏa thuận quy định Na Uy không yêu cầu quyền sở hữu đối với các mẫu đã gửi và quyền sở hữu vẫn thuộc về người gửi, đây là pháp nhân duy nhất có quyền tiếp cận với mẫu trong kho hạt giống. SGSV đã có giao dịch kiểu này với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế các Vùng khô hạn (ICARDA) hai lần hồi tháng 9/2027 do xung đột diễn ra tại Syria.

Vì sao căn hầm đặc biệt ở Na Uy được gọi là hầm chống tận thế? - 12

Trong vòng 25 năm tới, nhiệt độ tại bán đảo này được dự kiến tăng khoảng 10⁰C với tốc độ Trái đất nóng lên hiện nay. Ngay cả trong trường hợp cắt giảm được khí nhà kính, nhiệt độ cũng sẽ tăng đến 7⁰C. Nhiệt độ tăng ở một nơi như Svalbard dĩ nhiên chẳng phải là thông tin hay ho. Các lớp băng vĩnh cửu tại đây sẽ tan ra, khiến nền đất rắn xung quanh trở thành bùn, thải ra lượng lớn khí methane cùng CO2 vốn bị giam giữ từ lâu.

Thực tế, do nhiệt độ toàn cầu đang tăng nhanh khiến băng ở Bắc Cực có nguy cơ tan chảy, vì vậy người ta bắt đầu lắp đặt các thiết bị đắt tiền lên tới hàng triệu USD giúp bảo vệ lớp băng quanh hầm. Biến đổi khí hậu được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với SGSV. Ngoài ra, lượng mưa tại khu vực này cũng bắt đầu dày hơn, trong khi mùa đông ngày càng ngắn lại và khiến tần suất đất lở trở nên thường xuyên như lượng mưa diễn ra hồi tháng 10 năm 2016 là một ví dụ.

Nhiệt độ tại Svalbard đã tăng khoảng 3-5⁰C trong vòng 40-50 năm qua. Những năm gần đây, khu vực phải hứng chịu những trận mưa lớn ngay cả trong mùa đông. Các vịnh hẹp phía tây thậm chí không có nổi một tảng băng trong cả năm trời. Tuy gặp chút ít vật cản, nhưng SGSV vẫn đảm nhận tốt chức năng giống như một ngân hàng, thay vì gửi tiền thì người ta vẫn tiếp tục gửi mẫu hạt giống tới đây", báo cáo của NordGen thay mặt chính phủ Na Uy đánh giá.

Năm ngân hàng gen cung cấp hạt giống cho SGSV mới đây đã hợp tác với SGSV thử nghiệm hạt giống bảo quản kéo dài 100 năm trong hầm SGSV. Thử nghiệm nhằm trả lời câu hỏi hạt giống có thể sống được bao lâu? Do đó, thử nghiệm mới về tuổi thọ của hạt giống đã được tiến hành với 13 loại cây trồng quan trọng trên toàn cầu. Các mẫu hạt giống thử nghiệm đầu tiên được nhận về SGSV ngày 27/8/2020 từ IPK Gatersleben (Đức) gồm 5 loại cây trồng là lúa mì, lúa mạch, hạt đậu, rau diếp và bắp cải. "Thử nghiệm này sẽ cung cấp cho các thế hệ tương lai thông tin quý giá về khả năng sống của hạt và kiến thức chính xác hơn về tần suất hạt cần được tái sinh", Experimentsmund Asdal, điều phối viên tại Trung tâm Nguồn gen Bắc Âu (NordGen), nơi quản lý SGSV cho hay.

Vì sao căn hầm đặc biệt ở Na Uy được gọi là hầm chống tận thế? - 14

Theo NordGen, nguyên tắc chính để bảo quản hạt giống ở SGSV là hạt giống được sấy khô và đông lạnh tốt để đảm bảo khả năng nảy mầm trong nhiều thế kỷ. Những hạt giống đầu tiên được SGSV tiếp nhận sẽ được thử nghiệm vào năm 2030 và sau đó cứ 12 năm lại được kiểm tra một lần cho tới năm 2120. Các kết quả và báo cáo từ dự án sẽ được công bố công khai trong cả đời dự án. Ngoài ra các quy trình và hướng dẫn quản lý bảo tồn hạt giống liên tục được cập nhật để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Cùng với việc thử nghiệm định kỳ chất lượng hạt giống, đầu tháng 2/2021, SGSV còn thông báo, bắt đầu năm 2022 sẽ mở cửa hầm cho du khách vào thăm kết hợp du lịch thám hiểm và nghiên cứu Bắc Cực. Cũng theo NordGen, do quy mô và ý nghĩa lớn lao mà hầm tận thế SGSV đã được tạp chí Time của Mỹ bình chọn xếp thứ 6 trong danh sách Những pháp minh sáng chói của nhân loại 2008 và được trao Giải thưởng ánh sáng Na Uy năm 2009 (Norwegian Lighting Prize).

Nội dung: Bắc Giang (Theo CTO/Bloomberg/PO/LC)

Thiết kế: Thủy Tiên