(Dân trí) - Được mẹ ruột đón về, giải quyết gánh nặng về chi phí nuôi dưỡng… những cô, cậu bé bị bỏ rơi sau đại dịch Covid-19 mà Dân trí làm cầu nối đến các mạnh thường quân, đã có cuộc sống mới tươi sáng hơn.
Được mẹ ruột đón về, giải quyết gánh nặng về chi phí nuôi dưỡng… những cô, cậu bé bị bỏ rơi sau đại dịch Covid-19 tại TPHCM mà Dân trí làm cầu nối gửi gắm đến các mạnh thường quân, đã có cuộc sống mới tươi sáng hơn.
Khoảng thời gian từ ngày 1/10/2021, khi TPHCM bình thường mới cũng là lúc Báo điện tử Dân trí khởi động tuyến bài "Những đứa trẻ bị bỏ rơi sau đại dịch Covid-19". Hàng loạt câu chuyện xúc động chuyển tải đến độc giả là những ấp ủ, ước mơ của chúng tôi về một sự đảo chiều số phận cho các em. Và đến giờ này, khi Tết đến Xuân về, nhiều em bé đáng yêu đã có một cuộc sống mới.
Chắc hẳn bạn đọc sẽ không quên "bé Sữa" và "bé Bắp", hai nhân vật đầu tiên mà người viết có dịp ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), những ngày đầu tiên TPHCM bắt đầu mở cửa bình thường mới.
Bắp và Sữa đều có chung một hoàn cảnh là mẹ đẻ xong thì âm thầm biệt tích khỏi bệnh viện. Ít lâu sau, các con phát hiện nhiễm Covid-19, phải đưa đi BV dã chiến điều trị dài ngày. Dù ở cơ sở BV nào, các nhân viên y tế, thậm chí là tình nguyện viên "người dưng" cũng yêu thương, chăm sóc 2 bé như con ruột. Họ luôn mong gia đình có thể hồi tâm chuyển ý, đưa con về nuôi dưỡng.
Một ngày cuối năm, bác sĩ Nguyễn Trần Thị Huyền Dung, Trưởng khoa Bệnh lý sơ sinh, BV Nhân dân Gia Định vui mừng thông báo với chúng tôi, cậu bé Bắp đã được mẹ đón về. 6 tháng trước, mẹ Bắp vào viện sinh. Tranh thủ lúc các nhân viên y tế lo giấy tờ và chuẩn bị các biện pháp phòng dịch, sản phụ đã lẻn ra ngoài rồi biệt tích. Những lần cố liên lạc với gia đình, các bác sĩ được cho biết cha mẹ Bắp là lao động tự do. Dịch bệnh, họ thất nghiệp, cuộc sống ảnh hưởng nặng. Bản thân người mẹ cũng có tiền sử nghiện ma túy.
Lần trở lại của người mẹ trẻ, các bác sĩ hỏi lý do vì sau đến giờ mới vào gặp con. Câu chuyện "đói, nghèo, dịch bệnh" được nhắc lại, nhưng giờ đây trong mắt người mẹ đã ánh lên niềm hy vọng. Chị cam kết với BV rằng sẽ không bỏ Bắp nữa. Vừa giận, các y bác sĩ lại vừa mừng vì "con trai" đã có gia đình sau nhiều ngày ăn nằm trong viện.
Riêng với bé Sữa, dù không được hưởng hơi ấm gia đình, nhưng qua bàn tay chăm bẵm của các cô nữ hộ sinh, bé đã tăng thêm 1 kg và vô cùng khỏe mạnh, đang bắt đầu tập đứng. Bác sĩ Dung nói, từ ngày có báo viết bài, mọi gánh nặng chi phí gần như đã được giải quyết. "Tã sữa giờ nhiều lắm, chắc đủ dùng đến 4-5 tháng nữa" - nữ bác sĩ tâm sự. Tổng cộng thông qua Dân trí, bạn đọc đã giúp đỡ các số phận đáng thương của BV số tiền gần 300 triệu đồng.
Còn tại BV Nhi đồng Thành phố, đại diện khoa Sơ sinh cũng thông báo với chúng tôi, bà ngoại đã đến đón bé gái sinh non, con sản phụ K.L., (ngụ TPHCM) trở về. Đây là một trong 10 trường hợp bị bỏ rơi, nằm lại BV xuyên suốt mùa Covid-19. Trong số đó, có những trẻ mang bệnh lý rất nặng như tổn thương về trí não, teo ruột, đến nay còn đặt hậu môn tạm.
Khoảng tiền hơn 104 triệu đồng mà bạn đọc hỗ trợ ban đầu rất ý nghĩa trong hoàn cảnh hiện tại, nhất là khi các trẻ còn lại vẫn chưa được những trung tâm bảo trợ xã hội tiếp nhận, do ảnh hưởng của đại dịch. Có tiền, các nhân viên y tế sẽ tạm thoát cảnh chạy đôn chạy đáo kêu gọi bạn bè, người thân hỗ trợ, hay tự trích tiền túi để mua quần áo, đồ chơi cho các con.
Chuyển vội bức ảnh cho phóng viên sau ca trực, điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyết Ngân, khoa Ngoại Tổng hợp, BV Nhi Đồng 2 "mắng vốn": Bé Mén dạo này mọc răng, sữa bánh nhiều mà lười ăn lắm nên chưa tăng cân.
Hơn một năm qua, Mén sống bằng tình yêu thương trong BV, khi cha mẹ "trốn chạy" khỏi đứa con ruột của mình. Từ chỗ phải chịu nhiều cuộc mổ xử lý tình trạng viêm phúc mạc nặng lúc mới sinh, bé đã xinh xắn đáng yêu, bụ bẫm như các bạn cùng trang lứa.
"Lúc đó tôi liên hệ với người cha ruột, nói là hiện bé đã khỏe, rất đẹp rồi. Nhưng bên kia đầu dây, ông ấy nói thẳng thừng, rằng "đã làm giấy tờ bỏ rồi, đừng gọi nữa". Nghe xong tôi ngồi bệt xuống, quá sốc, đến nỗi tối về không thể ăn cơm. Sao họ lại có thể tuyệt tình đến vậy" - điều dưỡng trưởng Phạm Thị Thu Vân nhớ lại ngày bé Mén đóng hậu môn tạm thành công nhưng gia đình vẫn không hồi tâm chuyển ý.
Kể từ khoảnh khắc đau lòng đó, 52 y bác sĩ đã xác định Mén chính thức là "đứa con" của khoa Ngoại Tổng hợp. Câu chuyện xúc động về cô bé có nhiều "mẹ" nhất BV Nhi Đồng 2 đã lay động nhiều trái tim độc giả. Ngay tuần đầu tiên sau đăng tải bài viết, hơn 108 triệu đồng đã được bạn đọc Dân trí chuyển đến hỗ trợ BV.
Đã được san sẻ phần nào về chi phí, nhưng nỗi niềm lớn nhất của các nhân viên y tế là việc Mén vẫn chưa được nhận vào các mái ấm dù thủ tục bàn giao đã xong từ rất lâu. Khách quan mà nói, một phần cũng vì dịch bệnh khiến việc chuyển Mén đi gặp khó khăn. Nhưng thú thật, chị Vân và tất cả y, bác sĩ tại khoa đều mong thời gian bé còn ở lại cứ dài mãi, dài mãi.
"Hồi trước, đã có bé được cha mẹ người Đức nhận nuôi, chắc giờ cũng sống tốt. Với Mén cũng vậy, con về được ngôi nhà nào hạnh phúc là mong muốn lớn nhất của chúng tôi" - điều dưỡng Thu Vân bày tỏ.
Đầu tháng 12/2021, tin vui từ chị Ngô Thị Kim Ngân, cán bộ chuyên trách trẻ em phường Trường Thọ, TP Thủ Đức (TPHCM) báo về. Bé Vít - tên gọi nhắc nhớ cho hoàn cảnh xót xa của cậu bé bị bỏ trước căn nhà hoang, trong chiều mưa lạnh giữa "tâm dịch" Sài Gòn - đã được cha mẹ nuôi đến đón.
Chị Ngân kể, lẽ ra từ trước đó một tháng bé đã được đón, nhưng vì thủ tục bàn giao, giấy tờ gặp trục trặc mà gia đình chị Ngân vẫn nuôi dưỡng bé thêm một thời gian. Điều đó không phải bất tiện, mà ngược lại như một đặc ân với họ. Bởi suốt gần 3 tháng qua, mấy mẹ con chị Ngân đã coi bé như một thành viên trong nhà.
"Phường và một số mạnh thường quân cũng hỗ trợ thêm, nhưng chủ yếu tôi tự nuôi bé bằng khả năng của mình" - chị Ngân nói.
Nhớ lại những ngày vừa phải chống dịch, vừa lo cho đứa bé sơ sinh bị nhiễm trùng rốn, nữ cán bộ phường nói rằng cực nhưng vui. Dù đã chứng kiến nhiều trường hợp bị bỏ rơi, nhưng đây là lần đầu tiên, chị ôm một "của nợ" về nhà, lại còn nuôi dưỡng nhiều ngày đến vậy.
Ngày cặp vợ chồng hiếm muộn ở quận 9 cũ chính thức đến nhận con, chị Ngân và cả nhà nửa vui, nửa buồn. Vui vì bé có gia đình mới trước năm mới, nhưng hơi chạnh lòng vì phải xa "cục bông" đáng yêu đã chăm bẵm, hôn hít, nuôi nấng nhiều ngày. Chị Ngân nói, dù bàn giao nhưng sẽ tiếp tục dõi theo, để chắc chắn rằng Vít được sống trong hạnh phúc.
Còn chúng tôi, những người làm cầu nối thông tin, cũng mong những đứa trẻ bất hạnh khác sớm có cho mình gia đình mới tử tế, ấm êm, bù đắp lại khoảng thời gian bất hạnh đã qua. Nhưng ước gì, tất cả các em đều được cha mẹ ruột đến đón về, như khao khát của các nhân viên y tế đầy lòng yêu thương và y đức.
Nội dung và ảnh: Hoàng Lê
Thiết kế: Thủy Tiên