(Dân trí) - Gặp lại “thằng tim” Nguyễn Văn Sao – “Em bé đánh giày chờ… chết trên hè phố” ngày nào, Sao bảo: Ngày đó con may mắn chứ không giờ con đã giỗ được 11 lần rồi.
Tháng 11/2009, một buổi sáng những ngày cuối thu, trời Hà Nội đã se lạnh, tôi vô tình gặp cậu bé đánh giày Nguyễn Văn Sao tại quán cà phê ngã tư phố Lý Thường Kiệt – Quang Trung.
Ngày ấy, dáng vẻ của Sao hơi “kì lạ”. Đôi môi thâm đen, ngón tay, ngón chân của Sao tím tái, xù xì. Sao thường đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn xoáy vào những vị khách trong quán cà phê một cách rất khó hiểu.
Em Nguyễn Văn Sao - cậu bé đánh giày tâm sự đó là tên bố mẹ em đặt cho còn ở đây mọi người hay gọi em là “thằng Tim” vì từ nhỏ em đã bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Ngày đó bố mẹ đưa đi khám các bác sĩ nói em bị hẹp van tim, em chỉ biết vậy, rất khó thở và đòi bố mẹ đưa đi viện chữa trị nhưng bố mẹ nói em còn nhỏ, nhà không có tiền con ạ! Lúc đó ngực em rất đau, em òa khóc nhưng bố mẹ vẫn mặc kệ.
Sao tâm sự, “suốt ngày bố mẹ em cãi nhau, đánh nhau, cuối cùng bố mẹ bỏ nhau, 2 anh em bơ vơ, em được bà ngoại đón về ở cùng và cho ăn học, còn anh em bỏ đi kiếm sống. Bà thương em lắm, nhiều hôm đi học về bị các bạn trong trường trêu, thấy em khóc bà vội ôm em vào lòng động viên. Có những đêm nằm em mong được rúc vào lòng bố mẹ, bố mẹ vuốt ve để cho em bớt đi nỗi đau mà nước mắt cứ trào ra, bà lại ôm em vuốt ve động viên em lớn mau để kiếm tiền chữa bệnh”.
Thế rồi học hết lớp 9, Sao chia tay bà để bắt xe về Hà Nội. Em nhớ, hôm bà đưa em ra cổng để bắt ô tô từ Lào Cai về Hà Nội (nhà Sao ở thôn Giao Bình, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, Lào Cai), hai bà cháu đã ôm nhau khóc, bà gạt đi những giọt nước mắt hiếm hoi của tuổi già, dặn cháu giữ gìn sức khỏe, nếu bị bắt nạt thì chạy vào nhờ người lớn giúp đỡ con nhé!
Ngày về thủ đô, Sao hy vọng đánh giày kiếm tiền tự chữa bệnh cho mình. Nhưng khốn nỗi, với dáng vẻ của “thằng tim” nhiều người lúc đó nghĩ sao nghiện nên không mấy ai dám đưa giày cho Sao đánh. Vì thế, cơ hội kiếm đủ tiền lo miếng ăn hàng ngày cho bản thân mình còn khó, nói gì đến “mộng” để Sao có tiền tự chữa bệnh tim cho mình.
Ngày đó cuối thu, trời Hà Nội đã se lạnh, sức khoẻ của Sao yếu đi trông thấy. Nhiều lần em ngã vật ra vỉa hè vì không thở được. Bà Ngô Thị Bích Lộc, nhân viên trông giữ xe công cộng khu vực (48 Lí Thường Kiệt), nói thỉnh thoảng bà và Sao vẫn ăn cơm bụi, uống nước cùng nhau, nhưng mấy hôm nay Sao yếu quá, bà rất sợ cảnh “hôm nay ngồi ăn cơm với Sao nhưng ngày mai bà và Sao sẽ không gặp lại được nhau”.
Và bà Ngô Thị Bích Lộc trở thành người mẹ của Sao, chăm sóc em từng miếng ăn, giấc ngủ cả những ngày em được bạn đọc Dân trí giúp đỡ vào viện Tim Hà Nội để sửa trái tim lỗi nhịp nằm bên phải.
Biết được hoàn cảnh của Sao thông qua bài viết: “Em bé đánh giày chờ…chết trên hè phố”, hàng ngàn bạn đọc Dân trí, các nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài đã giúp đỡ Sao hàng trăm triệu đồng để sửa trái tim lỗi nhịp cho cậu bé.
Với sự giúp đỡ tận tình của các y, bác sĩ Bệnh viện tim Hà Nội, ca phẫu thuật tim của Sao đã thành công mở ra một tương lai tươi sáng cho em.
Ngoài số tiền viện phí chi trả, số tiền bạn đọc giúp đỡ Sao còn dư vài trăm triệu đồng, Sao mang về quê xây nhà. Nhà xây xong, bố mẹ Sao cũng quay lại về ở với nhau…
Cũng từ đó tôi và Sao dần mất liên lạc cho đến đầu tháng 7 vừa qua chuẩn bị cho Lễ kỉ niệm 15 năm thành lập báo Điện tử Dân trí (15/7/2005-15/72020), tôi đã phải “cầu cứu” đến lãnh đạo Công an huyện Bảo Thắng, Công an xã Xuân Giao để tìm cho tôi được gặp lại cậu bé Sao ngày nào. Thật bất ngờ, giờ Sao đã trở thành “tay” pha chế đồ uống có tiếng tại quán cà phê ở Hà Nội.
Mặc dù không còn là “thằng tim” ngày nào, những đầu ngón chân, ngón tay không còn tím đen, nhưng dáng người gầy, cao như cây sậy, nước da có phần hơi xanh, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sao (27 tuổi, cao 1,7m, nặng 45kg), không giấu nổi sức khoẻ của mình vẫn không thể được như người bình thường.
Đấy là hình ảnh của Sao đầu tiên đập vào mắt tôi sau 11 năm gặp lại tại một quán cà phê trong ngõ 149, phố Nguyễn Ngọc Nại, vào đúng hôm trời Hà Nội đón nhận cơn mưa rào nặng hạt giải khát cho những ngày nắng nóng kéo dài.
Sao kể, sau ca phẫu thuật tim thành công, khi sức khoẻ dần ổn định, Sao trở về quê xây nhà. Bố mẹ Sao cũng quay về ở với nhau. Những ngày ở quê, Sao theo cánh thợ xây đi nấu cơm thuê kiếm bữa ăn qua ngày. Được vài năm, do tiền sử bệnh tim nên công việc đứng bếp nấu ăn đã không cho phép Sao được tiếp tục. Sao lại bắt xe về Hà Nội đi làm thuê cho chủ quán cà phê tại phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
Sao kể tiếp, em được chị chủ quán dạy cho cách pha chế đồ uống, pha chế cà phê máy. Làm được hơn 2 năm, công việc của Sao lại bị giãn đoạn bởi đại dịch Covid – 19.
“Chị chủ quán khen em tiếp thu nhanh, chỉ hơn 1 tháng em đã thành thạo và giờ em trở thành “tay” pha cà phê cố “số” ở quán. Sao cười vào bảo, một ngày em chạy sô đảm nhiệm pha chế cho hai quán từ 6h30 cho đến 22h đêm mới về, tháng cũng kiếm được hơn chục triệu.
Sao đang vui vẻ trò chuyện thì bất chợt giọng em chùng xuống… Chàng trai nhớ về bà.
Sao kể, cuộc sống của em giờ đã ổn, em tự làm kiếm tiền mua được xe máy, trang trải tiền thuê nhà. Anh trai Sao ngày xưa cũng bỏ nhà đi xuống Hà Nội thì giờ được mọi người giúp đỡ nên cũng xin được chân bốc vác tại khu Nội Bài.
Đang trò chuyện, bỗng giọng chàng trai chùng lại, Sao cúi gằm nhìn xuống đất, đôi bàn tay đan chéo nhau, em bảo bà em đã mất cách đây vài năm rồi. Em nhớ, ngày nghe tin bà ốm em bỏ việc về quê chăm bà trong viện được 1 tuần, khi thấy sức khoẻ bà ổn hơn thì em phải trở lại Hà Nội tiếp tục cuộc sống mưu sinh. Nào ngờ, em xuống Hà Nội được vài hôm thì bà bệnh trở nặng và qua đời.
Cho đến giờ Sao vẫn day dứt vì giây phút cuối cùng em không được ở bên bà. Nếu còn sống thì năm nay bà em cũng đã ngoài tuổi 90.
Giọng chàng trai ngập ngừng kể tiếp, 11 năm đã trôi qua, ngày đó có thể con đã không còn và giỗ con đã được 11 lần nếu không được mọi người giúp đỡ. Đến giờ có những điều con chưa biết bao giờ làm được. Đó là ân tình của bạn đọc Dân trí, các nhà hảo tâm đã dang rộng vòng tay nhân ái cho con thêm một lần được sống và sống tử tế bằng chính đôi bàn tay lao động của mình.
Chia tay chàng trai Nguyễn Văn Sao, Sao gọi tôi bằng chú xưng con cùng với đó là ánh mắt nhìn tôi như một sự biết ơn...tất cả vinh dự đó tôi xin dành tặng lại bạn đọc Dân trí, các nhà hảo tâm. Vì chính các bạn mới là những người cứu cậu bé đánh giày và cho em có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.
"Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, Báo Điện tử Dân trí xin gửi lời cảm ơn chân thành tới hàng triệu độc giả, tổ chức, doanh nghiệp gần xa; trong nước và quốc tế... đã tin tưởng, ủng hộ chúng tôi trong thời gian qua.
Đặc biệt, Báo Điện tử Dân trí xin gửi lời tri ân tới các Doanh nghiệp: Vingroup, VNPT, Ecopark, Sun Group, Agribank, VietinBank, SHB, Vietcombank, BV ĐKQT Thu Cúc, GHV, AIC, Tập đoàn Viettel, AnBinh Bank, Vietnam Airlines, Eco Pharma, Minh Tiến Coffee, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC...
Trân trọng cảm ơn các Đối tác, Doanh nghiệp đã luôn gắn bó bền chặt, góp phần phát triển Báo điện tử Dân trí trong hành trình 15 năm qua.”