Vun đắp ý thức công dân
Những ngày này chúng ta vui mừng khi kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh còn nhiều khó khăn của thế giới, toàn bộ chỉ tiêu về xã hội đề ra cho năm 2023 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhưng cũng không khỏi trăn trở khi nhìn vào những tồn tại, bất cập và những vụ việc tiêu cực nhức nhối.
Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý cả ở cấp trung ương và địa phương bị khởi tố, bị đưa ra xét xử vì các lý do khác nhau, trong đó có sai phạm trong đại án Việt Á. Trong bối cảnh dịch bệnh "nước sôi, lửa bỏng", cả nước đang phải đối diện với một nguy cơ tập thể thì một bộ phận cán bộ biến chất lại vụ lợi cá nhân, bất chấp những giới hạn pháp luật và đạo đức.
Nhiều vấn đề xã hội cũng khiến chúng ta lo lắng: Bạo lực học đường; nghi vấn bữa ăn của những học sinh thuộc nhóm xã hội yếu thế tại một ngôi trường vùng cao bị bớt xén bởi chính thầy, cô của mình; trò ném dép vào cô giáo; cô giáo đuổi đánh học sinh…
Tất nhiên những sự việc kể trên chỉ là thiểu số, không điển hình và không đại diện cho dòng chảy chủ yếu của cuộc sống hôm nay. Nhưng chừng đó thôi cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đại hội XIII của Đảng đề ra tầm nhìn lãnh đạo là đến năm 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Một trong hai tiêu chí then chốt để nước ta có thể gia nhập nhóm các quốc gia phát triển là chỉ số phát triển con người (HDI) phải vượt 0.8.
Bấy lâu nay, chúng ta vẫn tự hào về những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, như: Chăm chỉ, sáng tạo, linh hoạt, yêu nước, dũng cảm, khéo léo… Thế nhưng, chúng ta lại rất ít khi thảo luận xem những phẩm chất nào đã không còn phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt là, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển sau hơn hai thập kỷ nữa, con người Việt Nam cần thêm những phẩm chất gì để đất nước có thể "sánh vai cùng các cường quốc năm châu".
Hẳn nhiên, đó không thể là những con người bị động nhưng lại ưa bạo lực, linh hoạt kiểu khôn lỏi, luôn tìm cách vụ lợi thiển cận, coi nhẹ lợi ích chung, hay thiếu ý thức phụng sự cộng đồng. Tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển chắc chắn đặt ra nhu cầu từ bỏ những phẩm chất, đặc tính của con người trong xã hội khép kín và nền kinh tế tiểu nông. Khát vọng về một quốc gia phát triển tất yếu cần những con người Việt Nam hiện đại.
Từ năm 1990, chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc định nghĩa phát triển con người là quá trình mở rộng các lựa chọn cho con người, để mỗi cá nhân được sống thọ, sống khỏe mạnh, và có đủ tri thức để tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp.
Các lựa chọn không chỉ giới hạn trong phạm vi các nhu cầu sống cơ bản, mà cũng có thể mở rộng ra sự tự do về kinh tế, chính trị, xã hội, cơ hội được sống sáng tạo và hiệu quả, tận hưởng sự tự trọng bản thân, và được bảo đảm các quyền con người.
Hai chiều cạnh được UNDP sử dụng để đánh giá trình độ phát triển con người là: i) hình thành năng lực cho mỗi cá nhân thông qua sự cải thiện về sức khỏe, tri thức, và kỹ năng; và ii) cá nhân có thể sử dụng các năng lực đó để thụ hưởng cuộc sống thoải mái, hiệu quả, và sáng tạo.
Báo cáo phát triển con người năm 2011 của UNDP điều chỉnh định nghĩa về phát triển con người theo hướng đề cao sự tự do để mỗi người được sống thọ, sống khỏe mạnh, và sống sáng tạo. Mỗi cá nhân có thể theo đuổi những mục tiêu mà họ đề cao, chủ động tham gia vào việc gây ảnh hưởng một cách công bằng và bền vững đến sự phát triển trên hành tinh chung của chúng ta.
Sau gần bốn thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng tự hào về phát triển con người. Từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của nước ta đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Với chỉ số HDI năm 2019 là 0,704, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có chỉ số HDI cao, và xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Định hướng khái quát về phát triển con người Việt Nam trong thời gian tới là "phát triển toàn diện… để con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".
Phát triển con người toàn diện thì không chỉ cải thiện mức sống cho người dân, thỏa mãn các nhu cầu về dịch vụ xã hội cơ bản. Một con người phát triển toàn diện thì không chỉ có cuộc sống sung túc, khỏe mạnh, phát huy tối đa mọi tiềm năng cá nhân, mà còn cần trạng thái ý thức, tinh thần hiện đại. Đó là những con người trưởng thành, có thể tự chủ cả về đời sống vật chất cũng như tinh thần và hành động.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: tiến trình xây dựng con người Việt Nam hiện đại không tách rời với quá khứ và truyền thống, mà "từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại".
Câu hỏi đặt ra, đâu là những giá trị hiện đại phù hợp mà người Việt Nam nên theo đuổi? Thiết nghĩ, nếu chăm chỉ, yêu nước, dũng cảm, đoàn kết khi khó khăn… là những phẩm chất truyền thống cần được bảo lưu thì duy lý, kỷ luật, danh dự là những giá trị hiện đại có thể giúp hoàn thiện con người Việt Nam.
Đề cao sự duy lý tức là chúng ta giảm thiểu cảm xúc hay ý chí chủ quan để tư duy và hành động dựa trên sự tính toán thận trọng và tri thức khoa học. Tôn trọng kỷ luật sẽ hình thành sự kiên định và quyết tâm nhất quán cho những nỗ lực tập thể. Coi trọng danh dự sẽ thúc đẩy sự liêm chính, ý thức phục vụ cộng đồng, nhất quán giữa lời nói và hành động.
Trên tất cả, một trong những phẩm chất hiện đại nhất mà người Việt Nam cần vun đắp là ý thức công dân. Đó là trạng thái ý thức và tinh thần của những con người trong xã hội dân chủ và Nhà nước pháp quyền XHCN. Ý thức công dân đặc trưng bởi một số đặc điểm như: tinh thần vì cộng đồng, quan tâm đến những vấn đề chung, coi trọng lợi ích chung, chủ động tham gia vào các hoạt động vì lợi ích chung. Một người với ý thức công dân trưởng thành thì sẽ luôn đặt lợi ích của mình trong quan hệ mật thiết với lợi ích của người khác, của cộng đồng.
Hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nhà nước Việt Nam hiện đại chắc chắn sẽ là một kỳ tích tiếp theo của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ý thức rằng mục tiêu quốc gia phát triển sẽ khó có thể thành công nếu chúng ta không vun đắp được những phẩm chất hiện đại cho con người Việt Nam trong thời đại mới.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!