6 nguyên tắc làm nên "phép màu" trong vụ cháy máy bay ở Nhật
Cả thế giới thở phào khi dõi theo vụ tai nạn máy bay ở Nhật, chứng kiến "phép màu 90 giây" giúp 379 hành khách cùng phi hành đoàn thoát nạn trong gang tấc.
Vụ tai nạn xảy ra ở sân bay Haneda ở Tokyo vào đầu tuần này khi máy bay dân dụng JAL516 hạ cánh và đã va chạm với một máy bay cỡ nhỏ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản trên đường băng. Hai máy bay bốc cháy ngùn ngụt ngay sau đó, nhưng toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã sơ tán an toàn sau khoảng 20 phút.
20 phút là toàn bộ diễn biến sự việc, còn khoảng thời gian quyết định cuộc sơ tán có an toàn hay không nằm ở những giây phút đầu tiên như các chuyên gia hàng không đã phân tích.
Chúng tôi đã thảo luận và đúc kết rằng hành khách trên chuyến bay của Japan Airlines đã may mắn thoát nạn nhờ làm đúng những điều sau đây:
1. Giữ bình tĩnh
2️. Làm theo mọi hướng dẫn của phi hành đoàn
3️. Không đứng dậy mở hộc và lấy hành lý, không mang theo bất cứ hành lý gì khi thoát hiểm.
4️. Ở cuối cầu trượt hãy giúp đỡ những hành khách đi phía sau bạn
5️. Không dừng lại chụp ảnh cạnh chiếc máy bay đang bốc cháy. Nó có thể nổ bất cứ lúc nào
6️. Chạy thật xa và tiếp tục làm theo hướng dẫn của phi hành đoàn
Các hành khách đều còn sống vì họ hành động với ý thức tất cả sinh mạng trên máy bay đều quan trọng hơn đồ đạc của họ, và họ tuân theo mệnh lệnh của phi hành đoàn.
Có thể nói thiết kế của máy bay, chương trình đào tạo bài bản cùng trình độ cao của nhân viên hãng hàng không là chìa khóa để ngăn chặn thảm họa. Đồng thời qua sự việc, một lần nữa chúng ta khâm phục tính chuyên nghiệp của phi hành đoàn Japan Airlines, tính kỷ luật và sự hợp tác, tuân thủ mệnh lệnh phi hành đoàn của toàn bộ hành khách trên chuyến bay.
Trong nghề tiếp viên hàng không, hàng năm, chúng tôi đều được huấn luyện định kỳ về An toàn bay, các kỹ năng thoát hiểm, xử lý tình huống khẩn nguy. Việc học tập và huấn luyện rất vất vả và nghiêm túc.
Chúng tôi học kiến thức cơ bản khoảng 4-6 tháng, rồi học định kỳ về An toàn bay khoảng 2-3 ngày mỗi năm. Ngoài ra còn các khóa học theo từng loại máy bay. Trước mỗi chuyến bay, tổ tiếp viên họp khoảng 20-30 phút để ôn tập các tình huống giả định. Hàng tháng còn tập huấn nhóm bay, làm các bài khảo sát về các tình huống giả định…
Một điều chúng tôi được đào tạo kỹ là với những tình huống khẩn nguy thì thời gian được tính bằng giây. Về mặt an toàn bay, mỗi tiếp viên chịu trách nhiệm tối đa 50 hành khách. Khi có khẩu lệnh thoát hiểm từ cơ trưởng thì tiếp viên phải nhanh chóng hướng dẫn hành khách thoát hiểm đến các cửa gần nhất. Tôi nhấn mạnh tối đa 90 giây - nếu muộn hơn có thể nguy hiểm, máy bay có thể bị cháy nổ…
Khi huấn luyện, chúng tôi được thực hành thoát hiểm cho hành khách trên đất liền và trên biển, tại mô hình máy bay và bể bơi của trung tâm huấn luyện bay.
Trên thực tế, khi xảy ra sự cố thì bản năng con người có thể bị hoảng sợ, vì vậy sự bình tĩnh và việc tuân thủ các yêu cầu của phi hành đoàn là vô cùng quan trọng. Đây là lý do tôi rất khâm phục sự chuyên nghiệp của phi hành đoàn Japan Airlines và hành khách trên chuyến bay đó.
Tai nạn máy bay ở Nhật Bản là điều không ai mong muốn. Nhưng chúng ta phải sẵn sàng để nếu không may nó xảy ra thì giữ được an toàn. Một vấn đề cần lưu ý là tính tuân thủ các quy định an toàn bay của nhiều hành khách chưa cao. Ví dụ như sử dụng điện thoại di động, thiết bị điện tử, tai nghe cá nhân khi máy bay cất hạ cánh. Việc sử dụng tai nghe cá nhân khi máy bay cất hạ cánh sẽ không nghe được các tín hiệu và thông báo từ phi hành đoàn. Hành lý không được để chắn các lối thoát hiểm, các lưng ghế được yêu cầu dựng thẳng khi máy bay cất hạ cánh để không cản trở việc thoát hiểm của hành khách phía sau.
Qua sự việc không may của Japan Airlines cho thấy, dù bạn là hành khách đi máy bay thường xuyên hay thỉnh thoảng mới đi thì đều cần thiết theo dõi video hướng dẫn an toàn bay đầu chuyến bay. Việc đọc kĩ tờ hướng dẫn an toàn được đặt tại túi ghế phía trước là không bao giờ thừa.
Hãy tuyệt đối tuân thủ quy định an toàn bay, và hãy nhớ chúng ta chỉ có 90 giây để thoát hiểm nếu không may xảy ra sự cố nào đó.
Tác giả: Chị Bùi Lệ Uyên là Tiếp viên trưởng của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines với 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành hàng không.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!