Vui buồn sau ngày đại học công bố điểm chuẩn
Từ chiều tối qua (17/8) đến sáng nay (18/8), gần 170 trường đại học ở ta đã công bố điểm chuẩn. Với nhiều cháu học sinh và các bậc phụ huynh, đây là những giờ phút quan trọng để biết được kết quả học tập sau 12 năm phổ thông, chuẩn bị cho các cháu có nghề nghiệp trong tương lai vài năm sau và trưởng thành.
Ở hơn 100 đại học đầu tiên công bố điểm chuẩn, hầu hết tính theo tổng điểm ba môn thuộc tổ hợp, cộng điểm ưu tiên nếu có. Một nhóm khác tính theo thang điểm 40, với một môn nhân hệ số 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ngoài ra còn nhóm trường đưa ra công thức xét tuyển riêng như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM.
Bước đầu có thể nói điểm chuẩn năm nay cao so với năm trước, đặc biệt ở một số "ngành hot", một số trường nằm trong nhóm dẫn đầu. Những ngành này có mức điểm chuẩn cỡ 28-29 điểm, tức là tính ra ba môn thì mỗi môn phải có điểm từ hơn 9 trở lên.
Những trường có điểm chuẩn cao là Ngoại thương, Y khoa, Bách khoa, Học viện Ngoại giao; Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM (UEL) và cả các trường đào tạo ngành báo chí, sư phạm.
Nằm trong nhóm dẫn đầu về điểm chuẩn tạm thời đang là ngành Trung Quốc học ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) của Học viện Ngoại giao với 29,2 điểm. Theo sau là ngành Quan hệ công chúng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với 29,1 điểm.
Ở thang điểm 40 thì điểm chuẩn cao nhất là 38,12 tại ngành Lịch sử, tổ hợp C19 (Ngữ văn, Giáo dục công dân và Lịch sử) của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Năm nay, các ngành liên quan tới các khối về khoa học xã hội lấy điểm cao, trong khi các ngành liên quan tới các khối về khoa học tự nhiên điểm sẽ thấp hơn chút ít.
Nhìn từ kết quả điểm chuẩn đại học đã công bố từ thấp nhất là 15 điểm tới cao nhất là 29,2 điểm của ngày 17/8, có thể thấy vào đại học là chuyện dễ dàng với hầu hết mọi học sinh đã tốt nghiệp PTTH năm nay. Tuy nhiên cái khó là làm sao vào được nhóm trường dẫn đầu và ngành thu hút đông sinh viên, làm sao vào được các trường công tốt để có thể thụ hưởng chất lượng giảng dạy cao (trong nước) đi cùng với học phí phải chăng.
Có thể thấy điểm chuẩn của nhiều trường rất cao do chỉ tiêu còn lại không nhiều với đợt tuyển sinh này. Mức chênh lệch giữa điểm sàn đã công bố và điểm chuẩn ở nhiều trường là "một trời một vực". Hầu hết các trường dẫn đầu với các ngành hấp dẫn nhất đã tuyển sinh sớm số lượng đáng kể, với rất nhiều học sinh nộp đơn ứng tuyển bằng các phương thức khác nhau. Ví như có những trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, có những trường thì dùng các loại điểm chuẩn của các kỳ thi quốc tế như SAT, ACT, Toefl, IELTS… cùng bộ hồ sơ theo yêu cầu.
Vì vậy, học sinh nào không đủ sức tham gia kỳ tuyển sinh sớm nay sẽ dễ trở thành "trâu chậm uống nước đục". Nhiều cháu sẽ phải chấp nhận thực tế trượt nguyện vọng 1 để tìm học các trường nằm trong các nguyện vọng tiếp theo (2, 3 và 4).
Kế đó, sau khi đã có kết quả trúng tuyển đại học, không ít cháu và gia đình sẽ phải đối mặt với vấn đề làm sao để đủ tiền đi học đại học. Là vì những trường công có học phí phải chăng, chất lượng tốt thì điểm cao vút, rất đông người cạnh tranh, khó vào vì điểm chuẩn cao quá.
Những đại học địa phương có thể học phí thấp nhưng chất lượng lại đáng suy nghĩ, con vào rất dễ nhưng có nên học hay không.
Còn những trường đại học tư hay đại học quốc tế, các chương trình đào tạo chất lượng cao và đào tạo liên kết trong đại học công thì chi phí rất tốn kém, chưa chắc gia đình đã với tới. Thành thử nhiều cháu nay đỗ đại học mà chưa chắc đã đi học nổi.
Học phí đại học với tân sinh viên năm nay mà các trường đại học lớn nhỏ trên cả nước đã công bố ở khối trường công và trường tư, khoảng từ 10,6 đến 250 triệu đồng mỗi năm, mức phổ biến là 20-30 triệu đồng, trung bình cỡ 40-50 triệu đồng.
Trường có mức thu trong nhóm cao nhất là Đại học Quốc tế Hồng Bàng - 250 triệu đồng với ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt, đào tạo bằng tiếng Anh. Mức thu thấp nhất thuộc về phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai với 10,6 triệu đồng. Còn các trường đại học quốc tế thì mức học phí có thể lên tới vài trăm triệu hoặc gần cả tỷ bạc mỗi năm, tùy trường.
Đây mới là học phí, còn ăn ở, đi lại, sách vở, chi tiêu. Vì vậy nên nếu các cháu học sinh ở tỉnh xa chọn học gần nhà thì sẽ bớt tốn kém. Nhưng các cháu nào muốn về các trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ… theo học sẽ là vấn đề lớn. Là vì tính chung lại trung bình một cháu như vậy có thể cần số tiền học phí, ăn ở, đi lại, sách vở, chi tiêu… khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Con số này là khá lớn với những gia đình cha mẹ chỉ làm công ăn lương hay buôn bán nhỏ. Nếu nhà nào cùng lúc nuôi 2-3 con học đại học sẽ rất nhức đầu.
Trong khi đó, học phí và các chi phí khác không cố định mà có thể tiếp tục tăng hàng năm. Vì thế để hoạch định đủ tiền cho con ăn học trong 4 -5 năm đại học thật không phải chuyện dễ. Dễ hiểu là nhiều nhà sẽ tính đường cho con đi lao động ở nước ngoài hay đi làm công nhân để có thu nhập mưu sinh. Nhất là trong bối cảnh nhiều cháu tốt nghiệp đại học ra khó tìm việc làm, hay có việc làm song mức lương không tương xứng với đầu tư mà gia đình đã bỏ ra, hoặc mức lương đó không đủ sống.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ, chậm nhất 17h ngày 27/8 phải hoàn tất.
10 ngày là thời gian rất ngắn mà các gia đình cùng con em của mình phải đưa ra quyết định cuối cùng. Con đường để có một học vấn tốt, một tương lai việc làm ổn định, thật không dễ gì.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!