Tâm điểm
Hoàng Hồng

Không dám khoe đỗ lớp 10 vì trường lấy điểm chuẩn thấp

Hơn một ngày qua, các diễn đàn phụ huynh trên mạng xã hội xôn xao vì câu chuyện điểm chuẩn Trường THPT Đoàn Kết, Hà Nội.

Một trường công lập nằm giữa trung tâm thủ đô, nhiều năm có mặt trong nhóm trường có điểm chuẩn từ khá đến cao, nay rơi xuống tốp 10 trường có điểm chuẩn thấp nhất thành phố.

Học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường chỉ cần đạt 4,75 điểm/môn là trúng tuyển.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, con cháu họ thi vào trường Đoàn Kết, dù đạt điểm cao cũng không dám khoe đỗ. Điểm chuẩn thấp làm họ xấu hổ với sự lựa chọn của mình.

Và họ đặt ra câu hỏi: Có công bằng không và có thiệt thòi không khi con cái họ đạt 8 điểm/môn lại phải học chung lớp với các bạn 5 điểm/môn? 

Không dám khoe đỗ lớp 10 vì trường lấy điểm chuẩn thấp - 1

Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng bất ngờ có mức điểm chuẩn 23,75 trong khi năm ngoái là 40 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Câu hỏi trên khiến tôi muốn kể câu chuyện về những học sinh ở những ngôi trường có điểm chuẩn thấp nhất Hà Nội.

Thủ khoa kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa năm 2023 là Nguyễn Xuân Duy Thắng. Thắng đạt 96,49/100 điểm, dẫn đầu kỳ thi có hơn 7.000 thí sinh tham gia. 

Trong kỳ thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia cùng năm, Thắng cũng đạt số điểm rất cao, chỉ đứng sau một thí sinh đến từ Nam Định.

Trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội môn vật lý, Thắng giành giải Nhất. Điểm của Thắng chỉ đứng sau một học sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Thắng là học sinh của Trường THPT Ứng Hòa B, huyện Ứng Hòa, ngôi trường có nhiều năm liền giữ vững vị trí tốp 10 trường có điểm chuẩn thấp nhất thủ đô. Năm nay và năm 2023, trường đều lấy 23 điểm.

Khi thi vào lớp 10 trường này, Thắng đạt 44,75 điểm, là thủ khoa đầu vào.

Tôi đã hỏi Thắng rằng, học ở nơi chưa đến 5 điểm/môn đã đỗ, em có buồn chán không. Thắng nói không, vì trong lớp luôn có 2-3 bạn để em cạnh tranh. Ở lớp, em không phải người xuất sắc nhất.

Đáng nói, Thắng không phải học sinh đầu tiên của trường đỗ thủ khoa đại học. Năm 2010, trường có thủ khoa Đại học Y Hà Nội và thủ khoa Đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 2014, trường có thủ khoa Đại học Quốc Gia Hà Nội và á khoa Đại học Y Hà Nội.

Trường hợp tương tự Nguyễn Xuân Duy Thắng là Đỗ Chí Tiến - giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn địa lý năm học 2023-2024. 

Tiến là học sinh của Trường THPT Minh Quang, Ba Vì - ngôi trường nổi tiếng vì chỉ cần 3 điểm/môn là đỗ.

Thậm chí năm 2020, trường còn lấy điểm chuẩn 13, trung bình 2,6 điểm/môn.

Cụm tuyển sinh Sơn Tây - Ba Vì có gần 10 trường THPT công lập, trong đó có trường Sơn Tây, 1 trong 4 trường có lớp chuyên của Hà Nội. Thế nhưng, Tiến chọn học Minh Quang vì gần nhà.

Dưới sự hướng dẫn, ôn luyện của thầy cô trường Minh Quang, Tiến trở thành thành viên duy nhất của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn địa lý không học trường chuyên.

Giống như Tiến, Vũ Thế Sơn - học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan, Thạch Thất - cũng là thành viên duy nhất trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn vật lý của Hà Nội không học trường chuyên. 

Sơn giành giải Nhì quốc gia với điểm số đứng thứ 5/20 toàn đoàn. 19 thành viên còn lại là học sinh các trường: Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây.

Điểm chuẩn hàng năm vào trường Phùng Khắc Khoan dao động từ 5-5,75 điểm/môn. Nhưng 3 năm nay, đều đặn trường có từ 20-30 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia.

Vậy thì tại sao phụ huynh có con em đỗ vào trường Đoàn Kết lại cảm thấy xấu hổ chỉ vì năm đầu tiên trường lấy điểm chuẩn 4,75 điểm/môn?

Vẫn là ngôi trường đó, vẫn thầy cô đó. Những lứa học sinh đạt 38-40 điểm mới đỗ được vào trường vẫn đang học ở đó. Năm học vừa qua, trường đạt 9 giải học sinh giỏi cấp thành phố và 132 giải học sinh giỏi cấp cụm Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng. Nhiều học sinh lớp 12 của trường đạt IELTS 8.0, giành học bổng du học. 

Điểm chuẩn của 1 năm tuyển sinh không thể kéo lùi chất lượng dạy và học của trường, càng không thể bỗng chốc biến ngôi trường thành nỗi xấu hổ. 

Điểm chuẩn thấp do đâu? Do chất lượng đào tạo kém hay do mặt bằng kinh tế - xã hội ở địa phương có sự chênh lệch, phân hóa? Do môi trường học tập đi xuống hay do biến động nhiễu của điểm chuẩn các năm trước khiến học sinh không dám đăng ký? Nếu làm rõ được các yếu tố này, phụ huynh sẽ không còn phải hoang mang hay xấu hổ.

Tôi nghĩ rằng, khi đặt ra câu hỏi "con cái chúng ta có thiệt thòi không nếu học với những người bạn có học lực kém hơn mình rất nhiều", thì đồng thời cũng cần hỏi ở chiều ngược lại: "Nếu con cái chúng ta có học lực kém, chúng có thiệt thòi không khi phải học với những bạn giỏi hơn mình rất nhiều?"

Có lẽ, nỗi lo lắng, trăn trở của những người cha người mẹ từ hai phía là như nhau. Nhưng xét cho cùng, sự so đo thiệt hơn ấy chỉ là lối tính toán của người lớn. Còn bọn trẻ hồn nhiên lắm. Chúng sẽ học hỏi lẫn nhau, theo các cách thức khác nhau.

Trên hết, điểm chuẩn không phải là căn cứ duy nhất để đánh giá một ngôi trường. Cũng như, điểm thi không phải là tiêu chuẩn để đánh giá một con người.

Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!