Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Vụ nữ sinh tố bị "đánh cắp" bài thi: Hãy trả lại các em sự trong sáng

Nhiều người dùng mạng xã hội bất ngờ khi vào đầu tháng 7 này xuất hiện tố cáo của một bé gái 15 tuổi, về việc dự án tham gia cuộc thi khoa học môi trường tại Mỹ (Genius Olympiad) của mình bị đạo văn. Mà người bị nghi vấn là cháu trai học sinh trường trung học Gia Định, TPHCM. Hai cháu cùng một thầy giáo hướng dẫn vốn là giáo viên môn Sinh học của trường này.

Cháu gái thật sự bị tổn thương nặng nề, vì tận mắt chứng kiến người nghi vấn lấy bài thi từ dự án của mình lên thuyết trình trong vòng chung kết và nhận Huy chương Đồng.

Nhưng cháu trai và gia đình cháu nhất quyết cho rằng họ đúng. Thầy hướng dẫn và cô Hiệu trưởng trường trung học Gia Định cũng nói "không có vụ đạo văn" vì hai bài khác nhau.

Chuyện từ hai học trò, thành chuyện người lớn. Ban đầu cha mẹ hai bên cùng có ý kiến trao đi đổi lại và không thống nhất. Sau đó tới việc cộng đồng lên tiếng, ủng hộ bên này hay bên kia.

Câu chuyện được làm rõ ràng minh bạch rất nhanh chỉ sau 2 ngày kể từ khi bé gái chính thức lên tiếng trên trang cá nhân của mình.

Vụ nữ sinh tố bị đánh cắp bài thi: Hãy trả lại các em sự trong sáng - 1

Đề tài của nam sinh N.Q.U. bị tố là được sao chép để dự thi (Ảnh: NV).

Ban tổ chức kỳ thi Genius Olympiad do Giáo sư Fehmi Damkaci đứng đầu thông báo chính thức  qua một bức thư gửi cho cháu gái và người giám hộ là sẽ rút lại Huy chương Đồng của cháu trai, cấm thầy hướng dẫn tham gia hướng dẫn học sinh từ 2024. Và thư này cũng đưa ra lời khẳng định mức độ giống nhau giữa hai dự án lên tới 86% về nội dung bản chất bên trong.

Gần đây đã có nhiều dư luận về dấu hiệu bị nghi vấn tiêu cực trong các dự án khoa học đi tham dự các kỳ thi trong và ngoài nước của học sinh trung học. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên mọi sự được phanh phui nhanh chóng và được cộng đồng, vốn mong mỏi tìm ra sự thật, nhiệt thành ủng hộ.

Ở đây, theo tôi, có vài chuyện cần suy nghĩ:

Một là, nên xem lại tham vọng của người lớn. Một khi người lớn có tham vọng, họ có thể đẩy các con vào trong vòng nguy hiểm của dối trá và làm bậy.

Trên thực tế có không ít cha mẹ xuất phát từ việc muốn con mình có một giải thưởng mang tính quốc tế, từ đó làm đẹp hồ sơ để đi du học, để vào được các trường đại học hàng đầu thế giới, thậm chí để gian lận học bổng hay các khoản hỗ trợ tài chính… mà sẵn sàng làm giả.

Ví dụ như họ có thể thuê mướn người làm giả nhiều thứ vì con không đủ năng lực. Từ đó tạo ra những bảng điểm giả tại trường trung học, làm dự án giả, đạo văn để có thành tích giả… miễn là đạt được tham vọng của mình.

Và từ nhu cầu này, bỗng nảy sinh ra hàng loạt thầy cô có thể giúp học sinh làm giả đủ thứ cho hồ sơ thêm đẹp, thêm sang. Trong đó có cả việc giúp học trò đạo dự án, ăn cắp thành quả của bạn bè, thậm chí là đàn em lớp dưới biến thành thành quả cá nhân mình.

Từ đó, các trẻ em vị thành niên có thể lãnh nhận đủ hậu quả. Và những hậu quả tai hại này có thể theo các con suốt đời, nếu không đủ mạnh mẽ để vượt qua.

Hai là, hãy thực lòng yêu thương và tránh cho những đứa bé bị tổn thương.

Trong câu chuyện đau lòng vừa rồi, có lẽ người đầu tiên bị tổn thương là cháu gái. Dù vậy, vì sự trong sạch đã được trả lại cho cháu, cùng với sự ủng hộ của gia đình, của những người tốt, cháu sẽ có thể sớm vượt qua khó khăn.

Nhưng đáng lo ngại hơn có lẽ chính là tổn thương của cháu trai, người đã có một dự án giống tới 86% dự án của bạn mình. Cháu có lẽ đang phải đối mặt với những nỗi buồn lớn nhất trong đời khi mới 16 tuổi. Niềm vui của một cậu học trò vì lần đầu được tới một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới tham dự một cuộc thi khoa học cho lứa tuổi của mình, ao ước sẽ thi đậu vào một đại học hạng nhất thế giới như MIT, sự tự hào về những cố gắng của bản thân…. Tất cả đều trở nên sụp đổ và mất mát sau quyết định nghiêm khắc nhưng đúng đắn của Ban Tổ chức.

Có lẽ mọi chuyện sẽ không xảy ra nếu như không có động thái của người thầy, khiến cho học trò không hề tham dự vòng loại lại bỗng dưng có tên đỗ vòng loại từ dự án mang tên tuổi và số báo danh của một người khác.

Những sai trái, những ngoan cố, đặc biệt từ người lớn và không loại trừ từ chính các bậc phụ huynh, có thể khiến một đứa trẻ vấp váp và phải đối diện với sức ép của truyền thông, mạng xã hội.

Giờ đây là lúc cha mẹ, thầy cô, các chuyên gia tâm lý học đường cần bảo ban, khuyên răn, đồng thời hỗ trợ cho các con vượt qua bài học đầu đời này một cách nhanh chóng nhất.

Vụ nữ sinh tố bị đánh cắp bài thi: Hãy trả lại các em sự trong sáng - 2

Phần poster được nam sinh mang đi dự thi tại Mỹ bị tố là có nhiều thông tin trùng với bài thi khác. (Ảnh: NV).

Ba là, nếu muốn hòa nhập quốc tế thì cần hiểu và tôn trọng các quy định và luật lệ quốc tế.

Rõ ràng ban đầu đã có hai cách hiểu khác nhau về "đạo văn" trong câu chuyện này. Một bên khẳng định cháu trai không đạo văn, là vì họ đang hiểu về đạo văn theo kiểu chép từng lời từng chữ y chang nhau, một cách hiểu phổ biến ở ta.

Và bên còn lại thì khẳng định chắc chắn có đạo văn, theo tiêu chuẩn Mỹ. Mà cách hiểu này đồng nhất với cách hiểu của Ban Tổ chức cuộc thi tại Mỹ. "Sau khi tiến hành điều tra kỹ lưỡng, chúng tôi xác định rằng bài làm của học sinh nói trên có 3-4 câu giống hoàn toàn với nguyên tác và có 3-4 câu rất giống chỉ có điều sắp xếp lại từ ngữ. Ngoài ra, một công cụ so sánh văn bản đã xác định rằng tác phẩm gian lận có 86% điểm tương đồng với tác phẩm gốc."

Tương tự, có cách hiểu sai về việc giao cho thầy cô mỗi trường một Username (tài khoản) theo quy định của Ban tổ chức, thì thầy cô chỉ có việc thu thập các bài vở của các cháu đem gửi cho đúng tiền độ của cuộc thi. Nếu mà thầy cô dùng Username này để gian trá, thay đổi, tráo bài, thì vô cùng nguy hiểm.

Bốn là, cuộc thi nào cũng chỉ là một sân chơi, nên đừng ăn thua đủ.

Genius Olympiad chỉ là một cuộc thi hết sức bình thường trong số vô vàn các cuộc thi cho học sinh trung học tại Mỹ và trên thế giới. Số lượng học sinh nhận giải từ cuộc thi này rất đông. Nội huy chương vàng cũng tới 150 em/1.500 em thi năm cao nhất. Chưa kể các loại huy chương bạc, đồng, các danh hiệu khác.

Khi thi đậu cũng chỉ có danh hiệu chứ không kèm tiền thưởng. Với du học sinh quốc tế, nếu các cháu nào đạt giải mà thi đậu vào Học viện Công nghệ Rochester, một trong hai đồng tổ chức cuộc thi, thì có thể nhận được một phần học bổng. Mà học bổng này cao nhất chỉ 20 ngàn USD năm, tức là còn thiếu chi phí ăn ở học hành đi lại và bảo hiểm cỡ 60 ngàn USD năm mới đủ, do trường này chi phí cao.

Với 60 ngàn USD năm thì có thể học nhiều trường tốt ở Mỹ mà chẳng cần học bổng gì, trường có chi phí trung bình thì cỡ 30-40 ngàn USD năm là đủ. Những danh hiệu từ các cuộc thi này mang lại cũng không phải là điều kiện tiên quyết khiến bất cứ trường đại học tốt nào trên thế giới hay ở Mỹ sẵn sàng nhận các cháu vào học gì cả.

Thế nên nếu cha mẹ cho con đi thi thì cũng nên nhớ kỳ thi này hay nhiều kỳ thi khác chỉ là cho con một cơ hội học hành, trải nghiệm, cho con tham gia một sân chơi phù hợp với tuổi hoa của con. Tránh xa những tham lam vô độ, những ham muốn tệ hại liên quan tới danh hão hay tiền bạc khiến cho các con hư hỏng, tổn thương, thất bại.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Chị là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!