Tâm điểm
Hoàng Lam

Làm cha mẹ phải hiểu biết quyền trẻ em

Tháng sáu, tháng có ngày Quốc tế thiếu nhi và ngày Gia đình Việt Nam, vừa qua. Bên cạnh những tin tức tốt lành về sự quan tâm, chăm lo dành cho các em nhỏ, thì vẫn còn đó các sự việc khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Đó là sự việc hai cháu nhỏ tham gia chương trình "ghép đôi", rồi được yêu cầu hôn nhau - một hành động không phù hợp với lứa tuổi, ở phố đi bộ thành phố Vinh (Nghệ An). Và mới đây là vụ bé trai 9 tuổi ở xã Ea Ning (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) bị bố và bà nội bạo hành để lại nhiều vết sẹo, vết bầm tím trên cơ thể.

Dù mức độ khác nhau, đây là những hành vi không được phép với các em nhỏ và cần phải xử lý theo đúng quy định pháp luật. 

Làm cha mẹ phải hiểu biết quyền trẻ em - 1

Chi chít những vết thương trên cơ thể cậu bé 9 tuổi ở Đắk Lắk (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Với sự việc ở phố đi bộ thành phố Vinh (Nghệ An), theo phản ánh của báo Dân trí, khi hai cháu bé tỏ ra ngơ ngác, không thực hiện đúng yêu cầu thì nam MC đã yêu cầu hai bé thực hiện lại. Sau tiếng đếm 1, 2, 3 của MC, hai bé hôn môi nhau trước sự hò reo của khán giả. 

Một trò chơi phản cảm diễn ra công khai và được sự cổ vũ của đám đông. Sau đó cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc để ngăn trò chơi này tái diễn. Đây là điều cần thiết, nhưng tiếc rằng sự việc đã diễn ra và để lại những hình ảnh phản cảm liên quan đến trẻ em trong ngày hè - những ngày mà lẽ ra các em cần được vui chơi lành mạnh, trong sáng và phù hợp với lứa tuổi. Ngoài trách nhiệm của đơn vị tổ chức trò chơi, thiết nghĩ bố mẹ hay người giám hộ hợp pháp của các cháu cũng cần xem xét lại ý thức của mình, khi đồng ý để con tham gia trò chơi không phù hợp và không kịp thời can thiệp, ngăn chặn. 

Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990, chỉ sau gần 4 tháng công ước này Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phê chuẩn. 

Vậy nhưng, từ sự việc ở phố đi bộ thành phố Vinh cho đến vụ bạo hành bé trai 9 tuổi ở Đắk Lắk cho thấy vẫn có những người làm cha, làm mẹ không hiểu biết về "quyền được sống an toàn, lành mạnh" của các con mình nói riêng cũng như trẻ em nói chung. Trong sự việc ở Đắk Lắk, người cha cho hay, "con trai của ông rất nghịch ngợm, không chịu nghe lời người lớn, còn có tính ăn trộm vặt khiến cho ông và bà nội nhiều lần không kiềm chế được đã dùng roi đánh vào người để răn đe, dạy dỗ để cháu nên người". Một hành vi bạo lực trẻ em nghiêm trọng được giải thích đơn giản như vậy!

Pháp luật quy định rõ "bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em". Với quy định này, rõ ràng tư duy truyền thống "thương cho roi cho vọt" đã lạc hậu và không còn phù hợp; ngoài ra, hành vi bạo lực trẻ em sẽ đối diện với xử phạt hành chính và xử lý hình sự. Hơn nữa, như người mẹ của bé trai 9 tuổi đã lên tiếng rằng, "hành vi đánh đập con cháu mình một cách tàn nhẫn hết lần này đến lần khác của bố và bà nội không thể nói là do yêu thương mới đánh để nên người được".

Gia đình phải là cái nôi đầu tiên và quan trọng nhất trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng các em nhỏ, bảo vệ các em khỏi những hành vi xâm hại, bạo lực. Nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy không ít em nhỏ trở thành nạn nhân trong chính gia đình mình. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần tăng cường phổ biến pháp luật về quyền trẻ em và truyền thông mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa để thay đổi định kiến xã hội về việc sử dụng bạo lực như là một công cụ của "giáo dục" và "kỷ luật" đối với trẻ em. Các bậc làm cha, làm mẹ cần được khắc sâu ý thức rằng, sử dụng bạo lực để chứng tỏ quyền lực của mình đối với các thành viên khác trong gia đình không phải là "yêu thương". 

Một nghiên cứu của UNICEF Việt Nam đã khuyến cáo rằng, cần thiết lập những dịch vụ bảo vệ để các em đang phải đối mặt với bạo lực tại gia đình có thể tìm kiếm sự hỗ trợ dễ dàng. Và tại cộng đồng, hàng xóm, họ hàng, thầy cô giáo cũng như bạn bè ở nhà trường phải trở thành những người đi đầu trong việc báo cáo bạo lực đối với trẻ em. Việc xây dựng các biện pháp hỗ trợ hệ thống báo cáo tự nhiên này nên được coi là ưu tiên của chính quyền địa phương trong việc thực thi Luật trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, góp phần tiếp tục đưa các đạo luật này vào cuộc sống.

Tác giả: Hoàng Lam là phóng viên báo Dân Trí, thường trú khu vực Bắc miền Trung từ năm 2012. Chị gắn bó với mục Blog hai năm nay và thường viết về các đề tài xã hội.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!