Văn hóa hướng về nguồn cội: Nén tâm hương giữa thời đại mới
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba"
Mỗi năm, đến khoảng thời gian này, trong lòng mỗi người con đất Việt lại dậy lên một niềm xúc động không thể gọi tên rõ ràng. Như một lời gọi, một nhịp nối vô hình giữa mình với quá khứ, giữa những hối hả ngày thường với cội nguồn linh thiêng của dân tộc. Trong guồng quay tất bật của cuộc sống hiện đại, Giỗ Tổ đến như một nén hương trầm, giúp ta dừng lại một chút, để nhớ rằng mình đang đi từ đâu và về đâu.
Tôi nghĩ, trong rất nhiều biểu tượng của văn hóa Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương là một biểu tượng đặc biệt. Đó là nén hương tinh thần không chỉ dành cho quá khứ, mà còn soi đường cho hiện tại và tương lai. Trong nhịp sống hiện đại hối hả và khi những giá trị truyền thống có nguy cơ phai nhòa trước áp lực hội nhập, Giỗ Tổ trở thành một kết nối thầm lặng nhưng sâu xa giúp người Việt nhận diện lại chính mình.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng hàng năm tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, phường Long Bình, TP Thủ Đức (Ảnh: Hải Long).
Chúng ta thường nói về tinh thần "con Lạc cháu Hồng" như một niềm tin cội rễ, nhưng đối với tôi, đó còn là lý do để ta cảm thấy gắn bó vào những lúc xã hội có nhiều biến động. Trong những thành phố đang vươn cao, trong những khu công nghiệp tấp nập, có thể có một nén hương được thắp lên trong một ngôi nhà trọ, để người ta nhớ rằng mình đều cùng chảy trong huyết quản dòng giống Lạc Hồng.
Tôi càng tin vào điều đó khi chứng kiến những lễ Giỗ Tổ được tổ chức không chỉ tại Phú Thọ mà còn lan tới từng đô thị, vùng quê, và cả trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tại Berlin (Đức), Paris (Pháp), California (Mỹ)... những người con xa xứ đóng vai người đứng lễ, cắm hương, dâng lời khấn nguyện trước ban thờ Vua Hùng, trong không gian hòa quyện giữa hiện đại và linh thiêng. Nhìn họ, tôi nghĩ văn hóa hướng về nguồn cội chưa bao giờ mất đi trong người Việt dù ở bất cứ nơi đâu.
Hôm nay, đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới - một kỷ nguyên chuyển mình mạnh mẽ, với những mục tiêu rõ ràng về hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng chính phủ số, xã hội số và công dân số. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc tinh gọn bộ máy hành chính, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, tiết kiệm nguồn lực và tạo điều kiện để phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn.
Nhưng trong quá trình này, có ý kiến băn khoăn khi một tên xã, một địa danh quen thuộc có thể bị xáo trộn hay không còn nữa. Nếu thiết chế văn hóa địa phương bị nhập lại, liệu những tập tục, lễ hội nhỏ có còn được duy trì? Chính trong những câu hỏi ấy, tôi lại nghĩ về Giỗ Tổ Hùng Vương như một câu trả lời. Vì không có địa danh nào, không có tên xã nào vượt lên được cái tên "con Lạc cháu Hồng". Không có di tích cụ thể nào bao trùm được sức mạnh tinh thần của một dân tộc có tổ tiên chung là các Vua Hùng.
Khi những địa giới mới gắn với không gian phát triển mới hình thành, ngày Giỗ Tổ đã, đang và sẽ là một biểu tượng thống nhất, một điểm neo văn hóa chung. Và mỗi địa phương đều có thể tổ chức ngày Giỗ Tổ như một ngày hội văn hóa cộng đồng, như một chất keo gắn kết cộng đồng dân cư không chỉ bằng bản đồ hành chính, mà bằng sự đồng cảm và niềm tin.
Trong kỷ nguyên phát triển, nhiều người trẻ sẽ rời quê hương, đi tới các đô thị, ra nước ngoài học tập, lập nghiệp. Trong hành trang của họ, có thể thiếu nhiều thứ - nhưng nếu mang theo được một tình cảm sâu nặng với nguồn cội, với tổ tiên, thì đó chính là tấm bản đồ tinh thần để họ không lạc hướng. Tôi đã từng chứng kiến những bạn trẻ thế hệ Gen Z tổ chức Giỗ Tổ ngay trong ký túc xá đại học, với lá cờ đỏ sao vàng, với bánh chưng tự gói, và một bài diễn văn ngắn gọn về các Vua Hùng. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy văn hóa Việt không già nua - nó trẻ trung, mềm mại và đầy sức sống.
Có thể giữa thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 4.0 và chuỗi giá trị toàn cầu, người ta sẽ nói nhiều hơn về năng suất lao động, về chỉ số tăng trưởng, về tốc độ chuyển đổi. Nhưng tôi nghĩ, một đất nước muốn vươn xa không chỉ cần những con số đẹp mà còn cần một tinh thần mạnh mẽ. Giỗ Tổ Hùng Vương, chính là một phần quan trọng của tinh thần đó. Nó khiến chúng ta không quên mình là ai. Nó dạy cho thế hệ trẻ biết ơn quá khứ, yêu thương hiện tại và có trách nhiệm với tương lai.
Văn hóa hướng về cội nguồn, vì thế, không phải là sự níu kéo quá khứ, mà là bước đi đầy bản lĩnh giữa hiện tại. Nó giúp ta đặt chân vững vàng hơn trên con đường phát triển. Như cây phải bám rễ sâu thì tán mới có thể vươn cao, dân tộc muốn hội nhập mà không hòa tan, hiện đại mà không mất mình - thì phải biết quay về để hiểu rõ mình đến từ đâu.
Tôi muốn dành lời cuối bài viết này cho những người trẻ - những người đang sống trong thời đại nhiều cởi mở, nhiều thách thức. Tôi muốn nói với các bạn rằng: Định vị của mỗi con người trong tương lai được quyết định bởi việc ta có nhớ rõ mình là ai trong quá khứ hay không. Chỉ khi nhớ rõ cội nguồn, ta mới biết mình đang đi về đâu. Và mỗi ngày Giỗ Tổ, khi không khí linh thiêng bao trùm Nghĩa Lĩnh, khi triệu triệu người Việt cùng hướng về đất Tổ, cũng là lúc chúng ta lặng lẽ nhận ra: hơn bao giờ hết, chúng ta cần một điểm tựa tinh thần. Và có lẽ, không điểm tựa nào mãi đi theo ta trên mọi hành trình hơn chính văn hóa hướng về cội nguồn đó.
Tác giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn là thạc sĩ chuyên ngành quản lý di sản và nghệ thuật tại Đại học Bắc London (University of North London); tiến sĩ quản lý văn hóa tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Ông hiện là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương. Ông đã từng có gần 25 năm làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, và là Viện trưởng trước khi chuyển sang làm công tác chuyên trách tại Quốc hội.
Những chủ đề quan tâm của ông là quản lý văn hóa, quản lý di sản và nghệ thuật, truyền thông mới, công nghiệp văn hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!