Động lực giúp công nghiệp văn hóa Việt Nam "vượt ngàn chông gai"
Ngày 27/11, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), với tổng nguồn vốn 122.250 tỷ đồng.
Với tổng nguồn vốn rất lớn nêu trên, Chương trình có phạm vi và quy mô rộng, trong đó tập trung vào hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…
Ở đây tôi chỉ xin bàn về vấn đề công nghiệp văn hóa. Còn nhớ từ 20 năm trước, khi đang làm việc ở một tờ báo dành cho lứa tuổi học trò, chúng tôi đã bàn luận và mong ngóng có một chương trình đầu tư cho công nghiệp văn hóa đất nước. Bởi từ ngày ấy, quan sát thực tế, chúng tôi đã lo ngại những đứa trẻ của chúng ta lớn lên với sự "đói nghèo văn hóa Việt". Các em có điều kiện tiếp cận với văn hóa tốt hơn rất nhiều so với thế hệ trước, nhưng đó là công nghiệp văn hóa đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… chứ không phải là những sản phẩm của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.
20 năm trôi qua, ngày nay lũ trẻ có thể được xem phim đoạt giải Oscar cùng lúc với thế giới, đọc những tác phẩm văn học đoạt giải Nobel của các tác giả thế giới, tham gia những buổi biểu diễn xuyên lục địa như hồi nhóm BlackPink sang Việt Nam. Nhưng tất cả những điều đó lại càng khiến tôi nhớ về lo ngại năm nào.
Nỗi lo lũ trẻ quá quen thuộc với công nghiệp văn hóa đến từ Mỹ, Hàn, Trung Quốc, Thailand… thay vì văn hóa Việt. Khi mà cả những nghệ sĩ trẻ cũng "bắt trend" thế giới, hát bằng thứ tiếng Việt đệm bằng tiếng Anh, thậm chí tiếng Việt cũng… lơ lớ vì… những dấu sắc, bằng, hỏi, ngã, nặng.
Nhiều người đã vui mừng khi một vài ca khúc Việt của Hoàng Thùy Linh hay ChiPu thi thố ở sân khấu nước ngoài. Nhưng đó vẫn chỉ là "ngôi sao cô đơn", thậm chí có phần… may mắn. Chúng ta chẳng dám mơ như Hàn Quốc với "làn sóng Hallyu" hay thuở hãng phim TVB của Hồng Kông (Trung Quốc) làm mưa làm gió với thế hệ 7X, 8X… Chúng ta chỉ mong bọn trẻ được đắm chìm, nuôi dưỡng bằng văn hóa Việt. Đã có một thời phim mỳ ăn liền khuynh đảo rạp chiếu bóng hay chương trình âm nhạc "Làn sóng xanh" được đông đảo bạn trẻ yêu thích, nhưng nhìn sâu vào thì đó vẫn là những sản phẩm phần nào ảnh hưởng của công nghiệp văn hóa nước ngoài, thậm chí là nhạc Hoa lời Việt/ nhạc Thái lời Việt… Trong lĩnh vực phim chiếu rạp, gần đây nổi lên một số bộ phim doanh thu trăm tỷ của Trấn Thành, song cũng chỉ như muối bỏ bể.
Sự thiếu thốn sản phẩm văn hóa cụ thể có nhiều nguyên nhân, và một trong những lý do chính là chúng ta chưa hình thành nền công nghiệp văn hóa thực sự. Tôi luôn tin rằng người Việt có nội lực về văn hóa và khi có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", có cú huých đủ mạnh thì công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ chuyển động mạnh mẽ.
Ở đây cũng phải nói thêm rằng, với thị trường của đất nước 100 triệu dân, nhiều người sẵn sàng chi tiền cho những chương trình sản phẩm văn hóa chất lượng. Bằng chứng là sự kiện âm nhạc "Anh trai vượt ngàn chông gai 2024" vừa qua tại TPHCM thu hút gần 20.000 khán giả tham gia. Chương trình cháy vé chỉ sau hơn 90 phút mở bán. Số liệu công bố từ Ticketbox cho thấy trên 60.000 khán giả đã truy cập trang web để mua vé chỉ trong 1 phút đầu tiên mở bán. Sự kiện này sắp tới tổ chức tại Hưng Yên và đã có160.000 khán giả "tranh nhau" mua vé trên nền tảng Ticketbox.
Nhìn tổng quan, sức hút của "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã tạo ra những kỷ lục như hơn 12 tỷ lượt xem; 7,4 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội. Chương trình này áp dụng cách tổ chức (format) từ nước ngoài, nhưng nội dung thì hoàn toàn do các nghệ sĩ Việt tạo ra. Những ai đã xem "Anh trai vượt ngàn chông gai" đều có thể cảm nhận chương trình đậm đà văn hóa Việt, với những tiết mục như: Trống Cơm, Đào Liễu, Mưa trên phố Huế, Dạ Cổ Hoài Lang, Chiếc khăn Piêu…
Trở lại với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa với tổng nguồn vốn lên đến 122.250 tỷ đồng, chúng ta chờ đợi không chỉ số tiền đầu tư mà còn là cơ chế, chính sách và tinh thần cởi mở từ phía cơ quan quản lý, sẵn sàng hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa.
Cơ quan quản lý đồng hành, tạo điều kiện và nhân vật trung tâm của công nghiệp văn hóa là các nhà tổ chức, các nghệ sĩ, là sức sáng tạo của xã hội. Đây chính là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa "vượt ngàn chông gai", trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!