Ứng dụng công nghệ vào các điểm du lịch: Dễ hay khó?
Kể từ sau đại dịch Covid, du lịch Việt Nam đang dần khởi sắc với tổng lượng khách trong nước và quốc tế năm sau cao hơn năm trước. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng, cách tổ chức ở nhiều điểm du lịch vẫn là bài toán chưa có đáp án trọn vẹn. Đâu đó vẫn tồn tại những bất cập: hệ thống an ninh mỏng, dịch vụ chưa chuyên nghiệp, hay thiếu quy hoạch không gian hợp lý.
Không khó để chúng ta chứng kiến hình ảnh du khách quốc tế vừa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp văn hóa lâu đời của Việt Nam ở một điểm di tích, vừa lắc đầu trước cảnh ùn tắc, rác thải và sự quá tải dịch vụ. Nhưng thay vì chỉ trách cứ ý thức một bộ phận du khách xả rác bừa bãi, có lẽ cần nhìn nhận thẳng thắn hơn về sự thiếu đồng bộ trong khâu chuẩn bị. Một điểm đến thành công không chỉ cần vẻ đẹp tự nhiên và bản sắc văn hóa, mà còn đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng từ phân luồng giao thông đến xử lý các vấn đề về môi trường.
Trong bối cảnh một số điểm du lịch, lễ hội đối mặt với áp lực quá tải, việc ứng dụng công nghệ số có thể trở thành chìa khóa mở ra các cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề, từ việc dùng vé điện tử thay thế vé giấy, cho đến cung cấp các thông tin cần thiết và quản lý sự kiện theo thời gian thực, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách.

Bãi biển Sầm Sơn kín người vào dịp lễ 30/4-1/5/2024 (Ảnh: Thanh Tùng).
Nhật Bản và Singapore là hai quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng mã QR vào quản lý du khách. Tại lễ hội Gion Matsuri (Kyoto, Nhật Bản), ban tổ chức cung cấp vé xem trước cho các buổi diễu hành chính, giúp kiểm soát lượng người xem và giảm tình trạng chen lấn. Tương tự, công viên tự nhiên Gardens by the Bay (Singapore) sử dụng hệ thống đặt vé trực tuyến với khung giờ cố định, giúp giới hạn số lượng du khách mỗi ngày và tích hợp dữ liệu vào hệ thống giám sát để đảm bảo trải nghiệm tham quan thuận lợi.
Công nghệ số có thể giúp ban quản lý các điểm đến tích hợp ứng dụng chỉ đường và bản đồ tham quan, qua đó du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin và điều hướng trong khu vực. Hệ thống cảm biến đếm người tại các điểm trọng yếu hỗ trợ theo dõi mật độ đám đông theo thời gian thực, đưa ra cảnh báo hoặc hướng dẫn di chuyển hợp lý.
Sau thảm kịch giẫm đạp năm 2022, chính quyền quận Yongsan (Hàn Quốc) đã tiến hành trải nhựa đường và lắp đặt 70 camera an ninh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại khu vực Itaewon để theo dõi mật độ đám đông và ngăn chặn các sự cố tương tự. Còn tại Oktoberfest (Đức), công tác kiểm soát đám đông được thực hiện chặt chẽ thông qua hệ thống giám sát an ninh bằng camera, kiểm soát lối vào và lực lượng cảnh sát bằng loa phát thanh cảnh báo bằng 3 ngôn ngữ Anh, Đức và phương ngữ vùng Bayern.
Có thể thấy, việc cá nhân hóa trải nghiệm tham quan thông qua công nghệ không chỉ giảm tải áp lực lên hạ tầng mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi du khách biết chính xác nên vào cửa lúc nào, đi lối nào và dừng ở đâu, lễ hội không còn là "bài toán đám đông" đầy rủi ro, mà trở thành mô hình quản trị thông minh đáng học hỏi.
Để tổ chức một điểm đến thành công và bền vững, sự an toàn và vệ sinh môi trường không phải lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết. Muốn vậy, bài toán quản lý phải được giải từ gốc: Lực lượng an ninh, y tế phải phủ sóng toàn bộ khu vực đông người, sẵn sàng ứng biến với mọi tình huống khẩn cấp, không nên để xảy ra sự cố rồi mới cuống cuồng xử lý.
Công tác xử lý rác càng không thể làm nửa vời. Thùng rác dày đặc chỉ là phần ngọn, cái gốc nằm ở ý thức phân loại rác tại nguồn của du khách. Hãy học cách Bỉ, quốc gia tự hào với trên 80% rác thải được tái chế, đã "hô biến" rác thải lễ hội thành tài nguyên - đặt thùng phân loại trực tiếp tại điểm vui chơi, biến hành động vứt rác thành hành động văn minh.
Tại các lễ hội, điểm du lịch, muốn chấm dứt nạn chặt chém, chúng ta cũng có thể tham khảo áp dụng công nghệ quản lý. Chẳng hạn như ở Singapore, các gian hàng ẩm thực phải niêm yết giá rõ ràng - vi phạm đồng nghĩa với bị đào thải. Đồng thời, họ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt qua thẻ Visa/Master hoặc QR code quốc gia. Khi giao dịch được xác thực, hóa đơn minh bạch thì thị trường rõ ràng hơn và điểm đến trở nên văn minh, nơi công nghệ và ý thức cùng phát triển.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc phá bỏ rào cản ngôn ngữ tại các lễ hội truyền thống, điểm du lịch cũng không còn là "lựa chọn" mà là "yêu cầu sống còn". Áp dụng hệ thống thông báo song ngữ Việt - Anh chính là chìa khóa mở cửa trải nghiệm cho du khách quốc tế. Thực tế cho thấy, những dòng chữ chỉ viết bằng tiếng Việt đơn thuần dễ biến điểm đến thành "mê cung" với khách Tây, khiến họ lỡ nhịp khám phá văn hóa bản địa. Từ biển chỉ dẫn, lịch trình đến quy định an toàn, mọi thông tin cần được ghi bằng ít nhất hai thứ tiếng. Chẳng hạn như ở Singapore, các địa điểm du lịch chính đều đa phần có bảng giải thích bằng bốn thứ tiếng: Anh, Hoa, Malay và Tamil.
Đi xa hơn, các điểm đến cần tận dụng không gian vật lý để kể chuyện văn hóa. Những tấm pano khổ lớn không chỉ dừng ở mô tả sự kiện - chúng phải là cửa sổ dẫn lối vào thế giới truyền thuyết, lịch sử và triết lý sống của cộng đồng. Hãy để du khách hiểu vì sao người Việt gói bánh chưng bánh giầy hay mời trầu cau để mở đầu câu chuyện, đó là cách biến một buổi vui chơi thành hành trình giải mã văn hóa. Biết đâu một ngày không xa, hội Lim tại Bắc Ninh sẽ kèm câu chuyện được minh họa dưới dạng đồ họa (infographic) cùng nền nhạc bài hát Bắc Bling sống động.
Hiện nay, công nghệ dịch thuật AI đang san bằng mọi giới hạn. Thay vì tốn hàng chục triệu thuê phiên dịch hay dịch cabin, ban tổ chức có thể dùng ứng dụng (app) quét mô tả (text) thời gian thực, tích hợp các công cụ như ChatGPT hay Google Gemini để xử lý ngữ cảnh văn hóa. Còn nhớ tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023, lễ tân AI của Saltlux Technology gây chú ý nhờ hỗ trợ tiếng Việt, Anh, Hàn và một số ngôn ngữ khác. Đây không đơn thuần là giải pháp tiết kiệm - đó là cách chứng minh Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi công nghệ toàn cầu. Khi một du khách Pháp đọc hiểu truyền thuyết Thánh Gióng qua bản dịch AI trực tiếp trên màn hình lớn, chính lúc đó, văn hóa Việt đang lan tỏa theo cách không ngờ.
Một điểm đến chỉ thành công khi không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là người cao tuổi và người khuyết tật. Sự hòa nhập không dừng ở khẩu hiệu mà phải thể hiện qua từng chi tiết thiết kế. Từ con dốc nhỏ lên sân khấu đến chiếc ghế dưới tán cây, mọi thứ cần được nhìn qua lăng kính của họ. Nhà vệ sinh công cộng - nơi thường bị bỏ quên trong các bản thiết kế - mới chính là "phép thử" của sự tử tế. Một toilet chuẩn quốc tế cho người khuyết tật không chỉ cần tay vịn inox, mà phải có hệ thống chuông báo khẩn cấp, khoảng lùi đủ để xe lăn xoay 180 độ, thậm chí cả thanh treo túi xách ngang tầm mắt.
Giữ gìn bản sắc không có nghĩa là khư khư ôm lấy cách làm cũ. Các điểm đến sẽ ngày càng tỏa sáng khi chúng ta dám đổi mới - không phải từ bỏ truyền thống, mà là tìm cách kể lại những giá trị xưa bằng ngôn ngữ của thời hiện đại. Để mỗi mùa du lịch qua đi, người ta nhớ lại không chỉ sự tấp nập, mà còn là nét thanh lịch, văn minh của một dân tộc biết trân trọng di sản và đang hội nhập, phát triển mạnh mẽ.
Tác giả: Trình Phương Quân (Kiến trúc sư) tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật xây dựng và môi trường tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Trước đó, Quân theo học ngành thiết kế bền vững tại Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Kiến trúc TPHCM. Quân tham gia thiết kế kiến trúc, quy hoạch, đồng thời là tác giả cộng tác với nhiều tờ báo, tập trung vào các chủ đề về môi trường, thiết kế và văn hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!