Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Từ việc loạt trường đại học định bỏ xét tuyển tổ hợp văn - sử - địa

Mùa hè năm nay, hàng loạt trường đại học bất ngờ thông báo bỏ xét tuyển tổ hợp C00 (văn - sử - địa) khi xét tuyển thí sinh. Cách ngày thi tốt nghiệp THPT chỉ khoảng 20 ngày, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, công bố thông tin tuyển sinh chỉ còn xét 9/28 ngành cho tổ hợp này, khiến nhiều thí sinh lẫn phụ huynh hoang mang.

Nhiều ngành, chương trình đào tạo tại trường đại học trên như báo chí, quan hệ công chúng, công tác xã hội, tâm lý học, Đông phương học, xã hội học, Việt Nam học, điện ảnh và nghệ thuật đại chúng... bỏ tuyển tổ hợp C00, thay bằng những tổ hợp bắt buộc có môn toán hoặc môn tiếng Anh. Những ngành này xưa nay vốn là mục tiêu để các thí sinh “thiên xã hội” lựa chọn, phấn đấu thi tuyển.

Chưa thi đã trượt?

Thông tin được đưa ra sát kỳ thi tốt nghiệp THPT nên những học sinh từ trước tới nay theo đuổi văn - sử - địa không tránh khỏi bị “sốc” vì không kịp trở tay.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ phải trải qua tổng cộng 4 môn với 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại của chương trình học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).

Từ việc loạt trường đại học định bỏ xét tuyển tổ hợp văn - sử - địa - 1

Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Nam Anh).

Không ít học sinh có thế mạnh về khoa học xã hội đã chọn 4 môn toán, văn, sử, địa, thế nhưng tới giờ chót, trường thông báo bỏ khối C00 tại những ngành các em đã chọn học từ trước, mà thay bằng tổ hợp D có môn tiếng Anh. Vậy đương nhiên những thí sinh trên không có cơ hội dự tuyển.

Trong trường hợp này, cách duy nhất để nhóm thí sinh trên có cơ hội xét tuyển là phải có chứng chỉ tiếng Anh theo quy định để quy đổi. Tuy nhiên, ngay cả vậy cũng là thách thức lớn cho những em chưa kịp chuẩn bị. Thông thường đã rất khó để lấy chứng chỉ tiếng Anh trong 1-2 tháng huống hồ chỉ có 20 ngày!

Như vậy, nếu trường vẫn giữ quyết định trên thì sẽ khiến hàng loạt thí sinh C00 - vốn đã có truyền thống từ nhiều năm nay - phải chuyển đổi lựa chọn ngành học, hoặc phải chờ thêm một năm khi chuẩn bị đầy đủ chứng chỉ tiếng Anh thì mới có hy vọng vào ngành mình mong ước.

Sức ép đối với các học sinh theo đuổi khối C00 ngày càng gia tăng khi trước đó vào hồi tháng 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã chính thức bỏ tổ hợp C00 khỏi tổ hợp xét tuyển đại học chính quy 2025. Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay cũng thông báo bỏ xét tuyển tổ hợp C00, thay bằng những tổ hợp bắt buộc có môn toán hoặc môn tiếng Anh. Trường đại học Thủ đô Hà Nội bỏ xét tuyển tổ hợp C00 ở các ngành luật, logistics và chuỗi quản lý cung ứng, tâm lý học, quản lý giáo dục. Trường đại học Mở Hà Nội cũng chính thức bỏ xét tổ hợp C00 từ năm nay.

Chất lượng đào tạo của trường và quyền lợi của thí sinh

Năm nay là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Về mặt lý thuyết là có thể mã hóa thành 36 tổ hợp thi tốt nghiệp (2+2) và 81 tổ hợp xét tuyển đại học trên cơ sở kết hợp các môn thi bắt buộc và tự chọn của thí sinh.

Từ thực tế này, một số trường đại học đã không còn dùng tổ hợp C00 để xét tuyển trong toàn trường, hoặc bỏ ra khỏi một số ngành đào tạo. PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói trên Dân trí: “Trường tăng cường lựa chọn các tổ hợp D14, D15, D01, D66... trên cơ sở định hướng đổi mới về các môn thi THPT, theo yêu cầu tuyển sinh của từng ngành và chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT. Việc này còn nhằm thực hiện chiến lược quốc tế hóa các chương trình đào tạo”.

Điều này có nghĩa là, việc các trường đại học bỏ khối C00 trong một số ngành hoặc toàn bộ các ngành tuyển sinh xuất phát từ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Hơn nữa, trường cũng muốn tránh tình trạng đầu ra của các ngành tuyển khối C00 chật vật về điểm ngoại ngữ theo quy định chung.

Mục tiêu đó là rất chính đáng, không sai, nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao các trường không công bố những thông tin này từ 3 năm trước khi học sinh mới bắt đầu cấp học PTTH, hay ít nhất cũng từ đầu lớp 12 để học sinh thuận tiện chuẩn bị?

Phía trường đại học cho rằng, họ đã tuân thủ Điều 11, Quy chế tuyển sinh đại học 2025, trong đó nêu rõ, các trường cần công bố thông tin tuyển sinh trước khi mở đăng ký dự tuyển đợt đầu ít nhất 30 ngày. Năm nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học từ 16/7 đến 28/7. Do đó, việc công bố như vậy được cho là không phạm quy.

Trong khi vấn đề còn gây tranh cãi thì Bộ GD&ĐT đã có công văn khẩn yêu cầu rà soát, không để ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, nhất là trong thời điểm hiện nay thí sinh đã hoàn thành việc đăng ký kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Chỉ đạo của Bộ được đưa ra sau khi học sinh bị bất ngờ bởi các thông báo tuyển sinh. Trong khi đó, tại Quy chế tuyển sinh đại học 2025 có Điều 11 để các trường đại học vin vào nhằm đưa ra thông tin tuyển sinh bỏ tổ hợp C00.

Với chỉ đạo mới nhất của Bộ GD&ĐT, nhiều thí sinh khối C00 hy vọng có cơ hội tuyển sinh vào những trường đại học nói trên với những ngành đã lựa chọn trong năm học 2025. Tuy nhiên sự việc diễn biến như thế nào thì còn chờ quyết định cụ thể của các trường đại học.

Sự đa dạng và bình đẳng

Từ thực tế vừa qua, vấn đề cần bàn bạc ở đây là sự đa dạng và bình đẳng. Có thể thấy rõ sự lùi bước của tổ hợp C00 với 3 môn truyền thống văn - sử - địa trước các khối thay thế khi tuyển sinh vào đại học, mà cụ thể là khối D với các môn văn - toán - ngoại ngữ.

Liệu rằng điều này có tạo ra sự bất bình đẳng và thiếu đa dạng hay không, nhất là khi có những học sinh mạnh về sử, địa nhưng lại yếu về toán, ngoại ngữ? Hơn nữa, ngay tại các trường đại học hàng đầu về ngành khoa học xã hội, nếu khối D lên ngôi thì các em mạnh về khối C00 trong thời điểm hiện tại sẽ thế nào?

Làm sao để tạo ra sự cân bằng trong vấn đề tuyển sinh các ngành khoa học xã hội, mà theo đó, bên cạnh việc khuyến khích học sinh theo đuổi những ngành này cần học tốt hơn toán và ngoại ngữ nhưng cũng không bỏ qua những học sinh có thế mạnh về sử, địa?

Tất nhiên cũng không thể phủ nhận, yêu cầu nâng cao chất lượng toán và ngoại ngữ cho học sinh định hướng theo đuổi các ngành khoa học xã hội cũng rất quan trọng. Khi có nền móng tốt về toán học và ngoại ngữ thì cũng sẽ hạn chế được tình trạng sinh viên sau khi ra trường gặp khó khăn, mắc lỗi cơ bản về soạn thảo văn bản, tính toán...

Thiết nghĩ, những vấn đề còn tồn tại trên cần được khắc phục một cách bài bản để việc tuyển sinh đại học ngày càng tốt hơn, thích ứng với thực tế cuộc sống cũng như các tiêu chuẩn chất lượng mang tính quốc tế nhằm cung ứng nguồn nhân lực tốt nhất cho xã hội.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!