Từ những nữ cầu thủ chân đất đến đội tuyển dự World Cup
Xem thông tin về lễ khai mạc World Cup bóng đá nữ 2023 với đại diện 32 đội tuyển tham dự trong đó có tuyển Việt Nam, tôi không khỏi xúc động nhớ lại những ngày đầu của đội bóng Hoa Học Trò - một trong hai đội bóng phong trào đã đặt nền móng cho bóng đá nữ Việt Nam từ năm 1992 (đội còn lại là tuyển nữ Quận 1 của TPHCM).
Danh sách đội bóng Hoa Học Trò lúc đó gồm 20 nữ cầu thủ, nòng cốt là các thành viên trong hội bút Hương đầu mùa. Lần đầu đội bóng kéo ra sân Quán Thánh (Hà Nội), tôi gặp huấn luyện viên Tạ Quang Hậu nhờ anh chỉ bảo. Anh Hậu ngạc nhiên hỏi:
- Bóng đâu? Sao lại đi chân đất cả thế này?
Thì ra lòng hăng hái hừng hực, nhưng cả đội chưa chuẩn bị gì cả, cứ thế kéo nhau đến sân. May thay, lúc ấy tình cờ có một nhóm nữ võ sinh karate cầm quả bóng đi qua. Chúng tôi liền thách đấu và được đáp ứng. Tiếng còi của trọng tài Hậu vang lên. Cả hai đội đều sử dụng chiến thuật "ruồi bâu" đá tung bụi mù.
Sau trận ra quân, trên số báo chuẩn bị kỷ niệm Hoa Học Trò một tuổi, chúng tôi đăng một thông báo "Nhắn bạn" vẻn vẹn bằng con tem, rằng bạn gái nào có sức khỏe và sở thích đá bóng thì đến sân vận động Quán Thánh ghi tên vào 7h30 - 8h chủ nhật ngày 4/10/1992.
Sáng hôm ấy, tôi và anh Lưu Quang Định (nay là Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay) đến nơi đã thấy rất đông bạn gái tề tựu. Danh sách ghi tên tới 200 người. HLV Tạ Quang Hậu gọi tên từng ứng viên ra cho sút bóng mất cả buổi, rồi chọn được 60 cầu thủ vào vòng sơ tuyển. Tòa soạn nhắc tôi bảo các em viết đơn và có sự đồng ý của phụ huynh mới được tập luyện.
Được sự ủng hộ của Giám đốc Trung tâm thể thao Quán Thánh Nguyễn Đình Hán - vốn là danh thủ của đội Thể Công, hàng tuần đội bóng đá nữ Hoa Học Trò đều có buổi tập luyện ở Trung tâm này. Cầu thủ quá đông nên chúng tôi chia ra thành ba sân tập. Một mình HLV Hậu không xoay xở được, giám đốc Hán xắn tay áo hăng hái tham gia hướng dẫn những động tác cơ bản cho các em.
Ngày ấy tòa soạn còn nghèo chưa có điều kiện cung cấp giày và áo cho các cầu thủ. Tôi còn nhớ một đôi giày ba ta khi đó giá 5 ngàn đồng. Nên hầu như các em đều đá chân đất. Nhưng lòng mê say, háo hức thì thực đáng khâm phục. Có một cô bé mới học lớp 7, đạp xe từ trường Tân Triều - một xã ở huyện ngoại thành Hà Nội, đến xin vào đội. Em đá thử, động tác khá điêu luyện, được HLV Tạ Quang Hậu đồng ý ngay. Đó là Nguyễn Thúy Nga, về sau trở thành tuyển thủ xuất sắc của đội tuyển nữ Việt Nam (hiện là một HLV bóng đá nữ).
Dịp khác, một cô bé cao dong dỏng, ăn mặc khá bụi, đi dép lê đến gặp tôi. Em cho biết tên là Nguyễn Thị Hà, học lớp 9 ở trường Ngọc Thụy, Gia Lâm, từng đoạt giải nhất môn chạy của học sinh Thủ đô và đang tham gia Câu lạc bộ Cầu lông, nhưng thích đá bóng nên xin chuyển sang.
Đều đặn mỗi Chủ nhật, Hà được bố đèo qua cầu Long Biên đến sân Quán Thánh. Sau này Hà cũng trở thành một danh thủ của đội tuyển Quốc gia.
Em Phùng Thị Minh Nguyệt khi đó đang học lớp 12 phổ thông Công nghiệp, đá bóng rất khá, nhưng bận học cuối cấp, bỏ dở không tham gia. Tôi và một phóng viên đến tận trường thuyết phục để Minh Nguyệt tiếp tục chơi bóng. Không biết việc "níu kéo" ấy đúng hay sai, nhưng cũng đã cung cấp cho bóng đá nữ Việt Nam một tiền đạo xuất sắc thế hệ đầu tiên. Sau này Nguyệt trở thành HLV bóng đá nữ.
Rất nhiều thành viên khác của đội bóng phong trào Hoa Hoa Trò ngày ấy đã được gọi vào đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Đội trưởng của tuyển nữ Hoa Học Trò - Bùi Hiền Lương, cầu thủ có hoa tay, thích vẽ, người tầm thước nhưng là một tiền đạo dũng mãnh, đã lên tuyển và trở thành đội trưởng có uy tín của đội tuyển nữ Quốc gia.
Bóng đá nữ Việt Nam đã đi lên từ thủa ban đầu sơ khai như vậy. Một hành trình dài và không dễ dàng để đến được sân chơi World Cup hôm nay.
Tôi đọc trên báo thì được biết rằng khẩu hiệu của World Cup nữ 2023 là "Beyond Greatness" (Còn hơn cả sự vĩ đại) bởi những gì sân chơi này mang đến cho bóng đá nữ thế giới. Thông điệp của FIFA: Phụ nữ chơi bóng đá đã là điều vĩ đại; việc họ biến giải đấu của giới nữ thành một giải đấu tầm cỡ toàn cầu, để rồi từ đó hướng đến việc thay đổi định kiến giới lại càng mang ý nghĩa lớn lao hơn.
Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đánh giá rằng, World Cup nữ diễn ra từ ngày 20/7 đến ngày 20/8 tại Australia và New Zealand là cơ hội để tôn vinh thành tích của phụ nữ trong lĩnh vực thể thao, đồng thời thay đổi nhìn nhận về bóng đá nữ và vấn đề bình đẳng giới.
UN Women cũng đang hợp tác với FIFA để kêu gọi hành động "Đoàn kết vì bình đẳng giới" và "Đoàn kết chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ" tại World Cup nữ 2023. Hai thông điệp này sẽ được thể hiện qua băng tay của các đội trưởng, bảng đèn LED kỹ thuật số, các lá cờ lớn, màn hình lớn trong sân vận động và qua mạng xã hội trong thời gian diễn ra giải đấu.
Ngày nay việc phụ nữ đá bóng đã trở thành bình thường, nhiều tuyển thủ nữ là ngôi sao được cả nước biết đến như Huỳnh Như, Thanh Nhã, Chương Thị Kiều, Hoàng Thị Loan…
Nhưng, chuyện con gái đá bóng vào đầu thập niên 1990 là một sự kiện gây xôn xao dư luận. Trong một lần bàn chuyện với Trung tâm thể dục thể thao, tôi tình cờ gặp một vị Thành ủy viên của Thành ủy Hà Nội, ông ta nói với tôi "bóng đá nam còn chẳng ăn ai, bày đặt bóng đá nữ làm gì". Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thúc đẩy phong trào, vì một lý do đơn giản là sự đam mê của các em. Chính sự đam mê trái bóng tròn của các em đã "cuốn phăng" tất cả những trở ngại.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên giành Huy chương Vàng bóng đá nữ Đông Nam Á trở về, các nữ tuyển thủ vẫn nhớ đến "cái nôi" ra đời, đem đến tặng báo Hoa Học Trò một quả bóng có đủ chữ ký của các danh thủ và… một lời thách đấu giữa tuyển quốc gia với tuyển phóng viên Hoa Học Trò.
Trận đấu đã diễn ra, không cần phải nói cũng biết là đội phóng viên Hoa Học Trò đã thua liểng xiểng tuyển Quốc gia như thế nào, phải mang rổ vào hứng bóng ra sao.
Có duyên với bóng đá nữ qua mấy thập niên, mỗi khi theo dõi truyền hình các trận thi đấu của đội tuyển nữ nước ta, tôi có một cảm xúc rất lạ. Tự hào vô cùng khi các em, các cháu ghi bàn, và rất xót xa khi những cầu thủ mang cờ đỏ sao vàng trên ngực áo bị đốn ngã.
Chắc chắn rằng hành trình đáng tự hào của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam những năm gần đây, những huy chương vàng các em, các cháu mang về, đặc biệt là những trận đấu ở World Cup nữ lần này, đã và đang thay đổi suy nghĩ của nhiều người và của xã hội về bóng đá nữ và vấn đề bình đẳng giới. Đây cũng chính là điều mà FIFA cũng như UN Women hướng tới. Và chúng ta, hãy góp phần hiện thực hóa thông điệp đó bằng những hành động thiết thực của mình, chứ không nên chỉ dừng lại ở sự cổ vũ trước màn hình tivi.
Tác giả: Ông Nguyễn Như Mai từng học đại học chuyên ngành địa chất, là Trưởng Ban biên tập đầu tiên của báo Hoa Học Trò.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!