Bóng đá và 2 màu huy chương ở SEA Games
Bóng đá Việt Nam đã kết thúc SEA Games 32 với tấm huy chương vàng (HCV) của đội tuyển (ĐT) nữ và huy chương đồng (HCĐ) của ĐT U22 nam.
Chặng đường SEA Games của ĐT nữ dễ dàng hơn rất nhiều so với U22 cho nên thật khó để so sánh. Chúng ta gọi các cô gái trong ĐT nữ là "những cô gái vàng" hay "những cô gái kim cương" bởi họ đã "bá chủ" bóng đá khu vực.
Bóng đá của Đông Nam Á nói chung dưới tầm châu Á và thế giới rất nhiều. Tầm của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã vượt khỏi khu vực Đông Nam Á và đã ở tầm châu lục. ĐT nữ Việt Nam là một trong những đội tuyển mạnh ở châu Á cho nên chúng ta sẽ tiếp tục chờ đợi họ sẽ làm gì tiếp theo.
Tất nhiên thành tích ở SEA Games - đấu trường khu vực - sẽ cần phải giữ, song các nữ tuyển thủ được kỳ vọng trên hành trình World Cup sắp tới, ở New Zealand và Australia. Chỉ có điều, ngay sau đó sẽ là một câu chuyện rất khác khi mà HLV Mai Đức Chung chắc chắn chia tay đội tuyển, rất nhiều cầu thủ nữ hiện đã sau độ tuổi 25, ví dụ Huỳnh Như cũng đã 32 tuổi.
Có thể nói, đội tuyển nữ của ông Mai Đức Chung đã ở đỉnh cao. Khi ông Chung ra đi, bóng đá Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, nền bóng đá nữ sẽ phải làm lại từ đầu và sẽ đặt ra câu hỏi về lứa kế cận khi mà giải nữ quốc gia èo uột như chúng ta đã biết.
Bởi vậy, với bóng đá nữ, sau SEA Games này sẽ tạo ra một bài toán rất khó, không hề đơn giản chút nào cho tất cả mọi người, và sẽ cần có một cuộc cách mạng lớn.
Còn với đội tuyển U22 nam, tôi cho rằng, tấm HCĐ lần này phản ánh chính xác chất lượng của lứa cầu thủ này. Như người ta hay nói "chỉ đến thế thôi", không nên kỳ vọng to tát quá. Nếu đặt mục tiêu phải vào chung kết, phải đạt HCV, tôi cho là "hơi bị ảo tưởng", là đánh giá quá cao những gì xảy ra trong thực tế. Chúng ta nên ủng hộ họ, nên chúc mừng họ vì điểm xuất phát của họ không cao. Không thể đặt mục tiêu quá cao, quá sức để rồi không làm được.
Với một đội hình nhiều vấn đề, một HLV mới và một triết lý bóng đá mới thì những gì mà đội tuyển bóng đá nam làm được trên chặng đường SEA Games vừa qua là đáng biểu dương. Tôi không đồng ý với nhiều ý kiến chỉ trích ông Troussier, chê trách lứa cầu thủ hiện tại gây thất vọng và so sánh với thời ông Park Hang Seo.
Nên nhớ, bóng đá không giống mì ăn liền. Kể cả mì ăn liền, để nấu cho ngon, cho đúng cũng cầu kỳ, phải mất thời gian. Bóng đá là cả một câu chuyện lâu dài và có thể nói, khởi đầu của ông Philippe Troussier là tốt, để cho thấy chúng ta đang ra sao và phải làm gì khi đây là lứa nòng cốt của đội tuyển quốc gia trong tương lai gần.
Sẽ có những mổ xẻ, phân tích: Liệu lối đá này có phù hợp hay không, cần phải bổ sung những vị trí nào, làm sao để khắc phục được những hạn chế trong chống bóng bổng? Đội hình này không có một thủ lĩnh vậy làm sao để tạo ra thủ lĩnh?
Rõ ràng, chiếc HCĐ đặt ra nhiều câu hỏi để trả lời hơn là những câu trả lời sẵn có. Câu trả lời sẵn có của lứa U22 chúng ta đã thấy rồi, người hâm mộ làm ơn đừng gây áp lực, đừng so sánh với thời ông Park Hang Seo nữa - đó là một đội tuyển hoàn toàn khác.
Cũng phải nói thêm, thời của ông Park Hang Seo trong 5 năm qua chiến thắng quá nhiều và tạo cho người hâm mộ sự ảo tưởng rằng chúng ta đã ở tầm nào đó của châu lục rồi. Nhưng trên thực tế, mọi chuyện không đơn giản vậy. Thế hệ cầu thủ thời Park Hang Seo đã mang lại nhiều thành tích thật, nhưng hãy thử hỏi xem, ông Park đã đưa lứa trẻ lên được bao nhiêu người? Trong từng đấy năm, ông Park gần như chỉ dùng loanh quanh một "quỹ cầu thủ" để giành chiến thắng vì áp lực thành tích. Thành ra, người hâm mộ đã quen với chiến thắng, quen với thành công nên thật khó chấp nhận về một lứa cầu thủ còn nhiều "khiếm khuyết" như hiện nay. Nhưng, bóng đá là vậy. Thành công của lứa trước không có nghĩa là sự đảm bảo cho thành công của lứa sau.
Người hâm mộ cần kiên nhẫn! Khoảng trống thành công này có thể còn kéo dài. Ông Park được thừa hưởng một lứa cầu thủ trẻ rất hay từ ông Hoàng Anh Tuấn nhưng câu chuyện với ông Troussier hoàn toàn khác. Chúng ta nên ủng hộ cho lứa cầu thủ hiện tại, họ đã ít được thi đấu lại còn bị "đày đọa" ở V-League, thậm chí không được đá chính, hoàn toàn không giống lứa trước. Lứa trước được thi đấu nhiều và trở nên quen thuộc với khán giả.
Để thay đổi tình trạng này không chỉ là vấn đề quy chế mà còn liên quan đến sự thiện chí của các câu lạc bộ (CLB). Các CLB vì thành tích trước mắt thường chỉ sử dụng những cầu thủ kinh nghiệm, những cầu thủ "tây" để chạy đá khoán. Hệ thống thi đấu đòi hỏi được kiện toàn và sự vắt ngang của mùa giải năm tới, kỳ vọng rằng các cầu thủ sẽ được thi đấu nhiều hơn, các HLV của các CLB cũng sẽ chiếu cố, trao cho họ nhiều cơ hội hơn nữa.
Thực tế, đây cũng là câu chuyện xảy ra ở nhiều nền bóng đá khác trên thế giới. Ngay cả ở Ý, HLV Roberto Mancini thậm chí phải nhập tịch các cầu thủ Argentina hoặc tìm các cầu thủ Ý kiều để đưa vào đội tuyển quốc gia. Các nền bóng đá lớn cũng gặp những vấn đề nghiêm trọng vì CLB không dùng cầu thủ trẻ, thậm chí không dùng cả những cầu thủ người bản địa. Do vậy, vấn đề hiện tại cho thấy vai trò của việc sử dụng cầu thủ trẻ trong giải cấp CLB.
Tôi nghĩ, sau SEA Games 32, ông Troussier chắc chắn còn nhiều điều chỉnh tiếp theo khi Việt Nam cử U20 dự giải Asiad 19 và U23 Đông Nam Á 2024. Đây là cơ hội để người hâm mộ "nhìn chân nhìn cẳng" họ chứ không nên gây áp lực thành tích.
Đội tuyển nam đang trải qua thời điểm giao thời, chuyển giao thế hệ, thời kỳ quá độ này chưa biết sẽ kéo dài đến bao giờ. Trong thời kỳ quá độ sẽ có những phép thử đúng và cả những phép thử sai. Không ngạc nhiên khi mà VFF ký hợp đồng với ông Troussier tận 4 năm, trao cho ông thời gian làm việc với những cầu thủ trẻ để nâng dần họ lên. Như vậy, bản thân VFF đã nhìn nhận được vấn đề của bóng đá Việt Nam, thậm chí dừng cả giải vô địch quốc gia để các cầu thủ trẻ tập trung. Có lẽ, họ biết lứa cầu thủ vàng đã qua và lứa mới lên còn non kinh nghiệm, trải qua 2 năm Covid không được đá.
Còn đội tuyển bóng đá nữ đang trên đỉnh cao với HLV Mai Đức Chung, khó có thể lên cao hơn nữa, và tới đây khó tránh khỏi một lúc nào đó sẽ đi xuống. Chúng ta đang quen leo đỉnh Fansipan mà World Cup tựa như đỉnh Himalaya vậy, một sân chơi rất lớn và mang lại nhiều cơ hội học hỏi. Nhưng ngay sau đây sẽ là: HLV Mai Đức Chung ra đi, lứa những cầu thủ như Huỳnh Như (32 tuổi) không đá được nữa. Rồi ĐT nữ cũng sẽ phải làm lại từ đầu và cũng sẽ có một quá trình chuyển giao. Mọi thứ đều cần có lộ trình và thời gian.
Khoảng trống thành tích có thể kéo dài 1-2 năm. Việc của người hâm mộ chúng ta hiện nay là hãy kiên nhẫn… thật kiên nhẫn và đừng quay lưng lại với đội tuyển nếu họ thất bại.
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc là bình luận viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt với bóng đá Ý. Anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế, tác giả của nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu thích.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!