Tâm điểm
Vân Thiêng

Từ "háo danh" đến "mua danh ba vạn"

Mạng xã hội mấy hôm nay ồn ào chuyện "Nhà thơ thế giới" được vinh danh tại sự kiện Gala chung kết Du lịch & tài năng kỷ lục châu Á - Doanh nghiệp thương hiệu vàng Đất Việt - Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam, do một Công ty truyền thông tổ chức ở Quảng Ninh.

Những danh hiệu mà đơn vị này vinh danh cho một cá nhân trong buổi lễ đó là chưa từng nghe trong làng văn chương hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật, giải trí… Tuy nhiên, chuyện sẽ không có gì đáng bàn, nếu chỉ dừng lại ở việc một số người lập nên hội hè rồi tự khen lẫn nhau.

Trước hết cần khẳng định rằng làm thơ là quyền cá nhân, cần được tôn trọng và nếu thơ hay thì tôn vinh. Cũng chẳng có quy định nào bắt người ta phải làm thơ theo một thể loại nào. Cho dù chúng ta mong muốn rằng thơ lục bát hay thơ tự do, thậm chí là "thơ văn xuôi" đi nữa thì thơ vẫn cần những thứ quy định riêng của nó. Hay nói cách khác là thơ phải ra thơ. Chí ít cũng là thứ văn bản có vần điệu và đọc được. Được chứ chưa cần hay. Vì hay - dở còn tùy trình độ của người sáng tác và đối tượng cảm nhận. Nhưng giữa mong muốn và thực tế có thể khác nhau và xã hội đa dạng là như vậy.

Vấn đề là, khi đã gắn danh hiệu với một người, nghĩa là hoạt động mang tính văn hóa thì hẳn danh hiệu ấy phải mang một ý nghĩa gì đó. Những danh hiệu được gọi tên tại sự kiện Gala chung kết nêu trên nghe thật kêu, nhưng lại không hề có thực. Thậm chí là vượt ra ngoài trí tưởng tượng của mọi người, như: Đại sứ quyền năng Tâm Tài Đức Việt Nam 2022; Đại sứ trọn đời, Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật cấp cao Liên minh Các nhà thơ Thế giới; Phó Chủ tịch Liên minh Những người bảo vệ các nhà thơ Thế giới; Chủ nhiệm nhiều CLB thơ trên thế giới và Việt Nam...

Lễ vinh danh trông có vẻ rất sang trọng khi cũng lung linh đèn hoa, với các người đẹp váy áo lượt là, kẻ ôm hoa, người đón bằng công nhận. Công chúng tham dự dường như cũng thấy buổi lễ vinh danh này rất "đáng tin cậy" khi trên tấm phông sân khấu có đính kèm logo nhiều cơ quan báo chí lớn của quốc gia, cùng nhiều đơn vị bảo trợ thông tin, nhiều doanh nghiệp tài trợ.  

Ấy vậy mà thực tế là đơn vị tổ chức đã tự ý gắn logo các cơ quan báo chí và nhà tài trợ lên phông sân khấu, tổ chức sự kiện khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Đây chính là vấn đề đáng bàn của sự kiện nêu trên.

Chắc chắn nay mai, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh sẽ nghiêm khắc xử lý đơn vị tổ chức và qua đó mong rằng các bên liên quan đều rút ra được những bài học cho mình.

Còn nhớ, mấy năm trước, báo chí, dư luận xã hội cũng từng xôn xao với tấm ảnh phông màn đón một "Nhà báo Quốc tế" về thăm trường cũ. Nhưng rồi, người ta phát hiện ra ở thời điểm đó anh này không có thẻ nhà báo và cũng không đủ tiêu chuẩn để làm hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Xa chút nữa, dư luận cũng đã từng ồn ào vụ một ông GS-TS, viện sĩ, nhà thơ chỉ sau vài đêm "ngủ cùng gió sương" trên đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh), bỗng trở thành: Thánh thơ (ông kể là được Thánh nhập). Oái ăm thay, về sau người ta chỉ ra rằng nhiều bài thơ ông làm hóa ra là "diễn Nôm" nội dung trong cuốn sách nghiệp vụ của một cán bộ Ban quản lý danh thắng Yên Tử - tỉnh Quảng Ninh.

Chẳng phải người xưa từng dạy rằng, đừng nên vì háo danh mà nhận những thứ không thuộc về mình và cảm thấy tự hào về điều đó hay sao?

Thói háo danh đang lây lan ra nhiều người, trở thành vấn nạn xã hội. Người giàu có, bạc tiền rủng rỉnh, muốn kiếm chút hư danh. Người chưa có gì thì mong chút danh hiệu để có tên có tuổi, chen chân vào giới showbiz… hay đơn giản là chỉ để cho oai.

Có cầu ắt có cung, những lễ vinh danh, những cuộc thi sắc đẹp nhân các sự kiện văn hóa, Hội chợ du lịch …. diễn ra ngày càng nhiều. Mỗi cuộc thi, mỗi lễ vinh danh tùy loại, với những thứ danh hiệu được đặt ra khác nhau. Từ Hoa hậu đến Nữ hoàng. Nào là Nữ hoàng Tâm linh; Nữ hoàng Thực phẩm; Nữ hoàng Khoáng sản; Nữ hoàng Giáo dục; Nữ hoàng Giày da... Thật là loạn hết cả lên. Ngay cả danh hiệu "Hoa hậu", "Á hậu" bây giờ cũng nhiều đến mức không ai nhớ nổi tên. Chỉ đến khi các "người đẹp" vướng mấy vụ lình xình, bị bắt trong đường dây này, tụ điểm kia thì bàn dân thiên hạ mới té ngửa!

Việc có quá nhiều "danh hiệu chui" tồn tại cho thấy tính háo danh trong xã hội và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của ngành chức năng. Nhiều khi người đời được phen nực cười và đằng sau là cái nhìn tiêu cực về các hoạt động văn hóa đó.

Trị thói háo danh, không có cách nào khác hơn là siết chặt quản lý các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn. Hội nhà văn Việt Nam cần có tiếng nói trên vai trò là tổ chức hội nghề nghiệp uy tín, nhằm hạn chế tình trạng "trăm hoa đua nở" các danh hiệu nhà thơ, nhà văn nói riêng, cũng như sự nở rộ các "tổ chức", "câu lạc bộ" thơ nói chung đang xuất hiện tràn lan hiện nay.

Cơ quan quản quản lý văn hóa, văn nghệ cần có các chế tài cứng rắn để ngăn chặn tình trạng "loạn" danh hiệu, "loạn" các cuộc thi để đời sống văn hóa xã hội được lành mạnh hơn.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!