Oái oăm thay "mua danh hiệu, chạy bằng khen"

Bích Diệp

(Dân trí) - Mọi danh hiệu khen thưởng đều quý giá, nhưng cũng sẽ có những người hùng thầm lặng. Và đáng trân trọng thay, khi rất nhiều người trong số họ không mưu cầu về thành tích, bằng khen.

Oái oăm thay mua danh hiệu, chạy bằng khen - 1

"Thực tế vừa qua kể cả trong thi đua khen thưởng cũng… "chạy": "chạy" danh hiệu, bằng khen, giấy khen, "chạy" danh hiệu anh hùng... Có trường hợp vừa trao danh hiệu anh hùng xong đã phải xử lý người nhận danh hiệu".

Trên đây là nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi trao đổi về Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) tại  phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội sáng 17/8.

Còn nhớ năm 2014, việc ông Hồ Xuân Mãn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế trở thành người đầu tiên trong lịch sử bị tước danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do bê bối khai gian dối thành tích. Đây trở thành một vụ việc chấn động dư luận thời bấy giờ.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc trao khen thưởng rồi lại thu hồi - một chuyện dở khóc dở cười nhưng lại không hề hiếm.

Mới đây thôi, vào hồi tháng 4, người dân nhiều địa phương trên cả nước cũng đã được một phen ngán ngẩm khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định hủy bỏ quyết định khen thưởng ông Võ Hoàng Yên và cộng sự "vì kết quả khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên và cộng sự không có hiệu quả và gây ra dư luận không tốt ở địa phương".

Việc hủy bỏ khen thưởng là hoàn toàn đúng. Nhưng công chúng sẽ không khỏi thắc mắc về quy trình, tiêu chí xét duyệt khen thưởng như thế nào mà ông Võ Hoàng Yên lại được vinh danh?

Phải đến khi có tố cáo, khi báo chí vào cuộc và khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cho thấy kết quả 776 người được ông Yên và cộng sự chữa trị đều không hiệu quả, thì khi ấy mới thấy việc khen thưởng là không thỏa đáng?

Còn gần đây nhất, vào tháng 6, UBND Thành phố Cà Mau cũng đã phải thu hồi danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" năm 2020 đối với 13 cán bộ của địa phương này.

Lý do là, UBND thành phố Cà Mau đánh giá những cán bộ này hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sau đó có quyết định công nhận "Chiến sĩ thi đua cơ sở", tuy nhiên, đây là những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy Cà Mau quản lý nên Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá lại các cán bộ này chỉ ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng nhấn mạnh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất". Từ những phong trào thi đua sẽ khuyến khích sự sáng tạo và năng suất lao động của mọi cán bộ, người dân trong cả nước, từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, sẽ rất bất công nếu những cá nhân không thi đua, không nỗ lực, không hành động, chỉ dựa trên "chạy danh hiệu" mà vẫn được khen thưởng. Tình trạng đó làm mất đi giá trị của danh hiệu, làm nhụt chí tinh thần thi đua của tập thể. Nếu danh hiệu "mua được" thì khen thưởng còn có ý nghĩa gì? Để động viên ai, nêu gương ai?

Không bỗng dưng mà có tình trạng chạy danh hiệu và nhận khống danh hiệu, không bỗng dưng mà một giai đoạn dài "bệnh thành tích" ăn vào máu một số cán bộ, công chức viên chức cho tới một số học sinh, sinh viên.

Bởi danh hiệu, đối với một số người, ngoài phục vụ thói háo danh còn gắn với "tiền tươi thóc thật", gắn với lợi ích kinh tế, và nhiều khi là gắn với cả quan lộ. "Công danh" đi liền với "sự nghiệp" là thế.

Cho nên, rất mừng "sản phẩm đầu tay" của công tác lập pháp nhiệm kỳ này là Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vào cuối năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa luật phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong phong trào thi đua yêu nước, trong đó đề cao vai trò của người đứng đầu, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp.

Cá nhân người viết cho rằng, sự khen thưởng, tôn vinh đúng người, đúng việc sẽ luôn tạo nên động lực để mỗi người trong xã hội vươn lên. "Người thật, việc thật; nghĩ thật, làm thật, kết quả thật". Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đất nước ta sẽ phải vượt qua giai đoạn khó khăn, chống chọi dịch bệnh và phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Mọi danh hiệu khen thưởng đều quý giá, nhưng cũng sẽ có những người hùng thầm lặng. Và đáng trân trọng thay, khi rất nhiều người trong số họ không mưu cầu về thành tích, bằng khen.

Xin đừng để cái "thực tế vừa qua…" như lời của Chủ tịch Vương Đình Huệ nói ở trên tái diễn.