Từ chuyện thủ khoa trượt nguyện vọng 1
Chuyện hai em thủ khoa tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) trượt nguyện vọng 1 ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa, khiến nhiều người bất ngờ. Khi chưa tìm hiểu kỹ thì có thể nhiều người sẽ đưa ra những lời phê phán nặng nề, làm sao mà thủ khoa toàn quốc lại trượt nguyện vọng 1 vào đại học được…
Nhưng, nếu bình tĩnh suy xét, chúng ta sẽ thấy rằng phương thức tuyển sinh đã được Đại học Bách khoa công khai từ trước, trong đó ngành Khoa học máy tính lấy 29,42 điểm (ưu tiên môn toán) và chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp không nhiều.
Cụ thể, trong tổng số 300 chỉ tiêu tuyển sinh toàn ngành khoa học máy tính, Đại học Bách khoa đã tuyển được số lượng lớn sinh viên theo phương thức xét tuyển tài năng hay dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy, do vậy chỉ còn một số chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp. Trong khi đó, hai em Nguyễn Mạnh Thắng (Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (Hưng Yên) cùng đạt 9,6 điểm toán, tổng 29,35 (điểm trúng tuyển từ 29,42), nên không thể vào được ngành học các em yêu thích.
Như vậy là "luật chơi" đã được công khai từ trước và hoàn toàn rõ ràng, do vậy tôi nghĩ rằng "người chơi" và những người quan sát nên tôn trọng cách thức tuyển chọn sinh viên của Đại học Bách khoa. Bởi vì hơn ai hết nhà trường muốn tuyển được những sinh viên chất lượng cho một ngành học hấp dẫn hiện nay, và với truyền thống đào tạo cũng như sự am hiểu về ngành học thì nhà trường tự biết nên xác định phương thức tuyển sinh như thế nào để đạt mục tiêu.
Cho dù chúng ta có thể góp ý để nhà trường tiếp tục hoàn thiện phương thức tuyển sinh, song cá nhân tôi đang nhìn thấy những tín hiệu tích cực từ sự chuyển dịch trong phương pháp tuyển sinh của các trường đại học nói chung và Đại học Bách khoa nói riêng. Đó là phương pháp tuyển sinh theo hướng tự chủ, đề cao sự chủ động của nhà trường dựa vào thi đánh giá tư duy, xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế (bài thi chuẩn hóa dùng tuyển sinh của đại học Mỹ SAT, hay hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế IELTS) chứ không chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tôi hiểu rằng trong quá trình chuyển dịch theo hướng tự chủ đó sẽ không tránh khỏi những trục trặc, những vấn đề cụ thể cần tiếp tục điều chỉnh, song đây là hướng đi đúng đắn mà gia đình, các em học sinh, nhà trường ở cấp phổ thông cũng như xã hội nên ủng hộ.
Vì sao đây là hướng đi đúng đắn? Vì chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng cần đa dạng cách đánh giá một thí sinh, không nên chỉ dựa vào một kỳ thi và cần áp dụng các kinh nghiệm quốc tế. Ở đây Đại học Bách khoa đang làm đúng như vậy.
Hướng đi này sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực cả trong tuyển sinh lẫn cách thức học tập của các em, và có lẽ nếu kiên định theo hướng tuyển chọn này thì chỉ trong vài năm tới chúng ta sẽ thấy rõ hơn kết quả, thấy rõ hơn năng lực và chất lượng học sinh cũng như cách thức các em học tại trường phổ thông. Xa hơn, nếu chúng ta cũng làm tốt theo hướng này, các trường đại học sẽ đào tạo ra được những cử nhân, kỹ sư có năng lực chứ không phải chỉ "học gạo", điểm cao trên giấy. Và qua đó, chúng ta nuôi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ có tư duy, có năng lực thực sự chứ không chỉ dừng lại ở bằng cấp đẹp.
Nhìn rộng ra, hệ thống giáo dục của chúng ta đang nỗ lực thay đổi theo hướng hiện đại và hội nhập với quốc tế, trong đó việc thi đầu vào (điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT dùng để xét tuyển đầu vào đại học) chỉ là một trong số các hình thức đánh giá và tuyển chọn.
Nhớ lại năm 1989, tôi trở thành sinh viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội mặc dù chỉ đạt 13,5 điểm ba môn toán, lý, hóa. Lúc đó thủ khoa là một bạn xuất sắc đạt 30 điểm, nhiều bạn bè tôi đạt từ 24 điểm trở lên (chỉ cần 22 điểm là được đi học ở Đông Âu). Tôi đỗ vào hệ B của trường... và coi là đỗ vớt.
Thật ra, tôi không phải là một học sinh kém, trong suốt những năm phổ thông tôi đều đạt học sinh giỏi và ở trong nhóm đứng đầu lớp về điểm số các môn toán, lý, hóa. Từ trải nghiệm của chính mình, tôi nhận ra những hạn chế của điểm số, của bảng điểm trong việc đánh giá, nhìn nhận con người.
Bây giờ sau hơn 30 năm nhìn lại thì có lẽ thế hệ chúng tôi đã đủ độ lùi thời gian để nhìn nhận rằng điểm số trong một kỳ thi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ngoài lực học thì còn là sự may mắn, sức khỏe, tâm trạng, thời tiết… Và quá trình học tập cũng như làm việc sau này của một con người, thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Các bạn học giỏi và thủ khoa sẽ có những thuận lợi trong sự nghiệp học hành và lựa chọn công việc sau này, nhưng rất khó để coi rằng những em đạt điểm cao qua các kỳ thi sẽ có sự nghiệp vượt trội so với các em điểm thấp hơn.
Nói như vậy để trở lại với quan điểm nêu trên của tôi, đó là chúng ta nên ủng hộ tự chủ của các trường trong tuyển sinh và đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, không chỉ dựa vào một kỳ thi, một cách chấm điểm nhất định nào đó.
Bao nhiêu thế hệ qua, các thế hệ học trò đã quen với việc dồn sức "luyện thi đại học" để mong có điểm cao, nhất là trong 3 năm cuối của chương trình phổ thông. Tình trạng này khiến các em sao nhãng kiến thức xã hội, coi nhẹ hoạt động thể chất và thiếu kỹ năng mềm trước khi bước vào đời…
Tôi không phải một người cực đoan đến mức coi thường điểm thi, nhưng nếu như tất cả nỗ lực của chúng ta chỉ nhằm đạt điểm cao mà quên lãng những kiến thức, kỹ năng, tư duy và các trải nghiệm khác trong cuộc sống thì đó là sự lệch lạc.
Hệ thống giáo dục và các trường học đang nỗ lực trở nên cân bằng hơn, hài hòa trong học tập và phát triển các phẩm chất khác nhau của học sinh, sinh viên và hướng đi này cần phải được thúc đẩy hơn nữa, nhanh hơn nữa.
Không chỉ vậy, tôi cũng mong rằng hệ thống tuyển chọn công chức, viên chức tiếp tục có những điều chỉnh để không quá dựa vào bằng cấp và quy trình mà phải đánh giá dựa trên năng lực, tư duy và trải nghiệm thực tiễn.
Cuối cùng, với hai bạn thủ khoa tổ hợp A00 đã không may mắn với nguyện vọng 1, tôi được biết các bạn vẫn đỗ nguyện vọng 2 vào Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Kỹ thuật máy tính (điểm chuẩn 28,29). Là một cựu sinh viên Bách Khoa, tôi muốn gửi lời chia sẻ rằng các em đừng nản lòng nhưng cũng đừng quá ỷ lại vào điểm số trong quá trình 5 năm ở Bách khoa. Đây hẳn là một ngôi trường chất lượng và nhà trường đang nỗ lực để có những thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn để rồi các em sẽ là những kỹ sư tài năng và thành công trong cuộc đời chứ không chỉ dừng lại ở việc có một tấm bằng đẹp.
Tác giả: Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!