Khe cửa hẹp đóng hẳn với hai thủ khoa trượt ngành "hot"

Mỹ Hà

(Dân trí) - Đại diện Đại học Bách khoa cho hay, hai thủ khoa khối A00 không thể đỗ vào ngành khoa học máy tính do sự cạnh tranh quá cao. Ngay cả lớp tài năng, hai bạn cũng không thể vào do đã tuyển đủ.

Hai thủ khoa không có cơ hội vào nguyện vọng 1

Nguyễn Mạnh Thắng (cựu học sinh  THPT chuyên Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương, Hưng Yên) là hai thủ khoa khối A00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Thế nhưng theo mức điểm chuẩn mà Đại học Bách khoa Hà Nội công bố chiều 22/8, cả hai thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 khối A00 đều trượt nguyện vọng 1 vào ngành khoa học máy tính của trường này.

Tối 22/8, một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng, hai thủ khoa khối A00 vẫn còn "cánh cửa hẹp" vào ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa bằng cách phỏng vấn để xét tuyển vào lớp tài năng.

Khe cửa hẹp đóng hẳn với hai thủ khoa trượt ngành hot - 1

Nguyễn Mạnh Hùng, thủ khoa khối A00 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: NVCC).

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 23/8, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết hai em không thể đỗ vào lớp tài năng.

Điều này không phải Đại học Bách khoa Hà Nội bỏ sót nhân tài mà do ngành này có tính cạnh tranh quá cao. 

Một khi không đỗ hệ thường, hai em thủ khoa trên khó đỗ vào lớp tài năng bởi chỉ tiêu của lớp này chỉ có 32 em nhưng rất nhiều thí sinh có học lực "khủng" đăng ký vào.

Lớp đã tuyển đủ chỉ tiêu, gồm các thí sinh tuyển thẳng do đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

"Thí sinh có đầu vào thấp nhất của lớp tài năng này ít nhất cũng đoạt giải nhì Vật lý quốc gia, nên hai thủ khoa khối A00 chắc chắn không có "cửa", ông Điền nói.

Tôi nghĩ hai thí sinh này đỗ vào ngành kỹ thuật máy tính cũng là ngành rất tốt, điểm chuẩn cao của trường.

Đây là ngành kết hợp giữa kỹ thuật công nghệ thông tin và điện tử, tức kết hợp cả phần cứng và phần mềm. Do vậy, đây cũng là lựa chọn thông minh của hai em", PGS Điền chia sẻ.

Ngành học có điểm chuẩn cao đứng đầu cả nước

Trở lại với ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội, vài năm trở lại đây, ngành này có điểm chuẩn cao nhất, thuộc top 1 cả nước.

Từ năm 2020 đến nay, riêng năm 2022 nhà trường không xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các năm còn lại, điểm chuẩn dành cho phương thức xét tuyển này là 25,15 điểm, còn lại các năm khác đều ở mức trên 29 điểm.

Cụ thể, năm 2020, điểm chuẩn ngành này ở Đại học Bách khoa Hà Nội là 29,4; năm 2021: 29,43; năm 2022 là: 25,15 và năm nay 29,42.

Ngoài hệ đào tạo chuẩn, người học có thể chọn theo hệ tài năng khoa học máy tính và chương trình liên kết với Đại học Troy.

Theo một chuyên gia thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa học máy tính đào tạo về phần mềm, liên quan đến lập trình phát triển ứng dụng chạy trên máy chủ (server), máy tính (PC, laptop và thiết bị cá nhân thông minh), sử dụng các kiến thức về công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin nói chung.

Khe cửa hẹp đóng hẳn với hai thủ khoa trượt ngành hot - 2

Thủ khoa khối A00 Nguyễn Mạnh Thắng (cựu học sinh trường THPT chuyên Bắc Giang) (Ảnh: NVCC).

Khi học ngành này, sinh viên sẽ nắm được cả về cách viết phần mềm, cách làm phần cứng và làm thế nào để tích hợp phần mềm và phần cứng này thành một hệ thống thống nhất để giải quyết một vấn đề thực tiễn.

Cụ thể, ở hệ cử nhân, người học có thể làm lập trình viên, tư vấn, quản trị dự án, giám sát chất lượng, chuyên viên kỹ thuật tại những phòng CNTT của các doanh nghiệp hoặc các cơ quan Nhà nước.

Với kỹ sư công nghệ phần mềm, người học có thể làm kỹ sư xây dựng giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; kỹ sư phát triển phần mềm…

Với kỹ sư hệ thống thông tin, người học có thể tư vấn, quản trị và đánh giá cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp…

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết khoảng năm 2016, 2017, Đại học Bách khoa chỉ muốn tạo ra một ngành có hợp tác quốc tế để tăng cơ hội cho thí sinh thế nhưng không ngờ những năm gần đây ngành này "bùng nổ".

"Chúng tôi còn có nhiều ngành học rất thu hút, điểm chuẩn cao nhưng không hiểu sao xu thế nhiều em muốn vào ngành khoa học máy tính.

Vài ba năm trở lại đây, ngành này bỗng nhiên bùng nổ và có mức điểm chuẩn cạnh tranh "sứt đầu mẻ trán" đối với các thí sinh", PGS Điền nói.

Mặc dù vậy, theo PGS Điền, cho dù học bất cứ ngành nào, việc phát huy kỹ năng, kết hợp với tận dụng cơ hội học tập, mới là một trong những yếu tố khiến các em dễ đi đến thành công nhất. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm