"Con chúc mẹ kiếm được nhiều tiền"
Mỗi sáng trước cổng trường, các con thường tạm biệt tôi bằng câu: "Con chúc mẹ đi làm vui vẻ". Đáp lại, tôi nói với con: "Mẹ chúc các con đi học vui vẻ". Bỗng dưng một hôm, con tôi đổi lời chúc thành: "Con chúc mẹ đi làm kiếm được nhiều tiền nhé".
Câu chúc của con khiến tôi suy nghĩ suốt nhiều ngày. Tôi nghĩ về tiêu chuẩn của thành công và giá trị của một con người từ nhỏ đến lớn.
Thường chúng ta vẫn mặc định, học tập là nhiệm vụ của con trẻ, giống như lao động là nhiệm vụ của người lớn. Thước đo kết quả học tập là sự phát triển năng lực, phẩm chất, điểm số, giải thưởng. Thước đo kết quả lao động gồm nhiều đơn vị đo hơn: chất lượng sản phẩm, thành tích, sự ghi nhận của nơi làm việc và xã hội, sự thăng tiến, thu nhập…
Tuy vậy, theo thói quen, chúng ta thường xác định một đứa trẻ thành công bằng câu hỏi "bao nhiêu điểm", "học trường nào" và xác định một người lớn thành công bằng câu hỏi "làm chức gì", "lương bao nhiêu".
Trong vô thức, cách ta hỏi đã loại ra ngoài khái niệm thành công những gì thuộc về năng lực, phẩm chất, sự cống hiến, tình yêu đối với học tập và lao động - những gì tạo nên giá trị thực sự của một con người, dù là người lớn hay con trẻ.
Câu chúc "đi làm kiếm được nhiều tiền" của con khiến tôi bất giác cảm thấy áp lực. Bởi vì, nếu dùng thu nhập làm thước đo kết quả lao động, tôi chưa bao giờ là một người lao động thành công.
Tôi chưa có thành tích gì đáng kể trong công việc, chưa bao giờ là "ngôi sao" ở nơi làm việc, không nằm trong tốp những người dẫn đầu. Sản phẩm lao động nhiều lần ở mức trung bình.
Thật may mắn cho tôi, không ai truy vấn tôi hằng ngày bằng câu hỏi: hôm nay kiếm được bao tiền, đứng thứ mấy ở cơ quan.
Thế nhưng, phần lớn cha mẹ chúng ta hỏi con câu tương tự sau mỗi kỳ thi, thậm chí sau mỗi bài kiểm tra. Rồi chúng ta tìm đủ cách để lấp liếm, che đậy sự ham chuộng điểm số, sự coi trọng thành tích, sự háo danh, sự hơn thua, sự so đo với con cái, và rất nhiều khi, với chính mình.
Mỗi khi tôi nói "mẹ không quan trọng điểm số…", con gái tôi sẽ lập tức nối câu "...nhưng điểm thấp lại là một câu chuyện khác". Bởi con đã nhìn thấy vẻ mặt chẳng lấy gì làm vui vẻ của tôi khi ký vào phiếu kiểm tra được 7 điểm của con.
Con tôi từng vừa khóc vừa "mắng" mẹ khi tôi lỡ khen bạn cùng lớp con học giỏi toán: "Tại sao con giỏi thể dục, giỏi âm nhạc, giỏi mỹ thuật mẹ không khen? Tại sao cứ phải giỏi toán, giỏi văn, giỏi tiếng Anh mới được khen?".
Nếu như không phải vì bị con "mắng", có lẽ tôi cũng không nhận ra rằng, tôi "cùng một giuộc" với phần lớn những bà mẹ khác, thường chỉ nhìn vào điểm ba môn toán, văn, tiếng Anh mà không động tâm tới những dòng chữ ghi "HTT" (hoàn thành tốt) ở môn thể dục, mỹ thuật, âm nhạc. Trừ khi chúng tôi có ý định nộp hồ sơ cho con vào trường Ams.
Mấy ngày nay, mạng xã hội đồng loạt chia sẻ bức tâm thư được cho là của một học sinh lớp 10 tại TPHCM gửi tới cha mẹ, thầy cô và lãnh đạo ngành giáo dục. Bức thư khuyết danh này được đăng lên mạng từ năm 2018, mỗi năm lại được chia sẻ rầm rộ một lần.
"Từ một lúc nào đó, mọi người lại đánh giá nhau thông qua những con điểm. Chỉ vì những con điểm vô giá trị mà đã đẩy biết bao số phận học sinh vào bước đường cùng, đã khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái và giáo viên - học sinh trở nên căng thẳng, ngột ngạt.
Cuộc sống của những học sinh giờ đây gần như chỉ xoay quanh học. Chúng cháu không biết đến khái niệm nghỉ ngơi, thư giãn", một đoạn trong thư viết.
Tất nhiên, lá thư được chia sẻ luôn kèm theo những lời chỉ trích nền giáo dục nước nhà, chỉ trích chương trình giáo dục phổ thông, chỉ trích nhà trường, thầy cô và những bậc cha mẹ đã đẩy con vào cảnh "kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ HỌC".
Nhưng, có bao nhiêu trong số những người chia sẻ lá thư thực sự bình thản khi con điểm kém, con nằm trong nhóm học sinh "đội sổ", con có nguy cơ không đỗ lớp 10, và trầm trồ khen ngợi khi con hoàn thành tốt môn thể dục?
Có bao nhiêu đứa trẻ đi học thêm kín tuần do bị thầy cô ép chứ không phải do cha mẹ chạy đua thành tích, chạy đua lớp chọn trường chuyên, chạy đua để con "bằng bạn bằng bè"?
Có bao nhiêu đứa trẻ đi học thêm ngày đêm chỉ để theo kịp chương trình phổ thông chứ không phải do cha mẹ không muốn dành thời gian buổi tối để hướng dẫn, hỗ trợ con học bài, hoặc do cha mẹ mang nỗi lo vô thức không học thêm sẽ bị điểm kém?
Chúng ta cần thẳng thắn với nhau rằng, nền giáo dục nước nhà còn nhiều vấn đề nhức nhối nhưng người làm cha mẹ là một cấu phần của nền giáo dục đó. Cách vận hành của giáo dục gia đình tác động lên cách vận hành của giáo dục nhà trường, đồng thời tác động đến chính sách giáo dục vĩ mô.
Do vậy, thay vì chỉ trích nền giáo dục lẫn "bố mẹ nhà người ta", mỗi chúng ta nên quan sát và kiểm soát từng tiếng chép miệng và cơ mặt của mình mỗi khi con có điểm kém.
Trên tất cả, từ lời chúc "đi làm kiếm được nhiều tiền" của con tôi và từ lá thư kêu cứu (giả định là) của học sinh lớp 10, tôi nhận ra rằng, áp lực với một đứa trẻ không phải là chuyện học nhiều học ít, điểm thấp điểm cao mà nằm ở chỗ chúng không biết ý nghĩa của việc học là gì cũng như giá trị của bản thân nằm ở đâu.
Giống như tôi, nếu như không hiểu ý nghĩa của công việc mình làm, không được ai ghi nhận, không tìm thấy giá trị bản thân, tôi cũng sẽ "kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ LÀM".
Trẻ con hay người lớn đều cần biết những gì mình làm mỗi ngày là vì điều gì, mang lại lợi ích gì, tại sao cần phải làm, ý nghĩa của việc đó đối với bản thân và sự đánh giá, ghi nhận của những người xung quanh với việc mình làm như thế nào.
Tôi tin rằng, khi đã thấu tỏ những điều đó và khi được ghi nhận một cách xứng đáng, con trẻ sẽ tự nguyện học hành đến nơi đến chốn, người lớn sẽ tự nguyện lao động đến nơi đến chốn.
Thành quả sẽ đến, không phải là điểm cao, giải thưởng, thu nhập khủng hay thăng chức mà là niềm vui sướng của cả quá trình được học, được làm, là nỗi hân hoan âm ỉ của sự lớn lên trong chính bản thân mình.
Chỉ khi ấy, mỗi ngày đến trường mới thực sự là một ngày vui. Nhưng trước tiên, tôi cũng phải cho con thấy mỗi ngày mẹ đi làm là một ngày hạnh phúc.
Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!