Nhà chung cư trong bão
Lâu nay các tòa nhà chung cư cao tầng luôn được xem là một biểu tượng của sự tiện nghi, to lớn, chắc chắn, an toàn trước mưa bão hơn hẳn so với nhà ở thông thường.
Tuy nhiên, trước một cơn bão dữ, mưa gió cuồng nộ, kéo dài liên tục nhiều giờ như bão Yagi, nhiều người dân sống trên các căn hộ chung cư cao tầng đã có những trải nghiệm khó quên về sức mạnh thiên tai, cũng như thấy được cần thiết phải sớm có các giải pháp đảm bảo an toàn tốt hơn và cao hơn.
Sau khi bão bắt đầu đổ bộ là lúc nhiều người dân trong căn hộ cao tầng bắt đầu nhận thấy sự đe dọa bởi những cơn gió giật rung bần bật cấu trúc cửa sổ, cửa ban công. Gió dữ cũng liên tục "hú hét, thét gào" qua từng khe trống trong nhiều giờ liền.
Tiếp sau, cùng với gió giật mạnh còn có sự góp mặt của mưa nặng hạt xối xả. Những cánh cửa sổ, vách, cửa ban công bằng khung nhôm kính đã cho thấy sự bất lực trước những đợt gió và mưa quật.
Nước bắt đầu ngấm rỉ vào từ tất cả các khe dù đã có khuôn và hèm, gioăng cao su đầy đủ. Người dân phải đối phó bằng cách bịt giẻ và khăn để nhanh chóng thấm nước. Nhưng khi nước phun thành tia lớn qua các khe ghép nối khung và khuôn cửa từ mọi hướng thì việc chống đỡ gió và nước mưa trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Trong bão, một số căn hộ bị gió lốc và mưa cuốn phăng cửa sổ, vách kính, lại có những căn hộ bị nước chảy xối xả từ trần nhà thẳng xuống sàn. Ngoài ban công gió quật tơi bời bồn hoa, cây cảnh.
Vào chiều tối ngày 7/9, mưa to gió lớn khiến nhiều người dân sống trên tầng cao bắt đầu cảm nhận được sự rung lắc của tòa nhà. Nhiều người đã chia sẻ cảm nhận "giống như say sóng". Áp lực gió cực mạnh khiến các tất cả các cửa ra vào đều không thể mở được, dẫn đến mọi ý định di dời ngay lúc đó bị dập tắt.
Tình cảnh càng trở nên khó khăn hơn khi nhiều khu chung cư phải cắt điện, thang máy.
Trong tầng hầm để xe, nước tràn vào từ tất cả mọi ngóc ngách, đe dọa các tài sản giá trị lớn ở đây. Còn tại sảnh tầng trệt, gió và mưa giật sập trần và cửa kính vỡ ngổn ngang. Trong khuôn viên nội bộ giữa các tòa nhà cao tầng, nhiều chỗ nước dâng ngập cao từ 60 - 70cm, nhiều cây xanh to cũng như nhỏ đổ rạp, bật gốc trơ rễ.
Thực tế mà tôi ghi nhận trên đây từ trải nghiệm của chính mình, của bạn bè và trên mạng xã hội là lời cảnh báo về việc cần sớm hoàn thiện đồng bộ các quy định đảm bảo an toàn cho nhà chung cư cao tầng, nhằm ứng phó hiệu quả với các cơn bão lớn có thể còn diễn biến rất phức tạp trong tương lai.
Được biết đến là kiểu nhà hiện đại của kỷ nguyên mới với chiều cao và khối tích lớn, tổ chức hình khối phức tạp có nhiều góc cạnh, tập trung đông dân cư. Khi có thời tiết dông bão mạnh, các tác động lên cấu trúc tòa nhà rất phức tạp bởi sự kết hợp cộng hưởng của nhiều yếu tố khách quan như: tác động tải trọng gió giật, tác động của mưa tạt và nước ngập, của sự rung lắc công trình…
Và còn cả nguyên nhân chủ quan như: Thiếu quy trình ứng phó hiệu quả, tâm lý hoảng loạn và khả năng tự thoát hiểm kém của cư dân.
Do vậy, nếu xảy ra sự cố trong thiên tai mưa bão, chắc chắn thiệt hại về người và của là rất lớn. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc xây dựng các quy định và quy trình đảm bảo an toàn để ứng phó hiệu quả trong các trường hợp khẩn cấp cho nhà cao tầng đã được nghiên cứu từ rất sớm. Trong đó, nêu rõ các quy định về an toàn ngay từ giai đoạn quy hoạch vị trí, thiết kế kiến trúc công trình, tổ chức không gian các căn hộ, cho đến quy trình di dời và thoát nạn, vận hành bảo dưỡng các không gian/thiết bị cứu hộ cứu nạn với mức độ chi tiết rất cao.
Việc thực nghiệm chống chọi mưa to, gió lớn với mô phỏng như thật được yêu cầu thực hiện bắt buộc với các công trình cao tầng ở vị trí bất lợi trong đô thị, nhằm xem xét áp lực tải trọng gió, các vị trí gió giật, sự dao động rung lắc của tòa nhà trong điều kiện gió và mưa bão…
Tại Việt Nam, dù ngành Xây dựng đã sớm nghiên cứu và ban hành các quy định pháp lý về kiến trúc, kết cấu công trình đảm bảo an toàn, tiện nghi hiệu quả cho chung cư cao tầng, góp phần hữu hiệu cho việc phát triển đồng bộ hệ thống nhà chung cư cao tầng ở khắp các tỉnh, thành phố thời gian qua.
Tuy nhiên, trước các diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, khả năng phải đối mặt với các cơn bão dữ như Yagi sẽ còn xảy ra, theo tôi chúng ta cần sớm đổi mới, nâng cấp hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế đảm bảo an toàn chống chịu bão cho nhà chung cư cao tầng dựa trên tiêu chí chính là: "Phòng từ xa, ứng phó hiệu quả".
Trong đó, cần quy định rõ các yêu cầu chi tiết về khả năng thoát nước hiệu quả khi xảy ra úng ngập cục bộ trong điều kiện mưa bão lớn, độ an toàn trong thiết kế lớp vỏ bao che, kín gió, kín nước, bền vững… tránh tình trạng lạm dụng kính trên mặt tiền.
Kết cấu chịu lực công trình phải đảm bảo chống được các giao động rung lắc, triệt tiêu các tác động cộng hưởng như gió, mưa, nước ngập. Thiết kế tổ chức không gian đảm bảo không để áp suất ấn vào các cửa đi chính, đảm bảo khả năng di dời thoát hiểm khi có sự cố, đồng thời nâng cấp phòng cộng đồng đa năng hiện có trong các tòa chung cư thành nơi tránh trú bão an toàn, hiệu quả tại chỗ.
Chúng ta cần hạn chế việc sử dụng vật liệu, kết cấu bao che mặt tiền, đặc biệt là các cấu kiện cửa sổ, vách, cửa ban công khung kim loại và kính không đảm bảo chất lượng.
Cơ quan chức năng phải kiểm tra quy trình gia công sản xuất, thi công lắp đặt các cấu kiện cửa sổ, vách, của ban công khung kim loại, vì đây là chỗ xung yếu dễ bị tổn thương nhất trên mặt tiền công trình chung cư cao tầng khi có gió bão. Theo đó, chú trọng kiểm tra các khâu như: bơm keo dán khi lắp ráp các mối nối cửa vách kim loại, lắp hệ giăng cao su và hèm cho cửa, bơm keo xốp vào các lỗ trống giữa tường và khung cửa… Những chỗ này hay bị làm ẩu thậm chí bỏ qua, ảnh hưởng lớn đến khả năng chống chịu bão của từng căn hộ và cả công trình.
Sau cùng, một quy trình hướng dẫn cụ thể về tổ chức các đội cứu hộ tại chỗ có khả năng xử lý hiệu quả tức thời, quy trình cắt hay bật điện sinh hoạt, mở hay đóng hệ thống thang máy, di dời đồ đạc ngoài ban công và di dời bắt buộc người dân trong từng mức độ cụ thể là điều cần làm. Đặc biệt, chính quyền địa phương nên có các khóa nâng cao nhận thức về khả năng ứng phó/thoát hiểm cho người dân nhà chung cư cao tầng trong điều kiện dông bão.
Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!